Anh NguyỄn NgỌc NhỰt (1918-1952)
Tuesday, February 17, 2015 5:46
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
(Sau bài về bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, xin giới thiệu vài nét về số phận một trong các thành viên của lớp trí thức Việt trở về từ Pháp năm 1946, cũng lấy vợ Pháp, người đã từ chối trở thành Bộ trưởng bộ quốc phòng…Trong số những người trở về, ông có số phận nghiệt ngã nhất và cái chết vinh quang nhất!)
Lúc ở Pháp, Nhựt thi đỗ vào trường Trung tâm cơ khí của Paris và trong suốt mấy năm ở trường đó anh đến ăn cơm trưa và tối ở quán cơm chung cư của tôi, nên dù không học cùng trường với tôi anh ta đã là bạn thân của tôi. Sau này anh ra đi làm cho hãng của Pháp…
Anh ta là con của một cụ giáo chủ đạo Cao đài ở Bến Tre, nhà giàu có nhưng vì chiến tranh thế giới thứ 2, nên gia đình không gửi tiền qua cho anh tiêu được, nên anh ta cũng như nhiều sinh viên khác như tôi đều được cấp một số tiền lương như nhau do Bộ Hải ngoại Pháp cung cấp, lương tối thiếu để ăn ở và chi phí học hành, nên những người giàu như anh và nghèo như anh Lê Văn Thiêm và tôi cũng như nhau về mặt ăn tiêu. Trong mấy năm ở Paris Nhựt tỏ ra là một sinh viên chăm chỉ và cũng không chơi bời gì lắm. Thế nhưng sau khi đỗ ra trường rồi cuối năm 1945, anh ta đã quen một cô đầm dáng người nhỏ nhắn, điềm đạm ít nói và đã cưới cô ta làm vợ. Khi chúng tôi xuống thuyền Félix Roussel để về nước cuối năm 1946 thì đã thấy anh cùng về và chị vợ cũng đi theo anh cùng chúng tôi về Việt Nam.
Trong cả tháng lênh đênh trên biển cả, từ Địa Trung Hải qua Biển Đỏ (Hồng Hải) rồi đến Ấn Độ Dương, chúng tôi ít nghe chị ta nói chuyện với chúng tôi và ngay cả với chồng. Tôi hỏi Nhựt: Cô ta có tình nguyện về Việt Nam hay vì sức ép tâm lý gì? Nhựt nói: Cô ta tình nguyện đấy, nhưng cô cũng không biết gì về Việt Nam, tưởng nó cũng như một vùng ngoại ô của Paris hay một vùng miền Bắc miền Nam gì của Pháp, và tôi cho rằng, nếu sống ở Sài Gòn thì cảm nghĩ của cô ta cũng không sai lắm. Khi tàu chúng tôi rời Singapore để đi đến Sài Gòn, tôi hỏi Nhựt: chúng ta đã quyết định vào chiến khu Nam Bộ, vậy Nhựt có định đưa cô vào chiến khu hay để cô ở lại Sài Gòn, hoặc cho cô quay về Pháp, thì Nhựt nói: tôi chưa bàn với cô ta về chuyện vào chiến khu. Khi tàu đến Sài Gòn thì anh em chúng tôi, trong đó có Nhựt, quyết tâm một lần nữa liên lạc với chiến khu để tham gia kháng chiến, và đoàn chúng tôi cũng để cho Nhựt quyết định lấy tương lai của gia đình mình, có phải xé lẻ hay đoàn tụ trong chiến khu.
Khi chúng tôi ra bưng biền sau mấy tuần nghỉ ngơi ở Sài Gòn, thì chỉ có mấy anh em là anh Hoàng Xuân Nhị, Trần Văn Du, Lê Văn Võ và tôi. Anh Nhị báo cho biết là Nhựt sẽ xuống một chuyến sau, vì anh ta đã xin bác sĩ Hưởng, người cầm đầu mối liên lạc giữa chúng tôi và Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ trong chiến khu, cho phép anh ta đi về thăm nhà ở tận Bến Tre. Gia đình Nhựt là một gia đình nổi tiếng vì cụ bố anh là một giáo chủ Cao đài giàu có và yêu nước, đi theo kháng chiến ngay từ lúc đầu, hiến tặng hầu hết gia tài cho cách mạng; ông anh ruột của Nhựt, Nguyễn Ngọc Bích, là một người từng học trường Bách Khoa rồi trường Quốc gia cầu đường ở Paris, sau đó về nhà vào chiến khu làm đến chức Phó tư lệnh khu 9, và bị bắt trong lúc lên Đà Lạt để được nhập vào đoàn đàm phán của Chính phủ ta với một đoàn đàm phán của Pháp (sau ông bị quản thúc tại Pháp), cho nên chúng tôi tin chắc là Nhựt sẽ nối gót cha và anh theo kháng chiến và sẽ vào bưng biền với chúng tôi.
Quả nhiên, vài ba tháng sau, khi tôi đang làm cố vấn của Nguyễn Bình về công tác phá hoại trong lòng địch, có lần tôi xuống kênh Dương Văn Dương nơi đóng trụ sở của Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, thì đã được gặp Nhựt đi dạo trên bờ kênh. Tôi mừng quá hỏi ngay: thế cậu có đem vợ cùng xuống không? Nhựt cười và bảo: Mình đã cho cô ta về Pháp lại rồi, để cô ở Sài Gòn một mình thì không được vì cô quen có mình bên cạnh, không thể sống mà không có mình, tiếng Việt thì không biết, còn nghe nói về bưng biền quá nhiều muỗi và đời sống thì khó khăn nên cô ta để cho mình vào trước rồi khi nào kháng chiến thành công, cô ta sẽ quay về Việt Nam. Tôi hỏi thì mới biết Nhựt đã được cử làm Uỷ viên xã hội của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Anh ta nói: – Tất cả cái học về cơ khí của mình bây giờ sẽ dẹp qua một bên để làm một việc mà mình thấy rất khó. Tôi nói: – Thì ai vào kháng chiến cũng như vậy cả, mình học xây cầu thì lại phải tự học cách phá cầu. Nhưng khó nhất là cậu nên tránh sự va chạm với nhân vật này nọ, vì mình biết cậu tính nóng. Quả thực ngay lúc ở Paris, Nhựt cũng đã nổi tiếng nóng nảy, không chịu được lâu những cái bất công hay vô lễ từ những người khác. Nhựt đồng ý với lời khuyên của tôi. Vì đang còn tuổi dưới 30 nên anh ta được cử vào Ban chấp hành đoàn thanh niên, phụ trách đoàn là anh Trần Bạch Đằng và tôi là một trong những phó đoàn, phụ trách công chức và sinh viên, học sinh.
Một ngày tháng 6 năm 1948, đoàn thanh niên họp đại hội toàn Nam Bộ tại kênh Nguyễn Văn Tiếp, Nhựt và tôi đều dự định đến dự, cuộc họp sẽ bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày thứ 2, nên đại biểu đêm đó tự chọn lựa lấy nhà dân để ngủ chờ đến sáng mai thì tập hợp tại một nhà rộng rãi về phía phải của kênh. Nhựt ngủ đêm tại nhà họp, còn tôi nghỉ đêm tại nhà một “má chiến sĩ” ở ngay phía trái của kênh nhưng đối diện với nhà Nhựt. Các đại biểu đoàn viên gặp nhau thì chắc đêm đó cũng ít ngủ. Đúng 5 giờ sáng, tiếng máy bay địch gầm trời, và quân Pháp đã nhảy dù ngay xuống trụ sở mà đoàn chọn để họp, trong đó Nhựt cũng như nhiều anh chị em khác đang còn thiêm thiếp giấc nồng. Hàng trăm quân nhảy dù đã bủa vây vùng các nhà sẽ dùng cho cuộc họp, trong các nhà đó có rất nhiều nữ và nam đại biểu. Một số lớn đã bị bắt, trong đó có anh Trần Bạch Đằng và Nhựt, một anh là cán bộ Thành Uỷ Sài Gòn, một anh là Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Tôi ở bên này kênh mục kích cuộc nhảy dù và cuộc bắt đầu đánh nhau giữa quân nhảy dù và các trung đội bảo vệ cuộc họp, nhưng đoán được kết quả rất bất lợi cho phía ta và cũng không dám chắc là nó không tiếp tục nhảy dù bên phía này của kênh, hoặc bằng cách dùng những chiếc thuyền trưng dụng trên kênh, chúng nó có thể tràn qua bên kênh này, nên tôi phải bỏ địa điểm đi gấp. Lúc tôi đến thì bằng chiếc thuyền riêng, bây giờ phải cột chặt chiếc thuyền lại ở bến của nhà “má”, sau đó ông Sáu, người chèo thuyền và tôi cùng nhau chạy dọc ngược theo bờ kênh trong khi máy bay địch rượt theo bắn xối xả vào những chiếc thuyền đang đi trên kênh. Chúng tôi chạy khoảng 2 ki lô mét thì đến chợ Mỹ An, máy bay địch cũng chỉ rượt theo đến đó. Chúng tôi băng qua một kênh sẽ dẫn đến kênh Dương Văn Dương, trên một chiếc thuyền không có chủ, rồi từ đó đi dọc theo kênh Dương Văn Dương gần 10 ki lô mét nữa mới đến một nhà cơ quan, khi đó mới chắc mình thoát nạn.
Vài ngày sau, chúng tôi mới biết Nhựt chắc chắn đã bị bắt và suýt tý nữa bị chúng bắn chết ngay tại chỗ. Anh em kể lại: chúng bắt anh ta quỳ xuống để ba thằng lính Pháp bắn, nhưng khi chúng sắp bắn thì anh nói to bằng tiếng Pháp: “Tao đã làm gì chúng mày, mà chúng mày bắn!” Chúng nghe một người nói tiếng Pháp như vậy biết là một quan to Việt Minh nên ngừng bắn và giải anh ta đến thằng chỉ huy, rồi chúng nó trói anh ta vứt xuống một chiếc tàu đi kèm theo cuộc hành quân của chúng trong đó đã có mấy chục người bị trói vứt xuống trước đó, cả nam lẫn nữ.
Chuyện Nhựt bị giam tù ở Sài Gòn và mất như thế nào đã được viết ra thành sách bởi tác giả Nguyên Hùng, tôi chỉ xin vắn tắt tóm lại để chúng ta biết khí phách của Nhựt là như thế nào. Phía Pháp đã biết gia đình Nhựt, từ ông bố đến ông Nguyễn Ngọc Bích, người anh của Nhựt, nhưng chúng cho rằng Nhựt có thể bị dụ dỗ nếu vừa tra tấn vừa dỗ dành. Chúng nó cho những tên côn đồ giả làm tù binh ở cùng khám với Nhựt, thỉnh thoảng vào quấy rối, đe doạ, làm cho Nhựt tính đã nóng như tôi nói ở trên càng giận dữ, đôi khi phải gần như đánh nhau với chúng. Sau đó, bọn Pháp giả vờ mới biết, mời anh ta lên phòng riêng của chúng để dỗ dành. Chúng hứa nếu anh không vào bưng biền nữa thì chúng sẽ biếu cho anh ta chức Bộ trưởng Bộ Công chánh và Quốc phòng của chánh quyền ngụy; chúng nó nói, các Bộ trưởng Bộ quốc phòng trước đây cũng do chúng đề cử hết, nhưng Nhựt nhất định không nghe, nói “tao thà chết chứ không theo chúng bay!” làm cho chúng nó tức giận và tiếp tục cho côn đồ vào quấy rối đến mức Nhựt trở thành như điên khùng lên.
Vợ ông từ bên Pháp bay sang, can thiệp và thuyết phục ông hãy làm giấy đầu thú bọn chúng, để gia đình bên vợ có lý do bảo lãnh về nhà, rồi sau đó muốn đi đâu cũng được, nhưng ông cũng không chịu nghe theo. Chúng bèn tuyên bố là Nhựt đã điên rồi và bỏ vào nhà thương điên. Khi biết Nhựt chắc chắn sẽ không sống được vì chúng không cho điều trị bệnh điên, chúng giả vờ nhân từ cho đưa anh ta về nhà để “an dưỡng” rồi anh ta đã mất tại nhà, khi đó anh mới 34 tuổi. Chuyện này các chiến sĩ của chúng ta bị bắt đều chứng thực, và Nhựt đã được truy điệu long trọng trong chiến khu. Sau này ông được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất…
(trich hồi ký của Lê Tâm)
Nam Nguyễn
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo