Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc chính thức được Vingroup đầu tư 1.275 tỷ đồng vào xây dựng công trình cảng hành khách.
Văn phòng Chính phủ vừa cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Kiên Giang thực hiện việc chỉ định thầu công trình xây dựng Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang theo quy định của pháp luật.
Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc sẽ được xây dựng tại thị trấn Dương Đông. Cảng có thể tiếp nhận tàu chở 5.000-6.000 hành khách (trọng tải 225.000 GT), đồng thời kết hợp khai thác container hàng sạch. Cầu tàu dài 400 m, trong đó cầu chính dài 240 m, rộng 19 m cho phép tàu cập bến cả hai bên. Một cầu dẫn dài 1.020 m được xây dựng từ bờ ra cầu tàu để đưa hành khách vào đảo.
Vị trí xây dựng cảng hành khách nằm dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt từ trong khu đô thị chạy ra biển theo hướng Tây nên cũng thuận tiện kết nối giao thông, tạo nên một điểm nhấn cho đô thị Dương Đông trong tương lai.
Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc được quy định tại Quyết định số 80/2013/QĐ – TTg đối với việc đầu tư xây dựng Cảng Hành khách quốc tế Phú Quốc (Cảng Phú Quốc).
Vingroup đề nghị được triển khai xây dựng công trình cảng hành khách có tổng mức đầu tư lên tới 1.275 tỷ đồng.
Cụ thể, Kiên Giang đề xuất được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với Dự án, bao gồm cả giai đoạn lập dự án hiện do Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) chủ trì thực hiện.
Đơn vị tư vấn lập Dự án là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng – Kỹ thuật biển (Portcoast) đang tranh thủ mùa biển lặng để hoàn tất việc khảo sát. Do các bộ, ngành liên quan đã cơ bản đồng thuận về quy mô, nên Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án áp dụng theo hình thức BT kết hợp BOT này hoàn thành trong tháng 1/2015.
“Tỷ lệ vốn góp của ngân sách Trung ương để đầu tư Dự án sẽ được làm rõ sau khi tổng mức đầu tư Dự án được xác định chính xác”, ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết.
Dự án được thực hiện theo đề xuất của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc (thành viên của Tập đoàn Vingroup) với Bộ GTVT và UBND tỉnh Kiên Giang. Cụ thể, nhà đầu tư này đề nghị được triển khai xây dựng công trình cảng hành khách có tổng mức đầu tư lên tới 1.275 tỷ đồng, quy mô hiện đại nhất Việt Nam theo phương án kết hợp giữa hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) và BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Trong đó, khoảng 70% tổng kinh phí đầu tư cảng biển này được hoàn trả lại cho nhà đầu tư bằng hình thức BT.
Công ty con của Vingroup cũng đề nghị được khai thác 85 ha đất sân bay cũ tại thị trấn Dương Đông để đầu tư khu đô thị mới, thực hiện Dự án tổ hợp du lịch cao cấp trên diện tích khoảng 560 ha tại Bãi Vòng và các dự án có sử dụng đất khác (nếu cần thiết). Khoảng 30% tổng kinh phí đầu tư còn lại sẽ được nhà đầu tư hồi vốn qua việc khai thác cảng biển (hình thức BOT).
Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu hành khách đường biển quốc tế tới Phú Quốc có thể lên tới 105.000 – 190.000 hành khách/năm giai đoạn 2020; 350.000 – 550.000 hành khách/năm giai đoạn 2030. Việc nghiên cứu quy hoạch chi tiết một bến cảng cứng tiếp nhận tàu khách quốc tế tại Phú Quốc.
Tập đoàn VinGroup “khủng” cỡ nào?
Hiện nay, Tập đoàn Vingroup đã trở thành thương hiệu đa ngành lớn mạnh trong nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, tập đoàn này đã liên tục có những công trình lớn mang tầm cỡ quốc tế như Times City, Royal City, biệt thự Vinhomes Riverside hay sắp tới đây là chung cư Vinhomes Nguyễn Chí Thanh.
Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch hội đồng quản trị VinGroup chính là người đã góp phần lớn nhất tạo nên một thương hiệu lớn mạnh hàng đầu trong nền kinh tế Việt Nam. Ông cũng trở thành người giàu nhất Việt Nam
Tập đoàn Vingroup – Công ty CP (gọi tắt là “Tập đoàn Vingroup”), tiền thân là Tập đoàn Technocom, được thành lập tại Ukraina năm 1993 bởi những người Việt Nam trẻ tuổi, hoạt động ban đầu trong lĩnh vực thực phẩm và thành công rực rỡ với thương hiệu Mivina. Những năm đầu của thế kỷ 21, Technocom luôn có mặt trong bảng xếp hạng Top 100 doanh nghiệp lớn mạnh nhất Ukraina. Từ năm 2000, Technocom – Vingroup trở về Việt Nam đầu tư với ước vọng được góp phần xây dựng đất nước.
Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch hội đồng quản trị VinGroup chính là người đã góp phần lớn nhất tạo nên một thương hiệu lớn mạnh hàng đầu trong nền kinh tế Việt Nam. Ông cũng trở thành người giàu nhất Việt Nam.
Vingroup tập trung đầu tư vào các lĩnh vực du lịch và bất động sản (BĐS) với hai thương hiệu chiến lược là Vinpearl và Vincom.
Vincom hiện được coi là thương hiệu số 1 Việt Nam về BĐS với hàng loạt các tổ hợp TTTM – Văn phòng – Căn hộ đẳng cấp tại vị trí đắc địa và những khu đô thị phức hợp lớn, hiện đại, dẫn đầu cho xu thế đô thị thông minh – sinh thái hạng sang tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Vinpearl cũng trở thành cánh chim đầu đàn của ngành Du lịch với chuỗi các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu biệt thự biển, công viên giải trí, sân golf… đẳng cấp năm sao và trên năm sao quốc tế.
Tháng 2 – 2012 cổ phiếu Vingroup (mã: VIC) chính thức được phát hành trên sàn giao dịch đã minh chứng tiềm lực của tập đoàn.
Trong 4 năm liên tiếp từ 2010 – 2013 ông Phạm Nhật Vượng – hiện nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Hiện nay,Vingroup đã khẳng định mình với 4 nhóm thương hiệu chiến lược gồm: Vinhomes (Hệ thống Bất động sản nhà ở dịch vụ hạng sang); Vincom (Hệ thống TTTM đẳng cấp);Vinpearl (Bất động sản du lịch; dịch vụ du lịch – giải trí); Đồng thời mở rộng ra các lĩnh vực như Vinmec (y tế chất lượng cao), Vinschool (giáo dục)…
Được biết vào ngày 7/10 vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã niêm yết bổ sung hơn 1,3 triệu cổ phiếu vốn được phát hành cho cổ đông do thực hiện chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi quốc tế thành cổ phần. Vingroup vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý III của tập đoàn. Trong đó, Chủ tịch Vingroup hiện vẫn nắm khoảng 30,16% cổ phần của tập đoàn, với giá trị thị trường xấp xỉ 20.000 tỷ đồng.
2014 vẫn là năm của ông Phạm Nhật Vượng khi Vingroup tăng trưởng không ngừng và liên tục tung ra tin “khủng”. Chỉ riêng trong quý 3 năm nay, Vingroup đã thực hiện hàng loạt thương vụ M&A lớn, gây được sự chú ý lớn trên thị trường.
Vào đầu tháng 10/2014, Vingroup đã chính thức công bố việc mua lại thành công 70% cổ phần của Ocean Retail, đổi tên thành công ty cổ phần Siêu thị VinMart. Hiện Vingroup đang sở hữu luôn thương hiệu Ocean Mart, tuy nhiên giá trị của thương vụ này vẫn được giấu kín.
Sau đợt phát hành thêm cổ phần chuyển đổi trái phiếu quốc tế, vốn điều lệ của Vingroup vượt 14.200 tỷ đồng. Vingroup dưới sự điều hành của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng luôn nằm trong top 5 các công ty niêm yết có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị ước tính khoảng 3,4 tỷ USD.
Ngọc Anh (Tổng hợp)