Con NgƯỜi HoÀn HẢo NhẤt ThỜi ĐẠi ChÚng Ta
Monday, February 9, 2015 19:29
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Ai vậy, ai là anh hùng thời đại của nửa cuối thế kỷ 20?
Ai mà CIA đã từng sợ hơn tất cả?
Ai mà Việt Nam ta không để ý mấy và đã chẳng đánh giá được?
bức chân dung nổi tiếng nhất thế kỷ 20-Che đội mũ beret, có ngôi sao… |
…Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc về sự kiện khủng hoảng Congo năm 1964, Che đại diện cho Cuba đã nói: “Tất cả những dân tộc tự do trên thế giới phải chuẩn bị trả thù tội ác ở Congo”. Nói là làm, 4/1965 ông cùng hơn 100 lính tình nguyện Cuba sang Congo chiến đấu, bởi vì với Che, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc bóc lột chỉ có thể giành chiến thắng với khẩu súng trên tay. Bạo lực cách mạng theo quan điểm của ông chính là chống trả lại bạo lực của giai cấp bóc lột. Biểu tình bất bạo động sẽ không bao giờ thực hiện được điều đó! Che tham gia vào cuộc chiến không phải của mình, bất chấp thái độ không hợp tác của chính quân kháng chiến Congo, và sau đó cả chính phủ nước láng giềng Tanzania chấm dứt hậu thuẫn cho đội quân của Che. Thất bại hoàn toàn, Che sang ở ẩn tại một nước XHCN Đông Âu, chả muốn về Cuba. Thế rồi Fidel vẫn thuyết phục được ông trở về, chỉ để tiếp tục cuộc cách mạng khác, tại Bolivia…
Maradona khoe với người bạn lớn Fidel Castro: tôi xăm hình Che lên 2 tay, còn hình của bác thì ở chân trái |
«CIA không sợ ai bằng Che Guevara, bởi vì ông có khả năng và sức cuốn hút cần thiết để định hướng cuộc đấu tranh chống đàn áp chính trị của các chế độ quân chủ truyền thống tại các nước Mỹ la tinh- Philip Edge, điệp viên CIA chạy sang Cuba đã tiết lộ như vậy!”
Liên tục có những đồn đoán về việc Che đang ở đâu tại Bolivia những năm 66-67. Trước đó Che đã sang gặp đại diện phong trào chiến đấu vì độc lập Mozambique FRELIMO, nhưng họ từ chối sự giúp đỡ của Che. Ở Bolivia Fidel tài trợ cho phe cộng sản mua đất tại La-Pas lập căn cứ cho Che hoạt động, huấn luyện du kích. Trợ lý cho Che là “Tanhia”-tên thật (hoặc có thể là thật) là Haid Tamara Bunke Bider (cựu điệp viên Stasi và KGB). Tổng thống Rene Barrientos quá sợ vì tin đồn về du kích quân nên đã nhờ CIA giúp đỡ, và CIA phải ra tay. Chính phủ Bolivia rải truyền đơn khắp nơi, treo thưởng đầu của Che giá 4200 $.
Đội du kích của Che có vẻn vẹn 50 người và hoạt động dưới danh nghĩa Quân đội giải phóng dân tộc Bolivia, trang bị hiện đại và cũng tiến hành được mấy chiến dịch thành công ở tỉnh miền núi Camiri. Che tuy hen suyễn nặng nhưng vẫn đòi hỏi đối xử với mình y như những người lính khác, mang vác ăn uống y hệt như họ, chỉ khi nào lên cơn nặng quá thì phải uống gấp ngay mấy hụm nước nóng mới đỡ. Nhưng rồi vào tháng 8, tháng 9 quân đội Bolivia tiêu diệt được 2 nhóm du kích, trừ khử được một thủ lĩnh, “Hoakin”. Mặc cho cuộc chiến mang tính chất vô cùng khốc liệt, Che vẫn làm nghĩa vụ bác sỹ của mình: sau những trận đánh ông cấp cứu cho cả du kích, cả những binh lính Bolivia bị thương rơi vào tù binh của mình (rồi sau đó thả chúng về!). Phelix Rodriges-kiều dân Cuba rồi làm cho CIA-làm cố vấn cho Bolivia để tiễu trừ Che Guevara, thậm chí cả Klaus Barbe-cựu binh phát xít Đức cũng nhúng tay vào để giúp CIA bắt cho bằng được ông. 7/10/1967 tên chỉ điểm Siro Bustosa báo cho quân đội vị trí của đội du kích, là trong hang núi Kuebrada-del-Juro. 8/10/1967 có một chị nông dân nghe được tiếng người lao xao trong núi cũng đi báo quân đội (mặc dù chị ta trước đó được du kích trả 50 peso để im lặng!) Sáng sớm mấy đội quân Bolivia đã phục sẵn, chiếm lĩnh những vị trí thuận lợi để rình chờ…Giữa trưa thì cuộc chiến không cân sức nổ ra, binh lính của tướng Prado tổng cộng 650 tên đã bắn chết 2 du kích quân và vây bắt được Che – súng trường bị hỏng, ông đã bắn hết những viên đạn trong khẩu súng lục của mình, đang bị thương lần 2, đang được một du kích Bolivia-Simeone Cuba Sarabia “Villi”- cõng đi. Che hô lên: “đừng bắn, ta là Che Guevara, và ta sống có giá trị hơn là chết!”.
Che Guevara và người của ông bị trói và giam tại cái trường tiểu học xập xệ cạnh làng La Igera, thực chất là cái lều rách, nơi quan đội dùng tạm làm chốn giam giữ ông, Che thấy mấy lính của chính phủ Bolivia đang bị thương, ông cũng bị thương nhưng vẫn đề nghị để ông cứu chữa cho địch thủ, nhưng bị tên sỹ quan chỉ huy từ chối. Bản thân Che cũng chỉ nhận được một viên aspirin…Nửa ngày sau Che từ chối nói chuyện với bọn sỹ quan, chỉ trao đổi với mấy tên lính quân đội Bolivia. Tên lái máy bay trực thăng Haime Nino de Gusman miêu tả lại bộ dạng tả tơi của Che lúc đó: đầu gối phải bị bắn xuyên thủng, áo rách như bươm, chân mặc quần da, tất da thô. Tuy vậy Che vẫn ngẩng cao đầu, nhìn thẳng vào mắt tất cả quân thù, và chỉ xin một điều duy nhất là cho hút thuốc. Cả bọn lính rất cảm tình với ông, và khi biét chắc đó là Che, tranh nhau chụp ảnh với ông, Che cũng không hề phản đối, đổi lại bọn lính cho ông cái tẩu và gói thuốc lá. Chiều hôm đó, khi tên sỹ quan Espinosu vào lều và định giật cái tẩu thuốc của ông, tuy đang bị thương và bị trói, Che vẫn táng cho hắn một phát bay vào tường (sau này hắn thanh minh là định cướp đồ làm kỷ niệm thôi!). Đêm hôm đó Che nhổ nước bọt vào mặt phó đô đốc Ugarteche vì việc định hỏi cung ông lằng nhằng trước khi xử bắn. Đêm mùng 8, rạng mùng 9/10/1967 Che nằm còng queo trên sàn, cạnh ông là xác của hai đồng đội.
Buổi sáng Che đòi gặp cô giáo của trường tiểu học này, Hulia Cortes, 22 tuổi. Cô sau này kể lại rằng thấy Che tiều tụy nhưng vẫn rất đẹp trai, cái nhìn ấm áp và đôi chút diễu cợt, còn cô thì không dám nhìn vào mắt ông, vì dường như ông có thể nhìn xuyên suốt qua cô! Lúc nói chuyện, Che nhận xét rằng trường quá tệ, rất phản giáo dục khi dạy trẻ em trong điều kiện tồi tàn thế này, còn bọn quan chức chính phủ thì đi Mercedes, và tuyên bố “chính vì vậy mà chúng tôi chiến đấu…”
Cùng ngày đó Felix Rodriges nhận được bức điện báo với những mật mã hết sức đơn giản: “500- 600”-trước đó, trong chiến dịch truy lùng và vây bắt Che Guevara, chính quyền quân đội Bolivia lúc đó đã thông báo tới tất cả những tên tham gia chiến dịch 3 mật lệnh đơn giản: 500 có nghĩa là Che Guevara, 600 – giết, 700- để cho sống. Không tin vào mắt mình, mấy tên điệp viên hỏi lại qua điện đài, nhưng chỉ đạo từ trên vẫn vậy! Lệnh mật này được chính Tổng thống quân sự Bolivia lúc đó, Rene Barrientos ký! Felix vào phòng nói với Che: “Comandante, tôi rất tiếc!” (sau mới biết là Mỹ muốn chuyển Che về Guantenama điều tra tiếp, nhưng không kịp…). Tên trung sỹ người Bolivia Mario Teran, 31 tuổi, xung phong nhận hành quyết Che để trả thù cho 3 đồng đội của mình đã thiệt mạng trong mấy trận đánh trước. Để các vết thương sau này sẽ dường như Che chết trong khi chiến đấu (chính phủ Bolivia muốn bêu xác Che như vậy) Felix Rodriges ra lệnh cho Teran nhắm bắn cẩn thận. Tướng Gary Prado sau này kể lại rằng nếu để Che sống thêm thì nguy cơ ông trốn thoát hoặc được giải cứu sẽ quá lớn, còn xử tòa hay tử hình ông thì cả thế giới sẽ lên án và càng tăng thêm thanh thế cho Che và Cuba! Đó là chưa kể đến khả năng lộ ra sự can thiệp của CIA và tội phạm chiến tranh Đức, sẽ quá xấu mặt cho chính phủ Bolivia…
Hơi thuốc cuối cùng |
Trước khi hành quyết 30 phút Felix còn thử tra hỏi Che xem đồng đội của ông còn ẩn náu ở đâu, nhưng ông từ chối trả lời. Hắn cũng mấy tên lính dựng ông dậy, dẫn ông ra ngoài chụp ảnh, sau đó mới dẫn ông quay vào và khẽ nói với ông rằng ông sẽ bị hành quyết. Che Guevara chỉ hỏi lại hắn là ai, Mỹ hay người gốc Mexico. Khi biết Rodriges là kiều dân Cuba sang Mỹ tuy sinh ra ở Cuba và lúc này đang làm cho CIA Che chỉ cười khẩy và không thèm nói chuyện tiếp nữa…
Sau đó ít phút một tên lính gác hỏi ông, Che có nghĩ gì về sự bất tử của mình không. «Không — ta chỉ nghĩ về sự bất tử của cách mạng». Sau đó trung sỹ Teran vào và bắt tất cả lính ra ngoài. Mặt đối mặt với đao phủ, Che nói với hắn: «Ta biết ngươi tới để giết ta. Bắn đi! Cứ làm đi! Bắn vào ta đi, đồ hèn! Ngươi chỉ giết được một con người!» Teran hơi cuống, sau đó bắn bằng khẩu súng bán tự động của mình M1 Garand, trúng vào tay và chân Che. Trong giây lát Che oằn người vì đau đớn, lăn lộn trên mặt đất, phải cắn tay để không bật ra tiếng kêu. Teran bắn thêm vài phát trúng ngực Che, và ông đã lìa đời lúc 13h 10 phút. Tổng cộng 9 phát: 5 vào chân, 1 vai phải, 1 vào tay, 1 ngực, 1 vào cổ họng (phát cuối)
Cách đó 1 tháng, tại Hội nghị 3 châu lục Á-Phi-Mỹ Latinh, là lần xuất hiện công khai cuối cùng của Che, ông đã tự viết lời điếu cho mình: « Nếu cái chết có đến bất ngờ, hãy coi nó là một kết cục được mong chờ, để cho tiếng hô xung phong có thể đến được tai của người biết lắng nghe, và một bàn tay khác sẽ vươn ra đỡ lấy cây súng của chúng ta…».
Xác chết của Che được buộc vào càng trực thăng và chở sang làng bên cạnh, nơi được trưng bày ra cho báo chí xem. Sau khi tên bác sỹ quân đội cắt 2 bàn tay ông, xác ông lại bị quân đội chở đi chôn ở nơi không ai biết. 15/10/1967 Fidel Castro công bố với công luận rằng Che Guevara đã hy sinh-đó là một đòn nặng nề cho phong trào đấu tranh cách mạng xã hội chủ nghĩa tại Mỹ La tinh và toàn thế giới. Dân bản xứ ở Bolivia bắt đầu coi Che là ông thánh và cầu nguyện trước ông trong bài kinh «San Ernesto de La Higuera» cầu xin sự tha thứ…
CÁCH MẠNG MUÔN NĂM
Tôi viết kỹ về cái chết của người anh hùng này, bởi cuộc đời ông ai cũng đã biết không ít thì nhiều. Nhưng có thật chúng ta biết không? Xin xem lại tiểu sử vắn tắt của ông-tôi là một người hâm mộ ông nên cũng bỏ ít nhiều công sức ra tìm hiểu, và chuyện tìm hiểu bây giờ dễ hơn 50 năm trước rất nhiều, nên các bạn có thể tin rằng những thông tin dưới đây là xác thực:
Ernesto Guevara, tên thường gọi là Tete, sinh năm 1928 trong một gia đình khá giả, dòng dõi. Bệnh hen suyễn từ bé đã hành hạ ông, và suốt cuộc đời ông sống chung với nó, tương đối tích cực nhưng không chơi giỏi thể thao rất nhiều môn như chính sử ghi chép (thậm chí còn viết là ông đá bóng cho đội tuyển trẻ!). Nếu không làm cách mạng thì ông thiếu diplom trường đại học y, vì chưa tốt nghiệp (tuy vậy ông đã mơ ước làm bác sỹ chữa bệnh hủi cho dân không lấy tiền) hay nhà văn (ông giỏi tiếng Pháp, đọc toàn sách văn học, triết học nguyên bản và viết rất nhiều, đi chiến đấu cũng chỉ mang theo sách). NgườI yêu đầu đời của ông-Chinchina-là cô gái nhà đại phú, ông cố tình đến nhà cô với bộ dạng rách rưới để trêu ngươi các chàng công tử nhà giàu khác. Khi Guevara quyết định cùng một ông bạn chu du khắp châu Mỹ thì Chinchina cho chàng 15 $ với lời hứa phải mang về cho nàng bộ bikini từ Mỹ. Ông đã đi 2 lần xuyên Nam Mỹ, ăn, ở, làm việc, lấy vợ, đẻ con, đi tù, làm quen với những người Cuba có tư tưởng cách mạng (và rồi vẫn về và mang được bikini về trả cho Chinchina!). 1954 tại Goatemala ông vào hàng ngũ Cảnh sát nhân dân của chế độ thân cộng sản, tuy nhiên sau đó nổ ra khởi nghĩa-thế là Che và đồng đội bỏ chạy tứ tung.
chữ ký của Che |
Khi gặp gỡ với Fidel ông đã bắt đầu có biệt danh “Che” (ở Mexico đó là câu cửa miệng người Mễ gọi người Achentina, vậy thôi). Che tỏ ra là nhà lý luận cách mạng còn thông suốt hơn cả Fidel, bởi ông đọc rất nhiều tài liệu triết học của Jean-Paul Sartre và lịch sử CCCP. Một người hùng biện giỏi như Fidel thấy cần một bác sỹ theo cùng tàu Granma- các bác sỹ khác đâu có chịu đi làm cách mạng không lương-và rất có cảm tình với Che, nên hứa nếu thành công sẽ cùng nhau tham gia chính phủ, và Che đã đồng ý ngay. Fidel hứa sẽ mang vũ khí đến Cuba cho quân khởi nghĩa, đến khi tàu lạc lối rồi đến nơi thì khởi nghĩa đã bị đè bẹp, sau đó đội quân của Fidel cũng bị đánh tơi tả. Cuộc cách mạng với khẩu hiệu “Tổ quốc hay là chết!” thực ra Fidel cùng các đồng chí chọn phương án đấu tranh có vẻ đúng: gần nửa năm ẩn nấp trong rừng rú và chỉ va chạm vài trận nho nhỏ với quân đội của chính quyền, trong khi đó kháng chiến vẫn tiếp tục cuộc chiến du kích tại các thành phố. Khi có 100 biệt động quân từ thành phố chạy vào rừng rồi cùng nhập bọn Fidel tự phong mình làm thủ lĩnh, phong cho người em Raul và Che làm hai “đội trưởng du kích tiền phương”, mỗi người có trong tay 50 quân. Trong lúc ở rừng này, Che chế tạo ra loại coctail Molotov của riêng mình và phổ biến cho binh sỹ, rất đơn giản và hữu dụng: ¾ xăng và ¼ dầu, và hầu như chả tiến hành trận đánh nào, chỉ bàn luận sôi nổi với anh em Castro về cách mạng và CNXH… Trong 3 tháng cầm quyền Che tử hình 7 nông dân vì tội “phản bội”, còn Raul 30…Người “đội trưởng” nữa và là người chiến đấu thực sự, không mệt mỏi là Camilo, sau cách mạng tự nhiên biến mất trong thời gian thanh trừng “phản động”.
Đội quân của Che thắng một trận duy nhất, là chiếm được thị xã Santa-Clara, nơi mà Che đã dùng 4 túi tiền vừa lĩnh từ ngân hàng ra để mua chuộc tên lái tàu bọc thép quân sự, làm vô hiệu hóa đoàn tàu lẽ ra có thể ứng cứu cho thị xã! Sau này thi hài của Che sẽ được chôn tại thị xã này, nơi ông có chiến thắng duy nhất trong đời binh nghiệp…
Sau cách mạng ngay lập tức Che được phong giám đốc nhà tù chính trị ở Cabanhia, nơi chỉ trong một tháng Che đã ký lệnh tử hình 600 tù nhân, nhiều người chỉ có tội là có anh hay em đã làm cho chính quyền cũ Batista (trong khi cả 9 năm cầm quyền bởi chế độ cũ mới có 1000 cái chết, đa số là trong chiến trận!). Sự hà khắc của ông có lẽ đã vượt quá mọi giới hạn, khi ông tự rút súng bắn chết một chú bé đến thăm nuôi cha mình, chỉ vì “thái độ”! Fidel đành chuyển Che sang làm Giám đốc ngân hàng trung ương, rồi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Chỉ sau ba, bốn năm cái cách kinh tế của Che (tất nhiên chả thể nào bỏ qua Fidel và Raul) Cuba từ một đất nước có đời sống cao thứ hai toàn châu Mỹ(! -hơn Canada về bình quân đầu người, hồi đó Cuba đã có 2 kênh truyền hình trong khi Canada thậm chí còn chưa có)-lương trung bình bằng 80% so với Mỹ – biến thành nơi thiếu từ cái kim, sợi chỉ, miếng xà phòng…Hàng trăm ngàn gia đình xếp hàng chờ đến lượt đi định cư tại Mỹ, còn hàng chục ngàn người liều mạng vượt biển bằng cách ôm chiếc phao là cái lốp ô tô và…bơi! Cho đến ngày nay, tức là gần nửa thế kỷ trôi qua, người dân Cuba vẫn có thói quen kết tội Che trong mọi sự khổ sở của mình…Cũng trong những năm đó Raul và Che cùng đồng đội đã thanh trừng 8000 người chống đối, trong đó có kha khá nhiều bạn đồng ngũ của họ, thường là xử bắn không cần xét xử!).
Ngoài việc “cải tạo kinh tế” Che còn viết sách, ông vốn giỏi văn và chịu đọc, thế nên quyển “Chiến tranh du kích” của ông trở thành sách gối đầu giường của cả một thế hệ những thanh niên Mỹ Latinh mơ làm cách mạng, mặc dù nó giống tiểu thuyết hơn là hồi ký về các trận chiến đã trải qua rất nhiều…
Che Guevara tại Bolivia-đọc sách là thú vui của cả đời ông.. |
Che thần tượng Stalin, và không quan tâm đến tiền bạc, kinh tế, ông in luôn chữ ký của mình lên tờ tiền Cuba ‘cho vui”. Nhưng ông rất quan tâm đến phòng trào cách mạng ở những nước bị áp bức như Việt Nam, Congo. “Sau khi cách mạng thành công không phải những người cách mạng làm việc. Chỉ có những người kỹ trị và bọn quan liêu. Chúng chính là bọn phản cách mạng”-ông không đồng nhất quan điểm với Fidel chính vì cách làm “cách mạng”, với ông là phải chiến đấu không khoan nhượng, và không chỉ gói gọn trên một hòn đảo bé nhỏ Cuba, mà trên khắp địa cầu! Trên trường quốc tế ông cũng hay phê phán các nước XHCN, tuy mang tiếng “anh em” nhưng quá ích kỷ, chẳng chịu giúp nhau và giúp các nước đang đấu tranh quá ít ỏi, cả về kinh tế lẫn quân sự…Việt Nam là một tấm gương sáng cho Che, và ông đã muốn “có không phải chỉ một Việt Nam, mà là hai, ba…rồi nhiều Việt Nam hơn nữa”. Và thế rồi 1965 ông viết những bức thư nổi tiếng, chia tay Fidel, bố mẹ và vợ con mình rồi lên đường, “xuất khẩu cách mạng” sang Congo. “Hãy nhắn lại với Phidel, rằng cách mạng chưa kết thúc, nhưng sẽ kết thúc thắng lợi! Hãy bảo Adeile cho cô ấy đi bước nữa đi, hãy hạnh phúc và lo cho con cái học hành tử tế. Và hãy ra lệnh cho bọn lính nhằm bắn cho thật chuẩn…”.
Khi Che bỏ Cuba (có để lại thư cho Fidel) buổi sáng hôm đó Fidel đã khóc và nói “Anh mới là người cách mạng chân chính nhất! Anh mới xứng đáng ngồi ở vị trí của tôi bây giờ…” Jean-Paul Sartre (thần tượng của Che) thì coi Che Guevara là “con người hoàn hảo nhất của thời đại chúng ta”.
Che đến với châu Phi cùng lính tình nguyện, nhưng không hề biết nhiều về lịch sử cũng như địa hình, địa vật, phong tục địa phương…và nhanh chóng gây bất hòa sâu sắc giữa những thủ lĩnh quân địa phương với những sắc tộc khác nhau. Sau khi kế hoạch Congo thất bại hoàn toàn, Che nghe theo lời Fidel làm tiếp một cú “xuất khẩu cách mạng” nữa-lần này ở Bolivia, nơi chế độ quân sự mới lên cầm quyền (nhưng là chính phủ đầu tiên bắt đầu biết lo cho đời sống dân nghèo). Tiếp theo như ta đã biết…
Khi Che mất, với tuyên bố của Fidel về cái chết anh dũng của ông và tổn thất của cách mạng toàn thế giới thì miền Bắc Việt Nam mới có vẻ bắt đầu đánh giá được tầm vóc của ông, nhưng đã muộn. Ông thực sự là người bạn rất hâm mộ cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam, nhưng Việt Nam thì bỏ mất cơ hội qua ông để tạo dựng thêm uy tín trên trường quốc tế (chắc nghĩ ông mới chỉ tầm “bộ trưởng”, lại hay phê phán các đàn anh Liên Xô, Trung Quốc vuốt mặt chẳng kịp). Và có vẻ như “đã muộn thì cho qua luôn”-Che nổi tiếng khắp nơi, hình như trừ ở Việt Nam!
VÀ 50 NĂM SAU
Hôm nay Che Guevara vẫn rất nổi tiếng (có vẻ càng ngày càng nổi tiếng hơn). Trong số những “nhà cách mạng” nổi tiếng mãi về sau như George Washington, Benjamin Franklin, , Simon Bolivare, Giuseppe Garibaldi, JosephTrumpeldor thì không ai cạnh tranh được với ông. Che trở thành brand-name toàn cầu đã từ lâu, và như thường lệ kiếm tiền nhờ ông là những kẻ không tham gia cách mạng, không đồng chí với ông, thậm chí chính là “kẻ thù giai cấp” của ông!
-chế độ nào, thời nào thì cũng có ít nhất 10%-20% thanh niên mong muốn khẳng định mình, muốn “nổi loạn” dù chỉ trong tâm tưởng, dù chỉ một chút thôi…và Che chính là hình mẫu, thần tượng cho giới trẻ đó! Tuổi trẻ, đẹp trai, phong trần, “lãng mạn cách mạng”, súng lục, xì gà, rượu bia, mô tô…Và cũng có khá nhiều người tiêu dùng chả biết đến hình ảnh Che là nhân vật nào (cũng như chúng ta hay uống Johnie Walker mà có biết “ông già chống gậy” là ai đâu?)
-Alberto Corda-người thợ ảnh đã chụp bức ảnh chân dung nổi tiếng nhất thế kỷ 20-“Che đội mũ beret”-quyết định kiện hãng rượu vođka Smirnoff vì tội dùng ảnh của mình quảng cáo rượu mạnh. Thắng được 50000$, ông tặng hết cho Bộ Y tế Cuba mặc dù bản thân chẳng giàu có gì, và cho phép bất cứ ai cũng được dùng ảnh đó, trừ quảng cáo rượu. Thế là thượng vàng hạ cám đều có hình ảnh của người anh hùng lãng tử này: áo quần, giày, bật lửa, mũ, tranh ảnh, đồ lưu niệm…Cuối cùng thì bức ảnh lịch sử lại có chủ: năm 2002 người con gái của ông Corda khi chết đi trong đói nghèo ở Cuba đã tặng lại quyền sử dụng bức ảnh cho công ty Fashion Victim với số Copyright VA-1-276-975. Ngày nay mỗi năm công ty này nhận tiền bản quyền 5 triệu USD mà không phải làm gì nhiều…
-Vẫn biết dân Cuba hay nguyền rủa Che (cũng như kêu ca Fidel độc tài, Raul đồng tính…chẳng hiểu thực hư thế nào) nên họ chỉ bán văn hóa phẩm, đồ đạc có hình Che Guevara cho du khách nước ngoài, chứ họ chả dùng bao giờ; tuy vậy nếu không có sự “bật đèn xanh”, thậm chí là tác động thêm từ phía CIA và Mỹ! thì thương hiệu “Che Guevara” chẳng thể càng ngày càng tràn lan như thế này (mà ngược lại, chắc đã bị “dập”, bị dìm từ lâu rồi!). Bởi CIA đã xác định từ trước, theo hệ tư tưởng của Mỹ thì Che là “kẻ thù thích hợp nhất” :
+chính phủ các nước Mỹ latinh cấm dịch và in Lenin, Stalin, Trotskiy, Võ Nguyên Giáp, Orlov (giáo trình chiến tranh du kích)-nhưng sao tác phẩm của Che in thoải mái?
+mặc dù tư tưởng cách mạng bạo lực rất quyết liệt như vậy, Che không hề nguy hiểm! Là nhà quân sự, Che thường là thua, và rất ngây thơ trong mọi hoạt động, quá dễ tin người, dễ để đoán trước được phản ứng của Che.
+những mẫu hình “xuất khẩu cách mạng” của Che ai cũng thấy trước là sẽ thất bại, và hầu như chẳng hề tác hại gì đến phía “tư bản”.
+Che làm sao có được độ nguy hiểm, tài tổ chức cũng như tiềm lực như Al-Queda hay IS sau này!
Bây giờ Mỹ bỏ cấm vận cho Cuba, sắp tới sẽ có nhiều thông tin hơn về ông-cả từ phía Mỹ và phía Cuba…Tuy vậy có thể khẳng định rằng thời của Che chưa thể qua nhanh được!
P.S. Sau khi giết ông, các vật dụng của ông, thậm chí mấy lọn tóc của ông cũng bị bọn lính cướp hết làm kỷ niệm, nhưng dần dần chúng đều quay lại Cuba. Cuốn nhật ký của ông quay trở lại Cuba năm 1968, khuôn thạch cao từ khuôn mặt Che cũng như đôi bàn tay cũng vậy, và đó là do Bộ trưởng Nội vụ Bolivia Antonio Argueda- quan chức số 2 của chính phủ và là người do CIA đào tạo-tổ chức cướp lại chuyển về cho Fidel (còn ông chạy sang Chile, Mexico, Cuba rồi về Bolivia). Ông chết năm 2000 do một vụ nổ bom bí ẩn, còn tổng thống Rene Barrientos rơi máy bay 1969 càng bí ẩn hơn…Đôi bàn tay Che ở đâu hiện nay là một dấu hỏi lớn. Năm 1997 Bolivia đã tìm được hài cốt của Che và 6 đồng đội, họ đã được chôn lại với những nghi thức trang trọng nhất ở Cuba, thành phố Santa-Clara (nơi ông dành “chiến thắng” quan trọng nhất cho cách mạng Cuba).
Năm 2006, Mario Teran, một ông già Bolivia đã được các bác sĩ tình nguyện người Cuba phẫu thuật thủy tinh thể miễn phí và khôi phục thị giác của mình. Đây là một trong những hoạt động nhân đạo của những người Cuba được cổ vũ bởi tinh thần đấu tranh giúp đỡ người nghèo của Che Guevara.Mario Teran chính là sĩ quan tình báo đã nổ súng kết liễu Ernesto “Che” Guevara vào cái ngày 9-10 năm 1967.
4 câu nói bất hủ của Che:
-“Thà chết đứng còn hơn sống quỳ!”.
-”Hãy là người thực dụng-nên đòi hỏi những điều không tưởng!”.
-”Để đạt được nhiều bạn phải mất đi tất cả!”.
-”Nếu bạn tìm được một con đường không có trở ngại thì chắc là nó chả đi đến đâu…”.
Ông đã sống một cuộc sống đầy sự kiện, rất lộn xộn, nhưng đã chết một cái chết của người anh hùng, điều này thì không ai phủ nhận được! Tác giả cũng là một người từ bé cho đến bây giờ vẫn rất THÍCH “cô-măng-đan-tê Che”, đơn giản cũng vì hình tượng “rebel” của ông…
(Nếu bạn không có những ước mơ nổi loạn như Che, hãy vuốt keo lên tóc và ra sân bay đón ban nhạc của K-Pop sắp sang đây…)
Che và Raul Castro |
Maradona và người đồng hương nổi tiếng Che Guevara |
Mike Taison cũng ra trận với hình ảnh của Che |
Che-bikini |
xác ông được trưng cho báo giới chứng kiến, rằng Che thực sự đã chết! |
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo