Nếu con ruồi xuất phát từ nhà máy và có trong chai trước khi đến tay anh Minh thì Công ty Tân Hiệp Phát có thể bị xử lý hành chính, thậm chí hình sự- bà Nguyễn Thị Ánh (phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Tiền Giang) cho biết.
Trong những tranh cãi xung quanh câu chuyện “con ruồi nửa tỷ” xôn xao những ngày gần đây, không ít ý kiến cho rằng, Tân Hiệp Phát thật sự “thiếu khôn ngoan”.
“Thiếu khôn ngoan” vì đã chọn một biện pháp cứng rắn trong đối phó với sự cố liên quan đến người tiêu dùng (NTD).
Và “thiếu khôn ngoan” khi đánh đổi uy tín thương hiệu để tung hê vụ việc bằng cách báo công an, đưa anh nông dân Võ Văn Minh vào tù.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sự việc quan trọng nhất hiện tại là phải xác định được con ruồi kia là ở đâu ra. Là lỗi trong quá trình sản xuất của Tân Hiệp Phát hay do người tiêu dùng bỏ vào chai nước để “vòi tiền”.
Không ít người đặt ra câu hỏi, nếu kết quả đúng là con ruồi kia xuất phát từ quá trình sản xuất của Tân Hiệp Phát thì cơ quan chức năng sẽ xử lý thế nào?
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Ánh (Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Tiền Giang) cho biết:
“Khi xem xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, tôi xem rất kỹ hồ sơ và rất cân nhắc về việc có cần thiết phải tạm giam hay không. Tuy nhiên, số tiền bị can nhận khá lớn, lọt vào quy định không thể cho tại ngoại được. Tôi cũng theo dõi thông tin báo chí trong những ngày qua, từ đó chỉ đạo cho anh em phải kiểm sát thật kỹ quá trình điều tra. Cá nhân tôi cũng sẽ chú ý xem xét đặc biệt hồ sơ vụ án này” – bà Ánh nói.
Trả lời về việc chưa có kết luận trưng cầu giám định con ruồi có trong chai Number 1 trước hay do anh Minh đưa vào nhưng cơ quan điều tra đã vội khởi tố, bà Ánh chỉ nói nếu con ruồi xuất phát từ nhà máy và có trong chai trước khi đến tay anh Minh thì Công ty Tân Hiệp Phát có thể bị xử lý hành chính, thậm chí hình sự. “Tất nhiên còn phải chờ kết quả giám định mới biết xử lý thế nào” – bà Ánh nhấn mạnh.
Nếu con ruồi xuất phát từ nhà máy và có trong chai trước khi đến tay anh Minh thì Công ty Tân Hiệp Phát có thể bị xử lý hành chính, thậm chí hình sự,bà Nguyễn Thị Ánh (Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Tiền Giang) cho biết.
Ở một khía cạnh khác, ông Đinh Văn Quế,nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao cho biết, trong vụ “con ruồi nửa tỷ”, chưa đủ cơ sở để khởi tố ông Võ Văn Minh.
“Trong trường hợp của ông Võ Văn Minh ở Tiền Giang, nếu ông này cố tình bỏ ruồi vào chai nước để tống tiền Công ty Tân Hiệp Phát thì mới bị coi là hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
Còn nếu con ruồi trong chai nước không phải ông Minh bỏ vào, mà đúng là do lỗi của Tân Hiệp Phát thì việc ông Minh yêu cầu bồi thường không bao giờ là tội phạm cả.
Ông Minh yêu cầu bồi thường 1 tỉ hay 10 tỉ đồng đi nữa là chuyện của ông Minh. Tân Hiệp Phát cử người đàm phán với ông Minh, hứa trả 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng cũng là chuyện thỏa thuận giữa hai bên.
Điều này còn có thể hiểu là Tân Hiệp Phát ngầm thừa nhận sản phẩm của mình có vấn đề. Nếu Tân Hiệp Phát báo cho công an bắt ông Minh thì rõ ràng là Tân Hiệp Phát vi phạm thỏa thuận.
Đừng nghĩ rằng 500 triệu hay 1 tỉ đồng là lớn. Trên thế giới không hiếm những vụ khách hàng phát hiện dị vật trong thức ăn, nước uống, sau đó kiện nhà hàng đòi hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn USD.
Việc đại diện Tân Hiệp Phát đồng ý trả cho ông Minh 500 triệu đồng là một thỏa thuận dân sự. Giả sử ông Minh không báo cho Tân Hiệp Phát mà cung cấp chai nước có ruồi cho công an hoặc cho báo chí thì sự việc sẽ ra sao?
Chưa chừng thiệt hại còn lớn hơn số tiền 500 triệu đồng mà Tân Hiệp Phát đã thỏa thuận đưa cho ông Minh.
Theo tôi, nếu Tân Hiệp Phát thấy rằng ông Minh là kẻ hám lợi, không thể chấp nhận những đòi hỏi quá đáng thì hai bên kiện nhau ra tòa án để giải quyết. Còn như báo công an để bắt ông Minh là không ổn cả về mặt pháp luật lẫn đạo đức kinh doanh.
Ở đây, Tân Hiệp Phát đồng ý trả cho ông Minh 500 triệu đồng, ông Minh cũng đồng ý với số tiền đó. Vậy thì làm gì có dấu hiệu của tội phạm? Chúng ta có thể chê trách ông Minh là người tham lam, nhưng cơ chế thị trường là vậy. Lòng tham của ông Minh bị xã hội lên án.
Việc còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là không biết trong chai nước có ruồi do quá trình sản xuất hay do ông Minh cố tình bỏ vào, còn phải chờ điều tra làm rõ, nhưng cơ quan chức năng đã bắt tạm giam, khởi tố ông Minh về tội “cưỡng đoạt tài sản”, theo tôi là chưa đủ cơ sở, còn quá vội vàng.”
Nếu chấp nhận thương lượng, chi phí bao nhiêu là hợp lý ? (Trong trường hợp lỗi sản phẩm thuộc về DN)
Bày tỏ quan điểm trên báo Đại Lộ,chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho biết: “DN hãy cân nhắc, nếu sự việc trở nên ầm ĩ, báo chí vào cuộc, dư luận xôn xao tẩy chay sản phẩm, thì thiệt hại quy ra tiền là bao nhiêu?
Bao nhiêu tiền để tổ chức một cuộc họp báo để giải thích, thanh minh? Bao nhiêu tiền cho các chiến dịch truyền thông lấy lại hình ảnh sau sự cố?
Gợi ý dễ dàng nhất là DN hãy hỏi một công ty chuyên về giải quyết khủng hoảng, xem nếu công ty này nhận lời đứng ra giải quyết giúp, thì số tiền sẽ lên tới bao nhiêu?
Khi có được một mức cố định để làm tiêu chuẩn, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tính ra được chi phí mà mình có thể (hay nên) bỏ ra để thương lượng.
Giả sử công ty PR đưa ra con số 1 tỷ, còn NTD đòi 500 triệu thì hãy dĩ nhiên nên chọn thương lượng với NTD.
Còn nếu công ty PR này đưa ra con số 200 triệu trong khi NTD kia đòi 500 triệu, hãy chọn từ chối thỏa thuận với NTD và để công ty kia lo liệu”.
Ngọc Anh (Tổng hợp)