Cứ khoảng vài ngày lại xuất hiện thông tin về các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn trên địa bàn cả nước, nhất là tình trạng sản xuất mỡ bẩn từ thịt lợn thối. Thực phẩm bẩn giống như “bóng ma” vây quanh người tiêu dùng
Ngày 3/2, Công an huyện Phú Xuyên đã thu giữ gần 5 tấn mỡ bẩn tại một cơ sở sản xuất dầu ăn trên địa bàn.
Trước đó, khoảng 15h 2/2, lực lượng công an huyện đã bất ngờ ập vào cơ sở sản xuất dầu ăn làm từ mỡ lợn tại thôn Nội Hợp, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Chủ cơ sở là Nguyễn Văn Chính, SN 1986, trú tại địa phương, không có giấy phép sản xuất, kinh doanh.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở này có gần 5 tấn mỡ lợn bị bốc mùi hôi thối đang được chủ cơ sở chế biến thành dầu ăn. Trong đó, mỡ chưa chế biến khoảng 3 tấn, mỡ đã chế biến thành dầu khoảng 1,1 tấn, và sáp mỡ sau khi đã nấu khoảng 500kg.
Quan sát tại cơ sở này, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, các bao tải mỡ bẩn vứt bừa bãi trên nền đất, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Dụng cụ chế biến mỡ cũng như nguyên vật liệu nằm ngổn ngang, lăn lóc.
Được biết, cơ sở sản xuất mỡ bẩn của Chính hoạt động được khoảng một tháng nay. Số mỡ bẩn chủ yếu được thu gom tại các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn Hà Nội về để chế biến.
Hiện, số mỡ bẩn chưa qua chế biến và số mỡ thành phẩm đã bị công an huyện Phú Xuyên thu giữ, chờ để xử lý theo quy định.
Hàng tấn mỡ động vật được đựng trong bao tải đen kịt bốc mùi hôi thối nồng nặc. (Ảnh: báo Công Lý).
Trước đó, ngày 14/1, Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Đội cảnh sát môi trường Công an thành phố Bắc Ninh vừa bắt quả tang 1 cơ sở đang sản xuất mỡ bẩn.
Chủ cơ sở sản xuất mỡ bẩn là Nguyễn Thị Bình, 41 tuổi, trú tại xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Tại đây, tổ công tác phát hiện cơ sở này đang chiết xuất mỡ nước từ mỡ lợn bẩn bằng hình thức đun, rán; tích trữ khoảng 4 tấn mỡ nước, 1 tấn tóp mỡ cùng 2 tạ sản phẩm đang sơ chế.
Chủ cơ sở Nguyễn Thị Bình khai nhận số mỡ thành phẩm sẽ được bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Toàn bộ số hàng trên đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cuối tháng 10/2014, Chi cục Thú y huyện Bình Chánh, TP.HCM phát hiện, thu giữ gần 500kg mỡ và hàng trăm phụ phẩm từ mỡ không đảm bảo vệ sinh, tại cơ sở xã Vĩnh Lộc B.
Tại đây, đoàn kiểm tra bắt quả tang cơ sở này đang sản xuất dầu ăn và tóp mỡ từ mỡ lợn.
Mỡ đã chuyển màu (Ảnh: Báo Công Lý)
Cơ sở này do ông Nguyễn Văn Nghịch (29 tuổi, quê huyện Đông Hòa, Phú Yên) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 4 công nhân nam đi chân đất và không mặc áo đang phân loại da và mỡ lợn để bỏ vào chảo nấu. Tất cả các công đoạn sản xuất dầu ăn, ép bánh mỡ được làm thủ công. Trong xưởng một hôi thối bốc lên, mỡ lợn được bỏ ngay dưới sàn nhà dơ bẩn.
Theo ông Nghịch, cơ sở này hoạt động đã được bốn tháng, mỗi ngày cơ sở ông hoạt động từ 8 giờ tới 17 giờ. Mỗi ngày sản xuất gần 400 kg mỡ lợn thối ra dầu ăn và tóp mỡ. Cơ sở này không bảng hiệu và không có giấy phép kinh doanh.
Ông Nghịch khai tất cả số mỡ lợn, phụ phẩm thu mua từ chợ Tân Xuân (H.Hóc Môn) với giá từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, mang về nấu làm mỡ ăn, phần tóp mỡ được ép thành bánh lớn, sau đó cung cấp cho một công ty thủy sản ở Đồng Tháp.
Tại hiện trường, ngành chức năng đã lập biên bản tạm giữ 486 kg mỡ tươi đã bốc mùi hôi thối đang được chế biến trên nền nhà có lẫn tạp chất, 200 kg da lợn, 200 bánh mỡ dùng làm thức ăn cho thủy cầm và gần 200 kg mỡ nước.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản thu giữ toàn bộ số nguyên liệu này, đồng thời xử phạt hành chính 13,5 triệu đồng.
Tại Hà Nội, giữa tháng 9/2014, Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường CAHN phối hợp với Chi cục Thú y thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến bì lợn và mỡ lợn tại tổ 13, xã Tân Hội (huyện Đan Phượng, Hà Nội) do bà Nguyễn Thị Nga làm chủ cơ sở.
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện cơ sở này đang chiết suất mỡ nước từ mỡ lợn.bẩn bằng hình thức đun, rán. Ngoài ra, tổ công tác còn phát hiện cơ sở đang tích trữ 1.310 lít mỡ nước, 110 kg mỡ lợn sống, 100kg tóp mỡ, 75kg bì lợn sống và 140kg bì lợn đã qua sơ chế.
Toàn bộ số hàng hóa trên đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản thu giữ toàn bộ số hàng hóa trên giao cho Trạm Thú y huyện Đan Phượng tiêu hủy và hoàn thiện hồ sơ để ra quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.
Số lượng dầu ăn bẩn lên đến hàng nghìn lít (Ảnh: báo Công Lý).
Người tiêu dùng trong “mê cung” thực phẩm bẩn
Cứ khoảng vài ngày lại xuất hiện thông tin về các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn trên địa bàn cả nước. Có những vụ việc làm rúng động cả thị trường tiêu dùng khi nhà sản xuất bất chấp mọi thứ để kiếm lời. Dù các cơ quan chức năng đã liên tục tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm nhưng tình trạng này vẫn chưa thấy dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Thực phẩm bẩn len lỏi vào từng khu chợ, khiến người tiêu dùng không biết phải lựa chọn ra sao. Việc sử dụng thực phẩm độc hại trong thời gian dài không chỉ gây các bệnh về đường tiêu hóa, mà còn khiến người tiêu dùng mắc những bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí là ung thư. Theo dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 20 năm nữa, các ca ung thư trên toàn thế giới sẽ tăng 57% (từ 14 triệu năm 2012 lên 22 triệu vào năm 2032). Trong đó, Việt Nam được dự đoán là đất nước có số ca ung thư tăng nhanh nhất thế giới mà nguyên nhân chính là các loại hóa chất độc hại dùng để tẩm ướp tồn dư trong thực phẩm.
Chỉ trong tháng 10/2014, cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe hàng ngàn người dân. Đơn cử là vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH MTV DHA (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) làm 360 người phải nhập viện ngày 14/10. Sau 10 tiếng dùng bữa trưa tại bếp ăn của công ty này, hàng loạt công nhân đã xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa. Thức ăn nghi ngờ gây ra ngộ độc là món khô cá mối chiên. Hay mới đây, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đã phải gấp rút chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức cấp cứu 153 người bị ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Theo số liệu của Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP, trong gần 14 năm, cả nước xảy ra 2.683 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 78.051 người bị ngộ độc phải nhập viện với 688 ca tử vong.
Một chuyên gia về thực phẩm cho biết: “Rất khó để người tiêu dùng có thể phân biệt và lựa chọn thực phẩm sạch chỉ bằng mắt thường, điều này giống như việc đánh đố người tiêu dùng. Theo tôi, có một số mẹo nhỏ để lựa chọn nguyên liệu, như thịt heo cần có độ đàn hồi nhất định, thớ thịt đều, có màu hồng tự nhiên, không chảy nhớt và không có mùi hôi. Đối với cá, thì mắt cá phải trong, thịt cá cần có độ cứng nhất định và sau khi đã chế biến thì thịt chắc nhưng không cứng. Tuy nhiên, những mẹo này rất cảm tính và không phải ai cũng áp dụng được. Do đó, cách tốt nhất để lựa thực phẩm sạch là dựa vào uy tín và vệ sinh của nơi bán. Thịt được bày bán ở siêu thị thông thường đã được qua tuyển chọn, tươi và đảm bảo hơn thịt bán tại các chợ truyền thống về cả chất lượng thịt lẫn vệ sinh tại nơi bán”.
Rõ ràng, việc thực phẩm bẩn tràn lan là do người bán thấy lợi trước mắt mà không suy xét cặn kẽ những tác hại khủng khiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Người dân chỉ có thể tự bảo vệ mình và gia đình qua những biện pháp phòng ngừa, hạn chế việc ăn uống ngoài hàng quán, nhất là các quán ăn bình dân.
Ngọc Anh (Tổng hợp)