Lương bình quân của người lao động tại Việt Nam là hơn 45 triệu đồng/năm, tương đương 2.112 USD, bằng khoảng 27% mức trung bình của thế giới.
Theo thống kê từ CNN, lương trung bình năm của người lao động Việt Nam gấp đôi lương giáo viên tại châu Phi, song chỉ bằng 78% thu nhập của một lao công tại Thái Lan.
Trên bình diện toàn thế giới, mức lương trung bình mà một người lao động nhận được là khoảng 19.188 USD/năm. Ở Việt Nam, lương bình quân của người lao động là hơn 45 triệu đồng/năm, tương đương 2.112 USD, bằng khoảng 27% mức trung bình của thế giới.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng người lao động tại một số quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Hàn Quốc hay Đức được hưởng đãi ngộ cao hơn hẳn so với phần còn lại của thế giới. Cụ thể, mức lương trung bình tại Mỹ là 42.966 USD/năm, tức khoảng 920 triệu đồng. Tại Hàn Quốc và Đức, con số này lần lượt là 40.791 USD và 38.910 USD.
Nếu biết rằng số tiền đủ để đảm bảo cuộc sống tại Mỹ rơi vào 12.000 USD/năm thì việc mức lương trung bình chênh lệch lớn so với mức sống phần nào lý giải cho việc vì sao người ta vẫn thường nghĩ về quốc gia này như một nơi lý tưởng để tới sinh sống và làm việc.
So với các quốc gia nằm trong khối ASEAN, mức lương trung bình của Việt Nam đứng thứ 6, sau Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Singapore dẫn đầu khu vực khi trung bình 1 người lao động Singapore nhận 44352,55 USD/năm tiền lương. Mức này rơi vào top đầu của thế giới, và cao hơn tổng lương trung bình năm của 10 nước còn lại trong khu vực.
Với mức lương 2.112 USD/năm, trung bình một người lao động tại Việt Nam hàng năm có thu nhập bằng 3% lương của CEO tại Mỹ, quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới. Con số này cũng gấp đôi thu nhập của một giáo viên Ethiopia, song chỉ tương đương 78% số tiền mà 1 lao công Thái Lan nhận được. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng lương trung bình của lao động Thái Lan là 4.421 USD/năm, gấp đôi Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc Tế (ILO),Việt Nam chỉ có khoảng 1/3 số lao động có việc làm là được hưởng lương. Tỷ lệ này khá thấp so với trung bình trên thế giới là khoảng 50%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của ILO dự báo, trong thập kỷ tới, tỷ lệ lao động làm công ăn lương ở Việt Nam sẽ tăng nhanh và thu hẹp khoảng cách với thế giới. Nếu như năm 1996, tỷ lệ lao động làm công ăn lương ở Việt Nam chỉ là 16,85% thì đến năm 2013 tỷ lệ này đã lên tới 34,8%.
Báo cáo của ILO về tiền lương tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng, ngành nông nghiệp chiếm khoảng một nửa lực lượng lao động nhưng tỷ lệ lao động làm công ăn lương của ngành này chỉ chiếm 10% trong tổng số lao động làm công ăn lương của Việt Nam.
Đặc biệt, mặc dù tỷ lệ chênh lệch lương theo giới ở Việt Nam chỉ ở mức chưa đến 10%, nhưng riêng đối với ngành nông nghiệp-ngành có mức lương rất thấp thì tỷ lệ chênh lệch cao nhất trong các ngành, lên tới 32%. Tuy nhiên, ở hai ngành được trả lương bình quân cao nhất thì lao động nữ lại được trả lương cao hơn nam giới một chút.
Các chuyên gia về lao động, tiền lương nhận định, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, các chính sách điều chỉnh tiền lương của Việt Nam cần được cải thiện để đảm bảo sự cân bằng. Việc điều chỉnh tiền lương phải đảm bảo vừa thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp vừa giúp người lao động hưởng thành quả công bằng từ tăng trưởng năng suất lao động.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2015-02-05 19:48:35
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/luong-cua-nguoi-viet-dung-thu-bao-nhieu-tren-the-gioi-a174019.html