Mỹ phẩm giả hiện đang len lỏi rất nhiều ngoài thị trường, trở thành mối lo lắng của nhiều chị em. Cách để nhận biết mỹ phẩm thật – giả thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là những mẹo đơn giản giúp chị em phân biệt nhanh đâu là mỹ phẩm giả.
Tin tức trên báo Tuổi trẻ, chiều 2/2, thượng tá Nguyễn Cảnh Toàn – phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa bắt giữ khoảng 15 tấn hoá, mỹ phẩm giả.
Công an tạm giữ hình sự Thân Hữu Phước (41 tuổi) và Lương Thanh Tùng (33 tuổi) – cùng ngụ tại TP Hồ Chí Minh để điều tra về hành vi “sản xuất và buôn bán hàng giả”.
Theo đó, tháng 12/2014, Công an Nghệ An nhận thông tin có nhóm người đi xe máy bán hàng rong tại các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong…nghi là hàng giả.
Công an bắt quả tang 5 người đều ngụ tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đang bán rong hàng giả là mỹ phẩm, nước hoa, nước súc miệng, dung dịch vệ sinh…
Từ lời khai của nhóm người này, khoảng 6 giờ sáng 28/1, Công an Nghệ An phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh thực hiện lệnh bắt, khám xét đồng loạt ba cơ sở sản xuất hàng giả tại quận Gò Vấp và Quận 12, TP Hồ Chí Minh do Tùng và Phước cầm đầu.
Tại đây, công an thu gần 15 tấn hàng gồm nước súc miệng, dung dịch vệ sinh, dầu gió, mỹ phẩm…cùng nhiều máy móc, phương tiện, bao bì sản xuất hàng giả. Trong đó có hàng chục ngàn sản phẩm đã đóng chai và chuẩn bị đóng chai được dán nhãn mác của các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng.
Viện khoa học kỹ thuật hình sự giám định kết luận đây là hàng giả. Giá trị lô hàng giả tương đương khoảng 1,5 tỉ đồng.
Tại quan công an, bước đầu Tùng và Phước khai cùng nhau sản xuất hàng giả từ đầu năm 2014 sau đó vận chuyển tiêu thụ tại Nghệ An và một số địa phương lân cận.
Mỹ phẩm giả, không nguồn gốc được bày bán rất nhiều tại các khu chợ dân sinh, chợ sinh viên. (Ảnh minh họa).
Trước đó, theo thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, tháng 10/2014, cơ quan chức năng quận Bình Thạnh, TP.HCM từng phát hiện nhóm người thuê phòng trọ trên địa bàn mua dung dịch, bột kem chợ Kim Biên về pha chế sữa tắm trắng giả các nhãn hiệu, nguồn gốc. Lực lượng kiểm tra thu giữ trên 1.000 đơn vị SP các loại và hàng trăm ký nguyên liệu, bao bì. Đáng lưu ý, nguyên liệu dùng để pha chế MP gồm các chất dạng dung dịch, rắn, bột nhiều màu sắc màu trắng, hồng, vàng, nâu, đỏ… chưa rõ tên chất.
Theo ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ NTD Bình Dương, trước đây tại địa bàn xã Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, cơ quan chức năng từng bắt quả tang hai đối tượng sản xuất mỹ phẩm giả ngay tại nhà mà thành phần nguyên liệu chính là… bột mì. Hầu hết các vụ sản xuất mỹ phẩm giả thường diễn ra tại các khu dân cư, khu nghĩa địa… Theo đánh giá của ông Bán, 50% mỹ phẩm trên thị trường hiện không có nguồn gốc rõ ràng.
Mỹ phẩm giả gây nhiều tổn thương nguy hiểm
Bác sĩ Trần Thế Viện – Khoa Lâm sàng, BV Da liễu TP.HCM, cảnh báo: những thành phần độc hại thường có trong mỹ phẩm giả là corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, hương liệu tổng hợp, chất màu tổng hợp… Những chất này ngoài gây tàn phá làn da, dị ứng da, còn có thể gây bệnh cho các cơ quan khác: phổi, thần kinh, ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi, có thể gây ung thư…
“Trong quá trình thực hành tại BV Da liễu và BV Đại học Y Dược, tôi đã gặp khá nhiều trường hợp bị tổn thương da do dùng mỹ phẩm giả. Những triệu chứng lâm sàng hay gặp từ nhẹ đến nặng: đỏ da, ngứa, rát phỏng da, nổi sần, bong vảy, nổi mụn trứng cá, viêm da tiếp xúc dị ứng, nếu nặng có thể gây hội chứng Stevens-Johnson (Hội chứng Stevens-Johnson là phản ứng có hại trên da, hiếm gặp nhưng nguy hiểm của thuốc. Ðặc trưng của hội chứng Stevens–Johnson là loét các hốc tự nhiên (thường gặp ở mắt và miệng) và có nhiều dạng tổn thương da: bọng nước, diện tích da tổn thương mỹ phẩm của hãng lớn, đáng tin cậy, có nhiều người sử dụng. Không nên dùng SP lạ, trôi nổi, hàng xách tay không rõ nguồn gốc. Xem kỹ thành phần, hạn dùng của SP và thử dùng trước ở mặt trong cánh tay (ba-bảy ngày) xem có phản ứng gì không (đỏ, ngứa, vẩy…). Nếu có tác dụng phụ, ngưng ngay và khám ngay bác sĩ da liễu để tránh biến chứng”, bác sĩ Viện khuyên.
Về mặt cảm quan, son, phấn mắt và phấn má hồng khi trang điểm trên da có cảm giác nhẹ, mùi thơm nhẹ và dễ chịu, độ phủ mịn, đều. Thoa thử lên tay sẽ thấy độ bóng, mịn. Còn sản phẩm giả gây cảm giác bì và nặng da, mùi thơm nồng. (Ảnh minh họa).
Mẹo phân biệt mỹ phẩm thật – giả
Nhận biết qua hình thức
Về hình thức, trên bao bì có in trực tiếp mã code (có tác dụng truy nguồn gốc từ nước sản xuất, hồ sơ nhập hàng qua hải quan, nước đến). Một số sản phẩm bằng tuýp, ở phần đuôi có đóng nổi hạn sử dụng và mã code. Còn mã code của sản phẩm giả được in trên giấy rồi dán lên bao bì.
Ở trên bao bì của hàng giả, có thể nhìn thấy nhiều kiểu trình bày in ấn không rõ ràng nổi bật, ví dụ những câu chữ quá nhỏ hoặc quá mập mờ. Phải nắm rõ sản phẩm mình định mua, đừng để bị lừa bởi các sản phẩm nhái thường biến đổi một số chữ trên tên sản phẩm như: Lamcome thay vì Lancome; Kenzzo thay vì Kenzo; Lokasta hay vì Lacoste…
Những câu viết trên hàng thật thì luôn rõ ràng và ngắn gọn, súc tích. Bao bì phải chắc chắn, được làm từ bìa cứng hoặc giấy có chất lượng tốt. Những lọ nước hoa hay mỹ phẩm đắt tiền không chỉ là cách thể hiện và thu hút sự chú ý của khách hàng mà còn là sự bảo đảm về tính chất xác thực của sản phẩm, và một sản phẩm nhái khó lòng có thể bắt chước y hệt toàn bộ sản phẩm thật…
Phân biệt bằng cảm quan
Về mặt cảm quan, son, phấn mắt và phấn má hồng khi trang điểm trên da có cảm giác nhẹ, mùi thơm nhẹ và dễ chịu, độ phủ mịn, đều. Thoa thử lên tay sẽ thấy độ bóng, mịn. Còn sản phẩm giả gây cảm giác bì và nặng da, mùi thơm nồng. Dầu thơm thật có mùi thoảng nhẹ nhưng thời gian giữ mùi lâu đến 12 giờ. Còn dầu thơm giả do có độ cồn nhiều nên ngay khi xịt, mùi khuếch tán mạnh có thể gây nhức đầu và chỉ giữ mùi trong 1 giờ.
Lưu ý trước khi có quyết định mua mỹ phẩm, bạn nên đến gặp các chuyên viên tư vấn soi da để xác định loại mỹ phẩm phù hợp và dùng thử sản phẩm tặng để biết da có bị kích ứng hay không. Nên đọc kỹ nhãn, mác, chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc, tìm có nguồn gốc, chọn những mỹ phẩm có uy tín, được chiết xuất từ thiên nhiên đảm bảo an toàn cho da.
Chỉ căn cứ vào mã số mã vạch để nhận biết mỹ phẩm thật giả?
Nhiều người tin rằng có thể nhận biết mỹ phẩm thật – giả chỉ bằng mã số mã vạch (MSMV). Tuy nhiên, người tiêu dùng cần biết rằng MSMV chỉ là chìa khóa dẫn đến kho dữ liệu tương ứng (mô tả thông tin về sản phẩm) chứ không thể chỉ dùng MSMV để phân biệt hàng giả và hàng thật. Để phân biệt hàng thật – giả, người tiêu dùng cần căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau của sản phẩm cũng như cảm quan của chính mình.
An Nhiên (Tổng hợp)
2015-02-02 22:40:19
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/meo-don-gian-giup-phan-biet-my-pham-that-gia-nhanh-nhat-a173652.html