Chiến dịch chống tham nhũng ít nhiều gây ra làn sóng doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Trung Quốc
Nhiều năm qua, Trung Quốc được xem là miền đất hứa cho các công ty nước ngoài muốn mở rộng hoạt động, thu hút một lượng lớn người ngoại quốc tới nước này làm việc.
Đi nhiều hơn đến
Thế nhưng, theo khảo sát mới đây của Công ty UniGroup Relocation, số người nước ngoài rời khỏi Trung Quốc năm 2014 nhiều gấp đôi số người chuyển đến. Chi phí sinh hoạt và ô nhiễm gia tăng ở Trung Quốc là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bên cạnh việc hết hợp đồng và mong muốn về nước làm việc.
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc giảm trong năm 2014 cũng khiến doanh thu của các công ty đa quốc gia bị ảnh hưởng, buộc một số doanh nghiệp phải xem xét lại chiến lược tại thị trường này. Do chi phí sản xuất và lương nhân công tăng, một số công ty đã chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Malaysia, Việt Nam… Đây là nhận định của ông Steve Lewis, Giám đốc điều hành của UniGroup Relocation tại châu Á – Thái Bình Dương. Báo Mỹ The Wall Street Journal cho rằng kinh tế ở Mỹ và một số nước châu Âu hồi phục cũng góp phần làm người nước ngoài rời bỏ Trung Quốc.
Báo cáo của UniGroup không đề cập yếu tố chính trị hoặc những thách thức trong môi trường kinh doanh xuất phát từ chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thế nhưng, một số người nước ngoài ra đi nói rằng đó cũng là yếu tố tác động đến quyết định của họ.
Dễ gặp rủi ro
Trong khi đó, đa số doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở Trung Quốc cảm thấy đang bị đưa vào “tầm ngắm” sau khi Bắc Kinh điều tra một loạt công ty nước ngoài. Theo kết quả khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham China) công bố hôm 11-2, 57% trong số 1.012 đại diện các công ty được hỏi tin rằng công ty nước ngoài là mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng, chống độc quyền và thao túng giá của Trung Quốc. Ngoài ra, 65% cho biết họ lo ngại hậu quả tiêu cực của các chiến dịch nêu trên. Tham gia khảo sát là doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề, từ tài nguyên đến công nghệ thông tin khắp Trung Quốc.
Kênh CNBC dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng rất khó để kết luận các công ty đa quốc gia bị “để mắt” nhiều hơn công ty nội địa vì chưa có thống kê chính xác. “Dựa trên thông tin được công bố, số công ty Trung Quốc bị điều tra nhiều hơn công ty đa quốc gia nhưng những vụ việc này thường nhỏ và kết thúc nhanh gọn” – công ty tư vấn rủi ro Control Risks viết trong một báo cáo hồi tháng 10-2014. Theo Control Risks, trong môi trường pháp lý siết chặt của Trung Quốc hiện nay, các công ty đa quốc gia dễ trở thành mục tiêu điều tra hơn.
Giấc mơ Mỹ
Ngoài danh sách dài đủ thứ phải lo trước khi lâm bồn, nhiều bà bầu Trung Quốc giờ phải có thêm chiếc vé máy bay đến Mỹ. Một bà mẹ họ Hà, 27 tuổi, cho đài CNN biết đã chi hàng chục ngàn USD và lên kế hoạch tỉ mỉ trước khi bay tới bang California.
Một số bà mẹ Trung Quốc tìm cách đến Mỹ sinh con để hưởng lợi từ luật cấp quyền công dân Mỹ cho bất cứ ai sinh ra trên lãnh thổ nước này. Số liệu của báo chí Trung Quốc cho thấy năm 2012, ngành công nghiệp du lịch sinh nở bùng nổ với khoảng 10.000 phụ nữ Trung Quốc sinh con ở Mỹ – hơn gấp đôi con số 4.200 vào năm 2008. Nhiều gia đình muốn con có quốc tịch Mỹ vì hộ chiếu của đứa trẻ có thể giúp họ bám trụ ở xứ cờ hoa.
Theo NLD