Nhìn tờ tiền giả này rất dễ phát hiện nếu để ý. Khi sờ vào thấy rất mỏng, chỉ như tờ giấy, khác hẳn khi sờ vào tiền thật.
Tin tức trên báo Dân Việt, thời gian gần đây xảy ra hiện tượng tiền giả mệnh giá thấp được kẻ gia lưu hành trên các chợ dân sinh tại Hà Nội.
Theo chị Nguyễn Thị Thu – tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), có những tờ tiền mệnh giá 5.000 đồng mới cứng nhưng trông lại nhòe nhoẹt, tờ tiền rất mỏng. Vì nghi ngờ là tiền giả nên chị đã không lấy. Nhiều người bán hàng cũng phản ánh tình trạng có những tờ tiền 5.000 đồng cũ nát và cả tiền có vẻ mới nhưng nghi là tiền giả nên họ đã từ chối lấy.
Một số người đi chợ đặt giả thiết, có thể cuối năm tiền lẻ khan hiếm cộng với việc người dân thường ít để ý những loại tiền mệnh giá nhỏ nên các đối tượng buôn bán làm giả loại tiền mệnh giá nhỏ đưa ra thị trường tiêu thụ. Bản thân phóng viên Dân Việt sau nhiều lần qua lại các chợ này để mua hàng cũng đã bị người bán hàng trả lại tờ tiền giả mệnh giá 5.000 đồng.
Nhìn tờ tiền giả này rất dễ phát hiện nếu để ý. Khi sờ vào thấy rất mỏng, chỉ như tờ giấy, khác hẳn khi sờ vào tiền thật. Tiền 5.000 giả cũng có màu xanh nhòe nhoẹt như mô tả của nhiều người đi chợ. Các hình vẽ, hoa văn trên tờ tiền giả cũng mất nét. Đặc biệt, tờ tiền 5.000 đồng giả thiếu quá nhiều chi tiết, hình vẽ so với tờ tiền thật.
Sáng 9/2, phóng viên Dân Việt đã mang tờ tiền 5.000 đồng này nộp vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) tại phòng giao dịch Giang Văn Minh thuộc chi nhánh Cầu Giấy. Thông qua nghiệp vụ, phía ngân hàng đã xác nhận đây là tờ tiền giả.
Chị Phạm Thị Lan Hương – nhân viên trực tiếp lập biên bản thu giữ tờ tiền 5.000 đồng giả cho biết, tiền 5.000 đồng thật khi sờ tay vào không nhẵn lì mặt giấy như tiền 5.000 đồng giả. Các hình vẽ, hoa văn trên tờ tiền 5.000 giả nhòe nhoẹt, trong khi nếu là tiền thật thì các chi tiết này phải sắc nét. “Chất giấy, mầu mực của tờ tiền 5.000 đồng bị thu giữ đều giả so với tiền thật”, chị Hương khẳng định.
Chất giấy, mầu mực của tờ tiền 5.000 đồng bị thu giữ đều giả so với tiền thật.
Nhân viên này cũng cảnh báo: “Người dân cần cảnh giác khi trao nhận tiền trong mua bán. Nếu phát hiện tiền 5.000 đồng giả cần nộp vào ngân hàng ngay, không nên cố tình tiêu loại tiền này. Ngân hàng sẽ có trách nhiệm thu giữ tiền giả nếu người dân mang đến nộp”.
Ông Nguyễn Chí Thành – Cục trưởng Cục phát hành kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, cơ quan này sẽ cho cho kiểm tra ngay việc người dân phản ánh có tiền mệnh giá 5.000 đồng giả. Đây là lần đầu tiên có phản ánh về việc tiền mệnh giá nhỏ như 5.000 đồng bị làm giả.
Về câu hỏi có phải do Ngân hàng Nhà nước chủ trương không in tiền lẻ mệnh giá nhỏ dẫn đến việc xuất hiện tiền giả mệnh giá 5.000 đồng, ông Thành cho hay, Ngân hàng sẽ cho kiểm tra cụ thể mới có thể thông tin chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, tiền lẻ khan hiếm dịp Tết có thể là nguyên nhân dẫn tới tiền giả xuất hiện.
Cách phát hiện tiền giả nhanh nhất, đơn giản nhất
Thực tế cho thấy, dù được làm giả tinh vi ở mức độ nào thì tiền giả vẫn luôn có những đặc điểm khác với tiền thật.
Theo tài liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đó là các đặc điểm như: không có các đặc điểm bảo an (hoặc nếu có làm giả thì cũng chỉ mang tính chất mô phỏng, không thể giống thật); màu sắc có thể nhạt hơn, đậm hơn hoặc thiếu màu; hình ảnh, họa tiết không sắc nét, tinh tế như tiền thật…
Đối với các loại tiền giả polymer hiện nay, người tiêu dùng đều có thể kiểm tra, nhận biết bằng tay và mắt một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu chủ quan không kiểm tra khi nhận tiền trong giao dịch, mua bán hàng ngày, thì vẫn có khả năng nhận phải tiền giả.
Để phòng ngừa rủi ro, người tiêu dùng cần có thói quen quan sát cẩn thận đồng tiền khi giao dịch và biết cách kiểm tra các yếu tố bảo an trên đồng tiền theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, trong đó lưu ý một số bước kiểm tra cơ bản sau:
Đưa tờ tiền lên trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dây an toàn (dây bảo hiểm):
Ở tiền thật sẽ nhìn thấy trên cả 2 mặt tờ tiền: hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền giấy, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo; dây an toàn có các chữ và số rõ ràng, sắc nét và sáng hơn màu nền xung quanh.
Ở tiền giả: không có hình bóng chìm và dây an toàn; hoặc hình bóng chìm không tinh xảo như tiền thật, chỉ là hình mô phỏng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên bề mặt; các chữ, số trên dây an toàn không rõ ràng, sắc nét và tối hơn nền giấy.
Tại các vị trí: dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, quốc huy, hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ và số mệnh giá… Ở tiền thật sẽ có cảm giác nhám, ráp khi vuốt lên các chi tiết này. Ở tiền giả: chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như tiền thật.
Chao nghiêng tờ tiền để kiểm tra yếu tố mực đổi màu (OVI) và yếu tố IRIODIN
Ở tiền thật yếu tố OVI có màu vàng đất khi nhìn thẳng và chuyển dần sang màu xanh lá cây khi nhìn nghiêng. Yếu tố IRIODIN là dải màu vàng chạy dọc tờ tiền, lấp lánh ánh kim khi chao nghiêng tờ tiền.
Ở tiền giả: không có yếu tố mực đổi màu, hoặc in giả màu vàng/xanh lá cây nên không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật; không có dải màu vàng lấp lánh khi chao nghiêng tờ tiền.
Quan sát các cửa sổ trong suốt trên tờ tiền:
Kiểm tra hình dập nổi trên cửa sổ lớn (ở tiền thật, hình dập nổi là cụm số mệnh giá được dập nổi tinh xảo); kiểm tra hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ bằng cách đưa cửa sổ tới gần mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ và hướng vào nguồn ánh sáng đỏ (bóng đèn sợi đốt, ngọn lửa …) sẽ thấy hình ẩn hiện lên xung quanh nguồn sáng.
Ở tiền giả: không có cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn, nếu có chỉ là các nét dập thô, không tinh xảo như tiền thật; trong cửa sổ nhỏ không có hình ẩn (DOE) như tiền thật.
Trong giao dịch, mua bán hàng ngày, khi gặp đồng tiền nghi giả nên lấy tiền thật cùng loại (cùng mệnh giá) để kiểm tra và so sánh những điểm bảo an như hướng dẫn nêu trên, trong hầu hết các trường hợp, người tiêu dùng có thể nhận biết và phân biệt được tiền thật/tiền giả.