PGS.TS. Nguyễn Duy Thăng, PGĐ BV Trung ương Huế là bác sĩ đầu tiên tại Việt Nam chữa lui nhiều bệnh ung thư hoàn toàn bằng tế bào gốc. Đến nay đã có 4 bệnh nhân giai đoạn cuối lành bệnh và nhiều số phận “cận kề cái chết” khác sẽ được cứu sống.
Ngày 25/6/2014, bệnh nhân Lê Thị Sau (52 tuổi, trú Thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế) được ra viện sau khi lành bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn cuối. Chị Sau cũng là ca bệnh ung thư đầu tiên tại Việt Nam được ghép tế bào gốc thành công, mở ra một triển vọng cực kỳ khả quan cho việc điều trị ung thư dứt điểm.
Đến ngày 21/11, bệnh nhân thứ hai là Trần Thị Thu (48 tuổi, phường Kim Long, TP Huế) với bệnh tương tự chị Sau – được chữa lành, ra viện.
Vào ngày 22/1/2015, bệnh nhân Nguyễn Thị Vui (58 tuổi, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) bị ung thư tủy xương được chữa khỏi bằng tế bào gốc.
Và gần Tết Ất Mùi, ngày 13/2, bệnh nhân Lê Thị Kiều Diễm (40 tuổi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bị ung thư vú giai đoạn cuối di căn ung thư lên não, phổi, cột sống – chưa có tiền lệ sống sót từ trước đến nay đã hoàn toàn khỏe mạnh, được ra viện với phương pháp tương tự.
Đây là 4 trong 10 bệnh nhân trong đề tài cấp Nhà nước độc lập đầu tiên “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng” được Bộ KH&CN cho phép riêng BV Trung ương Huế triển khai 2013 – 2015 và PGS.TS. Nguyễn Duy Thăng làm chủ nhiệm đề tài.
1/ Lần đầu tiên làm thành công – nhiều người không tin
“Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 22.000 người mắc ung thư – một con số khủng khiếp, giống như một đại dịch hay quả bom nguyên tử nổ chậm, không chỉ với nước ta mà còn cả trên thế giới. Thực tế khi bắt đầu làm chương trình quốc gia về sàng lọc ung thư từ năm 2000 tại bệnh viện, hàng ngày điều trị bệnh nhân, chứng kiến từng người cứ lần lượt ra đi mà không làm được gì, lòng tôi quặn lại, xót thương lắm.
Nếu ung thư di căn giai đoạn 2-3 trở đi thì việc điều trị truyền thống coi như đã nắm phần thất bại, không chỉ nước ta mà các nước tiên tiến cũng không điều trị được. Thất bại của chúng ta là không chữa được bệnh đến nơi đến chốn – nói cách khác là không điều trị tiệt căn tế bào ung thư. Bởi nếu diệt tế bào ung thư hết thì cơ thể chúng ta cũng chết trước luôn vì không chịu nổi hóa trị, xạ trị liều cao”, BS Thăng cho biết.
Phụ trách Trung tâm huyết học truyền máu tại BV Trung ương Huế từ 2007, nơi đã làm được ghép tủy, có hệ thống tách tế bào gốc, bảo quản tế bào gốc; thực tế đã cứu sống nhiều bệnh bị suy tủy bằng việc ghép tế bào gốc; bên cạnh đó, nhận thấy ung thư buồng trứng và ung thư vú là hai bệnh có tỷ lệ khá cao… nên BS Thăng nghĩ đến phải tiến hành chữa dứt điểm 2 bệnh ung thư này bằng tế bào gốc.
Sử dụng phương pháp truyền thống kết hợp với ý tưởng đột phá, BS Thăng đã cho ra quy trình điều trị như sau: Phẫu thuật lấy khối u khi đã làm nhỏ khối u bằng hóa trị. Bắt đầu sẽ hóa trị/ xạ trị hay kết hợp cả 2 để tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại đang “lang thang” trong cơ thể người bệnh.
Tiếp theo, sẽ tách tế bào gốc tạo máu tự thân ngoại vi và xử lý tế bào gốc (dùng máy hiện đại tách những phần còn bị lẫn ở tế bào gốc), rồi bảo quản tế bào gốc ở nhiệt độ -196 độ C, khi ổn định rồi sẽ đưa vào ghép cho người bệnh. Sau đó tiếp tục hóa trị liều cao và điều trị nhắm đích, thậm chí có thể xạ phẫu nếu trường hợp nặng.
Vì là ca đầu tiên nên xác định không được thất bại nên tất cả ý chí được dồn hết cho người bệnh. BS Thăng vẫn nhớ khi biết bệnh nhân đầu tiên khỏi bệnh nhờ điều trị bằng tế bào gốc, có nhiều người trong ngành y vẫn chưa tin. Chỉ đến khi công bố trong ngày ra viện của chị thì mới hoàn toàn thuyết phục tất cả.
2/ “Mở đường máu” tiêu diệt ung thư di căn lên não
Trong số 4 bệnh nhân, chị Kiều Diễm là bị nặng nhất: ung thư vú giai đoạn cuối đã di căn lên não, phổi, cột sống. Vào tháng 9/2014, khi bệnh nhân chuyển ra BV Trung ương Huế, các bác sĩ không có thông tin nhiều về bệnh tình của chị vì các BV điều trị trước đó “giam” nhiều kết quả xét nghiệm. BV Trung ương Huế phải tiến hành làm lại, chụp CT, rà soát chụp cộng hưởng từ (MRI), xét nghiệm về thông số huyết học, chụp xạ hình xương… và khi cầm trên tay kết quả thì BS Thăng đã không tin những gì mình thấy.
“Bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 4, bị u đa ổ di căn phổi khi đã di căn ở 2 đỉnh phổi, di căn ở chạc ba khí quản, di căn xương cột sống đốt D3, D5. Đặc biệt khối ung thư đã di căn lên não. Tôi nói với các anh em là ‘thôi rồi’ vì chỉ khoảng 3-4 tháng sau nữa là sẽ suy hô hấp, tử vong. Hội chẩn cùng các ekip liên quan, 10 người đều chung 10 ý là không làm được. Biên bản cũng xác nhận là không làm.
Tuy nhiên vì gia đình chị Diễm quyết tâm lắm, họ nói nếu ra đi ở Cố đô thì còn hơn ra đi ở Tây đô và người em của chị Diễm đang là nhà báo tại Đài PT-TH Cần Thơ nên hiểu được chị mình đang đứng trước cơ hội có thể được chữa khỏi nếu làm những gì mà trước đây các bệnh nhân khác chưa làm. Tôi lại một lần nữa đưa ra hội đồng, vận động và thống nhất quan điểm ‘bệnh nhân đến với mình thì bất luận thế nào cũng phải điều trị hết mình”, BS Thăng kể lại.
Và thế là các bác sĩ quyết định tấn công vào vùng não vốn được xem là “bất khả xâm phạm” vì từ trước đến nay thuốc không thể vào võ não. BS Thăng đã phải cho sử dụng xạ phẫu, cách làm mạnh nhất nhưng nguy hiểm nhất để phá vỏ bọc khối u. Khi phá được “phòng tuyến” này, BS đã mừng rỡ đến độ không tả nổi, ví như việc đánh trận “mở đường máu” giữa hàng vạn kẻ địch để thoát chết, vì phương pháp này có thể làm bệnh nhân tử vong.
Sau đó, công việc đã nhẹ nhàng hơn nhưng không kém phần phức tạp với độ tính toán trước các bước một cách chuẩn nhất là dùng hóa trị liều cao – điều trị đích – xạ toàn não. Việc đưa thuốc vào phải tiến hành ngay vì còn nhiều ổ nhỏ ung thư rải rác trong não, nếu thuốc vào lâu thì việc chữa khỏi sẽ kém. Và cuối cùng là điều trị tiếp liều cao kèm điều trị đích thêm một lần nữa.
Khi sạch hết tế bào ung thư trong não thì tiếp tục tấn công các khối ung thư ở vú và những vùng khác. Nhưng thực tế toàn bộ tế bào ung thư bị diệt thì cơ thể bị rơi vào trạng thái suy tủy không hồi phục, người bệnh sẽ mau chóng tử vong. Tuy nhiên, “nhân tố vàng” là tế bào gốc tạo máu tự thân đã được lấy trước đó từ người chị Diễm và bảo quản tốt ngay lập tức được đưa vào đã làm cho cơ thể “tái sinh”. Một hệ thống tạo máu mới sạch, khỏe đã làm cho toàn bộ các cơ quan được phát triển như ban đầu lại: khỏe mạnh và không còn bóng “quân thù ung thư”.
Tiến hành tiêu diệt tế bào ung thư từ cuối tháng 10/2014, đến cuối tháng 1/2015 thì ghép tế bào gốc. Gần 1 tháng sau vào ngày 13/2, bệnh nhân đã ra viện. Việc điều trị được ví như một phương pháp “cải lão hoàn đồng”, nhưng đây là “cải lão” cho một người bệnh đã hết đường cứu chữa chỉ chờ chết.
Có thể xem đây là người bệnh bị đa ung thư nặng nhất tại Việt Nam được cứu sống. Quan trọng hơn hết, đây là việc không tưởng mà như lời BS Thăng tâm sự, chính sự thành công đã mở ra một tinh thần mới cho các y bác sĩ khi tự tin làm những ca bệnh khó nhất một cách không sợ hãi. . .
Theo Dân trí, 27/2/2015
Filed under: Bệnh ung thư Tagged: ung thư giai đoạn cuối