Bà Lý Vỹ Linh, con gái của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, là người trực tiếp phụng dưỡng cha mẹ đến những giây phút cuối cùng.
Một ngày sau khi cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu qua đời, ngày 24/3, bà Lý Vỹ Linh, 60 tuổi, hiện là giám đốc Bệnh viên thần kinh quốc gia, đã gửi một bài viết lên tờ The Straits Times để tưởng nhớ người cha kính yêu của bà. Trước đó, bà cũng từng chia sẻ ngắn gọn về cuộc đời của cha mẹ và của chính mình trên tờ The Sunday Times:
Cha tôi là một người tham công tiếc việc (Đăng ngày 24/3/2015)
Cả gia đình tôi ở trong bệnh viện chờ đợi khi bố tôi phải đặt stent động mạch vành, không ai nói lời nào. Đó không phải vì căng thẳng về tình hình sức khỏe của bố mà vì tất cả chúng tôi đều rất bận rộn với công việc.
Bố tôi ngồi trên giường bệnh trong khi vẫn nhìn vào chiếc máy tính. Mẹ tôi kiểm tra giấy tờ và tôi cũng chăm chú với chiếc laptop.
Nếu ai đi qua nhìn thấy 3 người chúng tôi trong phòng, chắc hẳn chẳng ai nghĩ rằng bố tôi sắp phải phẫu thuật tim.
Bà Lý Vỹ Linh, con gái của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
Đúng vậy, bố tôi là một người tham công tiếc việc. Ca phẫu thuật là lý do không đủ lớn để ông tạm gác công việc khi đó.
Ông là người luôn điềm tĩnh, không bao giờ thể hiện cảm xúc ra bên ngoài và luôn nhẫn nhịn để đối đầu với thử thách. Ông nói rằng, con người không nên cảm thấy hoảng sợ vì như vậy sẽ không tốt cách chúng ta xử lý tình huống.
Một tính cách đanh thép đã khiến ông “chèo lái” đất nước trong suốt 31 năm.
Trong gia đình, tôi là người giống cha nhất vì cả hai cha con đều có tính khí rất mạnh. Và khi hai người với tính cách mạnh cùng sống trong một mái nhà thì khó có thể kiểm soát mọi việc. Thỉnh thoảng, hai cha con lại tranh luận về một vấn đề và không ai chịu thua.
Hồi năm 2002, tôi đã bỏ nhà đi sau một lần tranh cãi với bố. Bố muốn tôi ngừng tập tạ bởi vì tôi dễ bị gãy xương.
“Bác sĩ nói với bố rằng, con có thể bị liệt nếu như cứ tập như vậy. Con đang ở trong nhà này thì bố cần phải chăm sóc tốt cho con”, bố tôi gọi tôi vào phòng làm việc và nói với tôi như vậy.
Vì không muốn dừng tập nên tôi quyết định chuyển ra ngoài, sống cùng anh Long (Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hiện tại).
Có lẽ, ông không nghĩ rằng tôi sẽ phản ứng như vậy. Khi đó, tôi đã 47 tuổi. Năm sau, khi tôi nói với bố là sẽ đi thám hiểm núi lửa ở Hawaii (Mỹ), ông đã đáp lại một câu khiến tôi hoàn toàn bất ngờ: “Con hãy cẩn thận nhé” và không nói thêm gì.
Bức ảnh chụp ông Lý Quang Diệu và con gái Lý Vỹ Linh năm năm 1962.
Luôn tiết kiệm (Đăng ngày 5/8/2012)
Tôi lớn lên trong gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Mặc dù cuộc sống sung túc nhưng bố mẹ luôn dạy anh em tôi cần phải biết tiết kiệm ngay từ khi còn bé.
Chúng tôi luôn phải vặn vòi nước thật chặt. Nếu bố mẹ nhìn thấy nước nhỏ ra từ vòi, chúng tôi sẽ bị phạt. Khi ra khỏi phòng, chúng tôi phải tắt hết đèn và điều hòa.
Sự cần kiệm của bố tôi không chỉ thể hiện qua những việc như vậy. Khi đi nước ngoài, bố thường tự giặt quần áo hoặc mẹ tôi sẽ làm công việc đó nếu mẹ còn sống. Bố tôi thường phàn nàn phí giặt là ở các khách sạn năm sao quá đắt và với số tiền đó, ông có thể mua được một chiếc quần đùi mới.
Một ngày vào năm 2003, chiếc chun quần thể dục cũ kỹ của bố tôi bị đứt và mẹ tôi đã phải thay chun mới. Trước đó, mẹ đã sửa lại đôi quần thể thao này quá nhiều lần.
Bố mẹ và tôi đều thích những thứ mình quen thuộc. Chẳng hạn như, ngôi nhà mà chúng tôi ở đã được hơn 100 năm.
10 năm trước, khi gia đình tôi lần đầu thuê ông Teow Seong Hwa về làm nhà thầu kiêm quản gia, ông ấy hỏi tôi: “Bố cô làm việc vất vả nhiều năm qua, sao ông ấy lại không thích tận hưởng một cuộc sống tiện nghi hơn?”.
Tôi giải thích rằng, chúng tôi cảm thấy cực kỳ thoải mái với căn nhà cũ này và những món đồ đạc cũ. Chúng tôi không đặt sự sang trọng lên đầu.
Từ đó, ông Teow trở thành một người bạn của gia đình tôi và ông ấy rất hiểu rằng, chúng tôi hoàn toàn hạnh phúc với cuộc sống đơn giản.
Chẳng hạn như, các phòng tắm trong nhà đều được lát nền kiểu khảm, hữu ích hơn so với lát đá hoa vì có thể tránh bị ngã do trơn trượt.
Tôi có 3 chiếc đồng hồ Casio nhưng chỉ dùng một cái. Gần đây, khi tỉnh dậy giữa đêm nhưng không thể tìm thấy chiếc đồng hồ tôi vẫn thường đeo, tôi đành tìm hai cái còn lại. Chúng nằm trong ngăn kéo, cùng hai chiếc đồng hồ Tag Heuer mà anh Dương mới cho, cùng chiếc Seiko mà bố cho tôi từ mấy chục năm trước nhưng vẫn còn chạy tốt.
Sau 30 phút, tôi biết rằng tôi sẽ không tìm thấy chiếc đồng hồ tối nay. Tôi liền lấy một chiếc Casio đeo vào tay, tự an ủi mình rằng sẽ không cần đeo những chiếc khác nếu không tìm thấy cái mình vẫn hay dùng.
Sau khi thấy tôi chỉ mặc thay đổi 2 chiếc váy trong nhiều năm, chị dâu và bạn bè tôi đã mua tặng tôi 20 chiếc váy mới. Tuy nhiên, tôi chỉ dùng 3 cái. Tôi thấy mình hợp với quần soóc và áo phông hơn.
Lối sống thanh đạm chính là điều cha mẹ tôi đã dạy và tôi luôn khắc ghi điều đó. Tôi hài lòng với cuộc sống giản đơn như vậy.
Sống một cuộc sống không hối tiếc (Đăng trên The Sunday Times ngày 23/10/2011)
Trên tất cả, bố tôi đã sống một cuộc sống có mục đích, đầy ý nghĩa và phong phú.
Khoảng 20 năm trước, khi đó, tôi vẫn trong tuổi kết hôn, một hôm, bố gọi tôi vào nói chuyện nghiêm túc. Ông bảo rằng, ông bà đều rất vui nếu tôi vẫn ở với họ và chăm sóc họ khi về già nhưng tôi sẽ cảm thấy cô độc nếu không kết hôn.
Tôi đáp lại: “Con thà cô độc còn hơn mắc kẹt trong cuộc hôn nhân không tình yêu”.
Tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình.
Ảnh chụp ông Lý Quang Diệu và con gái Lý Vỹ Linh hồi tháng 11/1980.
20 năm sau, tôi vẫn độc thân. Tôi vẫn sống cùng với bố mẹ. Tuy nhiên, những ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của tôi phần nào đã thay đổi. Thay vì thường xuyên đi du lịch nước ngoài một mình, tham gia các hội thảo về y học hay đi leo núi, tôi thường đi du lịch cùng bố.
Cũng giống như mẹ tôi từng làm khi còn sống, tôi đi cùng bố để chăm sóc và bầu bạn. Sau khi sức khỏe của mẹ quá yếu và không thể đi du lịch, ông dường như không có người để chia sẻ sau những cuộc họp kéo dài cả ngày mệt mỏi.
Ở tuổi 88, bố tôi không còn khỏe mạnh nữa. Sức khỏe của ông kém đi nhiều sau khi mẹ tôi bị đột quỵ vào năm 2008. Sau khi mẹ qua đời, sức khỏe của bố ngày càng suy giảm.
Bố tôi biết rằng, sức khỏe của ông không được như 4 năm về trước nhưng ông nói sẽ đến bất cứ nơi nào trên thế giới nếu chuyến đi đó có thể mang lại lợi ích cho đất nước Singapore.
Hiện tại, tôi và bố đang đi du lịch vòng quanh thế giới trong 16 ngày. Điểm dừng đầu tiên của chúng tôi là Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để tham dự một cuộc họp. Sau đó, chúng tôi đến một vùng quê gần thủ đô Paris (Pháp) để thư giãn trong hai ngày. Tiếp đó là Washington DC (Mỹ).
Bố tôi tin rằng, chúng ta cần phải tiếp tục sống dù phải trải qua những thất bại cá nhân. Nếu ông có thể làm gì cho Singapore, ông luôn sẵn sàng dù đã già hay sức khỏe không còn tốt nữa. Còn tôi, tôi luôn bên cạnh khi bố mải mê với công việc và chăm sóc để đảm bảo rằng, bố được nghỉ ngơi đầy đủ.
Giờ đây, tôi lại là người nhắc bố tôi không tập thể thao hay làm việc quá sức.
Khi tất cả cả kết thúc, bố tôi và tôi, bất chấp bệnh tật, đã sống một cuộc sống không có gì phải hối tiếc.
Khi đối mặt với mọi việc, thái độ của bố tôi có thể gói gọn trong những câu thơ của Robert Frost:
Khu rừng đẹp, tối đen và sâu thẳm
Nhưng tôi vẫn còn một lời hứa
Và còn hàng dặm phải đi trước khi yên giấc
Và còn hàng dặm phải đi trước khi yên giấc.
Xem thêm video:
Người dân Singapore khóc thương cố thủ tướng Lý Quang Diệu.
Thiên Bình
2015-03-25 15:40:04
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/cuoc-doi-binh-di-cua-gia-dinh-ong-ly-quang-dieu-a179976.html