Bộ Công Thương đang thẩm định phương án tăng giá điện trong khoảng 7-10%…
Thông tin trên báo VTC News, người phát ngôn của Chính phủ cho biết Bộ Công Thương đang thẩm định phương án tăng giá điện trong khoảng 7-10%.
Nhiều ý kiến cho rằng trong 3 phương án điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các bộ, ngành đều nhất trí với phương án cao nhưng Chính phủ vẫn chỉ đạo phải rà soát lại.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết theo Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trường hợp các thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân cơ sở cập nhật tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ bình ổn giá điện) với mức từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
“Các phương án đề nghị điều chỉnh giá điện của EVN lần này nằm trong phạm vi từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định; do đó, thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Hiện nay Bộ Công Thương đang tiến hành kiểm tra, thẩm định phương án giá điện năm 2015 do EVN đề xuất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2015.
Giá điện của EVN lần này điều chỉnh tăng nằm trong phạm vi từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định. (Ảnh minh họa).
Trả lời thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết những mặt hàng thiết yếu và có thể nói là nhạy cảm, Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức rõ ràng và qua rất nhiều văn bản.
Gần đây nhất là Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 3 bộ, trong đó có Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, trong đó có EVN. Qua báo cáo của các bộ, ngành và các doanh nghiệp, liên quan đến giá điện, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ đây là một trong những mặt hàng chúng ta phải kiên quyết tiến dần đến giá thị trường.
Trước Tết, mặc dù đã có đầy đủ những điều kiện để có thể điều chỉnh giá điện nhưng xét đến việc có thể ảnh hưởng tâm lý người dân, đến các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo không tăng giá điện.
Còn sau Tết, theo đề xuất của EVN, tùy theo thẩm quyền nếu tăng từ 7-10%, Bộ Công Thương sẽ có xem xét và quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2015. Còn nếu trên 10% thì EVN trước tiên sẽ báo cáo Bộ Tài chính, khi có ý kiến của EVN và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
“Chúng ta biết có rất nhiều yếu tố cấu thành giá điện. Như chúng ta đã biết, có những yếu tố để giảm chi phí giá điện do giá dầu thế giới tụt giảm rất nhiều, có nhiều thắc mắc đặt ra là giá dầu giảm như vậy thì có thể giảm được giá điện hay không? Có điều rất đáng tiếc, sản lượng điện sản xuất qua xăng dầu chỉ chiếm có 0,55% sản lượng điện chúng ta đang sản xuất. Như vậy gần như có thể nói giá dầu trên thế giới giảm nhưng không tác động đến yếu tố cấu thành giá điện”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lý giải thêm.
Trong khi đó, có nhiều mặt hàng, yếu tố làm ảnh hưởng đến giá điện, ví dụ như giá than tăng đến 22% tính đến 22/7/2014 so với 1/8/2013, trong khi lượng điện được sản xuất bằng nhiệt điện chiếm tới 32,37%.
Giá khí có tăng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tăng rất nhiều lần, 1/4/2014 tăng 1 lần, đến 1/7/2014 tăng lần 2, lần 3 là 1/10 và gần đây nhất là 1/1/2015.
Những yếu tố cấu thành giá điện như vậy tăng, tỷ giá bình quân cũng tăng, kể cả thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, kể cả giá mua điện từ các nhà máy có công suất từ 30MW trở xuống cũng đều tăng.
Thứ trưởng Hải lấy dẫn chứng: “Có ý kiến cho rằng hiện nay tỷ lệ hao tổn điện của chúng ta rất lớn, chỉ so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam trước đây có mức giá khoảng 6,27 cent/1 kWh điện, hiện nay mới tăng lên được 7,7 cent/1 kWh điện, trong khi ở Philippines xấp xỉ gần gấp 3 chúng ta: 21,72 cent/1 kWh điện, Singapore là 21,3 cent/1 kWh điện, gần chúng ta là Thái Lan cũng là 10,65 cent/1 kWh điện, Malaysia là 7,29 cent/1 kWh điện. Đó là điện sinh hoạt, còn điện thương mại ở các nước khác cũng là gấp đôi, gấp ba điện ở Việt Nam”.
Việc sắp tới có sự thay đổi theo đề xuất của EVN, Bộ Công Thương sẽ thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ.
“Trong tháng 3, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì chắc chắn báo chí sẽ được biết hết sức chi tiết về vấn đề này”, Thứ trưởng Hải kết luận.
Giá điện không tăng, EVN sẽ phá sản? (ảnh minh họa).
Không tăng giá điện EVN sẽ phá sản
Trước đó, bên lề một cuộc gặp báo chí, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giá điện hiện nay đang dưới giá thành, nên việc điều chỉnh giá điện tới đây sẽ là điều khó tránh khỏi.
Thứ trưởng Hải cho biết, tại cuộc làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây về tài chính của EVN, các chuyên gia của WB đã báo động về tình trạng tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bởi giá điện quá thấp. Nếu kéo dài tình trạng này, EVN có thể sẽ phá sản.
Ông Hải nói: “Các chuyên gia của WB khuyến nghị, giá điện của Việt Nam sẽ phải tăng tới 40% trong vòng 3 năm tới, tính từ năm 2015 mới có thể “cứu” nổi ngành điện. Hiện Ngân hàng Thế giới phải xem xét tình hình tài chính của EVN, giá thành điện cũng như giá bán ra của ngành điện để quyết định việc có cho các dự án điện của EVN vay vốn hay không. “Nếu không tăng giá điện, EVN rất khó vay vốn và việc thu hút đầu tư vào ngành điện sẽ vô cùng khó khăn”, ông Hải cho hay.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, để chủ động điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam không có cách nào khác là phải tăng đầu tư sản xuất điện trong nước, giảm nhập khẩu (mà trước mắt là giảm nhập điện từ Trung Quốc). Muốn tăng sản xuất điện trong nước, thu hút được đầu tư vào ngành điện thì buộc phải tăng giá điện lên.
Ông Hải cũng cho biết, có 3 phương án về điều chỉnh giá điện đang được Bộ Công thương và các bộ ngành tính toán, từ mức tăng thấp đến vừa, cao. Tuy nhiên, tăng giá điện ở mức nào tới đây vẫn cần phải cân nhắc để đảm bảo hỗ trợ người nghèo, phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội.
Trước đó, các chuyên gia của WB đã đề nghị từ nay đến nửa cuối năm 2016, cần phải tăng giá bán điện lên mức cao nhất có thể trong khung 10% theo quy định cho mỗi chu kỳ 6 tháng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định: Tới đây, dù có điều chỉnh giá điện thì cũng sẽ chưa bù đắp được hết các khoản chi phí tăng lên của EVN. Người phát ngôn Bộ Công thương nói: “Dù giá điện có được điều chỉnh thì mức giá sẽ vẫn thấp hơn giá thị trường”.
Trước đó, ông Phạm Lê Thanh – Tổng giám đốc EVN cũng cho biết, các khoản như lỗ tỷ giá vẫn còn treo 8.800 tỷ đồng, cộng với các chi phí phát sinh từ việc tăng giá than 2 lần, khí, thuế tài nguyên nước, phí môi trường rừng… đến hết năm 2014, gộp lại các chi phí tăng thêm của EVN bước sang năm 2015 đã lên tới gần 17.000 tỷ đồng phải tính vào giá điện.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, Bộ Công thương sẽ xem xét phương án đề xuất tăng giá điện của EVN. Theo đó, nếu chi phí đầu vào của EVN tăng 7-10% thì cho phép tập đoàn này được tăng giá điện; nếu tăng trên 10% và giá điện nằm ngoài khung giá phát 1.437-1.835 đồng/kWh thì Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính thẩm tra trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Được biết, năm 2014, giá bán điện bình quân toàn EVN đã đạt 1.529 đồng/kWh, tăng 30 đồng/kWh so với năm 2013. Doanh thu bán điện toàn tập đoàn ước đạt 196.370 tỷ đồng, tăng 13,57% so với năm 2013.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2015-03-02 15:56:22
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/gia-dien-sap-toi-se-tang-bao-nhieu-a176496.html