Nga biết rằng băng Bắc Cực đang tan chảy và Moscow đang làm tất cả những gì có thể để giành được những lợi thế cho mình trước sự thay đổi môi trường vật lý và chiến lược.
Để thực thi các yêu sách của mình ở Bắc Cực, Moscow đã tăng cường hiện diện quân sự trên bờ biển phía Bắc. Điều này bao gồm việc mở lại các căn cứ của Liên Xô trước đây, đóng các tàu mới và thiết lập một cơ quan chỉ huy quân sự mới.
Sự tích tụ này là một phần trong chiến lược dài hạn của Nga. Bắc Cực còn quá lạnh để có thể là đường vận tải hoặc khai thác tài nguyên. Nhưng điều đó sẽ thay đổi trong những năm tới và Nga đang cố gắng để đảm bảo rằng họ có lợi thế khi Bắc Cực có thể khai thác.
Lính Nga được đào tạo để triển khai đến Bắc Cực.
Anton Lavrov, một nhà phân tích của Trung tâm Phân tích Chiến lược tại Moscow viết: “Những nỗ lực này không thể được giải thích bằng bất kỳ yêu cầu nào của ngày hôm nay hay tương lai gần. Nga không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa quân sự nào trực tiếp từ phía Bắc. Việc tăng cường quân sự ở Bắc Cực là để theo đuổi những mục tiêu dài hạn hơn”.
Sự phát triển quân sự mới nhất của Nga ở Bắc Cực là việc tạo ra cơ quan Chỉ huy chiến lược chung phía Bắc (JSCN) dựa trên Hạm đội Biển Bắc cũ. Cơ quan này có một hạm đội mặt nước với 40 tàu và một hạm đội tàu ngầm cũng gồm khoảng 40 tàu nhưng có thoảng 40% đến 70% số tàu trong đó không sử dụng được.
Theo Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan, JSCN sẽ không phải là một hạm đội hải quân thông thường. Cơ quan chỉ huy này cuối cùng sẽ có một bộ phận phòng không, 2 lữ đoàn cơ giới Bắc Cực, một lữ đoàn hải quân đánh bộ, một hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển và sự tham gia của các trung đoàn tên lửa ở các quần đảo xa xôi ở Bắc Bắc Dương.
Một tàu của Hạm đội Biển Bắc thực hành đổ bộ đường biển.
Là một phần của trung đoàn phòng không, Moscow đang di chuyển tổng cộng 9 hệ thống phòng không S-400 Triumph đến bờ biển. Những tên lửa S-400 là một hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa có thể kiểm soát một loạt các mục tiêu gồm máy bay, tên lửa. Nó có thể tấn công mục tiêu ở cự ly 250 dặm (hơn 400 km) và ở độ cao tối đa 18,6 km.
Cơ sở hạ tầng mới của Nga ở bờ biển phía Bắc sẽ hỗ trợ sự tăng cường quân sự này. Các căn cứ của Liên Xô trước đây bị bỏ hoang đang được mở cửa trở lại và các cảng mới cùng sân bay mới sẽ được xây dựng. Nga có kế hoạch mở 10 trạm tìm kiếm cứu nạn ở Bắc Cực, 16 cảng nước sâu, 13 sân bay và 10 trạm radar phòng không trên bờ biển Bắc Cực của họ.
Sau khi hoàn thành, các công trình này sẽ “cho phép sử dụng các máy bay ném bom lớn hơn”. Giáo sư Mark Galeotti của Đại học New York chuyên về Nga viết trên The Moscow Times: “Đến năm 2025, các vùng biển Bắc Cực sẽ được một phi đội máy bay ném bom tàng hình PAK DA thế hệ tiếp theo tuần tra”.
Việc xây dựng các căn cứ mới ở Bắc Cực là phù hợp với học thuyết quân sự mới của Nga, vốn đã được ký thành luật vào ngày 26/12 năm ngoái. Học thuyết mới nói rõ ràng việc NATO mở rộng quân sự là mối đe dọa an ninh chính đối với Nga. Bên cạnh đó, học thuyết cũng nhấn mạnh Nga nên củng cố 3 mặt trận chính trị quan trọng.
Trọng tâm của Nga trên Bắc Cực xuất phát từ những nguồn tài nguyên thiên nhiên bên dưới lớp băng. Mỹ ước tính rằng 15% lượng dầu mỏ, 30% lượng khí đốt tự nhiên và 20% lượng khí hóa lỏng còn lại của trái đất nằm dưới đáy biển Bắc Cực.
Trần Vũ (Theo Business Insider)
2015-03-12 17:48:14
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/muc-dich-that-su-cua-viec-nga-tang-cuong-quan-su-len-bac-cuc-a177819.html