Nhiều chính sách về tiền lương, việc làm, chính sách kinh tế quan trọng bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2015…
Thay đổi mã vùng điện thoại cố định
Theo Thông tư 22/2014/TT-BTTTT ban hành Quy hoạch kho số viễn thông, kể từ ngày 1/3/2015, mã vùng điện thoại cố định các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thay đổi.
Chậm trả lương 15 ngày phải trả thêm tiền
Nhiều điểm mới về tiền lương được quy định tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Bộ Luật lao động.
Đáng chú ý như, người sử dụng lao động trả lương chậm từ 15 ngày trở lên phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố tại thời điểm trả lương.
Nếu NHNN không quy định thì dựa trên lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.
Ngoài ra, Nghị định còn nêu rõ việc thương lượng bồi thường thiệt hại trong trường hợp đình công bất hợp pháp phải thực hiện trong 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Nghị định 05 thay thế các Nghị định 196-CP năm 1994, Nghị định 41-CP năm 1995, 93/2002/NĐ-CP, 33/2003/NĐ-CP, 11/2008/NĐ-CP .
Một trong những chính sách kinh tế quan trọng có hiệu lực từ tháng 3/2015 là việc gười sử dụng lao động trả lương chậm từ 15 ngày trở lên phải trả thêm một khoản tiền. (Ảnh minh họa).
Miễn thuế nhập khẩu linh kiện sản xuất trang thiết bị y tế
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 10/2015/TT-BTC hướng dẫn miễn thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp sản phẩm trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo.
Việc miễn thuế áp dụng cho các linh kiện là chi tiết điện tử, chi tiết bán dẫn, chi tiết cơ khí nhập khẩu để lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm với điều kiện:
Là chủng loại nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp các sản phẩm trang thiết bị y tế với thông số kỹ thuật cơ bản được nêu cụ thể tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 54/2014/QĐ-TTg;
Linh kiện nhập khẩu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được xác định theo Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT.
Hồ sơ thủ tục miễn thuế, quyết toán việc nhập khẩu, sử dụng hàng hóa nhập khẩu đối với các linh kiện nêu trên thực hiện theo Thông tư 128/2013/TT-BTC.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2015
Thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký
Theo Thông tư 05/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 15/3/2015, một số trường hợp sẽ bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký.
Cụ thể, việc thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký sẽ áp dụng đối với các trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán theo Khoản 2 Điều 51 Luật Chứng khoán; bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán; không duy trì được các điều kiện đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán theo Điều 48 Luật Chứng khoán; vi phạm nghiêm trọng các quy định về thành viên lưu ký của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
Thông tư 05 thay thế Quyết định 87/2007/QĐ-BTC và Thông tư 43/2010/TT-BTC.
Không dùng tiền mặt góp vốn vào doanh nghiệp khác
Doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
Thay vào đó doanh nghiệp sẽ phải thanh toán bằng các hình thức sau: Thanh toán bằng Séc; thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền; các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
Nội dung trên được quy định tại Thông tư 09/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 17/03/2015.
Bộ Tài chính sẽ xem xét và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác. (Ảnh minh họa).
Hỗ trợ kinh phí hộ nghèo xây nhà ở phòng, tránh bão, lụt
Theo quy định tại Thông tư số 18/2015/TT- BTC của Bộ Tài chính, mức hỗ trợ về nhà ở từ NSNN (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt (bao gồm xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng tầng) được quy định cụ thể: 16 triệu đồng/hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ; 14 triệu đồng/hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; 12 triệu đồng/hộ đang cư trú tại vùng còn lại.
Thông tư cũng quy định về nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Cụ thể, ngân sách trung ương hỗ trợ 100% theo mức quy định đối với các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận. Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% theo mức quy định đối với các địa phương Đà Nẵng, Khánh Hòa.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 18/3/2015.
Ngành dầu khí: Công ty con không được đầu tư góp vốn vào công ty mẹ
Đó là một trong những Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được Chính phủ ban hành tại Nghị định 06/2015/NĐ-CP .
Ngoài ra công ty con, đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ không được: Góp vốn cùng Công ty mẹ để thành lập doanh nghiệp mới. Góp vốn, mua cổ phần khi cổ phần hóa các đơn vị trong cùng Tập đoàn hoặc tổ hợp Công ty mẹ – công ty con.
Nghị định 06/2015/NĐ-CP quy định về Quy chế quản lý tài chính Tập đoàn Dầu khí có hiệu lực từ 1/3/2015
Nếu doanh nghiệp có hoạt động đầu tư vốn ra bên ngoài không đúng đối tượng nhưng không thực hiện điều chỉnh cơ cấu đầu tư như quy định thì sẽ bị xem xét và xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng thành viên.
Nghị định này thay thế Nghị định 142/2007/NĐ-CP và 44/2010/NĐ-CP .
Quy định đấu giá bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
Nghị định 128/2014/NĐ-CP về bán và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới. Trường hợp bán doanh nghiệp mà có từ hai người đăng ký mua trở lên thì phải bán theo một trong hai phương thức đấu giá sau:
– Đấu giá kế thừa toàn bộ số lao động còn lại, áp dụng trong trường hợp đã giải quyết một phần số lao động theo quy định của pháp luật về lao động và chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
– Đấu giá không kế thừa lao động, áp dụng trong trường hợp đã giải quyết hết số lao động hoặc đã phê duyệt phương án giải quyết hết số lao động theo quy định của pháp luật về lao động và chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Trường hợp chỉ có một đơn đăng ký mua doanh nghiệp hợp lệ được chấp thuận, cơ quan có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp áp dụng phương thức bán thỏa thuận trực tiếp.
Về giá bán, theo Nghị định 128, giá khởi điểm được xác định theo nguyên tắc không thấp hơn tổng giá trị phần vốn nhà nước và giá trị quyền sử dụng đất nếu người mua kế thừa các khoản nợ. Số tiền bán doanh nghiệp sau khi nộp vào ngân sách nhà nước phần giá trị quyền sử dụng đất (nếu có), được sử dụng vào các mục đích như thanh toán các chi phí phục vụ cho việc bán doanh nghiệp, thanh toán các khoản nợ mà người mua không kế thừa, thực hiện chính sách đối với người lao động khi bán doanh nghiệp.
Nghị định cũng có một điều khoản mới là cho phép giảm giá tối đa 5% giá bán không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất và không vượt quá số vốn chủ sở hữu nếu doanh nghiệp trả tiền một lần ngay sau khi mua. Đây được coi là một biện pháp nhằm khuyến khích cầu, tạo một khoảng lùi cho “giá khởi điểm” nhằm thu hút thêm nhà đầu tư khi các nguyên tắc xác định giá khởi điểm vẫn được giữ nguyên một cách chặt chẽ.
Nghị định 128 bãi bỏ Nghị định 109/2008/NĐ-CP .
Thanh toán chi phí hồi hương cho thuyền viên
Chủ tàu phải có trách nhiệm thanh toán các chi phí liên quan đến việc hồi hương của thuyền viên gồm:
Chi phí đi đến địa điểm lựa chọn để thuyền viên hồi hương; Chi phí ăn, ở của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu cho đến địa điểm hồi hương; Tiền lương và trợ cấp đi lại của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu cho đến địa điểm hồi hương;
Chi phí vận chuyển tối đa 30 kg hành lý cá nhân của thuyền viên đến địa điểm hồi hương; Chi phí chăm sóc y tế cần thiết cho tới khi thuyền viên đủ điều kiện sức khỏe để đi đến địa điểm hồi hương. Nội dung này được quy định tại Nghị định 121/2014/NĐ-CP.
Hoa Liên (Tổng hợp)
2015-03-01 04:48:31
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/chinh-sach-kinh-te-quan-trong-co-hieu-luc-tu-thang-32015-a176300.html