Lý Quang Diệu là Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Singapore và đảm nhiệm chức vụ này trong hơn 3 thập kỷ.
Từ chàng sinh viên luật
Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923 tại Singapore, thuộc thế hệ thứ 3 người nhập cư từ Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Singapore đang nằm dưới ách cai trị của thực dân Anh. Chính vì vậy, ngay từ khi chào đời, ông Lý Quang Diệu đã nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Mãi đến năm 30 tuổi, ông mới bắt đầu nói tiếng Trung Quốc. Ông học ở một trường tiếng Anh ở Singapore và là một học sinh có thành tích cao nhất so với các bạn cùng trang lứa ở Singapore và Malaysia.
Khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, dự định sang Anh du học của ông Lý gặp gián đoạn. Trong thời gian chiến tranh, ông làm thông dịch viên tiếng Nhật và quản lý một cơ sở kinh doanh hồ dán của riêng mình ở chợ đen.
Sau chiến tranh, ông Lý Quang Diệu quay trở lại học đại học muộn. Ban đầu, ông theo học trường Trường Kinh tế London danh tiếng và sau đó chuyển sang học trường Đại học Cambridge. Khi ở Anh, ông đã kết hôn với bà Kha Ngọc Chi (trong ảnh) – một học giả xuất sắc người Singapore. Sau khi tốt nghiệp, bà trở thành luật sư. Hai người bí mật kết hôn ở khu Stratford-upon-Avon. Năm 1949, ông Lý Quang Diệu trở về Singapore. Tại đây, ông vẫn làm luật sư và tham gia vào phong trào công đoàn.
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
Trở thành Thủ tướng đầu tiên – vị “khai quốc công thần” của Singapore
Vào năm 1954, ông Lý Quang Diệu trở thành nhà sáng lập và Tổng bí thư đảng Hành động nhân dân (PAP), một liên minh xã hội chủ nghĩa của các phong trào nói triếng Trung và tiếng Anh nhằm mục đích chấm dứt sự cai trị của thực dân Anh.
Ở tuổi 36, ông Lý Quang Diệu tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng đầu tiên của quốc gia Singapore tự trị. Ông đã bắt đầu xây dựng kế hoạch 5 năm nhằm xóa bỏ các khu ổ chuột, xây dựng nhà ở chất lượng cao giá rẻ, xây dựng nền công nghiệp hóa và chống nạn tham nhũng. Cựu thủ tướng từng tuyên bố, Singapore cần trở thành một quốc gia đa sắc tộc.
Tuy nhiên, căng thẳng sắc tộc ngày một gia tăng khi người Hoa và người Malay bắt đầu đấu tranh xem dân tộc nào sẽ là đại diện của Liên bang Malaysia.
Ngày 9/8/1965, ông Lý Quang Diệu tuyên bố đã đồng ý yêu cầu của Malaysia rằng, Singapore sẽ tách khỏi Liên bang Malaysia nhằm tránh tình trạng bất ổn và đổ máu. Hai ngày sau, ông Lý Quang Diệu tuyên bố Singapore là quốc gia độc lập.
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lý Quang Diệu, Singapore đã trở thành một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới.
Qua đời ở tuổi 91
Văn phòng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, ông Lý Quang Diệu mất vào sáng sớm ngày 23/3: “Thủ tướng rất buồn khi thông báo sự ra đi của ông Lý Quang Diệu, người sáng lập Singapore. Ông Lý qua đời tại Bệnh viện đa khoa Singapore vào 3h18 sáng ngày 23/3 ở tuổi 91″.
Có thể nói, sự ra đi của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng người dân Singapore. Nhiều người dân tập trung tại bệnh viện Đa khoa Singapore và đặt vòng hoa tưởng niệm cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu ngay khi biết tin ông qua đời ngày 22/3.
Các nhà lãnh đạo thế giới cũng chia sẻ trước sự mất mát lớn này của đất nước Singapore.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon trong tuyên bố chung cho biết, ông “rất buồn” về sự ra đi của ông Lý và gửi lời chia buồn này tới người dân Singapore.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đại diện cho Nhà Trắng gửi thông điệp chia sẻ sự mất mát của gia đình ông Lý Quang Diệu.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gửi lời chia buồn: “Tôi cũng như nhiều cá nhân trên thế giới thực sự khâm phục tài năng và cuộc đời ông Lý Quang Diệu, người đã có công đưa Singapore trở thành một trong những quốc gia năng động nhất trên thế giới.”
Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak Mohd gửi lời chia buồn tới Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long- con trai cựu thủ tướng Lý Quang Diệu: “Tôi rất lấy làm tiếc khi nghe tin cha của ngài qua đời, tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia quyến và người dân Singapore”.
Bộ trưởng ngoại giao Philip Hammond thay mặt Bộ ngoại giao Anh và Khối thịnh vượng chung bày tỏ: “Tôi vô cùng đau buồn trước sự ra đi của thủ tướng đầu tiên Singapore”.
Thiên Bình
2015-03-22 23:24:07
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/ong-ly-quang-dieu-la-ai-a179452.html