Ông Lý Hiển Long, con trai cả của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu là người đọc điếu văn đầu tiên trong 10 điếu văn tại lễ tang của cha ngày 29/3.
Như tin tức đã đưa, lễ tang chính thức cấp quốc gia của ông Lý Quang Diệu đã được tổ chức ở Trung tâm Văn hóa Đại học, Đại học Quốc gia Singapore trong khoảng thời gian từ 14h-17h15 ngày 29/3, với sự tham dự của gia đình, người thân, bạn bè, nội các Singapore cùng lãnh đạo các quốc gia trên thế giới.
Trong lễ tang, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đọc một bài điếu văn xúc động tiễn đưa người cha lập quốc về nơi an nghỉ cuối cùng.
Thủ tướng Lý Hiển Long đọc điếu văn trong lễ tang của cha, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, tại Trung tâm Văn hóa Đại học thuộc Đại học Quốc gia Singapore. (Ảnh Reuters)
“Người cha lập quốc” Lý Quang Diệu
“Tuần qua là những ngày đầy u ám đối với đất nước Singapore. Ngọn đèn dẫn đường cho chúng ta suốt bao năm qua đã tắt. Chúng ta đã mất đi người cha Lý Quang Diệu, người đã cống hiến cả cuộc đời này cho đất nước Singapore. Ông cùng các cộng sự đã “chèo lái” đất nước, để chúng ta được sống trong đất nước Singapore ngày nay”, đương kim Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mở đầu bài diễn văn đầy xúc động.
“Khi còn nhỏ, bố tôi chưa bao giờ có ý định trở thành chính trị gia, chứ chưa nói đến trở thành nhà lãnh đạo đất nước. Trên thực tế, ông nội còn muốn ông nhập quốc tịch Anh. Ông đã tận mắt chứng kiến Singapore dưới sự thống trị của Đế quốc Anh và phải trải qua khó khăn, hiểm nguy và nỗi sợ hãi khi đảo quốc này bị Nhật Bản chiếm đóng. Những trải nghiệm đó đã thôi thúc ông chiến đấu để giành độc lập”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói.
“Theo cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, Singapore được xây dựng sẽ không dựa trên sắc tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo, mà dựa trên những giá trị cơ bản, đó chính là đa sắc tộc, bình đẳng, trọng dụng người tài, sự ngay thẳng và luật pháp.
Ông Lý Quang Diệu từng tuyên bố: “Singapore không phải là một đất nước của một cộng đồng nào, Singapore thuộc về tất cả chúng ta. Và ông quyết tâm theo đuổi ước mơ xây dựng một đất nước đa sắc tộc và tôn giáo“.
Hàng ngàn người dân Singapore xếp hàng dài 2 bên đường để tiễn đưa cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. (Ảnh ST).
Thủ tướng Lý Hiển Long nói tiếp: “Ông đã bảo vệ chúng ta một thế giới bất ổn đầy rẫy những hiểm họa. Với sự trợ giúp của ngài Goh Keng Swee, ông đã xây dựng Lực lượng vũ trang Singapore (SAF) chỉ từ hai tiểu đoàn bộ binh và một chiếc thuyền gỗ bé nhỏ. SAF giờ đây đã trở thành một lực lượng được đào tạo chuyên nghiệp và được trang bị đầy đủ, hiện đại nhất.
Ông đã cho ra đời Nghĩa vụ Quốc gia (NS), tự khuyến khích phụ huynh cho con cái họ gia nhập SAF. Ông đã thành công trong việc này. Tôi và em trai tôi cũng nhập ngũ như bao thanh niên khác. Mọi người luôn tin vào ông cũng như những đường lối mà ông đưa ra. Nhờ vậy mà giờ đây, mỗi người chúng ta đều được ngủ an giấc, yên tâm rằng chúng ta đều được bảo vệ”.
Tiếp đó, Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ về một người cha thẳng thắn: “Ông Lý Quang Diệu đã tiếp thêm dũng khí giúp chúng ta đối mặt với một tương lai vô định. Ông luôn nói thẳng và không bao giờ né tránh sự thật phũ phàng, kể cả khi chúng có liên quan tới chính ông hay người dân Singapore”.
“Trên tất cả, ông Lý Quang Diệu thực sự là một chiến binh. Chúng ta từng trải qua những giai đoạn khủng hoảng tưởng chừng vô vọng nhưng ông vẫn đầy kiên định, luôn giữ được ngọn lửa trong mình. Điều đó đã tiếp thêm cho chúng ta lòng dũng cảm và sát cánh cùng ông. Những bài diễn văn của ông luôn mạnh mẽ, truyền cảm hứng và lay động lòng người.
Ông đã đưa Singapore từ một đất nước đang phát triển trở thành một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới đúng như lời ông từng tuyên bố năm 1965, vài tuần sau khi Singapore tách khỏi Malaysia: “10 năm sau, Singapore sẽ trở thành một kinh đô hiện đại. Không phải lo!”, Thủ tướng Lý Hiển Long nhớ lại.
Nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân
Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định: “Ông Lý Quang Diệu luôn quan tâm đến nhân dân Singapore mà ông đang phụng sự cũng như những người hỗ trợ ông”.
Theo đương kim Thủ tướng, ông Lý Quang Diệu đã cho phép đội ngũ kinh tế bao gồm Goh Keng Swee, Hon Sui Sen và Lim Kim San đề ra kế hoạch và thực thi chúng để thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và tiến tới một Singapore thịnh vượng.
Ông áp đặt kỉ luật và trật tự đối với Singapore nhằm đảm bảo rằng, mọi vấn đề xảy ra trong nội bộ Singapore đều có thể được giải quyết.
Tuy vậy, ông luôn khẳng định rằng: “Dù phát triển kinh tế là mục tiêu thiết yếu nhưng phát triển tổ chức xã hội cũng quan trọng không kém”.
Do vậy, ông đã xây dựng một xã hội mà trong đó mỗi người đều được hưởng thụ thành quả của sự phát triển. Việc học tập trở thành nền tảng giúp con người có công việc ổn định và cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những khu nhà mới do Hội đồng Nhà ở và Phát triển Singapore (HDB) xây dựng lần lượt xuất hiện như Queenstown, Toa Payoh, Ang Mo Kio,…
Về mặt đối ngoại, với tài lãnh đạo đất nước của mình, ông Lý Quang Diệu đã nâng tầm vị thế của Singapore trên trường quốc tế. Dù là một quốc gia nhỏ nhưng Singapore luôn có tiếng nói và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu không chỉ quan sát nhạy bén các vấn đề trên thế giới, mà còn luôn đặt những lợi ích quốc gia lên hàng đầu và mở rộng không gian chiến lược của Singapore.
Ông luôn định hình xây dựng Singapore trở thành một đất nước sạch đẹp và tránh xa tham nhũng.
Lễ rước linh cữu cố Thủ tướng Lý Quang Diệu bắt đầu lúc 12h30 ngày 29/3 Ảnh: CNA.
Con người cần kiệm, giản dị
Ông Lý Hiển Long cho biết, ngôi nhà của ông Lý Quang Diệu rất giản dị. Ông có thói quen tiết kiệm. Ông mặc một chiếc áo khoác trong nhiều năm, khi rách thì khâu vá lại chứ không mua áo mới.
Có thể nói, những tính cách của ông đã được chính phủ Singapore thấm nhuần.
Vào ngày sinh nhật lần thứ 90, ông vẫn không quên nhắc nhở các nghị sĩ phải luôn xây dựng Singapore trong sạch và không tham nhũng.
Thủ tướng Lý Hiển Long nói tiếp: “Ông có một nghị lực phấn đấu phi thường. Kể cả khi tuổi đã cao, ông vẫn học hỏi và tìm tòi những cái mới. Ở tuổi 70, để có thể viết hồi kí, ông học cách sử dụng máy tính. Ngoài ra, ông còn học tiếng Trung không ngừng nghỉ trong nhiều thập kỉ”.
Nhắc đến người vợ của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, ông Lý Hiển Long xúc động: “Mẹ tôi là một phần quan trọng trong cuộc đời của bố. Tình yêu của họ vô cùng sâu đậm. Mẹ tôi là một người vợ chung thủy và là tri kỉ của bố”.
Ảnh chụp là bà Kha Ngọc Chi và ông Lý Quang Diệu đang bế con trai Lý Hiển Long. Ảnh: Facebook của ông Lý Hiển Long.
“Khi mẹ qua đời, cha tôi cảm thấy như bị mất đi một phần của cuộc sống. Dù trước đó, cha gửi gắm trọng trách nuôi dạy con cái cho mẹ nhưng ông luôn quan tâm sâu sắc đến từng đứa chúng tôi từ khi còn nhỏ hay ngay cả khi chúng tôi đã trưởng thành. Hồi đó, khi tôi đã gần 60 và bố cũng sắp 90 tuổi, ông nói rằng tôi vẫn là một cậu con trai cần được ông chăm sóc”, Thủ tướng Lý Hiển Long nghẹn ngào.
“Lớn lên mỗi ngày khi có cha tôi bên cạnh, sống cùng một nhà với ông những năm tháng đó, đã giúp tôi trở thành con người như hôm nay”, ông Lý Hiển Long nói tiếp.
Năm nay đánh dấu 50 năm Singapore trở thành quốc gia độc lập. Chúng ta đều đã hy vọng rằng, ông sẽ cùng chúng ta chia sẻ cột mốc trọng đại này nhưng tiếc thay, viễn cảnh ấy không thể xảy ra. Mặc dù vậy “chúng ta có thể cảm thấy tự hào và hạnh phúc vì ông đã được tận mắt chứng kiến thành quả cuộc đời mình”, đương kim Thủ tướng nhấn mạnh.
“Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng quốc gia xuất chúng này. Hãy cùng nhau giúp Singapore giữ vững vị thế một kinh đô hiện đại, để phản ánh đúng những lý tưởng mà ông đã dành cả cuộc đời để đấu tranh, để hiện thực hóa những giấc mơ mà ông đã truyền cảm hứng, để xứng đáng với những người đã hy sinh để bảo vệ quê hương Singapore của chúng ta.
Xin cám ơn ông, Lý Quang Diệu. Mong ông an nghỉ”, Thủ tướng Lý Hiển Long kết thúc bài điếu văn xúc động.
Thiên Bình (Lược dịch theo Channel News Asia)