Thuốc diệt cỏ: Từ nông trại đến bàn ăn
Thursday, March 5, 2015 19:00
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Một chiếc máy bay nông nghiệp đang phun thuốc cho một cánh đồng bắp ở phía Bắc thành phố Manito, bang Illinois vào tháng 7. 2011. Ảnh: Johnson / Journal Star. |
Trong khi chị dâu tôi chuẩn bị dọn bữa tối để cả nhà ăn mừng Lễ Tạ ơn, tôi nghe bạn của chị ấy kể về chồng mình – một cựu chiến binh Việt Nam – anh đang chống chọi với căn bệnh ung thư phổi một cách vô vọng. Chị giải thích rằng chồng mình mắc bệnh vì anh ấy từng tiếp xúc với chất độc da cam vào thời chiến, đây là loại chất độc có thành phần từ thuốc làm rụng lá do hai công ty Dow Chemical và Monsanto sản xuất. Tên gọi này bắt nguồn từ vạch màu cam sơn trên các thùng vận chuyển chúng, nó là hỗn hợp các chất hóa học bao gồm thuốc diệt cỏ 2,4-D.
Không lâu sau khi quân Mỹ bắt đầu phun chất độc da cam vào năm 1962 – với mục đích tiêu diệt chỗ trú ẩn cũng như nguồn thực phẩm của quân du kích, các báo cáo về tác động nghiêm trọng của chất này lên sức khỏe bắt đầu xuất hiện, từ dị tật bẩm sinh đến những căn bệnh khác. Đến tận ngày nay, Cục Cựu chiến binh Mỹ vẫn còn hỗ trợ kiểm tra cho người từng tiếp xúc với chất độc da cam để theo dõi sức khỏe dài hạn, kết quả: hơn 40,000 cựu chiến binh đã nộp đơn xin hỗ trợ vì khuyết tật. Hội chữ thập đỏ ước tính khoảng 1 triệu người Việt Nam chịu ảnh hưởng từ chất độc da cam, bao gồm trẻ em thuộc thế hệ thứ ba bị di tật bẩm sinh nghiêm trọng.
Vào tháng 1, Cục nông nghiệp Mỹ đã tổ chức một buổi thảo luận trước công chúng về tác động lên môi trường lẫn sức khỏe của một chủng loại cây trồng mới, chúng là cây biến đổi gien có khả năng chịu chất 2,4-D. Những cây bắp và đậu nành này do Dow AgroScience – một nhánh con của Dow Chemical – sản xuất. Đây là các giống cây đầu tiên họ nghiên cứu để chống thuốc diệt cỏ 2,4-D.
Theo các chuyên gia, việc giới thiệu các giống cây trồng mới có thể khiến mức độ sử dụng 2,4-D trong nông nghiệp tăng mạnh. Chuck Benbrook, một chuyên gia về chính sách thuốc trừ sâu, hiện làm việc tại Trung tâm tài nguyên thiên nhiên và nông nghiệp bền vững của Đại học Washington, ước tính rằng nếu chính phủ chấp thuận giống bắp mới thì đến năm 2019, giống bắp biến đổi gien này có thể đẩy mức sử dụng thuốc diệt cỏ 2,4-D lên gấp 20 lần.
Tất nhiên ngay cả người Mỹ cũng biểu tình phản đối 2,4-D và công ty Dow
Điều đó thực sự đáng lo ngại vì các chuyên gia từ lâu đã cho thấy rằng 2,4-D gây tổn thương cho con người, đặc biệt khi sử dụng trên đất trồng trọt hoặc các bãi cỏ rộng lớn. Chính vì những mối lo ngại sờ sờ ra đấy, Hội Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC) đã kiến nghị lên Sở bảo vệ môi trường (EPA) yêu cầu họ thu hồi giấy phép sử dụng dành cho chất này – thứ chính phủ Mỹ cấp cho 2,4-D từ năm 1948.
Chú chuột trong biếm họa nói “Anh có ăn mấy rau quả này khi đeo cái mặt nạ đó không?” Hí họa không rõ tác giả |
Các nhà nghiên cứu thuộc NRDC và những người chỉ trích 2,4-D công bố các nghiên cứu cho thấy chất hóa học này là một loại thuốc độc gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, và tiếp xúc với nó có thể gây rối loạn hormone, tăng nguy cơ phát triển một vài loại bệnh ung thư lẫn nguy cơ đột biến gien. Chất hóa học này cũng làm giảm lượng tinh trùng, gây mầm bệnh gan, bệnh Parkinson, cũng như có tác động tiêu cực lên chức năng sinh sản và hệ miễn dịch. Đáng lo hơn nữa, sau khi xịt lên ruộng thì 2,4-D có thể ngấm đất trôi đi (theo các mạch nước ngầm), ảnh hưởng lên những khu vực gần nông trại bao gồm các con suối, sông ngòi, và môi trường sống của động vật hoang dã.
Vào tháng 4. 2012, EPA khước từ kiến nghị của NRDC, tuyên bố rằng nhóm này chưa thể chứng minh được là 2,4-D không an toàn khi sử dụng theo cách hiện hành. Mặc cho quyết định của EPA, những người ủng hộ sức khỏe cộng đồng vẫn giữ nguyên lập trường rằng 2,4-D có tác động nghiêm trọng lên sức khỏe con người, dựa trên nhiều chứng cứ có tính thuyết phục từ các nghiên cứu (đã qua đánh giá xem xét từ những chuyên gia trong ngành) trên khắp thế giới. Một nghiên cứu của Đại học Minnesota phát hiện rằng những người chuyên đi phun thuốc trừ sâu sẽ có tỉ lệ 2,4-D cao trong nước tiểu, và tần suất đột biến gien của họ cũng cao hơn. Nghiên cứu của Viện Ung bướu Quốc gia cho thấy rằng các nông dân tiếp xúc với 2,4-D hơn 20 ngày/năm có nguy cơ phát triển bệnh ung thư hạch (non-Hodgkin’s lymphoma) cao gấp 6 lần so với người thường. Phiếu thông tin của EPA cũng ghi chú rằng hóa chất này có khả năng gây hại lên tuyến giáp lẫn bộ phận sinh dục, họ còn bày tỏ sự lo ngại rằng 2,4-D có thể gây “rối loạn nội tiết tố”
Biếm họa về những người nói dối rằng hóa chất lẫn hạt giống của Monsanto không nguy hiểm, Raymond Burki.
Cơ thể của anh Fabian Tomasi – một nông dân Tây Ban Nha, sau thời gian dài phun thuốc của Monsanto và chất 2,4-D lên đồng ruộng nhà mình. Thuốc trừ sâu của Monsanto hiện chiếm 2/3 số lượng thuốc trừ sâu dùng tại Argentina. Nhưng hiện nay Argentina cũng mắc phải nạn “siêu cỏ” như Mỹ, nông dân buộc phải dùng 2,4-D để đối phó.
Thế thì tại sao các công ty hóa chất như Dow và Monsanto lại phớt lờ những nguy cơ trên, rồi vẫn tiếp tục nghiên cứu để tạo ra những giống cây có thể kháng chịu thứ hóa chất vốn có tiền sử gây độc hại cho sức khỏe đến như vậy? USDA nói rằng những loại cây mới sẽ “giúp giải quyết vấn đề siêu cỏ kháng thuốc.”
Nhưng căn nguyên, thứ gì đã dẫn đến sự xuất hiện của cỏ kháng thuốc? Chủ yếu là do nông dân sử dụng lan tràn một công nghệ biến đổi gien khác của những công ty hóa chất này:giống bắp lẫn đậu nành Roundup-ready do Monsanto phát triển. Tung ra thị trường vào những năm 1990, Roundup-ready chiếm 70% và 90% số bắp cũng như đậu nành bán ra. Kể từ đó, nông dân phun quá nhiều thuốc diệt cỏ Roundup (giá tương đối rẻ) đến nỗi cỏ dại dần dà phát triển khả năng kháng thuốc. Giờ đây các giống “siêu cỏ” trở thành một vấn đề nhức nhối đến nỗi người đứng đầu tổ chức bảo tồn tài nguyên Arkansas phát biểu trên tờ New York Times rằng những giống siêu cỏ này là “mối đe dọa lớn nhất đối với sản xuất nông nghiệp mà chúng tôi từng gặp phải”.
Siêu cỏ dại pigweed mọc cao hơn đầu người trên đồng rộng
Vậy thì bắp và đậu nành biến đổi gien để chịu thuốc 2,4-D cũng sẽ tạo ra nhiều loại siêu cỏ hơn nữa. Vào năm 2014, tờ nhật báo Weed Science đã đăng tin về một giống cỏ dại kháng thuốc 2,4-D mới (mà trước đây chưa từng ai biết đến). Do những giống cây biến đổi gien cho phép nông dân phun nhiều 2,4-D hơn, loại siêu cỏ mới sẽ càng lan rộng thêm. Điều này thực sự đáng lo vì 2,4-D độc hơn Roundup nhiều; nó xếp thứ 7 trong số các chất sản sinh ra dioxin vào môi trường, có khả năng tích tụ sinh học, tức nó sẽ dần dần tích trữ trong cơ thể và môi trường của chúng ta.
“Nếu USDA cho phép Dow Chemical tung ra giống bắp và đậu nành kháng 2,4-D, hàng trăm triệu pound (1 pound = 450 gram) hóa chất độc hại này sẽ phun lên cây trồng, để rồi chất độc tồn trên thức ăn của chúng ta sẽ càng nhiều”, cô Rebecca Spector của Trung tâm An toàn Thực phẩm cho tôi biết. Vì 2,4-D có thể trôi đi, những mảnh ruộng hữu cơ của các nhà nông không sử dụng hóa chất vô tình sẽ mắc nguy cơ nhiễm độc từ các cánh đồng trồng cây biến đổi gien ở gần đó.
Động cơ thực sự đằng sau những sản phẩm này chính là lợi nhuận mà Monsanto lẫn Dow sẽ kiếm chác được. Nói đơn giản, tạo nên các giống cây chịu đựng hóa chất diệt cỏ diệt sâu là một trong những cách tốt nhất để nâng doanh thu của các hóa chất ấy.
“Cây biến đổi gien là cỗ máy làm tiền cho các công ty sản xuất thuốc trừ sâu”, Marcia Ishii-Eiteman nhận xét, cô là một nhà khoa học cấp cao của Hiệp hội chống thuốc trừ sâu – một liên hiệp chuyên tìm kiếm giải pháp sinh thái để thay thế các hóa chất trừ sâu độc hại. “Đây là lý do tại sao các công ty sản xuất hóa chất trừ sâu bắt đầu mua lại các công ty sản xuất hạt giống vào những năm 1980s, rồi sau đó đưa ra giống biến đổi gien để dùng chung với thuốc xịt độc quyền của họ. Kiểu thu lợi này của các công ty hóa chất vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay, khiến nông dân Mỹ mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn của thuốc diệt sâu cỏ”.
Monsanto thao túng một phần lớn của ngành nông nghiệp Mỹ lẫn nhiều nước khác, gây bao hậu quả nghiêm trọng. Biểu tình phản đối Monsanto diễn ra ở khắp nơi. Trong hình là biểu tình ở Los Angeles, Mỹ, do Robin Beck chụp.
Biểu tình chống Monsanto ở Paris, Fred Dufour chụp.
Chống Monsanto ở Cape Town, Nam Phi. Người dân châu Phi đang muốn tống cổ hãng Monsanto ra khỏi lục địa đen. Christian Chapman chụp.
Hàng thập kỷ sau khi quân Mỹ phun Chất độc da cam ở miền Nam Việt Nam, chúng ta vẫn còn chứng kiến những thiệt hại nhân sinh do tiếp xúc với thứ “cocktail” độc chất, trong đó có 2,4-D. Chúng ta phải vô cùng sáng suốt và cẩn trọng với bất cứ động thái nào có hơi hướm khuyến khích việc sử dụng 2,4-D. Hơn nữa, thuốc diệt cỏ hiện đang sử dụng trên đất nông nghiệp Mỹ sẽ nối tiếp cái vòng luẩn quẩn tai ác: Xịt thuốc khiến cỏ thành siêu cỏ kháng thuốc, dẫn đến chuyện phải xịt thêm thuốc khác (độc hơn). Giải pháp để phá vỡ vòng xoay này là đầu tư vào những giải pháp sinh thái dành cho việc kiểm soát cỏ dại. Đã đến lúc chúng ta cắt đứt cái vòng tròn luẩn quẩn này và ủng hộ việc loại bỏ những hóa chất độc hại ra khỏi nông trại, đồng ruộng, cũng như bãi cỏ của chúng ta.
*
Về tác giả: Anna Lappé là tác giả của cuốn “Diet for a Hot Planet: The Climate Crisis at the End of Your Fork and What You Can Do About It” (Chế độ ăn cho một hành tinh nóng: Khủng hoảng khí hậu trên cái nĩa của bạn và bạn có thể làm gì”, kiêm người đồng sáng lập của Small Planet Institute (Viện Hành tinh Nhỏ) và Dự án Real Food Media. Hình: cô Anna và con gái, lấy từ web stonyfield.
Theo http://soi.today/
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo