Lãi suất huy động VND của nhiều ngân hàng tiếp tục hạ, sau khi đã điều chỉnh đáng kể trong năm 2014. Một trong những lí do các ngân hàng đưa ra là lạm phát thấp, thanh khoản hệ thống dồi dào.
Ngân hàng Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) giảm lãi suất huy động kỳ hạn 4 và 5 tháng với mức 0,1%, còn lần lượt là 4,8%/năm và 5%/năm, áp dụng từ 11/3.
Tại Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), các mức lãi suất huy động có kỳ hạn cũng được điều chỉnh giảm từ 0,2 – 0,3%/năm. Cụ thể, từ ngày 4/3, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàng này được điều chỉnh giảm từ mức 4,6%/năm xuống còn 4,4%/năm, kỳ hạn 3 tháng giảm từ mức 4,85%/năm còn 4,55%/năm; 6 tháng giảm còn 5,02%/năm từ mức 5,25%/năm.
Ngân hàng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ 10/3. Theo đó LS kỳ hạn 1 và 3 tháng lãnh lãi cuối kỳ lần lượt là 4,5%/năm và 4,8%/năm. Kỳ hạn 9 và 12 tháng 5,6%/năm và 6,1%/năm.
Thuộc nhóm hạ lãi suất tiết kiệm xuống thấp nhất là Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) mức điều chỉnh giảm nhẹ 0,1-0,2%/năm tùy kỳ hạn gửi. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng được Agribank giảm từ 4,3%/năm xuống còn 4%/năm. Kỳ hạn gửi 12-18 tháng tại ngân hàng này được điều chỉnh giảm 0,1%/năm, xuống còn 6,2%/năm. Kỳ hạn trên 18 tháng giảm thêm 0,2%/năm, xuống còn 6,3%/năm.Không chỉ các ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động, nhiều ngân hàng vốn có lãi suất huy động khá cao so với mặt bằng chung cũng vào cuộc.
Sau Tết huy động vốn từ dân cư tăng trưởng khá tốt, trong khi đó đầu ra dù đã có tín hiệu khả quan nhưng không theo kịp tốc độ huy động do vậy buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất. (Ảnh minh họa).
Ngân hàng Ngân hàng TMCP Phát triển T.P Hồ Chí Minh (HDBank) giảm lãi suất huy động với mức 0,2%/năm ở nhiều kỳ hạn.
Cụ thể ở kỳ hạn 3 và 4 tháng lãi suất từ 5,1%/năm xuống còn 4,9%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng lãi suất cũng giảm 0,2%/năm còn 5,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 6,9%/năm xuống 6,7%/năm. Nếu như trước đây kỳ hạn dài nhất là 36 tháng lãi suất lên đến 7,5%/năm thì nay chỉ còn 7,1%/năm.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) vốn duy trì mức lãi suất khá cao cũng vừa giảm lãi suất với mức phổ biến 0,1-0,2%/năm các kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này hiện còn 7,1%/năm kỳ hạn 24 tháng thay cho mức 7,3%/năm trước đây.
Tại Ngân hàng Bắc Á (Bac A Bank), mức lãi suất cao nhất 7,9%/năm ở các kỳ hạn dài vừa được điều chỉnh. Đây cũng là mức cao nhất trên thị trường thời gian gần đây. Mức mới chỉ còn 7,65%/năm.
Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cũng giảm lãi suất kỳ hạn 2 tháng với mức giảm 0,3%/năm còn 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng LS cũng giảm 0,1%/năm, còn 4,9%/năm. Kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng LS giảm 0,2%/năm còn lần lượt là 5,3%/năm và 6,6%/năm.
Chia sẻ trên báo Infonet, TS. Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng DongA Bank cho biết, việc ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động căn cứ vào việc tính toán và cân đối lại “đầu vào – đầu ra”, cụ thể là cơ cấu nợ – huy động – cho vay của ngân hàng. Lãi suất huy động giảm chắc chắn sẽ kéo giảm lãi suất vay của các khoản vay mới thời gian tới. Hiện “margin” (chênh lệch) giữa lãi suất huy động – cho vay tại ngân hàng này dao động từ 3,5-3,7%/năm. Ít nhất phải sau 15 ngày hoặc 1 tháng nữa, khi các khoản vay mới được ký kết thì người vay mới được hưởng lãi suất vay giảm hơn so với hiện tại.
“Nguyên tắc kinh doanh ngân hàng không thể lấy khoản huy động cao để cho vay thấp, do vậy phải đến khi các khoản huy động giá rẻ hơn vào hệ thống và hợp đồng vay mới được ký thì chắc chắn người vay, doanh nghiệp sẽ được hưởng mức lãi suất cho vay mới với giá mềm hơn” – TS. Kiêm giãi bày.
Nói về diễn biến các đợt giảm lãi suất tiếp theo trong ngắn hạn, ông Kiêm cho rằng, điều này còn phụ thuộc vào diễn biến lạm phát, sức mua của nền kinh tế thời gian tới. “Nếu lạm phát những tháng tới vẫn trong xu hướng giảm thì chắc chắn các ngân hàng, trong đó có DongA Bank sẽ phải cân đối lại để tiết giảm thêm lãi suất” – ông nói.
Tuy nhiên, cũng giống như những đợt giảm lãi suất trước, vị Chủ tịch DongA Bank vẫn tin tưởng, dù mặt bằng lãi huy động tiết kiệm nhưng so với mức lạm phát đang rất thấp thì gửi tiền vào ngân hàng người dân vẫn có lãi. Vì thế, không lo “tiền chạy khỏi ngân hàng”.
Qua các lần điều chỉnh trong năm 2014 và đầu 2015, chênh lệch lãi suất cạnh tranh giữa một số ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn vẫn giữ khá ổn định với khoảng 1,5%/năm, tùy kỳ hạn.
Theo các ngân hàng, sau Tết huy động vốn từ dân cư tăng trưởng khá tốt, trong khi đó đầu ra dù đã có tín hiệu khả quan nhưng không theo kịp tốc độ huy động do vậy buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất.
Mặt khác, theo báo VnExpress, diễn biến giảm lãi suất huy động của một số ngân hàng xảy ra không lâu sau khi Ngân hàng HSBC đưa ra dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể cắt giảm lãi suất thị trường mở (OMO) trên cơ sở lạm phát diễn biến tích cực. Cụ thể, nhà băng này tính toán, cơ quan điều hành có thể giảm lãi suất OMO thêm 0,5% về 4,5% để giảm bớt chi phí vốn, tạo ra các điều kiện tín dụng nới lỏng hơn. Tuy nhiên, đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái nào về việc hạ các lãi suất điều hành.
An Nhiên (Tổng hợp)
2015-03-10 23:24:23
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-cac-ngan-hang-o-at-giam-lai-suat-huy-dong-a177600.html