Cơ chế quản lý còn nhiều vướng mắc, nạn bến cóc xe dù hoành hành… là những nguyên nhân khiến việc khai thác bến xe của các đơn vị tư nhân gặp nhiều khó khăn.
Bến xe Nước Ngầm mới được đầu tư nâng cấp với số vốn khổng lồ
Hai vấn đề mấu chốt được xem là bất cập nhất hiện nay trong công tác đầu tư bến xe đó là xã hội hóa (XHH) bến xe và tình trạng xã hội đen lũng đoạn trên các tuyến vận tải.
Hiện tại có 10 bến xe được XHH bằng 100% nguồn vốn tư nhân còn lại thì nhà nước vẫn giữ chi phối. Theo đánh giá thực tế cho thấy những bến xe cổ phần hóa, XHH 100% thì đều rất tốt, tốt hơn nhiều bến xe của nhà nước.
Việc phân luồng tuyến theo nhu cầu của đi lại của người dân chứ không theo lợi ích của các nhà đầu tư bến xe. Việc quy hoạch luồng tuyến còn nhiều bất cập khiến các bến xe gặp nhiều khó khăn . Ví dụ Bến xe Nước Ngầm XHH rất tốt thì lại không được điều xe vào, việc này ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của bến.
Bên cạnh đó hiện tượng xã hội đen lũng đoạn tuyến vận tải khiến doanh nghiệp vận tải gặp nhiều rắc rối.
Để giải quyết những khó khăn bất cập trong công cuộc XHH bến xe, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm xây dựng, công bố và chỉ đạo thực hiện quy hoạch mạng lưới bến xe khách trên địa bàn địa phương; chủ động kêu gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác bến xe khách hoặc cân đối bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện; đảm bảo quy hoạch vị trí các bến xe khách ổn định với thời gian tối thiểu 10 năm.
Trường hợp bắt buộc phải di dời, nhà đầu tư sẽ được ưu tiên lựa chọn đầu tư xây dựng, khai thác bến xe khách mới trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được hưởng chế độ bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Chính sách ưu đãi cho tư nhân đầu tư khai thác bến xe được nêu rõ như sau:
Hỗ trợ lãi suất vay đầu tư bến xe khách: Căn cứ nguồn lực của từng địa phương, cho phép hỗ trợ tối thiểu 20% lãi suất vay các tổ chức tín dụng đối với dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng bến xe khách theo hình thức xã hội hóa.
Tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ, trường hợp không kêu gọi được xã hội hóa xây dựng bến xe khách, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cơ bản bắt buộc của bến xe khách, bao gồm: khu vực đỗ xe đón, trả khách, khu vệ sinh, phòng vé và phòng chờ cho hành khách, văn phòng làm việc, đường nội bộ, các trang thiết bị cơ bản để tổ chức hoạt động bến xe khách.
Miễn tiền thuê đất: Về xã hội hóa khai thác bến xe khách, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, miễn tiền thuê đất đối với bến xe khách tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ được miễn tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích bến xe khách.
Đối với các bến xe khách không thuộc đối tượng quy định kể trên thì được miễn tiền thuê đất cho phần diện tích của các hạng mục công trình dịch vụ bắt buộc, bao gồm: khu vực đón, trả khách, bãi đỗ xe ô tô chờ vào vị trí đón khách, phòng chờ cho hành khách, khu vực làm việc của bộ máy quản lý, khu vực bán vé, khu vệ sinh, đường xe ra, vào, đường nội bộ bên trong bến xe khách, đất dành cho cây xanh, vườn hoa.
Thu nhập của nhà đầu tư phát sinh từ dự án đầu tư mới bến xe khách tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ thì được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm.
Xã hội hóa bến xe góp phần tạo nên diện mạo hiện đại văn minh cho các bến xe nói riêng và đô thị nói chung, việc Chính phủ sớm ban hành những cơ chế chính sách kịp thời, phù hợp sẽ góp phần giải quyết những khó khăn vướng mắc mà các đơn vị đầu tư vào khai thác bến xe đang gặp phải. Điều này sẽ khiến các đơn vị tư nhân “mặn mà” hơn với việc đầu tư bến xe, theo đó công cuộc XHH bến xe sớm được thực hiện đồng bộ.
Hoàng Hà
2015-04-16 16:24:13
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/co-che-nao-de-tu-nhan-dau-tu-khai-thac-ben-xe-hieu-qua-a183943.html