Theo VCCI, có 58,2% doanh nghiệp FDI chấp nhận “bôi trơn” để được việc…
Doanh nghiệp è cổ cõng… “phí bôi trơn”
Đây không phải lần đầu tiên các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) kêu trời về những chi phí không chính thức tại Việt Nam. Cách đây không lâu, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp FDI đã trao đổi với PV về thực trạng này và dẫn chứng trường hợp của 2 doanh nghiệp Nokia và Sam sung tại Việt Nam. Theo đó, nhiều năm trước, Samsung muốn có vài héc-ta đất làm một khu nghiên cứu phát triển ở một thành phố lớn. Tuy nhiên, đáp lại, họ bị các cơ quan chức năng đòi giá đất rất cao khiến không thể triển khai nổi. Khi đó, trong khi tỉnh này đang rất cần các trung tâm nghiên cứu có thể tạo việc làm cho khoảng 2.000-3.000 kỹ sư, họ đưa ra cái giá trên trời khiến cơ hội này vuột mất.
Nhiều người ngạc nhiên trước con số gần 60% doanh nghiệp FDI phải “lót tay” mới được việc (ảnh minh họa).
Tương tự, trường hợp của Nokia cách đây chừng một năm rưỡi. Các tỉnh cứ đủng đỉnh trước thịnh tình của Nokia muốn phát triển dự án tại Việt Nam. Cuối cùng, mất hàng năm trao đi đổi lại, Nokia mới được đầu tư ở Việt Nam. “Rõ ràng, nếu không tranh thủ những cơ hội như vậy mà cứ đủng đỉnh rồi chờ xem có “bôi trơn” gì không mới triển khai thì sẽ mất rất nhiều cơ hội. Đội ngũ công chức phải có năng lực và đạo đức nghề nghiệp. Họ nên lo cho mình một phần thôi và nên lo cho đất nước này nữa. Có thế chúng ta mới cạnh tranh được với các nước trên thế giới”, GS. Mại nói một cách đầy tâm huyết.
Tuy nhiên, dù các chuyên gia, các nhà kinh tế có lên tiếng, hiến không ít bài thuốc để đặc trị nhưng căn bệnh này vẫn đang khiến nhiều doanh nghiệp FDI chùn bước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. Bởi theo khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 vừa được VCCI công bố ngày 16/4 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức để được giải quyết công việc vẫn ở mức rất cao, tới 58,2%. Tỷ lệ này mặc dù có giảm nhẹ so với mức 59,2% của năm 2013, nhưng vẫn là con số khổng lồ và cao hơn so với mức 47,3% năm 2010.
Theo đó, từ cảm nhận của 1.491 doanh nghiệp FDI đến từ 43 quốc gia, hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ doanh nghiệp FDI tập trung đông nhất cho thấy, Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định của chính sách, mức độ rủi ro và mức thuế hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp, tích cực đến các nhà đầu tư. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém hấp dẫn về những chi phí không chính thức, gánh nặng quy định và chất lượng dịch vụ hành chính công. Dù thời gian chờ đợi để đi vào hoạt động đã giảm rất nhiều nhưng hầu hết doanh nghiệp cho biết họ vẫn chịu nhiều chi phí cho các gánh nặng quy định, chính sách khi phải tuân thủ các thủ tục cấp phép, thanh tra và thủ tục tại cảng…
Trao đổi về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế VCCI cho biết: “Cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài về vấn đề chi phí không chính thức ngày càng có chiều hướng đáng lo ngại, bất chấp những nỗ lực của Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, tình trạng, tần suất chi trả phí không chính thức trong mọi hoạt động, từ xin giấy phép đầu tư đến quá trình đấu thầu, làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cảng và giải quyết tranh chấp ở tòa án ngày càng tăng”. Rõ ràng, đây là thực trạng đáng báo động khi Chính phủ và Nhà nước nhiều năm qua đang cố gắng giảm tham nhũng. Bên cạnh đó, báo cáo của VCCI còn nêu rõ, nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang với Lào, Campuchia, song đối với lĩnh vực tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật Việt Nam còn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với hai nước này.
Video tham khảo:
Phản ứng của Bộ GTVT trước nghi vấn hối lộ 16 tỉ đồng
Trao đổi với PV, GS.TSKH Nguyễn Mại thẳng thắn bày tỏ: Đó là môi trường đầu tư, trong đó cái bị nhắc đến nhiều nhất chính là thủ tục hành chính còn rườm rà. Nhà đầu tư kêu rất nhiều chuyện phải bỏ quá nhiều thời gian để xin một giấy phép dự án. Khi đã có giấy phép rồi thì việc giải phóng mặt bằng còn lâu hơn nữa. Điểm thứ hai khiến môi trường đầu tư chưa hấp dẫn là có quá nhiều văn bản pháp luật chồng chéo, thiếu tính hệ thống. Ngay cả những người làm luật đôi khi còn không nhớ những văn bản mà mình đã đề ra, cái sau chồng lấn cái trước, Nghị định, Thông tư đôi khi lại trái với Luật.
Chỉ hô hào và… giơ cao đánh khẽ!?
Trao đổi với PV, GS.TS.NGND Vũ Văn Hóa, nguyên Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng: “Con số 58,2% doanh nghiệp FDI phải “bôi trơn” tại Việt Nam không có gì bất ngờ. Không chỉ doanh nghiệp FDI mà ngay cả doanh nghiệp trong nước cũng bức xúc về “bôi trơn”, tham nhũng. Vấn đề này đã được không ít doanh nghiệp đưa ra, nhiều năm qua có thay đổi nhưng chẳng thấm vào đâu bởi “bôi trơn” như một căn bệnh mãn tính. Điều đó làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, mà hơn hết sẽ làm sụt giảm nghiêm trọng uy tín hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Thật ra vấn đề này không chỉ có riêng ở Việt Nam, mà nhiều nước khác cũng có.
Tuy nhiên, ở nước ta vấn đề “bôi trơn” có trong mọi lĩnh vực và trở thành vấn nạn, hiện tượng tương đối phổ biến. Phải nói rằng nhiều lĩnh vực ở ta không “bôi trơn” thì không thể làm được, đó là thực trạng đáng buồn”.
GS.TS Vũ Văn Hóa cũng bày tỏ lo ngại trước con số đáng xấu hổ đó. Bởi khi chúng ta đã mang tiếng xấu thì rất khó có thể thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai. Mặc dù, Việt Nam đã có những chính sách chống tham nhũng, “bôi trơn” bằng việc phải công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính. Tuy nhiên, điều đáng nói là hình như chúng ta chỉ hô hào nhưng không thấy thực hiện. Trong khi đó, khi phát hiện ra tham nhũng, đòi “bôi trơn” ở khâu nào thì xử lý không đến nơi đến chốn hay xử lý cho xong. Chính kiểu “giơ cao đánh khẽ” này đã gây tác dụng ngược, tiêu cực không giảm mà còn tăng nhũng nhiễu, tham nhũng. Trước thực trạng đó, Chính phủ cần có những đánh giá tổng thể, từ đó đưa ra chính sách quyết đoán, nghiêm túc để giải quyết vấn đề này một cách quyết liệt.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.
Mới đây, trả lời PV, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: “Con số 58,2% doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam phải “bôi trơn” để được việc hoàn toàn phản ánh một cách trung thực, khách quan và cần phải công bố để có những giải pháp cần thiết. Theo một báo cáo được công bố hai năm trước cho thấy, 80% các doanh nghiệp khi được hỏi đều nói phải “bôi trơn” tại Việt Nam. Vấn nạn đó rất phổ biến ở Việt Nam và chúng ta được đánh giá là một trong những nước có chỉ số tham nhũng cao trong lĩnh vực này. Điều đó khiến doanh nghiệp lo ngại về hiệu quả hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Trước mắt, theo tôi, chúng ta sẽ phải hành động ngay bằng nhiều giải pháp đồng bộ để chấm dứt tình trạng này. Đây là điều mà các nhà đầu tư ngoại mong muốn”.
Kinh tế càng khó khăn, “phí bôi trơn” càng… cao Kết quả điều tra PCI 2014 đối với các doanh nghiệp FDI cho thấy, quy mô chi trả chi phí không chính thức trung bình ở Việt Nam được ghi nhận cao nhất kể từ năm 2011. Đơn cử, có 17,4% DN FDI phải trả chi phí không chính thức khi xin giấy phép đầu tư. Có tới 31,4% DN phải trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu, tỷ lệ này tăng gần ba lần so với năm 2013. Đối với chi phí không chính thức khi thực hiện dịch vụ ở cảng trong xuất, nhập khẩu, có 66,2% DN phải trả, cao hơn gần 10% so với năm 2013. Điều này chứng tỏ, những năm gần đây khi kinh tế ngày càng gặp nhiều khó khăn, thậm chí suy thoái thì “phí bôi trơn” vẫn tăng và không có điểm dừng(!). |
Trinh Phúc
2015-04-22 23:16:29