NHỮNG HẠT GẠO VÀNG KỲ DIỆU? (phần 1)
Sunday, April 19, 2015 18:54
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Việt Nam đang cho trồng thử nghiệm một số giống ngô biến đổi gen (GMO), và sau đó có thể sẽ là giống gạo vàng (golden rice) như Philippine hiện nay đang trồng. Gạo vàng là giống được ghép bằng hai gen của daffodil và một gen của vi khuẩn vào hệ gen của hạt gạo. Những hạt gạo được tạo ra bằng phương pháp này có màu vàng nhạt, được quảng cáo như một giải pháp “cứu nguy” cho an ninh lương thực thế giới. Nhưng sự thật về độ tin cậy được khuếch trương như thế nào, mới quý vị đọc chậm để hiểu những phân tích sau đây. Vì bài khá dài nên chúng tôi xin chia làm 2 phần, mong nhận được sư quan tâm chia sẻ rộng rãi của quý vị!
***
Có lẽ, ngay ở những năm này của thế kỷ 21, khả năng góp phần giải quyết nạn đói thế giới vẫn là một khả năng đáng ao ước và được nồng nhiệt tiếp đón. Vì theo con số của tổ Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (UN/FAO) thì hiện có đến khoảng hơn 800 triệu người đang lâm vào tình trạng không ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để có thể xem là khoẻ mạnh, một dạng thức phổ biến nhất của “nạn đói”. Hầu hết họ là cư dân khu vực Nam Á, kế đến là vùng Châu Phi hạ-Sahara (sub-Sahara) và vùng Đông Á. Trong số nạn nhân đó, độ một phần ba trẻ em sẽ chết trước năm tuổi ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, cũng ở các nước đang phát triển, tỉ lệ trẻ em bị nạn còi cọc, chậm lớn có thể lên đến 25%.
Năm Số người (triệu) Phần trăm dân số
1990 – 1992 1,015 19%
2000 – 2002 930 15%
2006 – 2008 918 12%
2009 – 2011 841 14%
2012 – 2014 805 11%
Để thêm một chút màu sắc cho nạn thiếu ăn của thế giới, có thể nhắc đến ở đây thống kê về một vùng có tiếng là khá giả của California: Marin County. Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết có những cư dân Marin bị nạn đói đe doạ. Thực tế là có những người đang thiếu đói mỗi ngày ở Marin County, ở khu vực Canal của San Rafael và những khu vực của Novato. Ở nhiều khu xóm khác của Marin, nạn đói ít hiển nhiên hơn nhưng vẫn là một thực tế đối với nhiều cá nhân và gia đình khó lòng có được bữa ăn đầy đủ hằng ngày.
Vì lẽ đó, khi những nhà khoa học, những người làm công nghệ sinh học, và kinh doanh liên quan đến sản xuất lương thực tuyên bố rằng các loại cây trồng GMO của họ tìm ra, gây giống và phổ biến là một trong những phương tiện hữu hiệu để góp phần giải quyết nạn đói thế giới, thế giới đã quan tâm, lắng nghe và tìm hiểu trong sự mong đợi.
Vấn đề càng hấp dẫn hơn nữa khi các chủng loại hoa màu GMO trở nên rất phổ biến ở Mỹ, một đất nước được theo dõi và đánh giá cao về các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như mối quan tâm đối với vấn đề an toàn thực phẩm. (xin xem thêm bài viết “GMO ở Mỹ” trong cùng số báo này, bàn cụ thể hơn về GMO ở Mỹ)
Trong số các loại cây trồng làm lương thực, cây lúa chiếm một vai trò hết sức trọng yếu, hạt gạo vẫn là một trong những loại ngũ cốc dùng làm lương thực chính của cư dân nhiều vùng địa lý khác nhau. Do đó, tìm cách áp dụng công nghệ biến đổi gen để chế tạo ra những loại lúa gạo mới là một quan tâm lớn của các nhà khoa học và chỗ đầu tư lớn của các doanh nghiệp. Ngoài những thuận lợi vẫn thường được gắn liền với các loại cây trồng GMO như năng suất cao, có sức đề kháng cao đối với các loại sâu rầy phá hại mùa màng, có sức chịu đựng tốt đối với các loại thuốc diệt cỏ được đặc chế để dùng cùng với cây trồng GMO, các nhà khoa học, qua các kỹ thuật là biến đổi gen, còn tìm cách đưa vào những hạt giống GMO những tính năng hữu ích mà các loại hạt giống hiện có trong tự nhiên không có được. Gạo vàng (golden rice) là một sản phẩm như vậy. Các nhà khoa học về gen đã thành công trong việc biến đổi vài giống gạo để gia tăng hàm lượng beta-carotene, một hợp chất mà cơ thể con người có khả năng biến dổi thành sinh tố A, một dưỡng chất quan trọng cho cơ thể con người, đặc biệt để giúp cho sức khoẻ thị giác. Với khả năng này, gạo vàng thường được tán dương thêm như một biện pháp quý báu giúp ngăn chận và diệt trừ nạn thiếu sinh tố A (Vitamin A Deficiency – VAD), một vấn đề nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ, các thai phụ và các bà mẹ cho con bú trên thế giới.
Theo UNICEF, hằng năm số trẻ nhỏ trên thế giới chết vì các vấn đề sức khoẻ có liên quan đến VAD có thể lên đến 1,15 triệu. Một số còn đông hơn nữa có những triệu chứng liên quan đến VAD, trong đó có tình trạng bị mù mắt và dễ mắc phải nhiều loại bệnh khác. Riêng ở các nước “đang phát triển”, hằng năm có khoảng nửa triệu người, đa số là trẻ em, bị mù mắt, và 50% trong số nạn nhân ấy sẽ chết trong vòng một năm kể từ ngày bị mù. Do VAD còn tác hại đến hệ miễn nhiễm, và do đó nó can dự đến nạn tử vong của trẻ núp dưới dạng nhiều thứ tật bệnh khác. Thí dụ, gần đây có nghiên cứu cho rằng, đối với các trẻ dưới năm tuổi, nạn tử vong vì bệnh sốt rét là có liên hệ đến tình trạng thiếu protein, sinh tố A và kẽm (zinc) trong dinh dưỡng.
Chính trong bối cảnh này, sự công bố về khả năng mang hàm lượng beta-carotene của giống gạo vàng đã tạo tiếng vang và sự quan tâm không nhỏ. Số người ủng hộ gạo vàng trong nhiều giới cũng tăng lên. Như một hiện tượng, gạo vàng đồng thời rơi vào tầm quan sát mang tính phê phán của những nhà khoa học, các chuyên gia nông nghiệp và luôn cả những người quan tâm chung đến con người và môi trường sống của con người.
Đôi nét về hạt gạo vàng
Người ta đã biết từ trước, các phương pháp gây giống vốn có đều không thể làm gia tăng hàm lượng tiền-sinh tố (pro-vitamin) A trong hạt gạo, cho dù chất ấy có trong phần xanh của cây lúa nhưng không một chủng loại lúa nào lại có thể chuyển nó vào trong hạt gạo. Từ đó, các nhà khoa học nghĩ rằng chỉ còn có cách tí toáy ngay với DNA của hạt gạo mới mong tạo ra được hiệu ứng cần có. Ngay từ những năm 1980, Quỹ Rockefeller đã tài trợ nhiều nghiên cứu để mong tìm ra phương cách, nhưng đều vô hiệu. Cho đến năm 1992, nhân một trao đổi rộng rãi ở thành phố New York, các nhà khoa học mới bàn về cách đưa beta-carotene, loại tiền sinh tố A quan trọng nhất, vào hạt gạo. Hai giáo sư Ingo Potrykus, một chuyên gia tiên phong về biến đổi gen của gạo, thuộc Viện Công nghệ Liên bang – Thuỵ Sĩ (Swiss Federal Institute of Technology – ETH) ở Zürich và Peter Beyer, chuyên khoa về sinh hoá liên quan đến carotenoid và sinh học phân tử, thuộc Đại học Freiburg, đã tham dự cuộc trao đổi ấy. Nhờ đó, hai ông có dịp hội ý và đi đến kế hoạch hợp tác và viết ra một đề án nghiên cứu chung. Quỹ Rockefeller đã nhận tài trợ dự án này, với đôi chút hoài nghi về khả năng hiện thực của nó.
Qua bao thăng trầm, mãi đến bảy năm sau Potrykus và Beter đã thành công, tạo ra được hạt gạo vàng bằng cách ghép hai gen của daffodil và một gen của vi khuẩn vào hệ gen của hạt gạo. Những hạt gạo được tạo ra bằng phương pháp này có màu vàng nhạt. Và tên gọi “gạo vàng” (golden rice) được đề nghị.
Từ một dự án nghiên cứu đạt được kết quả ban đầu dưới sự chỉ đạo của Golden Rice Humanitarian Board, hạt giống của gạo vàng sau đó được tiếp tục nghiên cứu, để làm gia tăng hàm lượng beta-carotene qua nhóm nghiên cứu của công ty Syngenta, một công ty kinh doanh nông nghiệp toàn cầu có nhân viên tại 90 quốc gia. Từ 2005 cho đến 2010 Dự án Gạo vàng phần lớn chú tâm vào việc tạo thêm các loại giống trên cơ sở các loại gạo thích hợp với từng địa phương khác nhau. Dự án cũng nhận được tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau, như Quỹ Rockefeller, Quỹ Bill & Melinda Gates, USAID, Bộ Nông nghiệp Philippines, HarvestPlus, Uỷ ban Châu Âu, Swiss Federal Funding, và Quỹ Syngenta.
Hiện nay, việc tạo giống và thử nghiệm trên thực địa là phần vụ của Viện Nghiên cứu Lúa Gạo Quốc tế (International Rice Research Institute – IRRI ) ở Philippines, cùng với Viện PhilRice (The Philippine Rice Research Institute). Đối tượng phổ biến gạo vàng trong tầm ngắm sẽ là các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Việt Nam. Hiện một số chương trình mang tính dọn đường đang diễn ra ở các nước này. Nếu để ý, chúng ta cũng thấy Thái Lan không có mặt trong danh sách này, đây là một vấn đề rất nhạy cảm với quốc gia lừng danh về sản phẩm gạo của họ. Do đó, việc bảo vệ tính cách tinh ròng các loại giống gạo của họ, để khỏi bị “lây nhiễm” đã trở thành một sách lược nông nghiệp (và kinh tế) của nước này. Họ không muốn mất khách hàng ưa chuộng sản phẩm “truyền thống” của họ.
Cũng vì Việt Nam nằm trong tầm ngắm của những tổ chức và đại doanh nghiệp quốc tế chủ trương phổ biến gạo vàng, nhu cầu quan tâm, theo dõi và có được những hiểu biết xác đáng và cần thiết về gạo vàng, và trong nội dung đó, các loại cây trồng GMO, ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với người Việt Nam. Việt Nam có lẽ cũng rất cần quan tâm đến vai trò nước sản xuất gạo quan trọng của mình.
Cổ Suý cho Gạo Vàng
Những người cổ suý cho các loại thực phẩm GMO — và đặc biệt với gạo vàng – vẫn mong muốn những người được hưởng lợi nhiều nhất vẫn là những người đang thiếu đói sẽ có đủ điều kiện để dùng các loại thực phẩm này và nhờ đó sẽ có đủ chất bổ dưỡng cần thiết hằng ngày cho họ. Và trong mong muốn đó, ngay cả Golden Rice Humanitarian Board cũng khuyến khích nghiên cứu thêm nữa để xác định bằng cách nào công nghệ sinh học có thể góp phần giải quyết nạn VAD ở các nước nghèo. Tuy nhiên, hội đồng này cũng hiểu rõ là nạn thiếu đói vốn có nguồn gốc sâu xa từ các vấn đề chính trị, kinh tế và văn hoá mà các giải pháp kỹ thuật không thể giải quyết. Dù sao, ở thời điểm lúc gạo vàng vừa được tạo ra, người ta vẫn đặt hy vọng nơi gạo vàng.
Dĩ nhiên, cổ suý mạnh mẽ và chủ tâm rất nhiều vào các phương diện ích lợi của gạo vàng vẫn là những nhà khoa học làm ra nó, và bên cạnh họ là các tổ chức (như Dự án Gạo vàng – Golden Rice Project) được lập ra để đặc biệt tán dương gạo vàng và tuyên truyền, thuyết phục thế giới chấp nhận nó như một loại giải pháp thần kỳ cho vấn đề dinh dưỡng có liên hệ đến VAD. Không ít bài viết, thảo luận, tài liệu tuyên truyền giải thích về vai trò của tiền sinh tố A trong gạo vàng để giúp chống lại VAD.
Lập luận của Dự án Gạo vàng như sau: “Ở những vùng nông thôn xa xôi, Gạo Vàng đóng góp quan trọng vào việc cung ứng bền vững sinh tố A. Để đạt được mục tiêu này cần có được một nỗ lực mạnh mẽ được phối hợp chặt chẽ và liên ngành. Nỗ lực này cần gồm cả các nhà khoa học, các nhà tạo giống, nhà nông, những người làm ra luật lệ, làm chính sách và những người cổ vũ cho việc nới rộng tầm nhìn – những người có vai trò quảng bá cái mới (extensionists). Nhóm sau cùng này có vai trò trung tâm trong việc giáo dục nhà nông và người tiêu dùng về các chọn lựa mà họ có thể có được. Trong khi sự chọn lựa phù hợp hơn cả là một chế độ ăn uống đa dạng và đầy đủ, song mục tiêu này không phải lúc nào cũng có thể đạt được, ít ra là trong ngắn hạn. Lý do thì nhiều, từ vấn đề truyền thống cho đến các giới hạn về địa lý và kinh tế. Gạo vàng là một bước đi đúng hướng, theo đó, nó sẽ không tạo nên những sự lệ thuộc mới hay giành chỗ của những thực phẩm truyền thống”.
Có thể nói, đoạn viết trên trình bày một cách cô đọng quan điểm của những người cổ suý cho việc quảng bá sâu rộng việc canh tác gạo vàng trên nhiều vùng của thế giới.
Các Nhận Xét và Ý Kiến Khác
Gạo vàng, như nói ở trên, đụng chạm đến một số vấn đề hệ trọng mà thế giới quan tâm, do đó việc soi xét và phản ứng cũng khá náo nhiệt và không ít khi phát nhiệt đến độ gay gắt. Vì nằm trong khuôn khổ sản phẩm GMO, tất nhiên gạo vàng sẽ được và bị soi xét qua lăng kính GMO. Về mặt tác dụng, ít ra có hai loại vấn đề lớn: giải quyết vần đề thiếu dinh dưỡng bằng một loại sản phẩm nông nghiệp và vấn đề góp phần giải quyết nạn thiếu sinh tố A (VAD) ở các nước đang phát triển.”
Các tranh luận về GMO, và riêng về gạo vàng, do các tác động của nó đến các vấn đề về di truyền học, các thử nghiệm, cho đến các hoạch định và ý đồ thương mại, kinh tế, chính sách lương thực và nông nghiệp, v.v. đã và đang thu hút sự quan tâm và tham dự của nhiều giới. Cuộc tranh cãi vẫn còn đang hào hứng tiếp diễn, Trên các diễn đàn thường không thiếu những người tham dự có vốn liếng chuyên môn sâu. Luận cứ về nhiều phương diện vẫn còn được tiếp tục đưa ra để biện bác ở cả các phía: ủng hộ, nghi vấn, chưa được thuyết phục, cho đến thẳng thừng bài bác, lên án. Trong bối cảnh phức tạp đó, nhất là khi khó có thể đi đến việc phân thắng bại, người viết xin được vai trò trình bày ra đây phần nào độ phức tạp của vấn đề, sau đó sẽ giới thiệu thêm được một số tài liệu tham khảo cho bạn đọc quan tâm và muốn tìm hiểu thêm, và cũng hy vọng rằng, nhiều bạn đọc có chuyên môn phù hợp với một số phương diện của cuộc thảo luận phức tạp này sẽ giúp soi sáng một vấn đề đang có cơ tác động thật sự vào “nồi cơm” của nhiều người.
Trước khi thử trình bày vài nét chính của các tranh cãi, thiết tưởng cũng cần nói qua về những phương diện khác nhau – rất khác nhau là đàng khác – nhưng thường hay bị trộn lẫn trong các cuộc bàn cãi liên quan đến gạo vàng:
– Phương diện khoa học thuần tuý liên quan đến các ngành di truyền học, gây giống và lai tạo giống thông qua kỹ thuật làm biến đổi gen (thực vật). Thông thường, người ta có thể dễ dàng chấp nhận tính vô tư khoa học của các nhà khoa học tham dự. Nhưng, do sự can dự của các phương diện khác, ngoài khoa học, ngay cả quan điểm của một số nhà khoa học có chuyên môn cao trong ngành, nhất là những vị có quan hệ tài trợ hoặc làm thuê với các đại doanh nghiệp cũng bị đem ra săm soi cẩn thận để mong đánh giá đúng đắn mức độ vô tư và chính xác cần có của chúng.
– Phương diện công nghệ và sản phẩm hoá các kết quả khoa học bằng các quy trình công nghệ và kỹ thuật tạo giống, quy định và quy trình gieo trồng và chăm bón các loại cây trồng GMO trên thực địa và trên diện rộng trong một thời gian dài qua nhiều năm. Đây là giai đoạn nhà công nghệ ấn định ra các loại sản phẩm khác nhau mà theo đó có những yếu tố mới về công nghệ tạo giống sẽ can dự vào. Kế tiếp là các điều kiện cụ thể để gieo trồng dẫn đến thu hoạch thành công của các sản phẩm ấy. Một yếu tố can dự ở khâu này có thể trở thành đầu mối tranh luận không nhỏ: các thứ hoá chất phụ thuộc cần thiết can dự vào toàn bộ quy trình tranh tác, tác động của chúng lên đất đai canh tác và môi trường sống nói chung.
– Phương diện thương mại hoá và những phương cách tuyên truyền, phổ biến, vận động dư luận cũng như mưu tìm cho được sự chấp nhận bằng các quy định, chính sách lên đến ở cấp quốc gia hay liên quốc gia. Đây thật sự trở thành vấn đề kinh doanh. Lợi nhuận, ở một dạng thức nào đó, sẽ là động lực để người ta làm mọi cách để chiếm được thị phần cho sản phẩm của mình. Các thủ thuật và chiêu trò kinh doanh sẽ là phương tiện. Và cho đến giờ, con số những đại doanh nghiệp phát triển và quảng bá gạo vàng không nhiều, nếu gạo vàng trở thành loại gạo được canh tác rộng rãi ở nhiều nơi, họ sẽ khai thác lợi thế của mình ra sao sẽ là lá chủ bài họ còn nắm chặt trong tay. Thế giới có thể tin được đến đâu các mục tiêu cao đẹp về nạn đói thế giới, về việc thanh toán VAD còn tuỳ thuộc vào trí tuệ và bản lĩnh của thế giới.
Khổ thay, mỗi phương diện nói trên tự nó đã đủ phức tạp, đòi hỏi nhiều hiểu biết và công sức để có thể trình bày cho đầy đủ, thấu đáo. Những tranh luận chung quanh các điều lợi, hại của gạo vàng thường là một sự trộn lẫn (có thể cố ý) các phương diện trên để đưa đến một thực trạng rất khó khăn để một người muốn tìm hiểu có thể tự rút ra cho mình một kết luận dứt khoát nào đó. Và điều này có lẽ thể hiện khá rõ trong bản báo cáo về GMO của USDA (U. S. Department of Agriculture, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ), do bộ phận Economic Research Services – ERS của bộ này soạn thảo.
Về báo cáo này, một trong những tác giả của nó tuyên bố ngay: “Chúng tôi tránh việc xác định các loại hoa màu GMO là tốt hay xấu, chúng tôi chỉ cung cấp thông tin”. Bản báo cáo ra đời vào tháng 2 năm 2014, thời điểm các loại hoa màu GMO đang bị soi xét rất dữ; lúc các tổ chức của người tiêu dùng đang đòi hỏi những qui định nghiêm nhặt hơn đối với việc nghiên cứu và sản xuất hoa màu, đòi hỏi phải dán nhãn cho các loại thực phẩm có chứa thành phần GMO; lúc các nhà khoa học ngày càng quan ngại về sức đề kháng của cỏ dại và sâu bọ đối với các loại hoa màu và những hoá chất được dùng kèm theo với chúng. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu của ERS cũng cho biết sau hơn 15 năm đầu tiên đem ra áp dụng với tính cách thương mại, các loại giống GMO đã không hề minh chứng được là chúng làm gia tăng đáng kể tiềm năng thu hoạch, và “thực tế thì mức thu hoạch của các loại giống chịu đựng được thuốc diệt cỏ và đề kháng được sâu bọ đôi khi có thể còn thấp hơn cả các loại giống thông dụng”.
Cũng theo bản báo cáo, các loại hoa màu có khả năng ngăn ngừa thất thu do nạn sâu bọ thì có ích lợi hơn về mặt tài chính cho các nhà nông, nó giúp gia tăng tiềm năng thu hoạch và tăng thu nhập. Đồng thời, thuốc diệt sâu bọ trên những cánh đồng trồng bắp ngô cũng giảm từ 0,21 pound (năm 1995) xuống còn 0,02 pound cho mỗi acre. Nhưng, trong lúc đó, thuốc diệt cỏ dùng với bắp ngô GMO lại tăng từ khoảng độ 1,5 pound lên 2,0 pound cho mỗi acre gieo trồng. Trong lúc đó nhu cầu thuốc diệt cỏ đối với loại bắp ngô không-GMO tương đối ổn định.
Tuy đây không phải là một báo cáo liên hệ trực tiếp đến gạo vàng, do mối liên hệ GMO, bản báo cáo cũng khiến nhiều người theo dõi về vấn vấn đề gạo vàng quan tâm. Về một phương diện nào đó, câu chào hàng giải quyết nạn đói thế giới của GMO, qua báo cáo này cho thấy, cũng không được thực tế minh chứng đầy đủ.
Gắn liền với gạo vàng hơn, có thể đơn cử một bài viết về “Các huyền thoại của Gạo vàng” đăng trên GMWatch của Dr. Michael Hansen, một người đứng hẳn về phía chống lại việc phổ biến gạo vàng. Và qua bài viết khá chi tiết ấy (28-8-2013), ông đã quay lại chính vấn đề VAD, ở một nơi mà những người ủng hộ gạo vàng vẫn đơn cử ra như một trường hợp điển hình cần đến gạo vàng như một giải pháp chống VAD: Philippines.
“Ở Philippines, thử nghiệm loại giống Gạo vàng Indica bắt đầu từ tháng 10 năm 2010; tôi tin rằng đó là loại giống lai tạo giữa GR2 và IR-64, một loại giống Indica quen thuộc. Tại buổi điều trần năm 2011 trước quốc hội Philippines tôi đã trình bày và thách thức người đứng đầu dự án Gạo vàng của PhilRice trưng ra dữ liệu về mức độ của beta-carotene trong các loại giống GR Indica, nhưng chỉ thấy được các dữ liệu lấy từ GR2. Cùng lúc ấy, Ts Gerard Barry, đứng đầu Dự án Gạo vàng của IIRI, gia nhập IIRI năm 2003 sau 20 năm làm việc cho Monsanto (1983 – 2003), cũng có mặt trong phòng nhưng ông không phát biểu gì nhiều.
Tôi có mặt ở Bangladesh vào tháng 8 – 2011 và đến thăm BARI (Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Bangladesh). Họ thật sự có gieo trồng GR2 Indica, nhưng chỉ là trong nhà kính và chưa trồng thử ngoài đồng. Tôi cũng có mặt ở Việt Nam vào tháng 8 ấy và họ cũng có trồng GR Indica trong phòng thí nghiệm, nhưng chưa thử trồng ngoài đồng.
Vậy là lúc đó vẫn chưa có số liệu về beta-carotene trong các loaị giống GR Indica, loại gạo mà người nghèo ở vùng Nam Á thật sự ăn.
Thêm nữa, cũng không có số liệu về mức độ beta-carotene theo với thời gian. Vì theo Golden Rice Humanitarian Board thì các loại carotenoid có thể bị tác động phân hoá của ánh sáng và ô-xy hoá. Điều này đặt ra nghi vấn về độ bền vững của beta-carotene trong điều kiện nhiệt độ, điều kiện nhà kho lưu trữ. Các nhà khoa học ở Đức đã có kinh nghiệm về sự suy giảm beta-carotene của gạo vàng GR1 ngay từ lúc họ nhận được và sau khi gạo được nấu thành cơm…”…
(Theo Văn hóa Phật giáo Việt Nam – còn tiếp phần 2)
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo