Câu chuyện Hảo Hảo tố Hảo Hạng nhái mẫu mã giờ đây đã được chuyển ra toà để giải quyết theo quy định của pháp luật…
Bao bì và hình ảnh mỳ Hảo Hảo và Hảo Hạng
Nói không được thì kiện
Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, thời điểm đầu năm 2015, công ty CP Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) đã tung ra thị trường mì ăn liền Việt Nam sản phẩm mới mang tên “Mì Hảo Hạng tôm chua cay và hình”. Tuy nhiên, khi sản phẩm này tung ra thị trường đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ một hãng mì gói khác là công ty CP Acecook Việt Nam (Vina Acecook) – ông chủ của mì Hảo Hảo tôm chua cay. Phía Acecook cho rằng, sản phẩm của mình đã bị công ty Asia Foods, nhà sản xuất mì gói Hảo Hạng tôm chua cay xâm phạm quyền về nhãn hiệu, cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và có văn bản đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.
Sau đó, cục Sở hữu trí tuệ (bộ Khoa học và Công nghệ ) đã có văn bản khẳng định Asia Foods đã có vi phạm nguyên tắc về sử dụng mẫu không đúng như mẫu đăng ký bảo hộ.
Trong văn bản kết luận trước đó, cục Sở hữu trí tuệ cho rằng mẫu bao gói mì ăn liền mang dấu hiệu “Mì Hảo Hạng, tôm chua cay và hình” của Asia Foods sử dụng trong thực tế khác với mẫu được bảo hộ, có cách trình bày tạo thành một tổng thể tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Hảo Hảo, mì tôm chua cay”. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lê Văn Hùng (Trưởng phòng Truyền thông – Đối ngoại Vina Acecook) cho hay: “Khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã chủ động gửi thư khuyến cáo yêu cầu Asia Foods chấm dứt và khắc phục hành vi vi phạm nhưng không thành. Sau đó, chúng tôi gửi đơn yêu cầu chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra, xử lý hành chính hành vi vi phạm này của Asia Foods. Tại biên bản làm việc do chi cục Quản lý thị trường lập ngày 11/3/2015, đại diện Asia Foods vẫn khẳng định mì Hảo Hạng của công ty này không sao chép mẫu mã của mì Hảo Hảo. Tuy nhiên, Asia Foods cũng xác nhận đã ngừng sản xuất sản phẩm này từ ngày 4/2/2015. Đây là lý do mà chi cục Quản lý thị trường Bình Dương quyết định không tiến hành kiểm tra hành chính công ty Asia Foods, và đề nghị hai bên nếu không thống nhất thì khởi kiện ở tòa án. Với những chứng cứ rõ ràng về hành vi vi phạm độc quyền nhãn hiệu, chúng tôi quyết định khởi kiện, đề nghị tòa án xem xét giải quyết theo các yêu cầu của công ty”.
Chính vì lý do đó, ngày 4/5 vừa qua, công ty Vina Acecook đã gửi đơn khởi kiện lên Tòa án tỉnh Bình Dương yêu cầu tòa án xác định hành vi sử dụng mẫu bao gói mì ăn liền mang thương hiệu “Mì Hảo Hạng tôm chua cay” của Asia Foods là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu Hảo Hảo của Acecook Việt Nam đã được bảo hộ.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ông dĩ mới đưa vụ việc ra toà, bởi trước đó Acecook Việt Nam đã giải quyết vụ việc trên tinh thần hợp tác, thiện chí. Đáng tiếc, Asia Foods đã không hợp tác trong vụ việc này. “Sau nhiều lần họp với Asia Foods để giải quyết vụ việc trên tinh thần hợp tác, song doanh nghiệp này không thiện chí. Asia Foods mới chỉ thực hiện được 1 trong 3 yêu cầu mà công ty chúng tôi đưa ra. Vì vậy, để khép lại vụ việc, Acecook Việt Nam buộc phải nộp đơn khởi kiện ra tòa án”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đại diện của Acecook cũng cho hay, tuy sản phẩm mì vi phạm đã được Asia Foods ngưng sản xuất nhưng thực tế, mặt hàng này vẫn đang lưu hành trên thị trường, chưa được thu hồi và tiêu hủy. Đồng thời, Asia Foods chưa chịu thừa nhận việc mình đã vi phạm quyền sở hữu thương hiệu, chưa có công văn cải chính và xin lỗi gửi tới Vina Acecook.
Báo động về đạo đức kinh doanh
Trong đơn khởi kiện của mình, Acecook yêu cầu toà án xác định hành vi sử dụng mẫu bao mì gói ăn liền mang dấu hiệu “Mì Hảo Hạng, Tôm chua cay và hình” của Asia Foods là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãu hiệu “Hảo Hảo, mì tôm chua cay và hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 62360 của Acecook Việt Nam và buộc chấm dứt hành vi vi phạm. Ngoài ra, Vina Acecook cũng yêu cầu công ty Asia Foods phải đăng báo xin lỗi, cải chính công khai về hành vi vi phạm của mình đối với Acecook và bồi thường thiệt hại 817,5 triệu đồng.
Trước thông tin này, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc phụ trách Truyền thông – đối ngoại Asia Foods. Ông Cường cho hay: “Chúng tôi chỉ biết thông tin về vụ kiện qua báo chí, chứ thực chưa nhận được thông báo của toà án về việc họ thụ lý vụ kiện của Acecook. Thông tin này do bên Acecook gửi cho báo chí và báo chí đăng lên thì chúng tôi mới biết”.
Nếu đúng như Acecook nói, họ kiện Asia Foods ra toà, phía Asia Foods sẽ có động thái gì? Trả lời câu hỏi này, ông Cường cho hay: “Chúng tôi sẽ sẵn sàng ra toà và sẽ giải quyết như những vụ kiện bình thường khác. Mình sẽ tìm hiểu xem vì sao họ kiện mình và đưa ra những lập luận để bảo vệ cho thương hiệu của mình.”
Trước những yêu cầu của Acecook Việt Nam, ông Cường cho hay: “Asia Foods không có nghĩa vụ phải làm theo yêu cầu của Acecook. Asia Foods chỉ có nghĩa vụ tuân theo luật pháp và cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Về tranh chấp bao bì Hảo Hạng thì có hai mẫu bao bì, một
mẫu bao bì tranh chấp thì chúng tôi đã dừng sản xuất cách đây hai tháng, khi Acecook có công văn thì chúng tôi đã ngưng. Hiện tại, chúng tôi chỉ sản xuất bao bì Hảo Hạng không tranh chấp giữa hai bên, vì thế chúng tôi vẫn bày bán bình thường”.
Trả lời câu hỏi của PV, vì sao trên trang web của Asia Foods (asiafoods.vn ) không xuất hiện sản phẩm mì Hảo Hạng, phải chăng vì lùm xùm đến sản phẩm này nên Asia Foods không đưa lên trang chủ của công ty?, ông Cường cho hay: “Thông thường, khi nào sản phẩm bán tốt trên thị trường thì mới đưa lên trang web của công ty. Hiện nay, mì Hảo Hạng đã bán trên thị trường, tuy nhiên sản phẩm này hiện bán chưa tốt nên chưa đưa lên mạng”.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho hay, có khá nhiều điều đáng quan tâm được đặt ra thông qua vụ việc tranh chấp nhãn hiệu mì nói trên. Thứ nhất, tại sao cùng một cơ quan cấp quyền sở hữu trí tuệ, lại có thể cấp giấy đăng ký sở hữu cho hai nhãn hiệu tương tự, na ná dễ gây nhầm lẫn của cùng những doanh nghiệp trong một ngành hàng? Có lẽ không quá khó để viện dẫn các trường hợp cùng một nhãn hiệu, nhưng cơ quan quản lý, cấp phép, xác nhận vẫn cấp giấy xác nhận, đăng ký… khiến doanh nghiệp vướng vòng kiện tụng. Thứ ba, theo chuyên gia này chính là đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp. “Tôi theo dõi vụ này từ đầu, rõ ràng Acecook đã có nhiều thiện chí để giải quyết sự việc nhưng bên vi phạm lại có ý chây ì. Như thế tôi cho là không đẹp và không sòng phẳng”, chuyên gia này nói. Theo phân tích của vị chuyên gia này, thế kỷ 21 đang phải đối đầu với nạn hàng giả, hàng nhái và đó được coi là tội phạm nguy hiểm nhất, giết chết sự cạnh tranh lành mạnh.
“Không loại trừ khả năng sẽ còn nhiều cuộc rượt đuổi theo Hảo Hảo, mà không phải đối thủ nào cũng đủ bản lĩnh “đua” lành mạnh. Vì vậy, bên cạnh sự chủ động của chính doanh nghiệp, càng cần có sự tỉnh táo của người tiêu dùng và giám sát chặt chẽ của ác cơ quan chức năng”, vị này cảnh báo.
Nghệ sỹ Công Lý: “Lương tâm nghệ sỹ không ai làm thế!” Đó là chia sẻ của nghệ sỹ Công Lý, người đóng vai chính trong clip quảng cáo sản phẩm mì Hảo Hạng. Sau khi Asia Foods bị khởi kiện, nghệ sỹ Công Lý cho hay, khi nhận lời đóng quảng cáo, anh không hề hay biết sản phẩm này “nhái” Hảo Hảo. “Trách nhiệm của một công dân, một nghệ sỹ, lương tâm của một nghệ sỹ, không ai đi làm việc đó cả. Nếu không có sự việc kiện tụng như vậy thì việc làm clip quảng cáo là hoàn toàn bình thường. Tôi “đen đủi” khi gặp sự việc như vậy và tôi vô can trong sự việc này”, NSƯT Công Lý cho biết. |
Hà Khê
2015-05-12 00:48:14
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/hao-hang-bi-hao-hao-kien-ra-toa-lai-chuyen-su-phai-a188360.html