Một thông tin gây thu hút giới đầu tư thời điểm này đó là Qatar Investment Authority (QIA) vừa chấp thuận bỏ ra ít nhất 800 triệu USD để mua Keangnam Hanoi.
Keangnam sẽ “về tay” Quỹ đầu tư quốc gia Qatar?
Keangnam Hanoi Landmark Tower (Landmark 72) hiện là tòa nhà cao nhất Việt Nam, nằm ở phía Tây Nam Hà Nội. Tòa nhà có 72 tầng và có diện tích sử dụng 610.000 m2. Theo báo chí Hàn Quốc, Công ty Keangnam đã đầu tư 1.200 tỷ won (hơn một tỷ USD) để xây dựng tòa nhà này năm 2012. Tuy nhiên, hãng vẫn chưa trả được khoản nợ 530 tỷ won cho các ngân hàng.
Tòa nhà này đã được rao bán từ đầu năm nay, là tòa nhà cao nhất Việt Nam nhưng những “scandal” lùm xùm xung quanh dự án này cũng không ít, sau hàng loạt bê bối tại công ty xây dựng Keangnam Enterprises như lập quỹ đen, đưa hối lộ và Chủ tịch tự tử. Colliers International hiện là đơn vị đứng ra rao bán tài sản này.
Korea Herald dẫn nguồn một số ngân hàng đầu tư và tổ chức truyền thông cho biết quỹ đầu tư quốc gia Qatar hôm qua (13/5) đã thông báo quyết định này với Colliers International – công ty chịu trách nhiệm bán tòa nhà với giá khoảng 800 triệu USD – mức giá tối thiểu đã được tòa án Hàn Quốc đưa ra. QIA ban đầu ra giá 600 triệu USD, nhưng sau đó đã quyết định nâng lên theo phán quyết của tòa án.
Các chủ nợ của tòa nhà này, gồm 5 ngân hàng và 10 tổ chức tài chính khác tại Hàn Quốc, cũng đã được cho là đồng ý đàm phán trước tháng 7. Nếu thành công, QIA sẽ được coi là nhà thầu ưu tiên (preferred bidder), giúp họ rút ngắn thời gian giao dịch.
Trả lời báo chí gần đây, Chủ tịch Keangnam Vina (đơn vị quản lý tòa nhà) – Lee Hyo Jong khẳng định hoạt động của doanh nghiệp cũng như tòa nhà không bị ảnh hưởng bởi bê bối của công ty mẹ. Đơn vị này này cũng cam kết bảo vệ quyền lợi, tài sản của khách hàng thuê mặt bằng, sử dụng dịch vụ tại đây theo pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty hiện chưa đưa thêm bất cứ bình luận nào về những diễn biến gần đây.
Ngày 8/5 vừa qua, Ban quản trị tòa nhà Keangnam đã có thư “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các hộ dân đang vô cùng lo lắng cho số phận của Quỹ bảo trì chung cư với giá trị lên tới 160 tỷ đồng. Hiện số tiền này vẫn nằm trong tay của Keangnam Vina – đơn vị quản lý tòa nhà, cư dân đã nhiều lần yêu cầu trả về cho Ban quản trị nhưng không thành công. Những lùm xùm xung quanh việc đóng góp, quản lý và bàn giao quỹ bảo trì tại các dự án chung cư, nhà ở cao tầng không phải là hiếm. Với số tiền lên tới 2% trị giá căn hộ (trước thuế), một quỹ bảo trì có thể lên tới vài chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Cũng vì số tiền là rất lớn, nhiều chủ đầu tư đã chây ỳ, kéo dài thời gian bàn giao, hoặc có khi lấy tiền để đầu tư, sử dụng sai mục đích. Theo quy định của Luật nhà ở, sau khi Ban quản trị chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải có nghĩa vụ bàn giao Quỹ bảo trì cho bộ phận này nhằm tu sửa, bảo trì các hạng mục chung của công trình. Tuy nhiên, đưa vào khai thác và sử dụng từ 2011, đến nay đã gần 5 năm, Quỹ bảo trì chưa một lần đến tay của Ban quản trị tòa nhà Keangnam. Mặc dù đã rất nhiều lần yêu cầu bàn giao số tiền trên, nhưng Ban quản lý đều không chấp hành. Rõ ràng, Keangnam Vina đang cố tình vi phạm luật, ngang nhiên chiếm đoạt số tiền 160 tỷ để sử dụng vào mục đích riêng. |
Hoàng Hà (Theo VnExpress)
2015-05-14 04:48:16
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/keangnam-duoc-quy-dau-tu-qatar-mua-lai-voi-gia-800-trieu-usd-a188870.html