ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Khi ‘vòi bạch tuộc’ hàng giả, hàng nhái đang vươn khắp thị trường
Friday, May 8, 2015 0:09
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Trong giai đoạn bao cấp, người dân lo thiếu hàng ở mọi lĩnh vực, còn hiện nay, bên cạnh nỗi lo vì sự mất an toàn thực phẩm thì thêm một nỗi lo thường trực của người tiêu dùng nước ta đó là nạn hàng giả, hàng nhái. Có thể nói chưa bao giờ thị trường Việt Nam lại bị hàng giả, hàng nhái lộng hành như hiện nay. Chưa  bao  giờ người dân bị bao vây, bị làm thiệt hại và hoang mang bởi hai loại hàng xấu xa này. Không chỉ người dân mà vì hàng giả, hàng nhái khiến hoạt động sản xuất của  doanh nghiệp bị ngừng trệ, nhà nước bị thất thu một lượng tiền thuế lớn.

Sự lộng hành tràn lan của hàng giả, hàng nhái đã thành một hiểm hoạ đến độ Chính phủ ta phải cho ra đời quyết định 389/QĐ-TTG ban hành vào ngày 19/3/2014 để thành lập Ban 389 với nhiệm vụ chủ yếu là chống gian lận thương mại và hàng giả do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng làm Phó ban với các uỷ viên là Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, cùng với sự tham gia của hàng loạt các ngành, các cơ quan chức năng quan trọng.

  Khi ‘vòi bạch tuộc’ hàng giả, hàng nhái đang vươn khắp thị trường - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo trong kì họp tổng kết năm đầu tiên của Ban 389 cho biết năm 2014 trong lĩnh vực  chống hàng giả, hàng nhái đã phát hiện 206.642 vụ (tăng 12,11% so với năm 2013). Số tiền phạt lên đến 13.042 tỉ (tăng 27,1% so với năm 2013). Trong đó khởi tố 2081 vụ với 2.285 đối tượng. Năm 2014 đã bắt 21.645 vụ hàng giả, phổ biến tập trung ở các lĩnh vực mỹ phẩm, thuốc chữa  bệnh,  thực  phẩm  chức  năng, quần áo, túi xách, rượu, bia, nước giải khát, phân bón… và cả nông sản. Còn riêng quý 1 năm 2015 này, Cục Quản lí thị trường Bộ Công Thương cho biết hiện trạng hàng giả hàng nhái tăng hơn cùng kì năm 2014 với 4000 vụ.

Xin được nhắc đến một số vụ hàng giả hàng nhái bị phát hiện trong quý 1 năm 2015. Ngày 28/3 Đội quản lí thị trường  số  14  đã  phát  hiện,  thu  giữ 100.000 sản phẩm mỹ phẩm, hoá mỹ phẩm, gồm dầu gội đầu, son môi, đồ làm tóc… bị làm giả và không rõ xuất xứ tại 5 cơ sở nằm rải rác ở các quận trong nội thành Hà Nội của Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Thuỷ-một đơn vị kinh doanh tư nhân ra đời vào những năm 90 có địa chỉ ở 18 Bạch Mai, sau phát triển thành công ty với các cơ sở mạng lưới.

Ngày 27/1, Cục ATTP Bộ Y tế bắt giữ 12 tấn thực phẩm chức năng (TPCN). Tất cả số TPCN này được chứa trong 5 kho là nơi tập kết và sản xuất ở Trung tâm giao thương quốc tế ở Lim – Tiên Du – Bắc Ninh, trong đó có 4 loại TPCN giả, 9 loại TPCN không rõ nguồn gốc.

Trong dịp tết Ất Mùi vừa qua cơ quan chức năng đã phát hiện trong 5.680 gói hàng tết dành tặng cho công nhân của Công Ty Chutex (Dĩ An Bình Dương) có gói bột nêm giả. Đơn vị đóng gói số hàng tết này là Công ty ở Phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Vào đầu tháng 1 cơ quan chức năng chống buôn lậu và hàng giả gồm Công an, Quản lí thị trường của hai tỉnh Thanh Hoá, Nam Định bắt giữ hàng tấn hàng giả là bột nêm, mì chính… chủ yếu do Trung Quốc làm giả các hãng nổi tiếng sản xuất tại Việt Nam.

Ngày 28/1 Công an Quảng Ninh phát hiện một cơ sở chuyên làm hàng giả, đến  ngày  3/2  đã  bắt  giữ  đối  tượng Trung Đạo Bình (ở Hồ Nam, Trung Quốc) – kẻ đã thuê Công ty Cổ Phần khách sạn Hồng Vân (Móng cái) chứa 31.400 chai mỹ phẩm giả gắn mác các hãng nổi tiếng nước ngoài, 200 kg nguyên liệu, 40 kg tem chống giả, 200 giấy giới thiệu, quảng cáo sản phẩm giả.

Xem video: TP. HCM: Hàng giả tràn ngập thị trường

Cũng trong thời gian trên Chi cục Quản lí thị trường TP.HCM phát hiện 3000 sản phẩm quần áo, visa, thiết bị di động… gắn các nhãn hiệu Nike, Gucci, Versace… trong đó có 1.500 đôi giày Nike sản xuất tại Việt Nam do Trung quốc làm.

Ngày 9/2 Công an Huyện Tiên Lữ, Hưng Yên bắt Phan Thị Lý ở An Viên- Tiên Lữ đang vận chuyển hàng giả gồm 162 gói mì chính giả đóng mác Aljinomoto, hạt nêm Knor. Ngày 20/3 Công an quận 10 TP.HCM triệt hạ cơ sở ở 58 đường Nhật Tân, phường 4, quận 10 chuyên sản xuất các loại sữa giả dành cho trẻ em, phụ nữ có thai với các nhãn, mác nổi tiếng của các hãng Ensure Gold, Glucerna, Ensure Grow.

Trong lĩnh vực nông sản, người tiêu dùng khốn khổ vì mua phải cam Trung Quốc giả danh cam Hà Giang, cam Vinh. Khoai tây Trung Quốc bôi đất lập lờ giả khoai tây Đà Lạt. Mít sấy Trung Quốc giả làm sản phẩm của Vinamit Việt Nam.

Chỉ đưa ra một số dẫn chứng như vậy để chứng tỏ ở các tỉnh, thành phố, khu vực trong bất kì thời gian nào và nhất là mỗi dịp lễ, tết đến thì hàng giả hàng nhái càng gia tăng sự lộng hành, bao vây người tiêu dùng. Nhưng điều cần nói ở đây là tại sao hàng giả, hàng nhái gây ra nhiều thiệt hại, thậm chí gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, gây tổn thất nặng nề về kinh tế chung như thế mà thứ hàng “quái thai” này vẫn tồn tại, và đang có chiều hướng phát triển?

Chỉ có thể cắt nghĩa: Đó là vì lợi nhuận bất chính nên không ít cơ sở doanh nghiệp của ta đã tiếp tay cho “vòi bạch tuộc” hàng giả, hàng nhái càng vươn dài, toả rộng. Đó là vì những văn bản, luật pháp của chúng ta còn nhiều lỗ hổng trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền trí tuệ, thương hiệu sản phẩm tiêu dùng. Đó còn vì chúng ta chưa có sức mạnh cao nhất là sức mạnh cộng đồng. Không ít ngành, không ít địa phương còn vì lợi ích cục bộ nên chưa tạo sự quyết liệt trong công tác chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái. Đó còn vì người tiêu dùng của ta còn thiếu sự hiểu biết, vì ham của rẻ… Và cuối cùng vì nước ta ở cạnh Trung Quốc một quốc gia có không ít hàng nhái, hàng giả.

Không chỉ làm hàng giả để tiêu thụ trong nước mà Trung Quốc còn có cả một chiến lược sản xuất hàng giả, hàng nhái bán ra thị trường thế giới. Tháng 7/2012, Cục hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ thu giữ một container của Trung Quốc trong đó chứa 24.000 đôi giày mang nhãn hiệu nổi tiếng của thế giới nhưng chỉ bán với giá khá rẻ. Tháng 4/2014, Hải quan Pháp phát hiện hơn 10 tấn thuốc giả chữa bệnh tiêu chảy trong đó hơn 50% số thuốc sản xuất tại Trung Quốc.

Còn đối với nước ta, quá trình hàng giả, hàng nhái tràn vào theo những cấp bậc từ thấp đến cao, với nhiều thủ đoạn thâm hiểm. Vào thời kì đầu khi nền kinh tế nước ta mở cửa thì hàng kém chất lượng, thậm chí độc hại tràn vào với giá rẻ như bia Vạn Lực, táo Trung Quốc… Rồi dần dần cùng với hàng độc hại là những mặt hàng giá rẻ như đồ chơi trẻ em, quần áo các lứa tuổi, các sản phẩm và linh kiện điện tử, các loại mỹ phẩm được sản xuất với mẫu mã ưa thích theo thời trang, theo sự thay đổi thị hiếu… Và khi người tiêu dùng nước ta nhận ra sự độc hại của hàng hoá Trung Quốc thì các nhà sản xuất Trung Quốc và cả những doanh nghiệp nước ta vì lợi nhuận đã dùng thủ đoạn “đội lốt” hàng Trung Quốc mang thương hiệu Việt Nam.

Cách đây trên dưới chục năm, hãng khoá Minh Khai Việt Nam đang được người tiêu dùng ưa thích thì vì loá mắt trước lợi nhuận, hãng này đã mua số lượng lớn khoá Trung Quốc về  dập mác Minh Khai… Vì sự hám lợi nhuận trước mắt này đã khiến cơ sở  khoá Minh Khai đang ăn nên làm ra đã vĩnh viễn đánh mất thương hiệu trong mắt người tiêu dùng.

Hàng giả, hàng nhái vẫn đang phát triển và ngày càng gây ra tác hại to lớn đối với đời sống người dân  và  nền kinh tế nước ta. Cần có ý thức của người dân, trách nhiệm của nhà nước cùng các biện pháp cứng rắn và phù hợp trong một cộng đồng để ngăn chặn mối nguy hại này. Phải chăng đó chính là sức mạnh để từng bước ngăn chặn được hàng giả, hàng nhái đang tràn vào nước ta ngày càng nhiều, càng mạnh.

Hoàng Bách Thành

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.