Hàng loạt vụ kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, hết date được chi cục QLTT TP.HCM phát hiện, xử phạt thời gian qua cho thấy vấn nạn nhức nhối trong lĩnh vực kinh doanh tiềm năng này.
Lợi thế về giá so với sản phẩm chính hãng cùng nhu cầu chăm sóc sắc đẹp ngày càng tăng của người dân khiến mỹ phẩm nhập lậu có nhiều “đất sống”. Bằng chứng là các phát hiện về hành vi vi phạm trong kinh doanh mỹ phẩm đang không ngừng tăng.
Chỉ trong tháng 4/2015, cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện 41 vụ vi phạm đối với mặt hàng mỹ phẩm, thu giữ gần 30.000 sản phẩm các mặt hàng kem thoa mặt, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc, kem tẩy trắng, sữa rửa mặt, sữa tắm, son môi… xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật, Pháp.
Ngoài ra, một số lượng lớn thực phẩm đóng gói hết hạn sử dụng cũng được phát hiện. Điển hình, qua kiểm tra kho hàng trên đường Võ Văn Kiệt (Q.5), đơn vị lập biên bản tạm giữ hơn 9.000 chai nước ép trái cây hiệu Welch’s (loại 400 ml/chai), xuất xứ Mỹ, đã hết hạn sử dụng từ tháng 4-2014.
Trước đó, cuối tháng 3/215, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra 7 vụ kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu trên địa bàn các quận 2, 6, 10, 12 và Phú Nhuận, Bình Tân; tạm giữ 12.256 sản phẩm các loại. Các loại mỹ phẩm này trên nhãn có ghi xuất xứ tại Mỹ, Pháp, Ý, Thái Lan, Hàn Quốc và không ghi xuất xứ, với đa dạng nhiều dòng sản phẩm như kem trị mụn, chống nám, nước hoa, thuốc nhuộm tóc…
Mỹ phẩm nhập lậu, hết date đang “hoành hành” thị trường
Chi cục QLTT TP HCM nhận định tình hình buôn bán mỹ phẩm nhập lậu, giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng, không rõ nguồn gốc, không có nhãn phụ tiếng Việt, không có số tiếp nhận công bố chất lượng còn diễn biến phức tạp. Hiện tại, thị trường còn tồn tại mỹ phẩm nhập chính ngạch nhưng gian lận hải quan, đi từ các tỉnh miền Tây có biên giới với Campuchia chuyển lên thành phố tiêu thụ, chủ yếu là hàng Thái Lan.
Ngoài mỹ phẩm nhập lậu và hết hạn sử dụng, các loại sản phẩm handmade (do cá nhân tự làm) cũng đang được bày bán tràn lan trên thị trường mà chưa hề được kiểm định chất lượng. Hình thức rao bán của loại mỹ phẩm này chủ yếu là bằng mạng internet, vì vậy, công tác quản lý lại càng khó khăn hơn.
Đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế, về quản lý mỹ phẩm: Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Các cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP – ASEAN). Trong đó các yêu cầu gồm: Phải có đội ngũ nhân sự có kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu của CGMP, có hệ thống quản lý, kiểm tra chất lượng đầy đủ, phải xây dựng nhà xưởng…
Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm handmade cũng như các cơ sở tự sản xuất mỹ phẩm tại Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn nêu trên. Điều đó đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm không được đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người sử dụng.
Cục Quản lý dược khẳng định,đối với sản phẩm mỹ phẩm tự pha chế và bán cho người sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, cơ sở sản xuất không đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” là vi phạm quy định hiện hành, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Văn Nguyễn
2015-05-02 18:48:13
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/my-pham-nhap-lau-het-date-tran-lan-a186685.html