ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: khatkhaoxanh
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Những tản văn hay
Thursday, May 21, 2015 22:15
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Giotthoigian2
KHÁT KHAO XANH. Tôi chọn cho em ba tản văn hay của ngày hôm nay: Con mắt thứ ba của Thích Giác Tâm, Sài Gòn trong tôi của Trần Tiến và Thế giới quanh tôi của Mai Khắc Ứng. Tôi chép về cùng trang này vì ba bài viết không dài mà em đỡ mất công đi kiếm. Hay lắm em à, tôi ước nó cũng thành bạn của em. Tản văn nói về con mắt thứ ba là điều quý nhất cho em, về sự biết yêu thương mảnh đất mình đang sống, về bài học triết lý hướng thiện khi em đi vào thế giới rộng lớn, tránh những điều ngộ nhận đã nói trong bài đồng dao cho em.

Nhớ thuở xưa khi còn nhỏ, tôi đã thật say mê cuốn sách Không gia đình của ông thầy  Hector Malot đại văn hào Pháp. Cho đến nay khi luống tuổi, tôi mới thấy việc chậm giới thiệu sách hay cho người khác, đặc biệt là người trẻ thật uổng biết bao, như người ốm không kịp chữa trị. Không gia đình nay được yêu quý và nổi tiếng đến mức, hóa ra  không chỉ có tôi, mà hầu như phần lớn trẻ em nước Pháp và trẻ em của nhiều nước trên thế giới đọc được sách dịch này đều yêu thích. Tôi một phần nhờ học theo tấm gương của Remi mà lớn lên và được như ngày nay, vì tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ và cũng nếm trãi quá nhiều yêu thương và cơ cực. Rêmi đã trở thành người bạn thân của tôi suốt cả tuổi thơ cho mãi đến tận bây giờ. Remi là cậu bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, đi theo một đoàn xiếc chó, khỉ, của cụ già Vitali từng trải và đạo đức, đi lưu lạc khắp nước Pháp, sau đó bị tù ở Anh, cuối cùng tìm thấy mẹ và em. Rêmi ấy đã lớn lên trong gian khổ, sau khi cụ Vitali mất, Rêmi đã tự lập và không những lo cho mình, mà còn bảo đảm việc biểu diễn và sinh sống cho cả một gánh hát rong. Rêmi đã sống khắp mọi nơi, chung đụng với mọi hạng người “nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương”. Em đã lao động để kiếm sống,  đã có lúc cùng đoàn xiếc lang thang suốt mấy ngày không có chút gì trong bụng; đã có khi em bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm; đã có khi em mắc oan, bị giải ra trước tòa án và ở tù. Và cũng có khi em được nuôi nấng đàng hoàng, no ấm. Nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, em vẫn noi theo nếp rèn dạy của ông già Vitali giữ nhân cách làm người, thương người, ham lao động, tự trọng, ngay thẳng, gan dạ, luôn làm người có ích, nhớ ơn nghĩa, không gian dối, lười biếng, ngửa tay xin xỏ ai. Ngoài con chó Capi khôn như người và rất có nghĩa, con khỉ Giôlicơ nghịch ngợm và đáng yêu… Rêmi trong những ngày lưu lạc đã nhận thêm cậu bé nghệ sĩ Matchia khôn ngoan, linh lợi, tháo vát, tận tình với bạn, một tài hoa nghệ thuật nở sớm cộng với tấm lòng vàng. Hai người bạn thân thiết và con vật đáng yêu lung linh sống động đã gây nhiều hứng thú cho bạn đọc nhỏ tuổi. Câu chuyện phiêu lưu của chú bé Rêmi và những người bạn  là bài ca lao động  và tình yêu thương. Quyển sách ca ngợi tinh thần tự lập và tự tin của tuổi trẻ, tình bạn chân thành, tháo vát, chịu đựng gian khổ. Sách giúp ta mở rộng tầm hiểu biết.

Bây giờ, tôi muốn trở về với Con mắt thứ ba của Thích Giác Tâm, Sài Gòn trong tôi của Trần Tiến và Thế giới quanh tôi của Mai Khắc Ứng. Tôi mời bạn hãy chăm chú đọc và tự mình cảm nhận.

Hoàng Kim

Xem tiếp …

Conmatthuba

CON MẮT THỨ BA

Thích Giác Tâm

Mỗi người chúng ta ai cũng có con mắt thứ ba hết. Em biết con mắt thứ ba đó nằm ở đâu không? Em nói sao, nó được nằm ở chính giữa hai chân mày? Cũng có thể như vậy. Tôi từng xem phim Tôn Ngộ Không, và con mắt thứ ba của Dương Tiễn nó nằm ở vị trí mà em vừa nói đó. Nhưng đó không phải là con mắt mà tôi muốn nói cho em. Vậy nó nằm ở đâu? À, nó nằm… Nằm bên trái ngực của em, ngay chỗ có trái tim đang đập. Khi em có tình thương thì em sẽ có con mắt thứ ba.

Đúng vậy, tình thường là một cái gì đó rất mầu nhiệm trong cuộc đời này. Khi có nó rồi em sẽ thấy được những điều mà bình thường em sẽ không thấy. Em sẽ thấy được những người làm cho em đau khổ, họ cũng đang đau khổ. Em thấy được trong những con người mạnh mẽ xung quanh em họ cũng có những phần yếu đuối và dễ bị tổn thương. Và khi họ gục ngã thì em sẽ đưa cánh tay của mình ra và nâng họ dạy. Em sẽ không còn cười trên sự đau khổ của người khác, hay trách móc những lỗi lầm mà họ đang mắc phải. Trái tim em có tình thương rồi thì em sẽ chỉ có thương yêu, tha thứ và bao dung.

Con mắt thứ ba này sẽ cho em thấy được rằng em không bao giờ cô đơn trên cõi đời này. Những lúc trong tâm hồn em yên tĩnh nhất là lúc con mắt thứ ba phát huy tác dụng nhiều nhất. Em sẽ thấy em là một dòng chảy sự sống thênh thang, linh động của các thế hệ ông bà tổ tiên huyết thống và tâm linh. Em thấy em là một tế bào của vũ trụ đồng thời trong em cũng chứa đựng đầy đủ những gì mầu nhiệm nhất của vũ trụ.

Có con mắt thứ ba em sẽ nhìn mọi vật xung quanh luôn sống động và đẹp. Nhìn những sự vật với cái nhìn luôn mới tinh. Em ngắm mặt trời rực rỡ lúc hoàng hôn đang khuất dần sau dãy núi. Em nghe tiếng chim hót véo von trên ngọn cây thông già trước sân. Em ngắm những áng mây trắng đang nhẹ nhàng thanh thản trôi trên bầu trời xanh trong. Với con mắt thứ ba em sẽ thấy tất cả điều là biểu hiện của tình thương. Mà tình thương là cái gì đó luôn sống động và mới hoài trong mỗi phút giây.

Mọi người trong chúng ta ai cũng có con mắt thứ ba ấy. Và bắt đầu từ hôm nay, em và tôi sẽ tập nhìn những sự vật xung quanh dưới con mắt thứ ba. Rồi tất cả sẽ trở nên đẹp hơn, thánh thiện và yêu thương hơn.

Nguồn: Thích Giác Tâm, Con mắt thứ ba. Đạo Phật ngày nay.

SÀI GÒN TRONG TÔI

Trần Tiến

Là nụ cười hảo hán và dáng đi nghiêng nghiêng của anh Cầu, nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu, trái chôm chôm biết hát của hội nhạc thành phố. Là anh Sơn, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, người ốm nhưng bước chân khoan thai quí tộc,vai gày nhưng ngực vươn như kiếm khách. Nghe ai kể chuyện gì cũng “Tội rứa. Chi mà tội rứa…”

Là sân 81 Trần Quốc Thảo dưới những tán cây hoa đại, suốt đêm vang tiếng cười, tiếng hát, giọng ngâm hào sảng và tiếng cụng ly của văn nghệ giang hồ tứ chiếng. Vài đĩa đậu phộng, vài khô cá khoai và can bia hơi là đủ thơ, đủ nhạc. Ở đây tôi chưa bao giờ nghe họ nói xấu về một người vắng mặt. Quanh ly bia, ai cũng là bạn, ai cũng là nghệ sỹ.

Sài Gòn trong tôi

Cho đến hôm nay gần bốn mươi năm, đi hoài chưa biết hết phố, hết hẻm. Có một người thiếu phụ tôi yêu, đến giờ vẫn không hiểu, nàng có yêu tôi không. Có lẽ đến chết, tôi cũng không đi hết những khúc quanh bí ẩn của nàng. Như phố, như phường, hẻm hóc nơi đây.

Sài Gòn là Sỹ Thanh, ca sỹ đã khuất xa vì rượu. Chẳng có ai hát bài “Những đôi mắt mang hình viên đạn” và “Điệp khúc tình yêu” của tôi hay hơn thế. Anh lúc đó chỉ là một chàng trai đón chào quân giải phóng, không biết gì về cách mạng.

Là Thanh Lan, người chuyên hát nhạc Pháp nổi tiếng và đẹp như một quí bà Pa-ri-diên. Nàng hát tất cả những bài ca cách mạng hay hơn những người sinh ra trong nôi cách mạng mà tôi biết. Chả hiểu vì sao… Nhiều lắm, những ca sỹ ở đây hát, ít nhất là hay hơn tôi, một người tốt nghiệp đại học Thanh nhạc ngoài Hà Nội.

Sài gòn trong tôi

Ngoài chợ vỉa hè, tôi kiếm được nhiều cuốn sách thay đổi đời mình, và một chiếc quần bò, mặc đẹp đến mức… chưa bao giờ tôi đẹp trai thế.Thấy tôi không mang đủ tiền cô bán bảo lúc nào có thì mang đến. Cho đến giờ, tôi không thể tìm được người bán để trả tiền. Chợ “chồm hổm” như cơn mưa phương nam, chợt đến, chợt bay đi. Tôi mắc nợ em, mắc nợ Sài Gòn.

Sài Gòn chẳng bao giờ hỏi tôi là ai, làm nghề gì. Cần là giúp, thích là mời vô nhậu, ghét sự trả ơn. Thấy đúng là chở che, như các bà mẹ chợ Bàn Cờ che giấu cách mạng. Thấy ghét, thì chính các chị lên phường, chỉ tay mắng người mình chở che làm điều thất đức với nhân dân.Thành phố của những người lao động năng nổ, làm thì hết mình, nhậu thì hết gaz. Thẳng thắn, bộc trực, bất khuất như chiến binh Cần Giuộc. Thương nước, thương người như Đồ Chiểu. Lãng mạn như câu hò ngàn năm với tiếng đàn kìm, man mác buồn trên sông …

Sài Gòn không thơ mộng như quê tôi, Hà Nội. Nhưng có gì đó tôi có thể ở đây mà không thấy cô đơn.Thậm chí đôi khi, còn hạnh phúc.

 

Nguồn: Trần Tiến. Ngẫu hứng Trần Tiến 27. Sài Gòn trong tôi  Ngô Minh blog.

CoCanada

THẾ GIỚI QUANH TÔI

Mai Khắc Ứng
(Bài gửi từ Canada)

Sáng ngày 22 tháng 4 năm 2014 sau khi đo huyết áp, điện tâm đồ, lấy máu xét nghiệm, tôi được chuyển lên phòng D5. Phòng này có 4 giường dành cho bệnh nhân, ngăn bởi 4 tấm rèm vải hình chữ L góc tù gần giống 4 cánh cung. Giường dành cho tôi đặt về phía cửa sổ.

Trời Montreal tháng 4 năm 2014 cao xanh vời vợi. Tôi thích thú được ngự tại vị trí này. Nhìn da trời tinh anh. Nhìn những làn mây trắng chầm chậm trôi rồi nhìn lên đỉnh núi Mont­Royal với tòa Thánh đường Saint­Joseph trầm mặc lòng tôi tự nhiên xốn xang.

Tôi là một Phật tử, quy y tại chùa Thiên Mụ, thành phố Huế (Việt Nam) với Pháp danh Nguyên Quang. Thượng tọa Thích Trí Tựu, Giám tự ngôi danh lam này làm lễ quy y cho tôi tại điện Đại Hùng, nơi an tọa ba pho tượng quá khứ, hiện tại, vị lai của Đức Phật xong, nói rằng số tôi đã sáng. Pháp danh Nguyên Quang là nguồn sáng. Bạch Thầy, tôi lễ phép thưa, Thầy cố ý chọn cho con hay đến lượt theo tuần tự. Ngẫu nhiên mới quý. Thầy Giám tự trả lời.

Nhà con tôi ở đường Saint­Louis, ban công hướng lên đỉnh núi Mont­Royal. Hằng ngày hễ nhìn ra ban công là thấy Thánh đường Saint­Joseph uy nghi trầm mặc giữa nền trời trong. Nhập viện giường bệnh dành cho tôi lại được chiếu sáng bởi đức tin hướng thiện mà đỉnh Mont­Royal với Thánh đường Saint­Joseph thường hằng nhắc nhỡ. Thế rồi tôi nhớ lại một thời hàn vy khắc khoải ở khu tập thể Bộ Văn hóa Thông tin, tọa lạc tại số 22B đường Hai Bà Trưng (Hà Nội), mỗi buổi chiều đi làm về bọn trẻ trong xóm ùa cả ra ngoài cổng lớn đón tôi với mấy tiếng chào đầu tiên dường như không bao giờ thay đổi: Allah cha đã về.

Tôi xa nhà, xa quê sống độc thân. Bọn trẻ là niềm vui chia sẻ mọi ưu tư phiền muộn. Buổi tối mát mẻ tôi thường dẫn cả lủ vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Có đứa nhỏ tôi cho ngồi lên vai mình. Mấy đứa choai choai tíu tít chạy chung quanh. Những ngày bị bệnh bạn cũ nhiều phương gửi thư thăm hỏi động viên trong đó có Triệu Hiển, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, 25 đường Tôn Đản, một thời ở chung khu tập thể 22B Hai Bà Trưng với tôi thường nhắc lại lời chào trẻ con thuở xa xưa ấy.

Allah cha đã về.

Allah là vị Thánh tối cao của đạo Islam sao các cháu nhỏ con của cán bộ công nhân viên ngành văn hóa thông tin đều là các gia đình vô thần bổng nhiên lại chào tôi như thế. Vậy là Thánh Allah, Chúa Giê­Su, Phật Thích Ca Mâu Ni luôn luôn ngự trị trong tâm hồn tôi. Từ lẽ đó có lúc tôi nghĩ “tam vị nhất thể”. Thánh, Chúa, Phật, tuy ba mà một. Đó là đấng tối cao điều hành che chở toàn vũ trụ loài người từ vĩ mô đến vi mô. Đấng tối cao đó người theo đạo Hồi tôn xưng là Thánh Allah, người theo Công giáo thì tôn xưng Chúa Giê­Su, người theo đạo Phật thì tôn xưng Phật Thích Ca Mâu Ni. Cả ba tôn giáo này đều có chung một mục tiêu cao cả nhất là HƯỚNG THIỆN.

Nhân ái, vị tha, che chỡ, yêu thương đồng loại là lẽ sống của tín đồ Hồi giáo, của con chiên Chúa và của Phật tử. Bất kỳ ai, bất kỳ nơi đâu xử sự trái với giáo điều hướng thiện đó đều không phải hay nói cho đúng hơn là đã phản bội Thánh, phản bội Chúa, phản bội Phật. 3 ngày tôi được nằm tại phòng D5 với 9 lượt người chăm sóc, hình như có đủ mặt 5 châu. Qua mầu da, qua ngôn ngữ, tôi đinh ninh thế. 5 châu người đương nhiên là 5 châu tôn giáo. Vậy thì trong số họ có thể có tín đồ của Hồi giáo, chiên của Chúa và Phật tử. Về mặt nào đó mà nói, họ được Đấng Tối cao cai quản toàn vũ trụ sai khiến, ủy nhiệm để cứu vớt tôi. Tôi coi họ chính là các vị “thiên sứ”.

Có những phần việc mà tuổi nhỏ của tôi được chăm sóc bởi bàn tay mẹ, lớn lên xây dựng gia đình thì được vợ quan tâm. Nằm tại phòng D5, mẹ không còn, vợ không thể đến, các bạn gái 5 châu thay mẹ tôi nâng niu tôi. Theo lẽ đời mà người quê tôi thường dạy “nhất tuế vi huynh, thập tuế vi phụ”. Điều đó có nghĩa là hơn một tuổi thì làm anh, hơn 10 tuổi thì làm cha. Với tuổi 80 của tôi, các vị “thiên sứ” tại phòng D5 đều là con là cháu. Nhưng với luật sinh tồn của tạo hóa tôi với họ lại là dương với âm. Những dây phút ngại ngùng. Những dây phút xao xuyến. Đan xen vào nhau phơi phới giữa tình người vô hạn. Allah đó. Giê Su đó. Thích Ca Mâu Ni đó.

Về nhà, mỗi khi nhìn ra ban công, nhìn lên đỉnh núi Mon­Royal với Thánh đường Saint­Joseph lồng lộng giữa trời mây tôi lại nghĩ đến phòng D5, nơi đó đang có những tấm lòng “thiên sứ” với “bàn tay nối dài” của Thánh, của Chúa, của Phật ban tình thương yêu để chăm sóc chạy chữa cho tôi. Nhờ đó, tôi yên bình vượt ngưỡng 82 mà số tử vi đã hẹn.

Xin cảm ơn Người!

“Allah cha đã về” của các cháu nhỏ lau hau ở khu tập thể 22 Hai Bà Trưng (Hà Nội) thuở nào nay đã nên ông nên bà từ xa thẳm nửa vòng trái đất, từ sâu thẳm trên dưới 50 năm lại dấy lên trong tâm hồn tôi. Tôi viết “Thế giới quanh tôi” tại phòng D5 từ những điều như thế với tấm lòng cũng như thế.

Montreal, 18 tháng 5 năm 2015. MKU

( Bài tác giả gửi cho QTXM)

Nguồn: Mai Khắc Ứng. Thế giới quanh tôi. Ngô Minh blog

Video yêu thích

Bài ca thời gian
KimYouTube

Trở về trang chính
Hoàng Kim  Ngọc Phương Nam  Thung dung  Dạy và học  Cây Lương thực  Dạy và Học  Tình yêu cuộc sống  Kim on LinkedIn  Kim on Facebook

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.