Nghị định 53 về xử lý nợ xấu cho phép mua nợ xấu theo giá thị trường đã được ban hành, tuy nhiên, có vẻ đây vẫn chưa phải là “liều thuốc” hữu hiệu với nợ xấu.
Tại buổi làm việc giữa đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM với NHNN và các tổ chức tín dụng mới đây, ông Nguyễn Hoàng Minh- Phó giám đốc NHNN thành phố cho biết, đến ngày 31/3, nợ xấu trên địa bàn là hơn 60.800 tỷ đồng, chiếm 5,53% tổng dư nợ cho vay. Con số này cao hơn nhiều so với mức 3,49% của cả nước (thống kê cuối tháng 1/2015).
Trong đó, nợ xấu của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) đến cuối năm 2014 bất ngờ tăng vọt, lên tới 2.553 tỷ đồng (tăng 948 tỷ) và chiếm 5,89% tổng dư nợ. Hiện SouthernBank dường như không có khả năng xử lý ngay, nên chỉ đặt mục tiêu kiểm soát con số này dưới mức 5% trong năm 2015. Hiện SouthernBank đang trong quá trình sáp nhập vào Sacombank và dự kiến hoàn tất thương vụ vào tháng 6 tới.
Một ngân hàng khác là DongA Bank, báo cáo tài chính mới nhất cuối quý III/2014 của ngân hàng này cũng cho thấy, nợ quá hạn lên đến gần 7.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,5%, tổng dư nợ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, những con số nợ xấu trên nếu phản ánh đúng bản chất thậm chí còn cao hơn nhiều. Đặc biệt, từ 1/4, quy định về cơ cấu lại nợ theo hướng giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780 đã hết hiệu lực, nếu thống kê đầy đủ, các nhóm nợ này chắc chắn sẽ còn tăng cao.
Nợ xấu vẫn đang là bài toán nan giải
Trong năm 2014, để giải quyết một phần nợ xấu, các ngân hàng đã bán cho VAMC gần 200.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ bán thêm 70.000-80.000 tỷ trong năm nay. Tuy nhiên, có vẻ biện pháp xử lý nợ xấu này chỉ là để “chữa cháy” chứ không thể giải quyết được căn nguyên vấn đề.
Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội từng thẳng thắn về vấn đề lấy Ngân sách để mua lại nợ xấu: “Tiền chi đầu tư còn không có, lấy đâu ra mà xử lý nợ xấu!”.
Hiện đề xuất này đưa ra chỉ giải quyết cho doanh nghiệp nhà nước, có nghĩa cả chủ nợ và con nợ đều là một chủ thể nên việc lấy tiền ngân sách để xóa nợ là rất dễ. Nhưng ngân sách lấy đâu ra tiền thì vẫn là câu hỏi chưa thể giải đáp.
Còn tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, vấn đề đang khó nhất trong việc mua nợ xấu theo giá thị trường là toàn bộ những thủ tục về mua bán nợ liên quan đến thị trường bất động sản và thị trường tài sản đang rất rối rắm.
Hơn thế lại không có sự đồng thuận từ các cơ quan liên quan, vì họ cho rằng nợ xấu do các ngân hàng gây ra thì ngân hàng phải xử lý, không thể bắt họ thay đổi luật lệ của họ. Thêm nữa, nợ xấu có tính hữu hạn, luật lệ có tính dài hạn nên nếu sửa luật thì sau này sẽ tính thế nào?…
Điều này cho thấy chúng ta chưa đánh giá việc xử lý nợ xấu đúng với tầm quan trọng của nó, kể cả về mặt truyền thông và về mặt chính sách phải có sự đồng thuận mạnh mẽ với thực hiện được.
Đồng tình với quan điểm phải xử lý dứt điểm nợ xấu, song TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: không thể nói chung chung được mà phải phân loại rõ ràng và có cơ chế như thế nào rồi công khai minh bạch ra.
Nếu doanh nghiệp nào còn khả năng phục hồi, còn có thể mang lại đóng góp cho kinh tế thì phải cứu họ trước. Lĩnh vực không còn khả năng phục hồi, nhưng tài sản đảm bảo vẫn có tính thanh khoản tốt như BĐS, ưu tiên thứ hai.
Tiếp đến là các doanh nghiệp vì quyền lợi quốc gia mà mang nợ xấu nhưng phải duy trì vì lợi ích cho địa phương nào đó cũng phải được xem xét giải quyết. Tất cả món nợ liên quan tới nhóm lợi ích phải được xem xét giải quyết cuối cùng.
Những doanh nghiệp bí bét quá thì cho phá sản luôn, thu lại dược bao nhiêu tài sản thì thu, giải quyết cuộc sống cho người lao động. “Như vậy nếu có phải dùng nguồn từ ngân sách thì cũng rất hạn chế mà phải dựa vào bán tài sản DNNN còn có giá kiểu như Vinamilk, Sabeco…”.
Văn Nguyễn
2015-05-13 21:32:18
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/no-xau-chua-co-thuoc-dac-tri-huu-hieu-a188773.html