Truyền thông Mỹ và Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc góp phần làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước trên Biển Đông, tờ Đa Chiều nhận định.
Theo tin nhanh Đa Chiều, tờ báo của cộng đồng người Hoa tại Mỹ cho rằng, truyền thông hai nước (Mỹ, TQ) đã “đổ thêm dầu vào lửa” thông qua các tin tức và bình luận về tình hình Biển Đông. Hãng tin CNN của Mỹ đã hé lộ video độc quyền về hoạt động trinh sát của máy bay P-8 Poseidon. Máy bay đã bị quân đội Trung Quốc cảnh báo rời khỏi khu vực ít nhất 8 lần tại những nơi mà Trung Quốc tiến hành cải tạo phi pháp.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân.
Truyền thông Mỹ cũng chỉ trích Sách trắng Quốc phòng 2015 của Trung Quốc và khẳng định sự cần thiết của hoạt động tuần tra, trinh sát nhằm vào Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tờ tin New York Times mô tả Sách trắng Quốc phòng khiến “căng thẳng gia tăng vì tham vọng hàng hải của Bắc Kinh”. Trong khi tờ Tiếng nói Hoa Kỳ cho rằng, Trung Quốc đã vạch ra “chính sách quân sự rõ ràng hơn” thông qua Sách trắng này Quốc phòng.
Tương tự, khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân trả lời câu hỏi về vấn đề cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc, truyền thông phương Tây đã nhanh chóng tập trung vào câu trả lời “việc cải tạo đảo tương tự như các hoạt động xây dựng nhà cửa, đường sá và cầu đường ở Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, Đa Chiều nhấn mạnh truyền thông Trung Quốc cũng khiến cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng. Trong khi chính phủ Trung Quốc muốn thể hiện hình ảnh không quá ồn ào và luôn phản ứng lại các cáo buộc một cách bình tĩnh, những từ ngữ mà Bắc Kinh muốn nói nhưng không thể thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của Đảng và chính phủ như tờ Nhân dân Nhật Báo, Tân Hoa Xã và tờ Thời báo Hoàn Cầu.
Những ý kiến chỉ trích Trung Quốc từ các quan chức Mỹ và truyền thông phương Tây thường phải đứng trước sự phản đối dữ dội từ những phương tiện truyền thông này, thông qua các bài xã luận gay gắt hoặc trên mạng xã hội Weibo.
Một số bài viết đi sâu vào phân tích, nhấn mạnh các hành động của Mỹ như “đảm bảo tự do hàng hải” trong vùng biển quốc tế, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt cải tạo đảo phi pháp, đe dọa tăng cường hoạt động trinh sát và hiện diện quân sự nhằm thể hiện hình ảnh Mỹ như một vị cứu tinh đối với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực và củng cố chiến lược “trở lại châu Á-Thái Bình Dương”.
Các bài viết từ truyền thông Trung Quốc cũng nhanh chóng bảo vệ quan điểm của Bắc Kinh và phản đối Mỹ. Thời báo Hoàn Cầu ca ngợi Sách trắng Quốc phòng của Trung Quốc “minh bạch” và “không đáng sợ”. Những lời bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Đối thoại Shangri-la được ví như “chiến dịch bôi nhọ” nhằm thực hiện những âm mưu ẩn sâu bên trong của Mỹ.
Tình hình đã trở nên đến mức mà sự im lặng kéo dài đến từ cả hai nước được so sánh như một thông điệp, theo Đa Chiều. Dường như đã đến lúc mà Bắc Kinh cần phải kiềm chế phương tiện truyền thông nhằm tránh những căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Đăng Nguyễn
2015-06-05 18:56:13