Tướng Lê Văn Cương nhận định mục đích chuyến thăm của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ để thăm dò thực hư chiếc tàu của Việt Nam bị phía Trung Quốc đâm, va, phụt vòi rồng như thế nào.
Sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á tại Singapore/Hội nghị Shangri-la 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tới thăm lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển Việt Nam trong ba ngày từ 31/5 đến 2/6. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 5 cấp Bộ trưởng quốc phòng Mỹ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ.
Đây được coi là động thái tích cực khẳng định quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Để độc giả có thông tin đa chiều, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) – Người đã có trên 35 năm nghiên cứu về mối quan hệ giữa hai nước Việt – Mỹ.
Ông đánh giá như thế nào về chuyến thăm Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ ở thời điểm này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc một người đứng đầu Bộ Quốc phòng của một nước siêu cường trên thế giới đến Việt Nam nhiều ngày hẳn là phải có chủ đích chứ không thể là một chuyến thăm đơn thuần. Bởi một quốc gia thực dụng như Mỹ sẽ không bỏ thời gian, công sức cho những điều viển vông hoặc không có mục đích rõ ràng.
Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược – Bộ Công an. (Ảnh: Cao Tuân)
Tôi cho rằng mục đích chuyến thăm lần này của Mỹ là để tìm hiểu mối quan hệ thực sự giữa Việt Nam – Trung Quốc là như thế nào?. Bởi, chính giới chức Mỹ vẫn chưa thực sự hiểu rõ mối quan hệ này.
Vẫn có những ý kiến khác nhau, có trường phái nói rằng giữa Việt Nam và Trung Quốc là một khối ngăn cách. Họ cho rằng, Trung Quốc là kẻ thù, là nước mở ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979; chiếm Hoàng Sa năm 1974 và cũng chính nước này chiến tranh xâm lược Trường Sa năm 1988… nên giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều bất ổn. Do vậy, Mỹ muốn lôi kéo Việt Nam vào ảnh hưởng của mình từ đó thiết lập vòng cung để đối phó với Trung Quốc.
Trường phái thứ 2 lại cho rằng: Mặc dù Trung Quốc mở các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và gieo nhiều tai họa trong khi đó phía Việt Nam vẫn có thái độ thân thiện, hợp tác với Trung Quốc vì hòa bình chung.
Chính vì thế chính quyền Mỹ cần mục sở thị Việt Nam để hiểu rõ tình hình, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Từ đó, Mỹ mới quyết định việc ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam về mặt phương tiện, vũ khí để đối phó với những việc làm sai trái của Trung Quốc trên biển Đông.
Vậy ông nhận định thế nào việc Ngài Ashton Carter, người đứng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đến Cảng Hải Phòng và thăm tàu Cảnh sát biển 8003 – con tàu Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm, va, phụt vòi rồng trong một cuộc ngăn chặn, yêu cầu Trung Quốc dừng hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam trong năm 2014.
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, đây được coi là mục đích cơ bản của chuyến thăm này. Bởi lẽ, Mỹ muốn kiểm tra thực hư chiếc tàu của Việt Nam bị phía Trung Quốc đâm như thế nào?. Tiếp đó là thông qua các cuộc đối thoại với thủy thủ của tàu 8003 và người chỉ huy con tàu này để họ đánh giá nhận biết xem quan điểm của lãnh đạo cấp cao và chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam có gì khác nhau không?.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tới thăm lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển Việt Nam ở Hải Phòng vào ngày 31/5. (Ảnh: Văn Biên)
VÌ thế, đại diện Hoa Kỳ chỉ hứa chung chung là sẽ hợp tác và hỗ trợ về phương tiện giúp cảnh sát biển đối phó với những hành động xâm phạm chủ quyền trên biển Đông. Họ rất thận trọng cho biết sẽ kết hợp với các nguồn tin khác nữa từ nhiều phía rồi từ đó mới định hình mối quan hệ với Việt Nam.
Ông có nhận định gì về mối quan hệ đối tác Việt Nam – Mỹ trong tương lai gần, đặc biệt là sau chuyến thăm của ông Ashton Carter đến Việt Nam và sắp tới đây là của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ?.
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Dưới góc độ là một Nhà nghiên cứu quốc tế với hơn 35 năm nghiên cứu về Mỹ tôi cho rằng quan hệ Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới sẽ có bước tiến triển nhưng chưa thực sự đột phá. Do cả 2 phía cả ở Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đều thận trọng.
Trong đó, lý do rõ nhất là phía Hoa Kỳ chưa đủ lòng tin vào Việt Nam để chuyển giao công nghệ, chuyển giao vũ khí, chuyển giao thông tin. Họ cho rằng Việt Nam chưa thật sự kiên quyết, mạnh dạn trong việc thiết lập chiến lược.
Cho nên chuyến đi lần này của ông Ashton Carter được coi là một bước tiến dần dần trong quan hệ Việt – Mỹ chứ chưa thể coi là đột phá được. Điều này phù hợp với mong muốn của Trung Quốc. Vì phía Trung Quốc rất sợ khi Việt Nam có những bước tiến quan hệ đột phá với Mỹ. Mặc dù Trung Quốc hung hăng nhưng rất sợ Mỹ, họ cũng xác định được đối đầu với Mỹ là tự sát. Do vậy, chính quyền của ông Tập Cận Bình chỉ dám ra những “đòn gió” nhằm cản trở quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ. Khi Mỹ căng là ngay lập tức Trung Quốc phải dịu ngay.
Với tình hình căng thẳng leo thang trên biển Đông, nhiều học giả của Mỹ cho rằng biển Đông sẽ trở thành chiến trường của “Chiến tranh Thế giới III”, nơi Trung – Mỹ đối đầu và nếu xảy ra đụng độ, Bắc Triều Tiên có thể tham chiến bởi nước này cũng là một nhân tố cần xem xét khi quan sát tình hình diễn biến trên Biển Đông hiện nay. Ông có nhận định gì về thông tin có vẻ giật gân này?.
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng những học giả này chưa thực sự hiểu hết về Biển Đông. Mục đích của Tập Cận Bình bây giờ là hoàn thành mục tiêu cuối của giai đoạn 1921-2021 là xây dựng Trung Quốc thành một xã hội khá giả.
Mục tiêu thứ 2 mang tính chiến lược toàn cầu là “Một vành đai, một con đường”, qua đó làm chủ con đường trên bộ là con đường vắt ngang lục địa Á Châu, con đường trên biển là con đường từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương. Từ đó thống lĩnh vùng lãnh thổ châu Á. Bởi Trung Quốc nhận thức rằng kẻ thống trị được lục địa Á Châu sẽ thống trị thế giới. Do vậy, Trung Quốc luôn tìm cách gây hấn với những nước làm ảnh hưởng con đường chinh phục giấc mơ của họ.
Vậy ở thời điểm này, Việt Nam cần chiến lược gì để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như tránh lâm vào tình cảnh như bán đảo Bắc Triều Tiên bị chia cắt và phải đối đầu trực tiếp với với kẻ địch, thưa ông?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việt Nam đang duy trì các phương thức hòa bình để giải quyết tranh chấp và quan điểm này cũng được cộng đồng quốc tế ủng hộ rộng rãi. Tôi cho rằng, về mặt ngoại giao, chúng ta đã rất tích cực và mang lại hiệu quả, làm cho quốc tế hiểu rằng quan điểm của Việt Nam là quang minh chính đại, chúng tôi có chủ quyền, tuân thủ luật pháp, tôn trọng pháp lý và đạo lý để từ đó quốc tế ủng hộ Việt Nam hơn nữa.
Phải nhìn thẳng vào vấn đề rằng, ngoài việc chú ý đến động thái của Việt Nam, hiện quốc tế quan tâm hơn cả là hành động và phản ứng của Mỹ về vấn đề Biển Đông. Mọi hành động của Trung Quốc trên Biển Đông bao giờ cũng vừa làm, vừa nghe ngóng phản ứng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Vì thế nếu Việt Nam và Mỹ xây dựng tốt mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau thì đồng nghĩa với việc đang gián tiếp ngăn chặn âm mưu bá chủ Biển Đông của Trung Quốc.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Cao Tuân
2015-06-03 15:48:08