TÌNH YÊU CUỘC SỐNG. Nhiều cấp phó? là bài viết hay của giáo sư Nguyễn Lân Dũng đăng trên blog Nguyễn Lân Dũng trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.VN. Khí phách Trần Quang Cơ là tin đọc nhiều nhất trên BBC Tiếng Việt nêu bật phẩm chất tử tế đã làm Trần Quang Cơ thành danh trong chiến cuộc ngoại giao mà suốt đời ông phụng sự một cách tận tụy. Như là có nhau là bài thơ hay của Huỳnh Mai do nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tuyển chọn và giới thiệu được blog Khát khao xanh đăng lại và bổ sung hình ảnh tư liệu. Đêm nhớ là nén tâm hương tưởng nhớ với nhạc tuyển của hai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân. Chào ngày mới 30 tháng 6 an lành.
NHIỀU CẤP PHÓ ?
Nguyễn Lân Dũng
PV: Thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), có ý kiến cho rằng, theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ quy định Sở không quá 3 Phó Giám đốc nhưng hiện có tới 4-5. Khi có ý kiến thì họ nói Trung ương quy định không quá 4 Thứ trưởng nhưng thực tế có 6-7. Luật đúng nhưng làm không nghiêm, trên sai một ly dưới đi một dặm và nếu không khắc phục thì “nhờn” luật, GS nhận định thế nào về ý kiến này?
GS: Việc thông qua một Luật cần thật thận trọng vì nó liên quan đến toàn dân, đến thể chế của chế độ. Vì vậy các đại biểu Quốc hội phải nghiên cứu kỹ lưỡng, phải gắng sức tham khảo nhiều chuyên gia và cử tri có hiểu biết pháp luật trước khi biểu quyết.
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa mới được Quốc hội thông qua đã xác định rõ vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận. Vì vậy, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận, nhất là Hội đồng tư vấn Pháp luật Cần có đủ thời gian để nghiên cứu, thảo luận và báo cáo lên Ban thường trực và từ đó chuyển ý kiến chính thức sang Quốc hội.
Khi đã thảo luận kỹ lưỡng, lắng nghe mọi ý kiến khác nhau thì Luật sẽ là pháp lệnh bắt buộc mọi cấp, mọi ngành phải nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu làm sai Thủ tướng Chính phủ phải thi hành kỷ luật một cách dứt khoát và không nương nhẹ.
Luật Tổ chức Chính phủ chưa được thông qua, nhưng tôi tin rằng đa số các đại biểu Quốc hội sẽ thấy giúp việc Bộ trưởng không cần quá nhiều Thứ trưởng. Vì các nước lớn hơn ta, kinh tế phát triển hơn ta cũng đâu có nhiều Thứ trưởng? Hơn nữa Bộ trưởng phải là người quyết định nên chỉ cần những người giúp mình phải có kiến thức và kinh nghiệm tổng hợp, chứ đâu cần những người chỉ am hiểu một lĩnh vực hẹp.
Dưới Thứ trưởng đã có các Cục, các Vụ, đó mới là nơi tập hợp các chuyên gia am hiểu sâu về từng lĩnh vực.
PV: Việc “lạm phát cấp Phó” là do nể nang, do phong trào hay thực sự vì đòi hỏi của công việc? Theo GS, vì sao có tình trạng như vậy?
GS: Nếu cấp Phó không được tăng lương, không được cấp phát quyền đi xe công và nhiều cơ hội để có thêm bổng lộc (chính đáng và bất chính) thì tôi tin rằng, những chuyên gia giỏi vẫn chỉ muốn làm theo chức năng hiểu biết sâu của mình chứ thích thú gì làm Thứ trưởng để không còn điều kiện học hỏi thêm về nghiệp vụ mà mình đã có nhiều kinh nghiệm.
Khi đã xác định Thứ trưởng là người giúp việc Bộ trưởng chứ không phải người quyết định Bộ trưởng, thì rõ ràng quyền hạn của Thứ trưởng phải cụ thể và phải chịu trách nhiệm cao về các ý kiến tư vấn cho Bộ trưởng.
Trong thực tế, tôi còn thấy một số Bộ trưởng giao quyền quyết định cho Thứ trưởng và khi làm sai thì đổ hết trách nhiệm cho Thứ trưởng (thậm chí cho… nhân viên đánh máy!). Việc “ký nháy” cũng cần nghiêm túc xem xét lại. Không được quyền phát hành các công văn có cả chữ ký nháy (có khi còn ký rất to!). Thứ trưởng phải trực tiếp gửi kiến nghị bằng văn bản lên Bộ trưởng và Bộ trưởng xem xét để quyết định.
Nên chấm dứt chuyện cứ thấy có ký nháy của Thứ trưởng là Bộ trưởng ký. Thời trước ở nước ta và ngay ở các nước khác hiện nay đâu có chuyện kỳ lạ này?
PV: Từng có người nói rằng, vì họp hành quá nhiều nên cần nhiều Thứ trưởng và cấp Phó ở Sở, ngành để đi họp, thưa GS?
GS: Họp là việc trao đổi ý kiến sau khi đã tìm hiểu sâu sát thực tế. Bộ nào cũng rất đông cấp Thứ trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng, chưa kể đến vô số nhân viên, nhưng thật đáng ngạc nhiên khi thấy nhiều chuyện hầu như đối tượng phải thi hành trong cả nước đều không tán thành mà vẫn cứ quyết định một cách rất bảo thủ.
Nếu được hỏi, tôi có thể kể ra vô số chuyện như vậy. Đấy là chưa kể đến việc không thấy cần nghe ngóng, xem xét và trả lời chính thức những ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam – những cơ quan có quyền phản biện theo quy định của pháp luật.
PV: GS nghĩ sao về ý kiến, cơ quan quá nhiều cấp Phó sẽ dẫn tới chồng chéo nhiệm vụ và khó quy trách nhiệm?
GS: Bộ trưởng là Tư lệnh của một lĩnh vực. Chỉ có Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng chứ không phải ai khác. Vì vậy, Bộ trưởng nên ít họp hành hơn, trừ khi đi họp với Chính phủ. Và không nên tham gia Quốc hội trừ khi là khách mời trong những lúc cần trả lời.
Bộ trưởng cần giao nhiệm vụ rất cụ thể cho Thứ trưởng và nghe ý kiến của Thứ trưởng bằng chính tài trí của mình, chứ không dễ dàng theo ý quyết định của Thứ trưởng. Ở nhiều nước, Bộ trưởng nhiều Bộ quan trọng mà họ lại chọn người rất trẻ. Tất nhiên, không thể không tin đó là những người rất giỏi, dám chịu trách nhiệm về các quyết định của chính mình và không hề đổ tội cho ai khác.
Khi nào các Thứ trưởng được Bộ trưởng uỷ quyền mới được phát biểu như kiểu quyết định tại các Hội nghị, không được nói rất cụ thể như lâu nay khi chưa có sự đồng ý của Bộ trưởng. Bộ trưởng không thể tránh trách nhiệm về các ý kiến chưa chính xác của các Thứ trưởng.
PV: Tuy nhiên, việc nhiều cấp Phó cũng dẫn tới tốn ngân sách bởi kèm theo đó là xe công, thư ký, giúp việc, thưa GS?
GS: Ta không sợ tốn kém khi thực sự có hiệu quả. Nhưng nhiều cấp Phó rất hay làm hỏng việc lớn. Cấp Trưởng thường ỷ lại và không cần đi sâu đi sát các nhiệm vụ đã được giao,thường ỷ lại vào cấp Phó. Nên luôn nhớ cấp Phó chỉ là người giúp việc cho mình. Mình phải tự tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin, nhiều nguồn phản biện chứ không thể nhất nhất nghe ý kiến của cấp Phó. Xin nhắc lại chịu trách nhiệm bao giờ cũng phải là cấp Trưởng, kiểu như Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Bất kỳ chuyện gì sai cũng không thể đổ lỗi cho Thứ trưởng, mà chỉ có thể nhận lỗi trước Thủ tướng và xem xét lại tinh thần trách nhiệm cũng như năng lực của vị Thứ trưởng đã tham mưu sai.
Để có những người thực sự đáng chia sẻ với trách nhiệm của Bộ trưởng, theo tôi, Bộ trưởng nên tổ chức công khai thi tuyển Thứ trưởng theo một danh sách do cán bộ trong Bộ và các chuyên gia ngoài Bộ kiến nghị. Càng không bao giờ nên chọn những người vừa kém chuyên môn lại vừa thích quyết định như là Bộ trưởng khi Bộ trưởng chưa uỷ quyền.
Khi Thứ trưởng có những quyết định sai thì ở nước ngoài họ từ chức một cách rất tự trọng.
Tôi không thể quên được câu chuyện ông kỹ sư Nhật Bản đã tự tử khi để xảy ra sai sót khi làm một chiếc cầu ở Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù chưa để xảy ra bất kỳ tai nạn gì đáng tiếc. Cảm kích trước tinh thần tự trọng của vị kỹ sư này mà nhiều ý kiến của dân chúng đã đề nghị nên lấy tên ông ta để đặt tên cho chiếc cầu ấy (!)
PV: Xin cảm ơn Giáo sư
Kim Anh/VOV.VN (thực hiện)
Nguồn: Blog NGuyễn Lân Dũng
KHÍ PHÁCH TRẦN QUANG CƠ
TS Đinh Hoàng Thắng
gửi cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội
BBC 29 tháng 6 2015
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ buổi giao ban năm ấy… Với sắc mặt thất thần, ông Trần Quang Cơ gần như gào to giữa phòng họp: “Mọi người biết không, người ta sắp cắt thủ cấp Nguyễn Cơ Thạch để dâng cho nước ngoài rồi”.
Đoán “triều đình” có biến, lũ chúng tôi (những đứa lần đầu được dự giao ban), chẳng ai bảo ai, im thin thít. Tôi cố gắng tập trung vào “Bản tin A” (*) nhưng đầu óc thì nghĩ mông lung.
Không tham quyền cố vị
Trước tháng 12/1986, đại sứ Trần Quang Cơ được Bộ triệu tập về họp. Khi trở sang nhiệm sở (Bangkok), ông kể lại với một cán bộ tâm phúc về quyết định của “anh Thạch” dự kiến điều ông về nước làm thứ trưởng ngoại giao và giới thiệu ông vào Ban Chấp hành TƯ Đảng.
Ông lưỡng lự trước đề nghị của Bộ trưởng và tâm sự: “Với cơ chế của ta thì không thể làm việc được”. Sợ ông từ chối cái ghế nhiều người đang mơ ước, cán bộ tâm phúc ấy nói với ông rằng, anh nên nhận lời anh Thạch. Cố nhiên, anh không đi thì “chợ vẫn đông”, nhưng anh làm sẽ tốt hơn khối người khác.
Thế mới biết, tại sao năm 1991, rồi năm 1993 ông lại đề nghị được rút khỏi danh sách Ban Chấp hành TƯ. Đặc biệt và có thể nói vô tiền khoáng hậu (xin lỗi nếu có ngoại lệ), ông từ chối cả cái ghế Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi Tổng Bí thư Đảng đã có quyết định.
Khí phách Trần Quang Cơ hẳn nhiên đạt tới “đỉnh” khi ông quyết định công bố “Hồi ức và Suy nghĩ” khá sớm, khoảng đầu 2001. Chính nhà ngoại giao Dương Danh Dy cũng không hiểu vì sao được ông tín nhiệm, giao tận tay một lúc cả hai bản đánh máy. Thấy chắc chắn sẽ có ích cho cái chung, ông Dy góp thêm một số ý kiến, sau đó công khai đưa lên mạng.
Hồi ký Trần Quang Cơ lập tức trở thành sách gối đầu giường đối với nhiều nhà quan sát và giới cầm bút muốn có nguồn tư liệu trung thực để phân tích tình hình Việt Nam những năm hậu chiến, thậm chí để hiểu thấu được cả những sự kiện mà hệ lụy của chúng còn kéo dài mãi tới hôm nay và mai sau.
Cống hiến và phản biện
Trần Quang Cơ đóng góp nhiều cho Ngành từ những ngày ông về phụ trách Vụ 2, vụ đối sách với Mỹ, đàm phán tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia, bình thường hóa với Trung Quốc. Từ những năm ấy, ông đã xác quyết các ý đồ và âm mưu của Trung Quốc đối với Việt Nam, đặc biệt là âm mưu cướp biển đảo.
Và Trần Quang Cơ đã bảo vệ đến tận cuối cuộc đời mình tất cả những kế sách mà ông cho là hiệu quả trong cuộc đấu tranh không cân sức với Trung Quốc.
Ông đã lên tiếng kêu gọi phải khẩn trương trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và sớm gia nhập ASEAN. Triết lý sống còn về an ninh của đất nước được ông khái quát khá sớm: “Trong cái thế anh nằm ngay cạnh nước lớn, nước khổng lồ, mà không có bạn thì anh sẽ bị ép”. Đối với ông, chiến lược an ninh và đối ngoại phải hết sức linh hoạt, phải phù hợp với xu hướng chung của cục diện chính trị-kinh tế thế giới, nhất thiết phải tương thích với những đặc điểm lớn của thời đại đại.
Nhưng rồi ông cũng cay đắng đưa ra nhận xét, ngày ấy, ta đã làm những việc cần thiết đối với Mỹ và ASEAN “chậm trễ tới cả mười năm”.
Sau này, ngay cả khi đã “rửa tay gác kiếm” ông vẫn sẵn lòng cho chúng tôi biết thêm một số chi tiết giá trị trong cuộc vật lộn ngoại giao đằng sau các cuộc chiến, đặc biệt là những bão táp thời hậu chiến mà ông là người trong cuộc, có lúc từng là tác nhân và nhờ sự tỉnh táo mách bảo, biết rút ra sớm khỏi cuộc chơi trước khi có thể trở thành nạn nhân.
Phản biện thông minh và luôn có ý thức tích lũy để cống hiến. Từng là cán bộ địch vận, thuyết phục binh lính Pháp, cùng làm việc với nhiều “cây đa, cây đề” trong làng ngoại giao và văn hóa, một thời dưới trướng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ ngày chuyển về Bộ Ngoại giao, ông càng có cơ hội phát huy tầm nhìn xa trông rộng đối với các vấn đề mỗi khi góp phần vào việc đề xuất chính sách.
Có lẽ các phẩm chất tử tế nói trên đã làm Trần Quang Cơ thành danh như nhận xét của nhà báo tự do Huy Đức. Tuy nhiên, chiến cuộc ngoại giao mà suốt đời ông phụng sự một cách tận tụy thì vẫn còn đó… và đang hết sức nan giải.
Nhưng vận mệnh đất nước không thể cứ “bèo dạt mây trôi” như thế này mãi. Ông ra đi nhưng dường như vẫn muốn nán lại để hỏi chúng ta: “Những người đang sống phải làm gì?”
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của riêng tác giả, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
* Bản tin A: bản tin lưu truyền nội bộ hàng ngày của Bộ Ngoại giao
“NHƯ LÀ CÓ NHAU”, THƠ HUỲNH MAI
KHÁT KHAO XANH. ” Xin trời cho sợi nắng mai / Tôi đem trói những dông dài cất đi / Ngày sang hái lá nhu mì / Làm thơ, đem đổi chút gì… nhớ thương.” Như là có nhau có lẽ là bài thơ hay nhất trong chùm Thơ Huỳnh Mai do anh Nguyễn Trọng Tạo tuyển chọn và giới thiệu. Bài thơ đẹp như sợi nắng mai. Đúng là viên ngọc quý, một giấc mơ hạnh phúc …
NHƯ LÀ CÓ NHAU
Xin trời cho sợi nắng mai
Tôi đem trói những dông dài cất đi
Ngày sang hái lá nhu mì
Làm thơ, đem đổi chút gì… nhớ thương
Một mai mưa nắng vô thường
Tôi mang trải suốt quãng đường người qua.
Rồi mai dẫu có đi xa
Còn đôi chiếc lá gọi là có nhau.
Lá xanh rồi sẽ lá nâu
Nhưng tình yêu mãi thắm màu biếc xanh
Hôm nay trời nắng thật lành
Dông dài tôi giữ hóa thành… nụ hôn.
Huỳnh Mai (ảnh rút từ Lộc xuân)
Lời bình của Nguyễn Trọng Tạo
THƠ HUỲNH MAI
NTT: Huỳnh Mai xuất hiện trên Blog Vnweblogs.com đã 7 năm nay với một giọng thơ ngọt ngào và rất dịu dàng. Khác với nhiều cây bút thích ồn ào, chị lặng lẽ khép mình bên vườn địa đàng để thụ hưởng hương thơm vị ngọt của tình yêu và cả những chát đắng của trái đời không may mắn. Nhưng sau tất cả, là một tấm lòng nhân hậu và vị tha. Bạn cứ lặng lẽ đọc thơ Huỳnh Mai, và bạn sẽ gặp một hồn thơ thật đáng yêu… (xem tiếp…)
ĐÊM NHỚ PHAN HUỲNH ĐIỂU, PHAN NHÂN
Hoàng Kim
TÌNH YÊU CUỘC SỐNG mời bạn cùng lắng nghe những ca khúc vượt thời gian trong “Đêm nhớ Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân” . Hai nhạc sĩ tài danh đã qua đời ngày 29/6/2015. Giai điệu “Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời” của Nhạc sĩ Phan Nhân đã được hát lên qua nhiều thế hệ (ảnh trên).
Nhạc sỹ nổi tiếng Phan Huỳnh Điểu, qua đời vào lúc 10 giờ15 sáng 29/6 tại Bệnh viện Thống Nhất, hưởng thọ 91 tuổi. Nhạc sỹ nổi tiếng Phan Nhân, từ trần lúc 11g45 tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, thọ 85 tuổi.
Thuyền và biển, Ở hai đầu nỗi nhớ, Sợi nhớ sợi thương, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm, Bóng cây Kơ-nia, Đoàn vệ quốc quân, … là những “Tiếng hát mãi xanh” nổi bật, để đời của Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu. Người sinh năm 1924 tại Đà Nẵng nguyên quán Quảng Nam, đã sáng tác hơn 100 ca khúc về tình yêu, nỗi nhớ, cách mạng, yêu thương được nhiều thế hệ yêu mến.
Hà Nội – Niềm tin và hy vọng, Tình ca đất nước, Cây đàn ghi-ta của Victor Hara, Chú ếch con là những ca khúc nổi bật, đặc sắc nhất của Nhạc sỹ Phan Nhân. Ông tên thật là Liêu Nguyễn Phan Nhân, sinh năm 1930, nguyên quán An Giang. Người sáng tác tuy không nhiều nhưng chất lượng cao, đặc biệt là bài Hà Nội – Niềm tin và hy vọng, ca khúc được chọn làm giai điệu chính cho Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
(xem tiếp…).
Nguồn: Tình yêu cuộc sống https://hoangkimlong.wordpress.com/2015/06/29/dem-nho-phan-huynh-dieu-phan-nhan/ Posted on 29.06.2015
Bài viết mới
- Chào ngày mới 30 tháng 6
- Đêm nhớ Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân
- Ngày mới yêu thương
- Chào ngày mới 29 tháng 6
- Quà tặng cuộc sống
- Chào ngày mới 28 tháng 6
- Thạch Lam hạt ngọc đời nay
- Helen Keller người mù điếc huyền thoại
- Chào ngày mới 27 tháng 6
- Chào ngày mới 26 tháng 6
- Chào ngày mới 25 tháng 6
- GS Trần Văn Khê người Thầy nhạc Việt
- Nguyễn Hiến Lê học và viết
- Lộc xuân cuộc đời
- Quà tặng cuộc sống
- Chào ngày mới 24 tháng 6
- Ngày mới yêu thương
- Chào ngày mới 23 tháng 6
- Lộc xuân cuộc đời
- Chào ngày mới 22 tháng 6
- Chào ngày mới 21 tháng 6
- Biển Đông vạn dặm
- Con là nguồn hạnh phúc đầu tiên
- Chào ngày mới 20 tháng 6
- Từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình
- Ngày mới Mạnh Hạo Nhiên
- Chào ngày mới 19 tháng 6
- Hoa của Đất
- Tiếng Anh cho em
- Yêu sách 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc
- Chào ngày mới 18 tháng 6
- Chào ngày mới 17 tháng 6
- Biển Đông vạn dặm
- Chào ngày mới 16 tháng 6
Video yêu thích
Thuyền và biển
KimYouTube
Trở về trang chính
Hoàng Kim Ngọc Phương Nam Thung dung Dạy và học Cây Lương thực Dạy và Học Tình yêu cuộc sống Kim on LinkedIn Kim on Facebook
2015-06-29 19:26:07
Nguồn: https://khatkhaoxanh.wordpress.com/2015/06/30/qua-tang-cuoc-song-4/