Sự trỗi dậy không thể cưỡng lại của đồng Nhân dân tệ
Wednesday, June 17, 2015 18:01
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Nguồn: Lee Jong-Wha, “The Irresistible Rise of the Renminbi,” Project Syndicate, 20/05/2015.
Biên dịch: Ninh Thị Thanh Hà | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Đến cuối năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ quyết định liệu đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có cùng với đồng euro, yên Nhật, bảng Anh, và đô la Mỹ tham gia vào rổ tiền tệ để quyết định giá trị tài sản dự trữ quốc tế của mình, hay còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), hay không. Trung Quốc đang thúc ép việc đưa đồng nhân dân tệ tham gia rổ tiền tệ này. Liệu nó có được chấp nhận?
IMF tạo ra SDR vào năm 1969 để bổ sung cho những đồng tiền dự trữ hiện có lúc đó, qua đó cung cấp thanh khoản bổ sung cho hệ thống tài chính toàn cầu. Hiện nay, vai trò của SDR phần lớn vẫn nằm trong giới hạn hoạt động của IMF; phần đóng góp của nó tại các thị trường tài chính toàn cầu và dự trữ quốc tế của các ngân hàng trung ương là không đáng kể.
Tuy nhiên, việc thêm đồng nhân dân tệ vào rổ SDR sẽ là biểu tượng quan trọng, ngụ ý công nhận tầm vóc toàn cầu đang lên của Trung Quốc. Nhân dân tệ đã là đồng tiền chính trong thương mại và đầu tư thế giới, và chiếm một phần ngày càng lớn trong giao dịch tài chính quốc tế và các quỹ dự trữ.
Để hội đủ điều kiện gia nhập rổ tiền tệ, chính phủ Trung Quốc phải nới lỏng kiểm soát vốn của nước này và tự do hóa thị trường tài chính một cách đáng kể. Gia nhập rổ SDR sẽ đòi hỏi tiếp tục quá trình này. Cùng với sự nổi lên của nhân dân tệ trong vai trò một đồng tiền có thể đầu tư trên toàn cầu, điều này sẽ có lợi cho toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Do đó, những cổ đông lớn nhất của IMF – Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản – nên chào đón sự gia nhập của đồng nhân dân tệ vào rổ SDR. Tuy nhiên, các ý kiến về vấn đề này là không đồng nhất, điển hình là Hoa Kỳ đã phải miễn cưỡng đón nhận Trung Quốc gia nhập.
Vấn đề trở nên rắc rối hơn khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã làm lộ ra những bất cập của hệ thống dự trữ quốc tế trong vấn đề đảm bảo thanh khoản cho các nền kinh tế mới nổi. Mặc dù kể từ đó các nền kinh tế mới nổi đã tích lũy dự trữ ngoại tệ lớn hơn và tăng cường giám sát và điều tiết tài chính, họ vẫn dễ bị tổn thương trước những biến động từ bên ngoài, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, khu vực đồng euro, và Nhật Bản. Cả ba thị trường này gần đây đều đang áp dụng chính sách tiền tệ mở rộng; và khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bình thường hóa chính sách của mình, các nền kinh tế mới nổi sẽ bị tấn công một lần nữa bởi sự giảm sút đột ngột của thanh khoản toàn cầu.
Tính dễ bị tổn thương liên tiếp này phản ánh một sự thất bại chung trong việc cải cách hệ thống tiền tệ toàn cầu – một vấn đề cấp thiết mà Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Chu Tiểu Xuyên đã nhấn mạnh từ đầu năm 2009. Theo đề xuất của ông Chu, Trung Quốc đã hỗ trợ cho quá trình dịch chuyển sang một hệ thống dự trữ đa tiền tệ, mà trong đó SDR và đồng nhân dân tệ được quốc tế hóa sẽ được sử dụng rộng rãi hơn, bao gồm cả trong dự trữ ngoại tệ quốc gia. Nhưng nỗ lực đưa nhân dân tệ vào rổ SDR năm 2010 để đã thất bại, vì đồng tiền này lúc đó không phải là “tự do sử dụng” (“freely usable.”)[1]
Kể từ đó, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các cải cách để tăng cường việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại nước ngoài và đầu tư trực tiếp, cũng như đầu tư tài chính xuyên biên giới. Có 14 ngân hàng thanh toán bù trừ nhân dân tệ được thành lập trên toàn thế giới. Năm ngoái, cơ chế kết nối chứng khoán Thượng Hải – Hồng Kông đã được triển khai để kích thích đầu tư ra nước ngoài và phát triển thị trường vốn. Trung Quốc cũng đã ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với 28 ngân hàng trung ương, trong đó có Ngân hàng Trung ương Brazil, Ngân hàng Canada, Ngân hàng Trung ương châu Âu, và Ngân hàng Anh.
Năm nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã phát tín hiệu tiếp tục tự do hóa tài chính bằng cách dỡ bỏ trần nội địa của lãi suất tiền gửi ngân hàng, từ đó cho phép các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài dễ dàng tiếp cận thị trường vốn hơn. PBOC cũng sẽ mở rộng biên độ giao dịch tiền tệ và tiến tới một cơ chế tỉ giá hối đoái linh hoạt hơn.
Kết quả của những nỗ lực trên là đồng nhân dân tệ đã nổi lên thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ hai thế giới trong tài chính thương mại, vượt qua cả đồng euro, và là đồng tiền được sử dụng nhiều thứ năm trong thanh toán quốc tế. Hơn nữa, nó ngày càng được ưa dùng trong giao dịch thị trường tiền tệ và dự trữ ngoại tệ chính thức.
Đương nhiên, Trung Quốc sẽ đạt được nhiều lợi ích từ sự nổi lên của đồng nhân dân tệ trong vai trò là một đồng tiền dự trữ quốc tế thay thế, được san sẻ “đặc quyền quá đáng” (exorbitant privilege) mà Mỹ hiện đang nắm giữ với vị thế toàn cầu của đồng đô la. Ngoài sự tiện lợi có được do sử dụng đồng nội tệ trong tiến hành các giao dịch quốc tế, Trung Quốc sẽ có thể lợi dụng đặc quyền từ việc phát hành thêm tiền một cách an toàn vì biết rằng nó sẽ không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán.
Nhưng để đạt được điều đó, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro đáng kể. Tự do hoá tài khoản vốn và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ làm cho dòng vốn ra nước ngoài có khả năng biến động, điều đó có thể kích hoạt việc tăng giá tiền tệ nhanh chóng chẳng hạn. Trong bối cảnh này, Trung Quốc được kỳ vọng là sẽ tiếp tục quản lý các giao dịch tài khoản vốn đến một mức độ nhất định, sử dụng các biện pháp an toàn vĩ mô và kiểm soát vốn trực tiếp khi thích hợp.
Ngay cả khi Trung Quốc tìm được cách để giảm thiểu được những rủi ro này thì việc lật đổ đồng đô la Mỹ hiện đang là đồng tiền thống trị toàn cầu cũng không phải là điều dễ dàng. Sức ì của thị trường sẽ ủng hộ những đồng tiền vốn đã được sử dụng rộng rãi, và Trung Quốc thì thiếu các thị trường tài chính lớn, ổn định và thanh khoản tốt, điều kiện tiên quyết quan trọng mà bất cứ đồng tiền dự trữ quốc tế nào cũng phải đáp ứng. Hơn nữa, do vẫn phải chịu sự kiểm soát đáng kể của chính phủ, hệ thống ngân hàng Trung Quốc còn thua xa hệ thống ngân hàng của Mỹ và châu Âu về mặt hiệu quả và minh bạch.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc thành công trong việc phát triển một tài khoản vốn có thể chuyển đổi nhiều hơn và tăng cường hiệu quả của hệ thống tài chính, đồng nhân dân tệ có thể sẽ nổi lên thành một đồng tiền dự trữ quốc tế mới, bổ sung cho đồng đô la Mỹ và đồng euro. Điều này sẽ có lợi cho cả các công ty cũng như các ngân hàng trung ương, bằng cách cho phép họ đa dạng hóa hơn nữa dự trữ ngoại tệ của mình.
Lịch sử cho thấy sự thay đổi trong sự thống trị tiền tệ toàn cầu sẽ diễn ra từ từ. Hiện nay, Trung Quốc đang tập trung vào việc thúc đẩy sự có mặt của đồng nhân dân tệ, ngay cả với một tỉ lệ nhỏ, trong rổ tiền tệ SDR. Các cổ đông lớn của IMF nên nghiêm túc cân nhắc vấn đề này. Quá trình quốc tế hóa không ngừng của đồng nhân dân tệ, chưa kể những tiến bộ hơn nữa của các cải cách tài chính quan trọng, sẽ góp phần tạo nên một hệ thống dự trữ toàn cầu ổn định và hiệu quả hơn.
Lee Jong-Wha, Giáo sư Kinh tế và Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á, Đại học Korea, là Chuyên gia Kinh tế Trưởng kiêm Trưởng Văn phòng Hội nhập kinh tế Vùng, Ngân hàng Phát triển châu Á, và là cố vấn cấp cao về các vấn đề kinh tế quốc tế của cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung bak.
———————–
[1] Theo khoản (f) điều XXX của Các điều khoản thỏa thuận (The Articles of Agreement) của IMF, “một đồng tiền tự do sử dụng là đồng tiền của một thành viên mà IMF quyết định là (i) được sử dụng rộng rãi để thực hiện thanh toán các khoản giao dịch quốc tế trên thực tế, và (ii) được giao dịch rộng rãi ở các thị trường hối đoái chính – NHĐ.
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo