ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: ZeroEnergyVN
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Câu chuyện nhân sự
Monday, July 20, 2015 2:35
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo

B4INREMOTE-aHR0cDovLzEuYnAuYmxvZ3Nwb3QuY29tLy04WjBUMzdzNTlDTS9WYXpBV3pMRjJnSS9BQUFBQUFBQVhGZy9fMlExMmFlblZVay9zMTYwMC9waGFtX25oYXRfdnVvbmcuanBn
Hôm nay được một chuyên gia nhân sự 7x kể cho nghe một series chuyện khá lý thú, học được khá nhiều bài học. Từ trước đến giờ trong chuyện học hỏi thì mình luôn đi theo đường lối của constructivism. Nếu ai chưa rõ constructivism là gì thì vào cái link này mình đã trình bày cụ thể trong đó. 
Còn tóm tắt lại thì tinh thần của constructivism có thể diễn đạt ngắn gọn trong mấy câu: 

Những gì ta nghe – ta quên
Những gì ta thấy – ta nhớ
Những gì ta làm – ta hiểu
Những gì ta dạy ( truyền đạt lại cho người khác ) – ta tinh thông

Theo cái nguyên tắc đó thì để bài học không bị trôi tuột đi vào hư vô thì cần phải có action đi kèm với nó để chạm khắc nó vào trong trí nhớ. Vì thế mình take cái note này để làm cái công việc củng cố và nâng cao chất lượng bài học. Note sẽ chép lại những điều mình đã nghe hôm nay theo trí nhớ và có kèm các phân tích của mình về những điều đã nghe để hệ thống hóa nó lại dưới một hình thức có trật tự hơn, dễ lưu trữ trong đầu hơn. Nhân tiện cũng chia sẻ với mọi người, ai đọc mà thấy nó hữu ích thì xem như mình cũng làm được một việc tốt là truyền đi cái kinh nghiệm quý báu của những người xuất hiện trong các câu chuyện này. Chuyên gia 7x kể chia sẻ cho mình các câu chuyện cá nhân của anh nên mình sẽ không nêu tên cụ thể mà gọi anh là anh K. 
Bài học về thời và thế
Câu chuyện khởi đầu là một nhận xét khái quát của anh K về về các “nguồn lực con người của Việt Nam” tương đối chuẩn, nghe xong thì hầu hết mọi người sẽ có cùng kết luận như vậy bởi tính quy luật của thực tế này là khá rõ ràng.

Đại gia Việt Nam hiện nay hầu như toàn là 6x là chủ yếu, nói thế nào nhỉ bởi vì họ sinh ra vào cái thời ấy, thời thế ấy nó phải thế. Còn 7x thì lại không có nhiều đại gia vì cơ hội nó qua rồi tình thế nó lại khác, mà thế hệ 7x là thế hệ bắt đầu được tiếp xúc với nước ngoài, bắt đầu tiếp xúc với kỹ thuật tốt và quy trình tốt nên thích phân tích, nghĩ nhiều hơn làm, mấy ông này thì làm chuyên gia rất là tốt nhưng chủ yếu lại đi làm thuê, 7x có rất nhiều chuyên gia. Sang đến thế hệ 8x thì lại thuận lợi hơn, thằng này nó vừa giỏi kỹ thuật như mấy ông 7x nhưng lại học được cả đầu óc kinh doanh của mấy ông 6x nữa, bây giờ cái bọn này nó suy nghĩ cái gì cũng gắn với thương mại, nó giỏi kỹ thuật nên nó biết làm ra sản phẩm và nó lại cũng biết chọn cái gì để làm vì nắm được nhu cầu thị trường, rất nhạy bén, bán hàng tốt. Bọn 9x thì nay mới có bọn 90, 91 là bắt đầu xuất hiện nên chưa biết thế nào, nhưng chắc khả năng sẽ nhanh hơn 8x.

Nghe bác ấy nói xong mình mới kết nối lại những điều trước đây không để ý, và thấy điều bác ấy nói đó như một thực tế hiển nhiên vậy. Đại gia nổi nhất Việt Nam hiện nay là tỉ phú đô la Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 thuộc thế hệ 6x. Có thể có đại gia chìm khác giàu hơn nhưng về danh nghĩa thì cứ phải kể đến bác ấy đã. Đương nhiên bác Vượng là một cá nhân, nhưng đó không phải là trường hợp ngoại lệ đặc biệt mà bác ấy thực ra là nhân vật tiêu biểu của một thế hệ doanh nhân 5x đời cuối và 6x, sự xuất hiện của một doanh nhân như Phạm Nhật Vượng là một hiện tượng mang tính quy luật chứ không phải là hiện tượng cá biệt. Nếu không có Phạm Nhật Vượng tất sẽ có Phạm Nhật Vượng phẩy xuất hiện. Và thực tế là không phải chỉ có mình Phạm Nhật Vượng xuất hiện mà có rất nhiều tên tuổi khác như Nguyễn Đăng Quang ông chủ Masan hay Lê Viết Lam chủ Sun Group, hay chủ tập đoàn kinh đô Trần Kim Thành, Võ Quốc Thắng chủ tịch Gạch Đồng Tâm etc.. đều là những đại gia 6x cả.
Lâu nay cứ add friend qua lại với người nọ người kia, có lúc mình add người khác, có lúc họ add mình mà mình lúc đầu cũng không biết họ là ai, sau này mới biết có khá nhiều người là các nhân vật VIP có tên có tuổi các loại bao gồm nhà văn, nghệ sĩ, giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia các kiểu, toàn những người xuất hiện trên báo chí, truyền hình cả, người không lên truyền hình nhiều thì lại toàn đại gia, những người này thì lứa tuổi trải dài từ 5x đến 9x. Chính vì điều may mắn đó mà qua cái không gian mấy chục inche của cái màn hình máy tính thôi nhưng mình cũng có cơ hội quan sát các khía cạnh đa dạng của xã hội. Cảm thấy gần hơn với những gì trước đây nghe nhắc đến là cảm thấy nó ở đâu đó xa xôi, chẳng hạn như khái niệm “đại gia nghìn tỉ”. Thế mà hiện trong friend list của mình cũng có kha khá các đại gia ( chắc trong tay cũng có vài chục tỉ trở lên là ít ). Theo quan sát của mình thì đại gia trong xã hội và ngay trên friend list của mình cũng chia thành 2 nhóm.
Một nhóm là “giới tinh hoa” của miền Bắc XHCN, nhóm này chủ yếu là du học sinh Việt Nam ở Liên Xô và Đông Âu. Nhóm còn lại là các doanh nhân “vượt khó” ở miền Nam. Những người như Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang đều thuộc nhóm 1. Sự thành công của các bác này thực ra cũng khá dễ lý giải khi đi tìm nguyên nhân. Bản thân họ là những người có tư chất thông minh, vì học giỏi nên được nhà nước cho đi du học. Đặc điểm chung của các du học sinh là đều thông minh thì rõ rồi, nhưng không phải cứ thông minh, hay học giỏi là thành được doanh nhân, thường người chỉ thông minh thôi thì hay đi làm thuê ( vì rẽ sang ngả chuyên gia :D ), thông minh là điều kiện cần nhưng còn phải có sự can đảm, táo bạo cộng thêm vào nữa mới trở thành doanh nhân được, và đã là doanh nhân rồi thì để trở thành doanh nhân tầm cỡ lại đòi hỏi phải có thời cơ nữa. 
Trước đây khi bầu Kiên bị bắt mình có post một cái status phân tích một điều “khá kỳ lạ” trong lời bào chữa của cụ này thì có một bác nhảy vào comment để giải thích vì sao lại có cái sự lạ đó, lúc đó mình không biết bác ấy cũng là đại gia, chỉ đoán là du học sinh Đông Âu cùng thế hệ với bầu Kiên mà thôi. Một lần khác mình đăng một status về Nguyễn Đăng Quang và Lê Viết Lam rồi đưa ra thắc mắc là tại sao các đại gia Việt khởi nghiệp ở Đông Âu lại có cùng xuất phát điểm là kinh doanh “mỳ ăn liền” thì cũng được bác ấy vào comment giải thích. Sau này theo dõi các bài của bác ấy viết, biết bác ấy còn là bạn thân của mấy đại gia tên tuổi ở trên, kết nối các dữ kiện mới phán đoán ra rằng bác ấy cũng là một đại gia. Và mình cũng đoán già đoán non ra được con đường trở thành đại gia của các bác ấy như thế nào?
Có một quy luật khá giống nhau giứa các nước Việt Nam và Liên Xô cũng như Đông Âu là các nước này đều xuất hiện một tầng lớp tỉ phú ngay trước và sau giai đoạn 1990, ở LX và Đông Âu thì đây là thời kỳ sụp đổ hậu Xô Viết còn ở VN thì là từ sau đổi mới. Nói rằng nguồn gốc cho sự xuất hiện của lớp đại gia này là sự sụp đổ của CNXH ở LX và Đông Âu thì cũng không hẳn, nhưng đúng là biến chuyển xã hội mang tính lịch sử đó đã tạo thời cơ vàng cho những người vừa thông minh, can đảm dám mạo hiểm và cả bá đạo nữa bứt phá để trở thành các đại gia như ngày nay. Không chỉ có thế các “đại gia xuất thân Đông Âu” của Việt Nam đã trực tiếp giàu lên nhờ môi trường này từ những doanh nghiệp sản xuất “mỳ gói” như thế. Khi người ta truy nguyên nguồn gốc xuất hiện của các công ty tài phiệt của Nga hiện nay như kiểu Yukos thì lý do là vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, các doanh nghiệp quốc doanh hầu hết được tư hữu hóa, tài sản biến thành cổ phiếu và những thứ cổ phiếu không ăn được ấy thì đem trả cho các công nhân viên thay lương vì không có cái gì khác có thể trả cho họ. Với những người công nhân đang sống trong một xã hội biến loạn với những tình trạng cùng quẫn thì cái họ cần là bánh mì và quần áo chứ không phải là những tờ giấy chứng nhận sở hữu một phần tài sản công ty, dù có thể những tài sản ấy rất có giá trị, nhưng tại thời điểm đó nó không có giá trị trực tiếp như có thể cạp ra mà ăn. Và đó lại là cơ hội cho những tay đầu cơ, tất nhiên cơ hội chỉ là cơ hội với những người có tiền vào đúng thời điểm. Có thuyết cho rằng phương Tây đã bơm tiền vào cho những người như Khodorkovsky tung tiền ra mà mua các nhà máy. khi xã hội đã đi vào thế ổn định rồi thì những cổ phiếu trước kia giá rẻ như bèo đến mức gần như cho không nay lại tăng giá. Theo thời gian nền sản xuất khôi phục thì các doanh nghiệp quốc doanh khổng lồ trở thành tài sản tư nhân. Ai từng xem phim “Chuột nước” của Nga thì sẽ thấy một cuộc chiến của tình báo trung ương Nga với giới tài phiệt để giành lại quyền kiểm soát các tài sản quốc gia bị lọt vào tay tư nhân này.
Nhiều người Việt Nam đã có cơ hội dự phần vào bữa tiệc như vậy, và ngày nay chúng ta cũng có những tỉ phú đô la nhờ vào xuất phát điểm giống với các tỉ phú Nga. Vậy tại sao họ lại có tiền mua vé tham gia dự cuộc chơi đó để cùng ăn tiệc? Mình cũng không có câu trả lời thật đầy đủ, nhưng nghe câu chuyện kiếm 1 triệu đô la trước 30 tuổi của CTHĐQT kiêm CEO Thái Hà Book là “tiến sĩ văn hóa đọc” Nguyễn Mạnh Hùng thì thấy là nguyên nhân chẳng khó lý giải và càng thấy vai trò của thời cơ quan trọng đến thế nào. Thực tế là để kiếm được 1 triệu đô Mr Hùng chẳng phải đầu tư công sức tính toán gì cho cam, đơn giản là vì ông ở khu sinh viên quốc tế đủ các thành phần, lại quen được với một ông anh người Việt buôn bán chợ đen thành ra được giao nhiệm vụ đổi ngoại tệ cho ông kia, và ăn hoa hồng, và cứ theo process đó ông có 1 triệu đô trước 30 tuổi. Với một người như Mr Hùng bề ngoài có vẻ văn cách nho nhã thư sinh mà có thể tạo ra được số tư bản tích lũy ban đầu lớn vậy thì những người thực sự có chất doanh nhân như Mr Vượng, Mr Quang, Mr Lam chắc hẳn sẽ có cách kiếm tiền khác pro hơn và bá đạo hơn.
Trong họ hàng nhà mình với hàng xóm cũng có một số người ( cả gia đình mấy anh em kéo nhau sang định cư ở mấy nước như Đức và Tiệp ) thì đều có vẻ giàu có, một năm đi đi về về mấy lần, rõ ràng là giàu có hơn dân bản địa, họ nói buôn bán vất vả nhưng kiếm tiền cũng dễ. Mình cũng tin điều đó vì mình nghĩ mấy nước kia môi trường XHCN chỉ tạo ra những con người ù lì thụ động, còn dân Việt đã sang nước người ta đều là thành phần táo bạo ít nhiều có cái tinh thần du mục to gan lớn mật nên mới sẵn sàng bỏ xứ mà đi, quyết tâm lập nghiệp ở nơi đất khách quê người nên năng lực cạnh tranh của họ cao hơn hẳn so với dân bản địa ở level trung bình và giàu hơn họ cũng là bình thường. Đó mời là những người làm ăn nhỏ thôi. Còn những người làm ăn lớn như các đại gia thì cơ hội còn đến nhiều hơn. 
Đó là nhóm thứ nhất, còn nhóm thứ 2 là những người kiểu như Trần Kinh Thành, Đặng Văn Thành người Hoa gốc Minh Hương, bản thân văn hóa của người Hoa đã mang tính thương mại cao rồi, truyền thống kinh doanh buôn bán của họ có cả trăm năm luôn đào tạo ra được nhiều thương gia giỏi. Thời VNCH tuy hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc song dù sao miền nam vẫn là nền kinh tế thị trường, xã hội vận hành trên cơ sở các hoạt động thương mại. Cùng với việc mang vào vũ khí và các phương tiện chiến tranh thì người Mỹ cũng đưa và các kỹ thuật tân tiến nhất cùng với quy trình quản lý hiện đại. Đây là một sự tích lũy tư bản mềm cho xã hội miền Nam. Sau này thời kỳ đánh tư sản, bao cấp thì tuy các hoạt động kinh doanh buôn bán bị cấm, nhưng cái văn hóa thương mại vẫn còn trầm tích trong xã hội. Phần cứng có thể hỏng hóc nhưng phần mềm doanh thương trong bộ não của “bọn tư sản phản động” vẫn không bị hủy diệt đi mà nó đã kích hoạt trở lại khi cơ chế bao cấp bị phá vỡ, năng lực con người lại được bung ra trong thời mở cửa. Đó là suy luận của mình về sự hình thành lớp đại gia miền Nam, nhóm này chưa tìm hiểu sâu nên có cách lý giải sơ bộ như vậy. Kể thêm một chuyện nữa để chứng minh cho lập luận này. Đây là câu chuyện mình được nghe bác Alan Phan nói trong một buổi talk.

Tôi thấy cái thời kỳ đẹp nhất là cái thời kỳ bao cấp, thế nên tôi có kể đây một cái câu chuyện rất là hào hứng. Tôi có đi ăn tối với một đại gia thuộc loại top ten của Việt Nam. Thì anh ấy kể cho tôi nghe là thời kỳ bao cấp khoảng năm 1977 gì đó rất là đói kém. Anh ấy thấy cái tương lai quá đen tối, thành ra anh ấy đi ra quán café suốt ngày, sáng đi tới chiều tối mới về. Anh nói chúng tôi mấy người bạn gặp nhau để bàn chuyện vượt biên, coi cách nào để ra khỏi nước được đây. 
Thì tình cờ một buổi sáng anh ấy đi ngang qua một cái khu chợ cũ. Hồi đó sách vở khi mà giài phóng vô ấy , sách của ngụy, Mỹ là đốt hết rồi nhưng may mà vẫn còn một số thứ giữ được và thi thoảng thì vẫn có một vài người liều đem ra bán. Thì anh ấy mua được một cuốn sách, cuốn đó gọi là cuốn “Bố già” tiểu thuyết của Mario Puzo. Thì anh nói anh đọc anh say sưa, anh đi từ quận 1 về quận 12, con đường nó xa. Mà anh ấy nói là cái xe đạp thủng lốp anh cũng không chạy được nữa, thành ra vừa dắt xe vừa đọc sách.
Thì anh ấy đọc trong đó có cái đoạn là ông bố già, ông ấy đang lo lắng là vì quốc hội sắp sửa bãi bỏ cái luật cấm rượu. Lúc đó thì nhờ buôn rượu lậu nên ông ấy vươn lên trở thành một đại gia, mà ông ấy nói bãi bỏ luật cấm rượu coi như cái business của ông ấy đi đời. Thế nên ông ta đi hối lộ quan chức để họ không bãi bỏ cái luật đó. 
Anh bạn tôi anh ấy nói lúc đó anh ấy thấy anh ấy như ông Newton bị quả táo nó đập vào đầu vậy. Anh ấy bảo cái xứ này thật tình mới là một thiên đường. Là bởi vì cái gì nó cũng cấm hết, cái gì mình cũng kiếm tiền được. Bên kia nó phải bỏ tiền ra lobby để người ta cấm, mà đây cái gì nó cũng cấm hết rồi thì thế nào mình cũng có cách kiếm tiền. Thế rồi ông suy nghĩ không vượt gì hết, bỏ hết. Ổng về họp vợ con anh em gia đình lại nói đây là cơ hội tuyệt vời rồi. Vì cái gì nó cũng cấm nên bán cái gì cũng có người mua. Rồi anh ấy đi mua lốp xe hơi anh ấy về làm cái dép râu. Từ đó mà anh ấy trở thành một trong những người giàu nhất Việt Nam.

Có lẽ còn phải kể đến tầng lớp elite của VNCH nữa, họ cũng hình thành nên một lớp đại gia Việt Kiều , nhưng hiện tại thì những đại gia này chưa có hoạt động đầu tư nào đáng kể ở Việt Nam để ảnh hướng đến tiến trình phát triển kinh tế xã hội Việt Nam nên không đề cập làm gì.
Về mấy nhóm sau thì có vẻ cũng đúng, cùng nổi lên với các đại gia 6x ở tầm world class thì những tên tuổi trong giới chuyên gia học thuật ở đẳng cấp world class đang nổi lên như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn etc…. đều thuộc thế hệ 7x cả. Và hầu như các nhân vật Startup hàng dầu thì nhóm 8x là đông nhất, sau đó tới 7x và 9x. Thế hệ 7x không phải lo cái ăn cái mặc nhiều bằng thế hệ 6x, không bị gánh nặng xã hội ghì sát đất nên cái tư duy cạnh tranh mưu cầu lợi ích của họ giảm đi, thiếu sự mưu lược do phải đối đầu với hoàn cảnh căng thẳng phức tạp nên số doanh nhân không nhiều và thời cơ cũng ít hơn nhưng họ có thể chuyên tâm vào nghiên cứu có chiều sâu vì vậy thế hệ này sinh ra nhiêu chuyên gia. Còn dân 8x thì nửa nạc nửa mỡ vì thừa hưởng thành quả của thế hệ trước, đời sống khá hơn, không bằng lòng với những cái hiện có nên lại xuất hiện tham vọng kiếm tiền để đổi đời, và vì giai đoạn bước vào đời đúng vào giai đoạn của bùng nổ thông tin ( google ra đời năm 1998 ) nên dựa trên lợi thế của nguồn tài nguyên dồi dào này mà họ cập nhập những cái mình cần nhanh chóng hơn, định hướng thương mại cao hơn nên đây là thế hệ “doanh nhân số” đông đảo nhất. Còn thế hệ 9x vẫn là một câu hỏi và là niềm hy vọng cho tương lai. Chúng ta cùng chờ xem. 
Bài học về tiền
Nói chuyện về đại gia và kinh doanh tất nhiên phải nói đến tiền. Câu chuyện tiếp theo mình được nghe là câu chuyện về tầm quan trọng của tiền. Một trong những kỹ năng quan trọng là phải biết đánh giá về mức độ nhiều và ít của số tiền mà mình có, và đánh giá khả năng của mình để biết mình có thể kiếm được bao nhiêu tiền tương ứng với khả năng ấy. Và trong câu chuyện của anh K thì thủa mới ra trường anh không có cái kỹ năng này. Thời điểm năm 2003 lúc đó anh đang làm trợ giảng cho 1 trường đại học với số lương 360 ngìn đồng/ tháng. Lương thì thấp tè thế nhưng anh vẫn chọn nó vì công việc đó nhàn, thỉnh thoảng lên lớp, và điều quan trọng là anh có thời gian để đi học lớp cao học Hà Lan của trường KTQD. Anh bảo lúc ấy học xong thì nghĩ mình có tiếng Anh thì cứ apply cho bọn nước ngoài, gửi CV đi một loạt các cty nước ngoài mà suốt 3 tháng chẳng thằng nào nó gọi điện mởi nghĩ lại:

Bỏ mẹ, kiểu này đúng là có vấn đề rồi, phải xem lại, cuối cùng review thì thấy là kinh nghiệm của mình có từ trước đến giờ nó chẳng đủ đề phù hợp gì với mấy công việc đó cả, thế nên đổi chiến thuật, rất may là sau đó thì đại sứ quán Thụy Điển nó đăng tuyển vị trí Project Coodinator cho dự án DANIDA – NAPA nên cứ apply, trong mail nói thực là tôi chẳng có mấy kinh nghiệm gì nhưng tôi rất là khát khao, nhiệt tình, mình cứ ngây thơ viết văn dạt dào thế trong khi lúc ấy cũng chẳng hiểu project nó là cái gì. Cũng may cuối cùng họ cũng gọi đến phỏng vấn rồi sau 1 tháng đượic gọi đến để thương lượng mức lương. Ông sếp mới hỏi: 
-Thế mày muốn lương bao nhiêu? 
Trong đầu thì mình nghĩ là muốn lương cao lắm, chắc phải 1 triệu rưỡi, vì lúc ấy lương ở trường có 3 trăm 6, để sống được còn phải đi dạy thêm mửa mật, lương triệu rưỡi là cao quá rồi còn gì, muốn lắm nhưng không dám nói ra vì sợ nó từ chối thì mất việc. Nên mới trả lời đúng sách là em thì em không biết hệ thống lương ở đây thế nào, mặt bằng là bao nhiêu nhưng em tin là em sẽ được trả công xứng đáng với những gì mà em đóng góp. Ông kia bảo
-Mày nó thế chung chung quá, tóm lại mày muốn bao nhiêu?
Mình cứ ỡm ờ mãi cuối cùng ông ấy báo thôi được rồi, rồi vào viết cái mail offer letter cho mình. Đến lúc đọc đọc con số giật hết cả mình 650$, tỉ giá lúc đó là 17.500 nhân lên nó ra hơn 11 triệu rưỡi. Choáng quá cả hôm ấy về nhà không ngủ được

Bài học mình thấy cần rút ra ở câu chuyện này là trong mỗi môi trường, mỗi hệ quy chiếu sẽ sử dụng hệ thống thang đo giống nhau, muốn đo đạc chính xác trước tiên phải tìm hiểu thang đo của hệ quy chiếu đó mới có thể đo đạc chính xác, sẽ dẫn đến sai lầm khi ta dùng hệ quy chiếu cũ để thực hiện phép đo cũng như ứng xử trong một môi trường mới.
Ở ví dụ trên anh đã thiếu kỹ năng định lượng giá trị nên sau này anh cũng dẫn tới một sai lầm khác đó là đánh giá không đúng tầm quan trọng của tiền. Sau 3 năm làm cho đại sứ quán Thụy Điển thì cũng sắp tới ngày dự án kết thúc, bác ấy được sếp mời đi ăn tối, thông thường thì làm việc với Tây nếu mời đi ăn trưa thì là cái tội cái nợ chứ chẳng thú vị gì, bởi đi ăn trưa tức là đi ăn vì công việc, đưa công việc vào bữa ăn, mà đến mức đi ăn cũng phải là việc tức là việc nhiều bù đầu rồi còn sung sướng nỗi gì, nhưng còn đi ăn tối thì đúng nghĩa là “thưởng thức ẩm thực” và có quý thì người ta mới mời đi ăn. Lúc ăn thì ông sếp hỏi K là: 

-Dự án kết thúc rồi mày định làm ở đâu? 
K nói lúc ấy trong đầu mình quả thật cũng chưa biết là sẽ định đi đâu nên cũng nói đúng những cái có thể lục trong đầu ra:
-Tao cũng chưa biết đi đâu cả, vì cũng chẳng nghĩ tới.
-Làm gì có chuyện đó, tối thiểu thì mày cũng phải có sự chuẩn bị chứ
-Đúng ra là cũng có mấy option bạn bè có rủ rê rồi nhưng tao chưa quyết định
-Mấy chỗ ấy lương có cao không?
-Với tao thì tiền cũng không quan trọng lắm.
-Mày nói thế là mày sai, tao sẽ nói 3 điều để chứng minh là mày sai.
-Thứ nhất là để có thằng K với trình độ, kỹ năng như bây giờ thì bố mẹ mày đã phải đầu tư tiền của cho mày ăn học suốt bao nhiêu năm mới được, nếu mày chọn chỗ lương thấp để làm thì tức là mày không biết tôn trọng công sức của bố mẹ mày và chi phí đầu tư mà bố mẹ mày bỏ ra cho mày, mày phải có trách nhiệm hoàn vốn đầu tư cho bố mẹ mày càng sớm càng tốt.
-Ông ấy nói đến đấy mình mới nghĩ đúng thật, bao nhiêu năm chẳng nghĩ đến công sức bố mẹ bỏ ra cho mình ăn học.
-Thứ hai là nói tiền không quan trọng tức là mày sẽ sẵn sàng chọn chỗ lương thấp để làm, mà điều đó đồng nghĩa với việc vứt bỏ tương lai phía trước của mày.
-Tại sao lại đến mức vứt bỏ tương lai? 
-Bởi vì quy luật là những thằng chấp nhận một mức lương thấp để vào làm sẽ không bao giờ hài lòng với mức lương đó, nó sẽ nảy sinh suy nghĩ là công ty trả thấp thế thì tôi sẽ làm ít thôi để cho tương xứng với đồng lương thấp ấy, như thế sẽ tạo ra thói quen an phận không có chí tiến thủ, năng lực sẽ càng ngày càng kém đi, như thế không phải là vứt bỏ tương lai thì còn là cái gì?
Những người có tham vọng thường đòi hỏi lương cao ngoài việc là vì tiền ra còn là đặt mình vào vị trí luôn đòi hỏi cao với công việc, để lúc nào cũng phải nỗ lực cố gắng thì mới có thể phát triển được sự nghiệp. 
-Điều thứ ba là tiền có thể giải quyết rất nhiều thứ, có rất nhiều thứ cần đến tiền, nếu mày không cần tiền cho bản thân thì có những người xung quanh mày, gia đình mày bạn bè mày cần tiền, và để xây dựng những mối quan hệ như thế cũng cần đến tiền. Như tao mời mày đi ăn hôm nay có cần đến tiền không? Cũng cần chứ? 

Mình nghe xong chuyện anh K kể thì thấy nhận xét của bác Thụy Điển kia cũng rất có lý, tuy nó không bao quát và đúng hết với mọi tình huống nhưng về cơ bản là nó hợp lý. Người phương Tây thường sòng phẳng cả trong suy nghĩ hơn người Á Đông nên họ cũng rất rạch ròi về quyền lợi và nghĩa vụ. Thế nên nói về chuyện tính toán được mất hơn thiệt thì nên chú ý học họ sẽ tốt hơn là đánh giá họ thực dụng nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường như bây giờ.Bài học rút ra là: Hãy thận trọng và cân nhắc khi lựa chọn giữa tiền và những thứ khác, đừng bao giờ bỏ tham số tiền ra ngoài bài toàn của mình. 
Đừng để cuộc sống không có mục tiêu nào khác ngoài tiền
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, đánh giá đúng sự quan trọng của tiền bạc khác với việc coi nó là thứ duy nhất quan trọng. Một khi chỉ sống vì tiền thôi thì sẽ lại có nguy cơ dẫn đến sự bế tắc. Bác ấy cũng kể luôn cho mình một câu chuyện khác của ông bạn bác ấy.
Anh K có một người bạn học cùng với nhau từ bé, nhà anh kia thì rất nghèo, để mô tả cái gia cảnh nghèo của anh kia thì anh K có lấy một hình ảnh là cái nền đất nhà bác kia đầy vỏ hạt quả trám. Tại sao lại có quả trám ở đây, vì cái quả trám khi ăn xòng thì người ta có thể luộc cái hạt trám lên rồi bóc ra để ăn cái nhân ở bên trong, giống như hạt mít vậy. Nhà anh kia nghèo đến nỗi phải ăn rất nhiều hạt trám như thế.

Nhà nó nghèo như thế nên quyết chí phải trở thành giàu để cải thiện hoàn cảnh cho con cháu đời sau, nó khoa luật trường tổng hợp ra làmluật sư cũng đi theo các đoàn luật sư này nọ nhưng đại khái vẫn nghèo công danh sự nghiệp thì chưa có gì cả và cũng chưa biết làm thế nào để thành giàu, về sau thì nó tìm ra được một phương án mà mình cũng cho là “hợp lý” với tình hình của nó, đó là phải lấy vợ giàu .

Đoạn này mình được anh K kể với giọng vừa bi vừa hài. 

Thế nên sau nó lấy được một cô vợ khá là cao tuổi, gần bằng tuổi nó ( đại khái lúc ấy ông kia 30 thì vợ 29 ) nhưng vợ thì xấu nhưng được cái con nhà giàu. Vừa sau khi lấy vợ thì nó có ngay 1 cái nhà và 1 xe ô tô để đi trong khi anh em bạn bè thì vẫn rất nghèo, chỉ thấy ghen tị với thằng này, mấy hôm trước còn nghèo kiết xác mà vèo cái đã đổi đời. Chẳng biết sống với nhau thế nào nhưng đúng 29 Tết năm 2006 thì gọi mình đi uống cafe ngồi tâm sự. Gặp nhau thì ông ấy bảo:
-Tao buồn vì cách cư xử của con bé này quá.
Hỏi ra thì là vì vợ đồng chí sáng mới chuẩn bị quà Tết cho 2 nhà, quà nhà ngoại thì to gói bọc cẩn thận tử tế, còn quà nhà nội thì rất sơ sài.
-Tao cáu bảo sao lại phân biệt thế thì nó bảo thì anh xem bây giờ nhà, xe của mình đều do ông bà ngoại cho thì mình biếu quà cho nhà ngoại cũng phải tương xứng để cảm ơn chứ. Còn ông bà nội ở quê thì cầu kỳ làm gì.
Mình bảo chuyện nghe như trong phim ấy nhỉ, thì K nói mà vợ nó lập luận thế cũng có lý thật, khó cãi được ấy chứ.
Ngoài ra đó chỉ là một chuyện còn những chuyện khác, chẳng hạn cậu này con nhà nghèo đi shopping với vợ thường giỏi lắm mua cái áo mấy trăm, vợ thì toàn mua áo vài triệu trông lại chẳng ra gì, xót tiền ông lại kêu ca thì vợ lại bảo “tiền của em thì em tiêu, có phải của anh đâu mà anh xót”. 
Thế rồi sau đó sống được với nhau 5 năm không chịu được nhau nữa thì lôi nhau ra tòa, đang chung kết thì đúng lúc ấy cô vợ kia lại có bầu nên cuối cùng lại thôi quay về xử lý nội bộ với nhau. Sau đó mình cũng không theo dõi nữa nên giờ này chẳng biết thế nào.
Có thể mọi người nghe xong câu chuyện này thì sẽ nghĩ ngay đến luật nhân quả báo ứng, và nghĩ rằng bạn của K đã nhận được những gì xứng đáng với lựa chọn của mình. Thế nhưng có khi ở đâu đó trong một tình huống khác chúng ta lại hành động và lựa chọn tương tự như anh ấy. Với mình thì mình nghĩ bài học cần rút ra để tránh phạm phải sai lầm như trên là:

Tiền là một thứ có giá trị, nhưng ngoài tiền ra cũng còn có nhiều thứ có giá trị khác. Nếu chỉ xem tiền là giá trị duy nhất khi chúng ta đem những thứ có giá trị khác ( mà chúng ta xem nhẹ ) để đổi lấy tiền thì chúng ta sẽ có ngày phải trả giá rất đắt để mua lại những thứ có giá trị mà mình đã đánh mất, mà chưa chắc đã lấy lại được”. Hãy thận trọng và cân nhắc khi lựa chọn giữa tiền và những thứ khác: Đừng bao giờ để bài toán của mình có một tham số duy nhất là tiền, chúng ta chắc chắn sẽ giải sai.
Bài học về sự khác biệt
Trong câu chuyện về hai vợ chồng nhà kia, ngoài bài học về tiền chúng ta còn có thể liên tưởng đến một bài học khác đó là bài học về sự khác biệt. Có những sự khác biệt mang tính bản chất sẽ dẫn đến những mâu thuẫn căn bản tạo ra xung đột, đó là sự khác biệt có tính phá hoại, tuy nhiên cũng có những sự khác biệt lại bổ sung cho nhau, đó là sự khác biệt mang tính xây dựng. Và trong những câu chuyện của anh K cũng có một ví dụ minh họa cho điều này.K kể năm 2012 khi anh còn làm việc cho Samsung, trong một chuyến sang Hàn công tác ở Head Office thì thấy rất lạ là phòng R&D của họ anh gặp đủ cả người da đen, da trắng da vàng, từ châu Phi đến Bắc Âu, rồi người Mỹ lẫn người Trung Quốc etc… Anh có hỏi sao lại thuê lung tung xòe đến vậy, sao không để cả team Hàn quốc đi thì được họ trả lời như sau:

Anh có biết chi phí R&D cho 1 chiếc điện thoại là bao nhiêu không? 20 triệu đô để đầu tư nghiên cứu cho 1 loại điện thoai mới, và chi phí R&D sẽ được chia đều ra cho mỗi đầu điện thoại bán được, với chi phí lớn như thế thì bắt buộc phải bán được nhiều điện thoại để phân tán bớt chi phí R&D trên đầu mỗi chiếc điện thoại mới bù đắp được chi phí bỏ ra. Hàn quốc có vài chục triệu dân, nếu chỉ bán cho từng ấy người thì chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu đó, phải bán trên thị trường toàn cầu mà như thế nó phải là sản phẩm thích nghi được với mọi nền văn hóa, tất cả mọi người trên thế giới phải dùng được. Muốn thế nó phải tạo ra được bởi những người có view của mọi nền văn hóa, mọi địa phương khác nhau. Chính vì thế mỗi team ở đây được tập hợp những người từ khắp nơi trên thế giới để đảm bảo rằng sản phẩm sẽ được xây dựng đáp ứng được kỳ vọng của bất cứ người nào trên thế giới.

Câu trả lời này không chỉ là lý thuyết là là thực tiến sâu sắc của Sam sung bởi sản phẩm của họ đang hiện diện khắp nơi trên thế giới.
Bài học rút ra là cần biết tôn trọng sự khác biệt, biết khai thác sự khác biệt theo hướng có lợi nhất để tạo ra một tập thể có sức mạnh vượt trội hơn tổng số các thành viên cộng lại. 
Bài học về sự thấu hiểu
Muốn thực sự tôn trọng sự khác biệt và tôn trọng người khác, trước tiên chúng ta phải thấu hiểu họ và chấp nhận họ kể cả những nhược điểm vốn có. K cũng kể cho mình nghe một câu chuyện về sự thấu hiểu, tất nhiên là nó không nằm trong cái lộ trình như mình dẫn dắt, nhưng để note lại cho có logic thì mình sâu chuỗi chúng lại theo một thứ tự để các chủ đề chuyển tiếp nhau liên tục và không bị đứt quãng.
Câu chuyện này xảy ra ở ngân hàng Maritime Bank. Anh K kể là anh có tham dự một buổi tiệc tổng kết cuối năm của Maritime Bank với khoảng 2000 người tham dự từ cấp phó phòng trở lên. Lúc đó thì MC có nói là bây giờ đến tiết mục chia sẻ cảm xúc trong năm qua, các anh các chị nào có cảm xúc gì vui buồn nhất trong năm vừa rồi thì có thể lên đây chia sẽ. Vừa xong thì có ông một ông tự nhiên từ đâu nhảy lên cướp Mic rồi ông ấy cứ thế khóc, lúc đó mọi người rất ngạc nhiên tại sao ông này lại khóc thế kia, mà ông ấy là ai, không nổi tiếng chẳng ai biết cả, sau hỏi ra mới biết là ông H giám đốc chi nhánh Ninh Bình.

Ông ấy khóc xong thì nói chỗ tôi có chị L làm ở chi nhánh Hải Phòng, chị ấy quê ở Ninh Bình nên khi chi nhánh Ninh Bình mở ra thì chị ấy xin chuyển về chi nhánh của tôi cho gần nhà. Sáu tháng đầu thì chị ấy rất chăm chỉ đi sớm về muộn công việc hoàn thành rất chu đáo, tôi rất hài lòng thế mà chẳng hiểu sao sau đó thì chị ấy thường xuyên đi làm muộn, nhiều lần vắng mặt không lý do. Tôi thấy rất là bực mình vì thói vô kỷ luật, tôi mới gọi lên nói cho một trận là: em vô kỷ luật thế ảnh hưởng đến công việc của toàn cơ quan, chị ấy không nói gì chỉ khóc. Thế rồi mấy hôm sau thì mọi người báo tin là chị ấy đang nằm viện, bị ung thư. Tôi đến thăm chị ấy vừa khóc vừa nói: anh không biết chứ Maritime là một phần của cuộc đời em, em gắn bó và rất yêu công việc, không bao giờ em cố ý để ảnh hưởng đến công việc và cơ quan, chỉ vì em có bệnh nhưng muốn giấu mọi người, hôm nọ anh gọi em lên mắng em như vậy em thấy đúng, nhưng em chỉ biết khóc. Thế rồi sau đó hai ngày thì chị ấy mất. Tôi thấy tôi đã phạm một sai lầm lớn nhất trong cuộc đời, tôi đã mắng một người bệnh tật sắp chết, mà không tìm hiểu kỹ đầu đuôi xem hoàn cảnh người ta thế nào để giúp đỡ. 

Có những bài học nếu không tự trả giá thì bản thân mình không thể học được, có những bài học lại được trả giá bằng mạng sống của người khác, những bài học như vậy thường là rất sâu sắc, nó trở thành những vết khắc trong cuộc đời và không khi nào chúng ta quên được.
Bài học về tuyển chọn nhân tài (còn tiếp)
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us

Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.