Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Tác giả: Đại Hải
Nguồn: Đại Kỷ Nguyên VN
Thống kê cho thấy 80% mặt hàng trong siêu thị tiếp xúc với nhựa. Đồ nhựa đã trở nên phổ biến đến mức môi trường khắp nơi bị nhựa xâm chiếm, và nhựa cũng đang dần dần “dẻo hóa, nhựa hóa” cơ thể con người! Các xét nghiệm cho thấy gần như 100% người tiêu dùng mang chứa nhiều loại nhựa trong máu, trong đó có tác động đáng ngại nhất lên sức khỏe là Bis phenol A (BPA).
BPA hiện hữu khắp nơi
BPA (Bis phenol A) là hợp chất hóa học được phát hiện từ năm 1891 bởi một nhà hóa học người Nga. Ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước, người ta đã phát hiện ra hợp chất này có tác dụng tương tự như hoóc-môn estrogen, do vậy nguy cơ lớn nhất là nó sẽ làm rối loạn các quá trình sinh lý của cơ thể người. Tuy vậy, vào những năm 50, BPA vẫn tìm được con đường đi vào cơ thể người thông qua ngành công nghiệp nhựa nhờ có tác dụng làm cho các sản phẩm nhựa trong hơn và chắc khỏe hơn.
BPA còn được dùng làm nhựa epoxy, là thành phần của lớp lót mặt trong các lon, hộp đựng đồ uống và thực phẩm. Ở Bắc Mỹ,70% số lon hộp này có chứa BPA. BPA cũng có mặt trong các tờ tiền giấy, các hóa đơn in nhiệt và nhiều loại sản phẩm khác.
Sự phổ biến của các sản phẩm có sử dụng nhựa, đặc biệt là nhựa tái chế, giấy tái chế khiến cho BPA gần như có mặt ở khắp mọi nơi. 95% đến 99% số người được kiểm tra có BPA trong cơ thể ở mức độ có khả năng gây nguy hiểm. Phần lớn BPA đi vào cơ thể người qua việc ăn uống thực phẩm, nước đựng trong các lon hộp được lót BPA, hoặc qua nước, không khí, bụi bị nhiễm BPA.
Bất chấp nhiều tranh cãi xung quanh những nguy hại đối với sức khỏe của BPA, thị trường của loại hóa chất này vẫn tăng trưởng đều đặn và đạt giá trị khoảng 13 tỉ USD vào năm 2013.
Khoảng 1000 nghiên cứu cho thấy BPA có hại
Khi trao đổi với tờ Newsweek, Frederick vom Saal, một nhà nghiên cứu lâu năm của trường đại học Missouri – Columbia cho biết: đã có khoảng 1.000 nghiên cứu về BPA thực hiện trên động vật, và hầu hết cho thấy nó gây nên hoặc có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, từ những thay đổi trong khả năng sinh sản, tăng nguy cơ ung thư và các bệnh tim mạch, cho đến làm suy yếu quá trình phát triển của não bộ.
Tuy vậy, câu kết luận về việc BPA có ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe con người đến nay vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ, và dường như đáp án phụ thuộc vào người trả lời câu hỏi.
Chẳng hạn, năm 2006, một phân tích cho thấy mọi nghiên cứu do nhà công nghiệp tài trợ đều phát hiện BPA không có ảnh hưởng đáng kể. Ngược lại, 92% các nghiên cứu không nhận tài trợ từ nhà công nghiệp lại thấy BPA có ảnh hưởng.
Tính cho đến thời điểm này, nhiều nghiên cứu về BPA được thực hiện trên động vật và qua những nghiên cứu quan sát trên người, chưa có bằng chứng trực tiếp chứng minh BPA gây nên căn bệnh nào. Tất nhiên, ai cũng biết việc trực tiếp thí nghiệm trên người là điều gần như không thể, vả lại các chất độc sẽ tích lũy lại qua ngày qua tháng, đến khi phát hiện triệu chứng bệnh thì đều rất khó truy cứu trách nhiệm… BPA cũng không là ngoại lệ, dựa trên những bằng chứng nghiên cứu, phần lớn là trên động vật, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm) chỉ tuyên bố có “một số lo ngại” về tác động tiềm tàng của BPA đối với não bộ, hành vi, tuyến tiền liệt của bào thai, trẻ sơ sinh, và trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các nghiên cứu trên động vật là cơ sở để đánh giá các mối nguy của BPA lên cơ thể người, đó có thể là:
Tổn thương cấu trúc não bộ
Tăng động, tăng hung hãn, suy giảm khả năng học tập
Dậy thì sớm, kích thích sự phát triển tuyến vú, rối loạn chu kỳ sinh sản, bất thường buồng trứng, vô sinh
Kích thích những tế bào ung thư tiền liệt tuyến
Tăng kích thước tiền liệt tuyến, giảm sản xuất tinh trùng
Biến đổi chức năng miễn dịch
Đái đường loại 2, béo phì
Nếu trẻ em tiếp xúc với BPA, các nguy cơ sức khỏe có thể tăng lên do cơ thể rất nhạy cảm và khả năng đào thải còn kém.
Cơ thể tích lũy BPA như thế nào?
Lượng BPA đi vào cơ thể người chủ yếu thông qua ăn uống, bao gồm có ăn và uống thực phẩm, nước bị ô nhiễm chất này. Vấn đề là BPA cực kỳ dễ hòa tan vào trong các loại thực phẩm, và một khi đã vào được cơ thể thì sẽ rất khó để đẩy ra ngoài.
BPA có mặt trong các lớp lót mặt trong những hộp đựng thực phẩm để tránh không cho thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với kim loại, tuy nhiên điều này lại khiến thực phẩm bị ô nhiễm BPA. Chúng có thể ngấm từ các đồ nhựa, hòa tan trong chất béo của thực phẩm, phát tán vào đồ ăn uống, đặc biệt là các sản phẩm nhựa chứa BPA được rửa, hay dùng để đựng chất lỏng ở nhiệt độ cao hoặc có tính axit.
Bên cạnh đó BPA có thể vào cơ thể qua đường không khí hoặc qua da. Những giấy in nhiệt như hóa đơn (hóa đơn ATM), vé xem phim, vé máy bay đều được chứng minh là có nồng độ BPA cao. Khi tiếp xúc với các loại giấy này, BPA có thể được hấp thu vào cơ thể trực tiếp qua da, hoặc gián tiếp qua thực phẩm tiếp xúc với bàn tay chưa rửa. Khi các sản phẩm giấy và nhựa bị đốt, tái chế, một lượng lớn BPA giải phóng vào không khí. Đó là lý do các nhà nghiên cứu tìm thấy BPA trong không khí ở khắp nơi, từ vùng quê hẻo lánh nhất cho đến khu thành thị ô nhiễm nhất.
Tuy các nhà sản xuất luôn tuyên bố rằng nồng độ BPA trong sản phẩm của họ nằm trong phạm vi cho phép và không ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng BPA gần như có mặt ở mọi nơi, khi liên tục tiếp xúc và hấp thụ một chút mỗi ngày, lượng BPA tích lũy trong cơ thể sẽ đạt tới mức gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nguyên tắc hạn chế nhiễm BPA
Mặc dù không thể tránh không tiếp xúc hoàn toàn với BPA được, tuy nhiên các nguyên tắc dưới đây có thể giúp bạn giảm mức độ tiếp xúc xuống thấp nhất có thể:
Tránh sử dụng thực phẩm đóng hộp, dùng thực phẩm tươi sống: nhiều hộp đựng thực phẩm đều chứa BPA, thực phẩm có tính axit cao làm tăng mức độ ô nhiễm BPA của thực phẩm.
Mua các sản phẩm đựng trong chất liệu thủy tinh thay vì nhựa hay hộp kim loại.
Đựng thực phẩm và thức uống trong vật liệu thủy tinh. Tránh dùng màng bọc thực phẩm bằng nhựa. Sử dụng đồ chứa bằng thủy tinh nếu làm nóng thực phẩm bằng lò vi sóng, vì nhiệt sẽ làm gia tăng sự giải phóng BPA.
Nên sử dụng bình thủy tinh cho trẻ sơ sinh.
Hãy cảnh giác với các hóa đơn thanh toán (như hóa đơn ATM), vé xem phim, vé máy bay, nói chung là các loại giấy in nhiệt.
Nên dùng đồ chơi trẻ em làm từ chất liệu tự nhiên, đặc biệt tránh dùng đồ chơi làm từ nhựa, chất dẻo.
Cho con bú trực tiếp, ít nhất là trong năm đầu tiên, hạn chế tối đa dùng các loại bình sữa.
Nếu dùng đồ nhựa, hãy lựa chọn loại không có BPA: một số loại nhựa không có BPA, hãy nhớ rằng những đồ nhựa có mã tái chế 3 hoặc 7 thường có BPA.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo