Yemen: Lắm thầy nhiều ma
Wednesday, July 1, 2015 18:21
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Tình hình nội chiến tại Yemen vốn dĩ đã rối rắm nay lại càng thêm phức tạp với sự tham gia từ bên ngoài. Arập Xêút, một cường quốc trong vùng, đang muốn khẳng định mình trong khi phiến quân tại Yemen cũng được Iran hỗ trợ. Nội tình tại Yemen giờ đây xem ra không còn là cuộc đấu giữa hai phe Houthi và Hadi.
Khu vực quanh sân bay Sanna bị không quân Arập oanh tạc. |
“Siêu bão” tập hợp 10 quốc gia Arập
Tình hình nội chiến ở Yemen hiện nay là sự xung đột giữa phe Houthi, theo hệ phái Shiite với lực lượng của Tổng thống Abd Rabbo Mansour Hadi, dòng Sunni. Thực ra cuộc nội chiến này âm ỉ từ rất lâu rồi, cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh cũng bị tình cảnh tương tự.
Nhìn rộng ra, ở cả khu vực Trung Đông, cuộc đối đầu giữa hệ phái Shiite và Sunni, đều theo đạo Hồi, đã kéo dài suốt chiều dài lịch sử của tôn giáo này, chứ không chỉ riêng gì ở Yemen. Chỉ có điều ngọn lửa chiến tranh ở Yemen đã bùng lên cách đây vài tháng làm nhiều thường dân thiệt mạng khiến cộng đồng quốc tế quan tâm hơn. Từ đó, những rắc rối mới được nảy sinh.
Kể từ năm 2009, cuộc xung đột giữa phiến quân Houthi ở miền Bắc và Chính phủ trung ương bắt đầu nổ ra. Từ năm 2014, những tay súng Houthi bắt đầu trở thành lực lượng mạnh mẽ nhất tại Yemen sau khi chiếm giữ được thủ đô Sanaa. Và từ tháng 2/2015, tình hình xung đột đã buộc Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi phải chạy xuống thành phố Aden ở miền Nam lánh nạn. Nhưng những ngày cuối tháng 3 này, phe Houthi lại tiếp tục tấn công xuống Aden khiến ông Hadi phải bay sang Riyadh cầu cứu Arập Xêút.
Houthi là tên của vị tộc trưởng ở phía bắc Yemen. Lý do nổi dậy của lực lượng theo dòng Shiite này là đấu tranh chống tham nhũng cùng với chống Al-Qaeda. Và đây cũng là những cái cớ để quân Houthi bành trướng trên lãnh thổ.
Mọi kế hoạch đàm phán hòa bình giữa phe Houthi và lực lượng trung thành của Tổng thống Hadi kể từ đó tới nay đều thất bại dù trung gian hòa giải có là Liên đoàn Arập hay Liên Hiệp Quốc. Tình hình căng thẳng tới mức, bắt đầu từ ngày 25/3, Liên minh hỗ trợ Tổng thống Hadi, gồm 10 nước Arập do Arập Xêút dẫn đầu, đã bắt đầu tiến hành không kích để hỗ trợ và ngăn chặn quân Houthi tiến về phía nam, chiếm nốt thành phố Aden, nơi mà ông Hadi sau khi về đây lánh nạn đã tuyên bố là thủ đô tạm thời của Yemen.
Chiến dịch không kích của liên quân Arập bắt đầu từ tối 25/3, đã được đánh giá là thành công. Theo thông tin mới nhất: Ngày 30/3, Arập Xêút thông báo đã kiểm soát hoàn toàn các cảng biển của Yemen trong chiến dịch “Siêu bão” chống lực lượng phiến quân Houthi.
Bốn ngày sau khi tiến hành không kích quân Houthi, Liên đoàn Arập ngày 29/3 thông báo thành lập lực lượng liên minh nhằm đối phó với những mối nguy lớn mà các quốc gia Arập đang phải đối mặt. Theo các nhà phân tích, việc thông qua quyết định thành lập lực lượng phòng thủ chung không có gì rắc rối.
Liên đoàn Arập quyết định thành lập liên quân chống khủng bố. Trong ảnh: Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (trái) và Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arập tổ chức tại khu nghỉ mát Sharm El-Sheikh hôm 29/3. |
Tuy nhiên, còn nhiều chi tiết cần phải xem xét và bàn thảo sâu rộng. Đầu tiên là bất đồng giữa Qatar và Ai Cập. Qatar không muốn can thiệp vào Libya trong khi Ai Cập thì muốn tấn công. Ai Cập muốn tiêu diệt những phe Hồi giáo vũ trang loan truyền các loại thông điệp cực đoan cuồng tín còn Arập Xêút, thủ lĩnh hệ phái Sunni thì không.
Với sức mạnh kinh tế và quân sự, Riyadh không muốn Ai Cập và Qatar cạnh tranh vai trò lãnh đạo trong Liên đoàn Arập. Do vậy, phải chờ xem nghị quyết thành lập liên minh quân sự sẽ chỉ định ai là kẻ thù số 1: Iran và phe Shiite đang lấn chiếm Yemen hay Nhà nước Hồi giáo Sunni ở Syria và Iraq? Tổ chức Nhà nước Hồi giáo lên tiếng ủng hộ liên quân do Arập Xêút lãnh đạo can thiệp vào Yemen chống lực lượng Houthi theo hệ phái Shiite.
Ngày 29/3, Tổng Thư ký Liên đoàn Arập, Nabil al-Arabi tuyên bố chiến dịch quân sự do Arập Xêút chỉ huy ở Yemen sẽ tiếp tục cho tới khi các phiến quân Houthi “hạ” vũ khí và rút khỏi các khu vực đang chiếm đóng.
Sự sốt sắng và đi đầu của Arập Xêút trong cuộc can thiệp vào Yemen đang được giới phân tích làm rõ. Những chi tiết quan trọng trong chiến dịch can thiệp vào Yemen chỉ được Arập Xêút thông báo cho đồng minh Mỹ vào giờ chót. Sự kiện này, theo giới phân tích, là dấu hiệu Riyadh muốn thoát ra khỏi tình trạng mà cường quốc quân sự cấp vùng xem là chính sách thụ động của Washington trong khu vực.
Theo các nguồn tin Chính phủ Mỹ được Reuters trích dẫn, từ nhiều tuần nay, Arập Xêút đã chia sẻ với Mỹ ý định can thiệp vào Yemen. Theo nhận định của Riyadh, phiến quân Houthi, do Iran hậu thuẫn, tấn công chính phủ dân cử của nước láng giềng để gia tăng ảnh hưởng. Tổng thống Yemen Hadi nói rằng, các phiến quân Houthi đang chiếm đóng phần lớn nước này là “tay sai của Iran”. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arập tại Ai Cập, ông Hadi nói: “Những kẻ tay sai của Iran đang phá hủy Yemen với quan điểm chính trị ấu trĩ”. Trong khi đó, Iran đã bác bỏ cáo buộc hậu thuẫn tài chính và huấn luyện cho nhóm Houthi.
Trở lại cuộc thảo luận giữa Mỹ và Arập Xêút. Giải pháp quân sự đã được hai nước bàn tính kỹ nhân chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào ngày 5/3. Tuy nhiên, kế hoạch chính xác của dự án chỉ được thông báo với Mỹ không lâu trước khi máy bay Arập Xêút bắt đầu tham chiến ngày 25/3.
Tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ tại Trung Đông và Afghanistan, tướng Lloyd Austin, trong cuộc điều trần tại Thượng viện ngày 27/3 tiết lộ: ông chỉ được Tham mưu trưởng quân đội Arập Xêút thông báo “ngay trước khi không quân Riyadh hành động”. Tướng Lloyd Austin nhìn nhận không thẩm định được xác suất thành công của Riyadh là bao nhiêu, vì “không biết mục tiêu tấn công và mục đích” của chiến dịch.
Mặt trận mới trong cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” giữa Arập Xêút và Iran
Theo Reuters, nguyên nhân cốt lõi thúc đẩy Riyadh trực tiếp sử dụng vũ lực bắt nguồn từ phong trào Mùa xuân Arập và thái độ do dự của chính quyền Obama. Năm 2011, Tổng thống Mỹ đã không có một cử chỉ ủng hộ Tổng thống Ai Cập Hosni Moubarak, để cách mạng đường phố lật đổ nhà lãnh đạo đồng minh khu vực này sau mấy ngày biểu tình. Năm 2013, thái độ tiền hậu bất nhất của Tổng thống Mỹ không chịu oanh kích Syria làm Riyadh thất vọng.
Quân Houthi tại thủ đô Sanaa, Yemen. |
Tiếp sau đó là những cuộc mật đàm giữa Mỹ và Iran, đồng minh của Syria và kẻ thù của Arập Xêút, bị tiết lộ càng làm Riyadh hoài nghi quyết tâm của chính quyền Mỹ giữ lời hứa bảo vệ đồng minh Arập.
Quyết tâm của Tổng thống Obama đạt thỏa thuận hạt nhân với chính quyền Hồi giáo Iran, dù phải trả giá cao làm cho Riyadh cảm thấy tương lai bất trắc trong bối cảnh Iran không che giấu tham vọng phát huy ảnh hưởng ra khắp khu vực từ Iraq, Syria, Lybia, Liban cho đến…Yemen.
Các chuyên gia nhận định: “Nếu chiến dịch Yemen thành công, chúng ta sẽ chứng kiến một bước đột phá trong chính sách đối ngoại của Arập Xêút”. Riyadh sẽ quyết liệt hơn và dứt khoát hơn để đương đầu với Iran mà không tùy thuộc vào Mỹ.
Cuộc phản công của Riyadh tại Yemen là một mặt trận mới trong cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” giữa hai cường quốc cấp vùng: một bên là Arập Xêút lãnh đạo các nước Arập theo hệ phái Sunni, còn bên kia là Iran, thủ lĩnh hệ phái Shiite với các thủ đô Baghdad, Damascus và tổ chức Hezbollah ở Liban. Washington tuyên bố không tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào cuộc chiến Yemen, nhưng sẽ trợ giúp đồng minh Riyadh về tình báo ở mức độ tối thiểu.
Ngày 30/3, Đại sứ Arập Xêút tại Mỹ gọi chiến dịch không kích do Arập Xêút lãnh đạo nhắm vào phiến quân Houthi ở Yemen là một “cuộc chiến tranh cần thiết” chứ không phải là một cuộc chiến tranh đánh mướn chống lại Iran.
Câu trả lời cho câu hỏi liệu Yemen đang diễn ra nội chiến giữa các phe cánh sắc tộc hay là cuộc chiến tranh “qua tay kẻ khác” giữa Iran và Arập Xêút sẽ quyết định mức độ khốc liệt và kéo dài của chiến sự đồng thời quyết định tương lai chính trị an ninh của cả khu vực. Iran và Arập Xêút vốn ganh đua không khoan nhượng để giành vị thế, vai trò và tầm ảnh hưởng khu vực cũng như quyền lãnh đạo thế giới Hồi giáo.
Arập Xêút và các đồng minh vẫn lo ngại về tầm ảnh hưởng của Iran ở Liban, Iraq và Syria. Nếu bây giờ để mất thêm cả Yemen thì Arập Xêút không chỉ bị mất thể diện và suy giảm ảnh hưởng ở khu vực mà còn phải đối phó với nguy cơ thực sự về an ninh.
Chỉ là nội chiến không thôi đã khó chấm dứt vì Yemen đã trở thành tâm điểm mới của khủng bố quốc tế. Yemen là căn cứ của Al-Qaeda trên bán đảo Arập (AQPA), bị Washington cho là nhánh nguy hiểm nhất của mạng lưới thánh chiến, đã lên tiếng nhận là đã tổ chức vụ khủng bố tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris hôm 7/1. Nếu thêm cả ngoại chiến vào nữa thì đất nước này sẽ còn đắm chìm lâu dài trong chiến sự và bạo lực, mất an ninh và ổn định. Nếu như thế thì hai phe ở trong và hai phía bên ngoài Yemen đều đang hủy hoại tương lai nước này.
Mộc Thạch, CAND (tổng hợp)
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo