(Bình luận quân sự) – Một trong những yếu tố quan trọng giúp Nga có thể khôi phục vị thế cường quốc quân sự đó là xây dựng mạng lưới căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Ngày 17/8, trang mạng New Eastern Europe (Ba Lan) đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Liệu Nga có thể lấy lại vị thế cường quốc quân sự thế giới?” của hai đồng tác giả Tomas Baranez và Juraj Beskid.
Trong bài viết các tác giả đưa ra quan điểm cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng giúp Nga có thể khôi phục vị thế cường quốc quân sự đó là xây dựng mạng lưới căn cứ quân sự ở nước ngoài, trong đó, nếu Nga có được khả năng quay lại Cu Ba và Cảng Cam Ranh của Việt Nam là một trong điều kiện quan trọng và có thể Moscow sẽ phải coi đó những ưu tiên hàng đầu.
Theo tác giả bài viết, sau khi Liên Xô sụp đổ, sức mạnh chiến đấu của Quân đội Nga cũng giảm mạnh. Theo đó, Quân đội Nga đã trượt ra khỏi danh sách các siêu cường quân sự quốc tế, trở thành “đội quân” cấp địa phương.
Như vậy, muốn trở thành một trong các cực trong thế giới đa cực hùng mạnh, Moscow cần phải duy trì quân đội và nền kinh tế mạnh.
Xây dựng và khôi phục căn cứ quân sự ở nước ngoài là một trong những nhân tố có thể giúp Nga củng cố vị thế cường quốc quân sự thế giới
Tuy nhiên, kinh tế Nga hiện nay đang chịu hậu quả nặng nề do các đòn trừng phạt của phương Tây và giá dầu thế giới thấp, cùng với việc Điện Kremlin không có khả năng đa dạng hóa nền kinh tế trong nước.
Trong khi đó, ông Putin đang cố gắng thúc đẩy hình ảnh nước Nga như một cường quốc quân sự trong tương lai có khả năng hoạt động trên trường quốc tế.
Để đạt được mục đích này, Quân đội Nga cần phải có mạng lưới quân sự ở nước ngoài (tại Địa Trung Hải, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương) và nguồn kinh tế bền vững để duy trì và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của hải quân, không quân chiến lược, cũng như xây dựng nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến và hiệu quả.
Theo tác giả, Quân đội Nga suy yếu ngoài nguyên nhân Liên Xô sụp đổ còn có một vấn đề quan trọng đó là Nga đóng cửa các căn quân sự ở nước ngoài.
Năm 2002, Điện Kremlin đã đóng cửa các căn cứ quân sự của mình tại Cu Ba và Việt Nam với khẩu hiệu tăng cường quan hệ với Mỹ và tiết kiệm tài chính.
Ngoài ra, năm 2013 Moscow lại đóng cửa căn cứ quân sự Tartus ở Syria vì tại đây diễn ra nội chiến. Sau đó, dường như Nga đã rút khỏi trường quốc tế và chỉ hiện diện ở một số nước SNG và các khu vực ly khai chưa được công nhận.
Quay trở lại Cuba
Cuba cung cấp điều kiện lý tưởng cho việc xây dựng hoặc tái mở cửa một căn cứ quân sự cho tàu chiến và tàu ngầm của Nga. Trước đây, ở đây Quân đội Nga không chỉ sử dụng các cảng mà còn phát triển cơ sở hạ tầng bờ biển đầy đủ và nhà ở cho những người lính và gia đình của họ.
Trung tâm tình báo vô tuyến điện của Nga ở Lourdes có một ý nghĩa chiến lược to lớn. Nó nằm cách bờ biển Mỹ 250km, chuyên được sử dụng để chặn bắt và nghe lén các mạng thông tin liên lạc của Mỹ, thu thập thông tin từ các cáp liên lạc ngầm và từ trung tâm NASA ở Florida.
Trung tâm tình báo vô tuyến điện của Nga ở Lourdes trước đây
Trong quá khứ, trung tâm được biên chế 3000 nhân viên. Trung tâm này cung cấp cho Moscow khả năng chặn bắt thường xuyên các thôn tin liên lạc ở đông nam nước Mỹ, cũng như theo dõi các đường liên lạc xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Châu Âu.
Vấn đề Nga sẵn sàng khôi phục sự hiện diện của mình tại Cu Ba được đề cập đến trong thỏa thuận ký tháng 11/2014 giữa Moscow và Havana trong thời gian Tổng thống Nga Putin đến thăm Cu Ba.
Thỏa thuận này cho phép Hải quân Nga, gồm các tàu tình báo lớp Victor Leonov neo đậu tại các cảng Cuba và sắp tới khôi phục lại tục hoạt động tình báo vô tuyến điện ở Lourdes.
Căn cứ quân sự Cam Ranh ở Việt Nam
Kể từ năm 1979, Hải quân Liên Xô vẫn có thể neo đậu trong vịnh Cam Ranh của Việt Nam và Moscow xem việc này đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự hiện diện của Liên Xô ở Ấn Độ Dương và vùng Vịnh Ba Tư.
Năm 2002, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh đóng cửa căn cứ này sau khi Hà Nội và Moscow thống nhất được việc chấm dứt hợp đồng cho Nga thuê miễn phí.
Mặc dù thực tế rằng, Nga và Việt Nam đã ký một thỏa thuận ghi nhớ để tạo điều kiện khôi phục lại căn cứ, nhưng hiện nay chính sách của Việt Nam không có kế hoạch cho những bước đi như vậy tiếp theo.
Quân cảng Cam Ranh của Việt Nam nằm ở vị thế địa chiến lược hết sức quan trọng
Chính sách nhất quán hiện nay của Việt Nam là từ chối sự hiện diện của bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ Việt Nam, do vậy Việt Nam chỉ có thể cung cấp cho Nga một trạm bảo dưỡng vật chất kỹ thuật tại Cam Ranh.
Thay vào đó, Hà Nội đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm kỹ thuật và hậu cần quốc tế hỗ trợ cho lực lượng hải quân nước ngoài mà sẽ cung cấp tiếp nhiên liệu, sửa chữa cũng như đào tạo cho thủy thủ tàu ngầm.
Hiện nay, Không quân Nga sử dụng các căn cứ không quân Cam Ranh để bố trị ở đây các máy bay tiếp nhiên liệu Il-78 thực hiện nhiệm vụ tiếp dầu trên không cho các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga.
Các máy bay này “bay huấn luyện” ở khu vực Thái Bình Dương và dọc theo bờ biển phía tây của Mỹ. Mặc dù Washington đã chính thức đề nghị Hà Nội không cho phép không quân Nga đồn trú máy bay tại đây nhưng hiện nay Việt Nam không đồng ý với lời đề nghị này (bởi nhiều lý do chính đáng của Việt Nam – PV).
Quân cảng Cam Ranh là nơi đồn trú của Lữ đoàn tàu ngầm Kilo 636 và nhiều chiến hạm hiện đại của Hải quân Việt Nam
Cuối bài viết, các tác giả cho rằng, mặc dù đưa ra những tuyên bố táo bạo trên các phương tiện truyền thông, nhưng kế hoạch của Nga nhằm khôi phục lại vị thế như là một cường quốc toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức và trở ngại lớn trong tất cả các lĩnh vực quan trọng như việc sẵn sàng sử dụng các căn cứ quân sự ở nước ngoài, vấn đề tài chính, hải quân đại dương, máy bay ném bom chiến lược và các tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, Nga vẫn sẽ là một cường quốc quân sự mạnh cần phải lưu tâm.
Tiến sĩ Jurai Beskid và Tomas Baranezlàm cùng làm việc tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng (Học viện các lực lượng vũ trang) tại Bratislava, Slovakia. Lĩnh vực nghiên cứu quan tâm của Tiến sĩ Jurai Beskid là Nga, Ukraine và tiềm năng quân sự của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ; còn ông Tomas Baranez chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến chủ nghĩa dân tộc, xung đột sắc tộc và chủ nghĩa ly khai ở vùng Caucasus.
Nguyễn Hoàng