(Bình luận của báo Nga) – Tham dự cuộc duyệt binh này chỉ có các lực lượng quân sự vũ trang đến từ Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Mông Cổ, Pakistan và Serbia.
Binh sỹ TQ đang chuẩn bị cho lễ diễu binh hoành tráng
Báo Sputnik của Nga ngày 26/8/2015 có bài bình luận nói rằng mặc dù Trung Quốc đã có những tuyên bố khá rõ ràng về ý nghĩa của cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần II có ý nghĩa như thế nào với người dân Trung Quốc nhưng sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo phương Tây lại một lần nữa ngụ ý cho thấy vấn đề chính trị hiện tại luôn lấn át các sự kiện tưởng niệm lịch sử.
Sputnik cho hay, hôm thứ Ba vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã tuyên bố rằng sẽ có khoảng 50 đại diện của các chính quyền nước ngoài, trong đó có khoảng chục nguyên thủ, lãnh đạo cao cấp của các quốc gia khác nhau trên thế giới sẽ tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II cũng như kháng chiến chống ngoại xâm của TQ.
Các nhà lãnh đạo sẽ theo dõi cuộc duyệt binh quân sự quy mô lớn tại Quảng Trường Thiên An Môn ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh cùng Chủ tịch nước Trung Quốc,
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, Tổng thống Pakistan Mamnoon Hussain.
Tham dự cuộc duyệt binh này chỉ có các lực lượng quân sự vũ trang đến từ Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Mông Cổ, Pakistan và Serbia.
Báo Sputnik của Nga cho biết, trong một bài viết gần đây, tờ Washington Times của Mỹ thay vì cố gắng nói thẳng việc muốn làm Trung Quốc mất mặt tại sự kiện duyệt binh sắp tới, đã lý giải thích rằng việc vắng mặt của các nhà lãnh đạo phương Tây ở Thiên An Môn bởi họ quan ngại rằng có thể nảy sinh những rắc rối xuất phát từ tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, quân sự hoá.
Hơn nữa, trên thực tế, một Trung Quốc đang trỗi dậy ở châu Á đã thực sự khiến cho nhiều quốc gia láng giềng có tồn tại mâu thuẫn chủ quyền với nước này quan ngại. Các nước phương Tây cũng có những mối lo chiến lược khi khả năng cạnh tranh, ảnh hưởng của họ có thể sẽ phải xếp sau Bắc Kinh nếu xu hướng “trỗi dậy” có hơi hướng bành trướng lãnh thổ như vậy tiếp tục được duy trì.
Trong một động thái khác, Đa Chiều – một tờ báo của cộng đồng người Hoa tại Mỹ cho hay, trong số các nguyên thủ sẽ không đến Trung Quốc tham dự sự kiện duyệt binh kỷ niệm kết thúc Thế chiến II có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng tổng Philippines Benigno Aquino.
Đa Chiều cho hay, cả hai nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Philippines đã từ chối lời mời của Trung Quốc.
Tờ báo của cộng đồng người Trung Quốc ở hải ngoại cho rằng động thái từ chối đến Thiên An Môn tham dự duyệt binh của nhà lãnh đạo Philippines không có gì là lạ và khó đoán bởi những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines trên khu vực Biển Đông.
Philippines được xem là một trong những quốc gia đang đối đầu, phản đối gay gắt nhất với tuyên bố đòi hỏi chủ quyền phi pháp mang tên “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Thậm chí, Manila cũng đang theo đuổi vụ kiện Trung Quốc ra toà án phân xử quốc tế ở Hague.
Ngay sau khi có thông tin xác nhận Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ không đến Thiên An Môn, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lập tức loan tin cho rằng Manila đang có kế hoạch công bố một bản đồ mới trong đó đưa bãi cạn Scarborough (đang bị TQ chiếm) vào phần thuộc chủ quyền của mình.
Đa Chiều cho rằng diễn biến trên Biển Đông sẽ còn nhiều phức tạp và quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines sẽ còn trải qua nhiều sóng gió trong tương lai gần.
Hoà Bình