The Diplomat cho rằng, ASEAN cần lên tiếng nhấn mạnh sự ủng hộ đối với quyền tự do hàng không trên biển.
Vụ Trung Quốc chặn máy bay dân dụng của Lào hôm 25/7 trên vùng biển Hoa Đông tiếp tục thu hút sự quan tâm của quốc tế. Bắc Kinh đã lên tiếng giải thích nhưng Lào lại chọn giữ im lặng. Vì sao Trung Quốc lại chọn máy bay của Lào để “ra oai”? ASEAN có cần lên tiếng trong vụ này?
Máy bay dân dụng của Lao Airlines
Ngày 30/7, phát biểu trên Tân Hoa Xã, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố vụ chặn một máy bay Lào bay vào không phận Trung Quốc hồi tuần trước không liên quan tới Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh đã đơn phương thiết lập tại biển Hoa Đông.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Dương Vũ Quân nêu rõ: “Máy bay số hiệu QV916 của Hãng hàng không quốc gia Lào (Lao Airlines), trên đường từ Hàn Quốc về Viêng Chăn, đã cố bay vào cái gọi là “không phận của Trung Quốc hôm 25/7 mà không được sự cho phép của giới chức hàng không”.
Ông Dương Vũ Quân nói thêm: “Việc Trung Quốc cấm chuyến bay vào không phận nước này là theo các quy định kiểm soát không lưu của Bắc Kinh, và điều này không liên quan tới ADIZ”.
Theo ông Dương Vũ Quân, máy bay QV916 đã gửi một yêu cầu bay vào không phận “tạm thời và không rõ ràng” cho phía Trung Quốc nhưng không đáp ứng yêu cầu cung cấp thêm thông tin, do vậy chuyến bay này không được cấp phép.
Kể từ khi Bắc Kinh đơn phương công bố cái gọi là khu nhận diện phòng không trên Biển Hoa Đông từ ngày 23/11/2013, bao trùm lên cả quần đảo Senkaku mà Trung Quốc tuyên bố có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và đá ngầm Socotra mà Trung Quốc tranh chấp với Hàn Quốc, đây là trường hợp đầu tiên Trung Quốc không cho máy bay hàng không dân dụng Lào đi vào khu vực này với lý do máy bay “không có giấy phép”.
Cho đến nay, Lào vẫn chưa có bất cứ phản ứng công khai nào liên quan đến vụ này. Theo các chuyên gia, Chính phủ Lào chọn cách giữ im lặng vì họ ngại mạo hiểm đến mối quan hệ tích cực với Trung Quốc.
Liên quan đến động thái chặn máy bay Lào của Trung Quốc, tạp chí The Diplomat mới đây cho rằng, ADIZ (phi pháp) của Trung Quốc chưa gây tổn hại đến lợi ích vật chất tức thời cho hàng không Mỹ và Nhật Bản.
Với những nước này, ADIZ mà Trung Quốc đơn phương thiết lập chỉ đơn thuần là dấu hiệu cho thấy rõ ý định của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng ở những vùng biển xung quanh. Chỉ có những nước nhỏ và yếu hơn sẽ phải chịu ảnh hưởng đáng kể, như thường thấy trong các vấn đề quốc tế. Và trường hợp của hãng hàng không Lào là một ví dụ.
Theo giáo sư người Mỹ Zachary Abuza, hành động của Trung Quốc là chiến thuật “giết gà dọa khỉ” nhằm gửi tín hiệu đến Nhật Bản và Hàn Quốc. “Trung Quốc rõ ràng chọn Lào, một nước nhỏ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Lào sẽ không gây ra một vụ ầm ĩ ngoại giao về chuyện này vì họ quá dễ tổn thương trước Trung Quốc”- Giáo sư Abuza nhận định.
Chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons (Mỹ) cũng cho biết ông cảm thấy khó hiểu trước việc Trung Quốc chỉ thực hiện động thái trên trong chuyến bay trở về của Lao Airlines, trong khi chuyến bay qua ADIZ từ Lào đến Hàn Quốc trong cùng ngày hoặc vào ngày trước đó lại không bị làm khó dễ.
The Diplomat cho rằng, ASEAN cần lên tiếng nhấn mạnh sự ủng hộ đối với quyền tự do hàng không trên biển. Trong một tuyên bố chung với Nhật Bản vào năm ngoái, ASEAN từng cam kết ủng hộ “quyền tự do hàng không và an toàn hàng không dân dụng theo các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế”, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982 và các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Nhìn chung các chuyên gia quốc tế đều cho rằng hành động chặn máy bay của Lào là hành vi vi phạm nghiêm trọng thông lệ và luật pháp quốc tế. Trong đó, có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Chưa xét tới yếu tố tranh chấp trong các nhóm đảo hiện nay trên biển Hoa Đông, chỉ cần đối chiếu một số điều khoản trong UNCLOS 1982 là thấy Trung Quốc đã đi quá xa. Trong đó quy định, mỗi một quốc gia ven biển đều có quyền thiết lập một vùng nhận dạng thuộc không phận hợp pháp của mình để nhằm mục đích khi phát hiện có tên lửa thì sẽ phát ra cảnh báo và đưa ra thông báo thích hợp đối với máy bay của nước ngoài đi vào khu vực này.
Thực tế cho thấy, Trung Quốc đã đơn phương cấm cả máy bay dân sự của một hãng hàng không như Lào Airlines đi qua biển Hoa Đông là điều không thể chấp nhận được. Lộ trình của chiếc máy bay từ Hàn Quốc về Lào hoàn toàn không hề vi phạm bất cứ điều khoản nào của thông lệ quốc tế.
Dư luận quốc tế cần phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ sự vô lý và ngang ngược này của phía Trung Quốc.
Theo Petrotimes
2015-07-31 23:08:06