(Bình luận quốc tế) – Tình hình Biển Đông có thể là trọng tâm thảo luận trong bữa tối tại Nhà Trắng giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã tiến hành xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông khiến các quốc gia láng giềng và Mỹ quan ngại. Liệu ông Obama sẽ đưa ra đối sách nào về vấn đề này hiện chưa rõ ràng.
Nhưng các chuyên gia quốc tế cho rằng, ông Tập sẽ không hạ giọng trong tuyên bố về Biển Đông. Điều này đặt câu hỏi về việc, liệu Mỹ sẽ cam kết ủng hộ các đồng minh châu Á hay né tránh để không làm trầm trọng thêm mối quan hệ Mỹ-Trung, vốn đang có chiều hướng cải thiện.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cụng ly trong bữa tiệc tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh tháng 11/2014.
“Ông Obama đã không quyết liệt trong vấn đề Biển Đông”, tiến sĩ Dean Cheng, chuyên gia về vấn đề chính trị và an ninh thuộc Tổ chức The Heritage nhận định. “Giới chức quân đội Mỹ muốn điều máy bay tàu chiến áp sát khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà TQ xây dựng trái phép. Nhưng Nhà Trắng không nhắc nhiều đến khả năng này”.
Mâu thuẫn giữa Mỹ-Trung về Biển Đông
“Nếu bồi đắp các rạn san hô trở thành đảo nhân tạo, khu vực an toàn xung quanh chỉ rộng khoảng 500 mét”, chuyên gia Greg Polling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của CSIS cho biết. “Do vậy, không thể có quyền lợi hàng hải trong các trường hợp này. Khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo mà TQ xây dựng trái phép là không có giá trị về mặt pháp lý”.
Theo ông Polling, Mỹ đã chủ động né tránh khỏi những căng thẳng liên quan đến đảo nhân tạo nhưng không chấp nhận hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Mỹ muốn đảm bảo tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước láng giềng được giải quyết bằng biện pháp hòa bình”, ông Polling nhận định. “Mỹ cũng muốn duy trì tuần tra ở Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải trước các tàu Trung Quốc”.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là Mỹ cần phải ngăn chặn Trung Quốc tạo ra những tiền lệ nguy hiểm, theo ông Polling. Điều này sẽ tác động đến chính sách của Mỹ trong các việc giải quyết mâu thuẫn với Nga hay Iran.
Do vậy, Mỹ có lý do để mong muốn đảm bảo luật pháp quốc tế được thực thi một cách đầy đủ. Tuy nhiên, trong cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Mỹ Obama, ông Tập có thể sẽ nhấn mạnh vào việc Mỹ thậm chí còn chưa ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển
Mỹ cần quyết liệt hơn trong vấn đề Biển Đông?
Trong khi ông Obama nhiều khả năng sẽ thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề Biển Đông trong bữa tối tại Nhà Trắng, những nỗ lực ngoại giao của Washington cho đến nay đã không mang lại kết quả.
Theo chuyên gia Cheng, Mỹ vẫn còn lựa chọn tuần tra ngay trên khu vực đảo nhân tạo phi pháp để thử phản ứng của Trung Quốc. Nhưng sau tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter rằng, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục “bay, đi lại và hoạt động ở Biển Đông trong phạm vi cho phép của luật pháp quốc tế”, Mỹ đã không làm gì cả.
Ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ của ông Tập, Thượng Nghị sĩ John MCcain đã chỉ trích Nhà Trắng “phạm sai lầm nguy hiểm” trong việc bày tỏ quan điểm về các đảo nhân tạo mà TQ xây dựng trái phép.
Cho đến nay, ông Obama đã ngăn không cho Bộ chỉ huy Thái Bình Dương thực hiện điều này vì lo ngại căng thẳng leo thang trong khu vực, theo ông Cheng.
“Sau cuộc gặp giữa ông Tập và Tổng thống Obama, chính quyền Mỹ có thể sẽ thể hiện lập trường một cách quyết liệt hơn, bao gồm việc đưa tàu chiến và máy bay áp sát khu vực 12 hải lý cũng như áp đặt lệnh trừng phạt các cá nhân, công ty TQ liên quan đến vụ tấn công mạng”, ông Cheng nhận định.
Tuy nhiên, không có nhiều lý do để tin tưởng ông Obama sẽ đưa ra quyết định nhất quán và kiên quyết trước khi rời nhiệm sở vào năm 2017, chuyên gia Dean Cheng kết luận.
Đăng Nguyễn (theo Ibtimes)