Thời gian gần đây người dân tỉnh Thanh Hóa đang rỉ tai nhau về cách làm giàu siêu tốc của kinh doanh đa cấp mà không hề tốn công sức, chỉ cần bỏ ra 1,2 triệu đồng, sau một năm sẽ thu về 5,2 triệu đồng
Thời gian gần đây người dân tỉnh Thanh Hóa đang rỉ tai nhau về cách làm giàu siêu tốc mà không hề tốn công sức, chỉ cần bỏ ra 1,2 triệu đồng, sau một năm sẽ thu về 5,2 triệu đồng. Cụ thể, những chân rết của cơ sở bán hàng đa cấp đã lôi kéo người tham gia rằng, đầu tư càng nhiều thì thu về càng lớn. Đó là nhân viên của doanh nghiệp núp bóng “Trung tâm hỗ trợ người nghèo”. Họ đang vận động người dân tích cực tham gia trò chơi đa cấp đầy mạo hiểm.
Núp bóng trung tâm hỗ trợ người nghèo
Rất nhiều người dân khi nghe thông tin về cách làm giàu siêu tốc này đều hồ hởi tham gia để nhanh chóng được đổi đời. Sau khi trở thành người của Trung tâm, họ ra sức lôi kéo người thân, họ hàng, bạn bè cùng tham gia để có được nhiều tiền hoa hồng từ hệ thống. Trò chơi kiếm tiền đầy mạo hiểm từ kinh doanh đa cấp này được quảng cáo là chẳng tốn một giọt mồ hôi, công sức nhưng thu lời lớn, chẳng khác gì quả bom nổ chậm đang chực sẵn người dân.
Trong vai một người dân lao động, chúng tôi đã tìm đến “Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong hệ thống phát triển nông thôn mới” tại địa chỉ thôn 1, xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa để tìm hiểu thực hư câu chuyện kiếm tiền siêu tốc mà người dân bàn tán suốt thời gian qua.
Giám đốc Dương đang ra sức chèo kéo khách hàng tham gia.
Sau khi tìm hiểu, PV phát hiện, để được là thành viên của Trung tâm, phải có người đang tham gia trong hệ thống giới thiệu, dẫn đến “xin xỏ”. Tại đây, chúng tôi được tiếp xúc với rất nhiều người làm nhiều ngành nghề khác nhau như giáo viên, sinh viên chưa có việc làm, tiểu thương, nông dân… Ngoài ra, còn có không ít người là cán bộ xã trong địa bàn huyện Thiệu Hóa tham gia. Điểm chung là, những thành viên được Trung tâm giới thiệu đều “thành đạt”, có thu nhập “khủng”.
Với biển hiệu “Trung tâm hỗ trợ người nghèo” nhưng thực tế trung tâm này không hoạt động gì liên quan đến từ thiện. Bất kỳ ai vào đây cũng được người của Trung tâm chèo kéo, vẽ ra viễn cảnh tương lai xán lạn chỉ với điều kiện thật đơn giản là nộp tiền để tham gia vào hệ thống và giới thiệu được nhiều người cùng tham gia. Bên cạnh đó, Trung tâm này đặt trụ sở trên địa bàn xã Thiệu Hóa, nhưng nhân viên của Trung tâm thường tìm đến các địa phương lân cận “tuyên truyền”, “hướng dẫn” như thực chất là dụ dỗ người dân cách làm giàu siêu tốc mà không phải qua một thủ tục nào, chỉ cần góp vốn ít rồi giới thiệu người. Vì vậy, tuy mới đi vào hoạt động được vài tháng nhưng Trung tâm luôn chật kín khách hàng. Người này mách nước cho người khác, nên đã có hàng nghìn người dân tìm đến Trung tâm để tham gia là thành viên, đóng tiền với số lượng lớn. Không ít thành viên mới tham gia đã đóng đến hàng trăm triệu đồng. Qua tìm hiểu của PV, những khách hàng này cho biết, họ chỉ “chơi” một thời gian ngắn mà đã nhận về số tiền nhiều hơn gấp mấy lần số tiền đã đóng.
Chị Nguyễn Thị T., trú tại thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa chia sẻ: “Đầu tư vào đây, “thu hồi” vốn nhanh lắm, lại không tốn công sức. Nộp càng nhiều tiền thì “thu hồi” vốn càng nhanh, lãi càng lớn. Tôi đóng vào đây hơn 50 triệu đồng mà tháng nào cũng thu về hơn chục triệu đồng, tháng sau phải được gấp đôi tháng trước, gửi ngân hàng, đến bao giờ mới sinh lãi được như vậy…”.
PV trực tiếp đến Trung tâm này, được một người đàn ông tự xưng là Nguyễn Văn Dương, Giám đốc chi nhánh Thanh Hóa tiếp chuyện. Qua trò chuyện, ông Dương ra sức “tuyên truyền”, chèo kéo tôi đầu tư vào Trung tâm để có thu nhập cao: “Em tìm đến đây nghĩa là ông trời đã cho em một cơ hội làm giàu, mà không phải ai cũng may mắn bắt gặp được. Nếu mình đóng góp tiền vào đây thì sẽ được tri ân bằng một số tiền lớn gấp nhiều lần số mình đóng. Em đầu tư càng nhiều, lợi nhuận đem về càng lớn…”.
Chưa được cấp phép, vẫn ngang nhiên hoạt động
Vị giám đốc này còn cho biết thêm, Trung tâm này có trụ sở chính tại Hà Nội. Khách hàng khi đầu tư vào đây sẽ nhận được số tiền tri ân lớn, nếu giới thiệu thêm một thành viên tham gia, khách hàng sẽ được thêm 500 nghìn đồng tiền hoa hồng từ Trung tâm. Nhưng, khi được hỏi về việc, lấy đâu ra tiền nhiều để Trung tâm chịu trả lãi cho người tham gia như vậy, ông Dương ú ớ…
Dù chưa được cấp giấy phép hoạt động nhưng trung tâm này vẫn ngang nhiên hoạt động.
“Bao giờ em đóng vào đây 100 mã, khoảng 120 triệu đồng, anh sẽ cho em xem giấy phép hoạt động, cũng như nguồn gốc của số tiền tri ân. Đứng đằng sau Trung tâm bọn anh là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất nhiều mặt hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nên không phải lo chuyện bị lừa”, ông Dương thao thao bất tuyệt.
Theo lời ông này nói, 1 mã đóng 1,2 triệu đồng, mỗi mã giới thiệu ít nhất 3 thành viên (phải tìm được ít nhất 3 người nộp 1,2 triệu đồng), thì cứ thế mà nhận tiền. Ngoài ra, khi đầu tư mỗi mã, khách hàng sẽ được tri ân 5,25 triệu đồng/mã (chia đều lấy tri ân trong vòng 1 năm). Nếu khách hàng đầu tư càng lớn (nhiều mã) thì số tiền lãi cứ thế nhân lên. Bảng tính tiền của nhân viên được nhận mỗi tháng, cứ tháng sau cao hơn gấp hai, gấp ba tháng trước.
Bà Trịnh Thị Xuân, trợ lý Trung tâm tiếp lời: “Chỉ một buổi chiều, có người mời được hơn chục người tham gia, kiếm lời về gần chục triệu đồng. Thu nhập của mỗi thành viên/ngày là 500.000 đồng. Hôm qua, có người vừa nghe qua đã đưa trực tiếp cho tôi gần 200 triệu đồng mà có cần phải làm giấy tờ gì đâu”.
Khi chúng tôi thắc mắc, số tiền nhiều người tham gia có đủ để trả tri ân trong vòng 1 năm không, một khách hàng giải thích: “Người ta tham gia nhiều lắm, mỗi ngày, công ty có hàng trăm người nộp tiền, có người mua hàng trăm, hàng nghìn mã số. Tôi nghe nói, các nhà hảo tâm, các tổ chức phi chính phủ, nước ngoài hỗ trợ nhiều lắm, nên việc được nhận 5,2 triệu đồng mã/năm có thấm vào đâu,… Vì lợi nhuận khủng nên người ta đua nhau nộp nhiều để nhận được gấp nhiều lần tiền “cho không” của Trung tâm này”.
Bác Nguyễn Văn Long, trú tại xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa chia sẻ: “Tôi đầu tư vào công ty bán hàng đa cấp, liên minh tiêu dùng nhưng bị thua lỗ gần 200 triệu đồng. Giờ, được người quen giới thiệu vào đây, nghe người ta tư vấn nên tôi cảm thấy an toàn mà thấy lợi nhuận lại cao. Tôi mới mua 100 mã, tương đương với 120 triệu đồng, mà đã nhận ngay tiền lãi những hơn 50 triệu đồng. Sau một năm, tôi nghe nói, sẽ kiếm được gần tỉ đồng”.
Trước vỏ bọc là trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, đã không ít người dân cả tin gửi vào đây một lượng tiền khá lớn. Thậm chí, nhiều gia đình không có cũng cố đi vay mượn, cắm cả sổ đỏ để lấy tiền đầu tư chỉ vì cái lợi trước mắt. Nhưng, thực tế về lâu dài thì không có gì đảm bảo. Theo tìm hiểu của PV, thì đây là một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp chưa được chính quyền cấp phép, đang hoạt động một cách chui lủi.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Xuân Phượng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Phú xác nhận: “Dù hoạt động trên địa bàn từ khoảng tháng Sáu đến nay nhưng chúng tôi cũng không biết mục đích, hay phương thức hoạt động của Trung tâm này ra sao. Nếu chưa có sự cho phép của huyện thì thời gian tới, chúng tôi sẽ trực tiếp đề nghị cho dừng hoạt động của Trung tâm này”.
(Còn nữa)
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Tiến, Chánh văn phòng UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: “Sau hơn hai tháng tại địa phương, chúng tôi đã trực tiếp kiểm tra các hoạt động tại “Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới” đóng trên địa bàn xã Thiệu Phú. Nhưng đến nay, trung tâm này vẫn chưa xuất trình được giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật. Hiện, Công an huyện Thiệu Hóa đã trực tiếp vào cuộc, tháo giỡ biển hiệu và cấm mọi hoạt động của trung tâm tại địa phương”. |
Có dấu hiệu lừa đảo Một cán bộ xã Thiệu Hóa chia sẻ: “Chúng tôi đã trực tiếp tuyên truyền cho bà con trên loa phát thanh của thôn, xã, cảnh báo họ tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Chúng tôi nhận định, đây là một hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng, có dấu hiệu lừa đảo. Nhưng, người dân thì vẫn ồ ạt tham gia, vì họ cho rằng, dễ thu hồi vốn và có lãi nhanh, thậm chí lãi “khủng” hơn ngân hàng rất nhiều. Người dân không nghe chúng tôi cảnh báo, dẫn đến bị lừa đảo, chúng tôi yêu cầu trình báo cơ quan công an giải quyết”. |
Chưa có giấy phép hoạt động Ông Lê Văn Tiến, Chánh văn phòng huyện Thiệu Hóa khẳng định: “Đây là một trung tâm chưa có giấy phép hoạt động, chúng tôi đã yêu cầu phòng Văn hóa trực tiếp đến dỡ các biển hiệu. Nhưng, bên phía trung tâm này đang xin thêm thời gian để hoàn tất một số thủ tục. Nếu, họ không xuất trình được giấy tờ hợp lệ, trong tuần tới, chúng tôi sẽ cho dừng mọi hoạt động của Trung tâm này tại địa phương”. |
Thiện Quyền