Nền Kinh Tế Thế Nào Thì Mới Đủ?
Sunday, September 20, 2015 7:20
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
“Kiếm sống”“Phải thực tế”“Phải có công ăn việc làm”
Ta đã nghe quá nhiều những ý kiến như thế này mặc dù khi lớn rồi, chẳng ai cần phải nhắc nhở ta điều đó nữa. Chúng ta tự bảo bản thân phải như vậy. Nhưng chắc chắn phải có một khoảng thời gian nào đó trong quá khứ, chúng ta được nghe người lớn nói như vậy lần đầu tiên. Bạn có nhớ không?
Có thể bạn nghe lần đầu khi được hỏi: “Con muốn làm gì khi lớn lên?”, cứ như là lúc đó bạn chả là gì cả. Bạn có thể đã trả lời thế này: “Con muốn chơi với những con ngựa”, hay “Con muốn bay lên mặt trăng”, hay thậm chí “Con muốn giúp thế giới bớt đau khổ”. Nếu bạn còn nhỏ, những người lớn có thể thích thú với sự hồn nhiên vô tư đó. Nhưng nếu bạn là người sắp trưởng thành, có thể họ sẽ nói: “Vậy cũng tốt nhưng con cần phải thực tế. Phải có công ăn việc làm để kiếm sống”.
Và rồi chúng ta bán rẻ những ước mơ như là yêu thương động vật để đi làm bác sỹ thẩm mỹ, bán rẻ ước mơ chu du trên đại dương mênh mông để đi làm nhà đầu tư, bán rẻ ước mơ giản dị là được cùng sống với thiên nhiên để đi kiếm một công việc gì đó sống qua ngày.
Đến đây có thể bạn đọc chỉ muốn dừng lại vì các bạn đã biết tôi muốn nói gì với bài viết này. Tôi chạm đến vết thương sâu thẳm của tất cả chúng ta, ít nhất là trong xã hội phương Tây này – cái ngày mà ta phải tự nuôi bản thân mình bằng cách bán cái gì đó cho ai đó để mà tồn tại. Tôi biết rằng nó rất đau, vì tôi cũng có một vết thương như vậy.
Nó còn đau đớn hơn khi chúng ta nhìn đến bức tranh toàn diện rời rạc. Lý do mà một số người không có cái gì để ăn, bệnh do virus ebola không thể chữa, thời trang liên tục lỗi thời và máy móc thì được thiết kế để liên tục hỏng hóc khi tới hạn, chính là vì cái sự “kiếm sống” đó. Cho đến khi nào thì chúng ta mới có một phút dừng lại để suy nghĩ và nhận ra rằng ngày nay, chẳng ai cần phải “kiếm sống” nữa?
Cứ nghĩ xem, ngày xưa tổ tiên chúng ta và những người sống trong văn hoá bộ lạc. Khi họ không chơi đùa và nghỉ ngơi, mọi người đều làm một cái gì đó để đóng góp cho sự sống của tất cả những người khác mà chủ yếu là tạo ra thức ăn. Chắc chắn rằng trong thời đại công nghệ ngày nay, chúng ta có thể đạt được điều đó một các dễ dàng – cung cấp nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của tất cả mọi người – và còn hơn như vậy nữa.
Khi Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ tuyên bố độc lạp từ cuối những năm 1700, 90% người Mỹ kiếm sống bằng các tự trồng thức ăn. 10% còn lại là coi kho, thợ rèn, thợ may, ngân hàng, và những việc khác. Ngày nay, có ít hơn 1% dân số làm việc liên quan đến nuôi trồng thực phẩm, toàn bộ số còn lại bị dồn vào vị trí là phải tạo ra cái gì đó cho người khác mua. Thay vì nhận ra sự hữu dụng của tự động hoá có thể khiến cho toàn bộ nhân loại thoát khỏi cảnh “kiếm sống”, chúng ta cứ mãi miết cắm đầu tạo ra việc cho người khác làm để “kiếm sống”. Những việc đó là gì?
Joel Comm kiếm được 400000 USD từ việc thiết kế ứng dụng điện thoại có tên là iFart, để tạo ra tiếng đánh rắm mỗi khi bấm nút. Gary Dahl kiếm được 15 triệu USD trong 6 tháng bằng việc bán đá hình thú cưng và Richard James kiếm được 250 triệu USD từ trò chơi Slinky. Jessica Vanessa thì nghĩ ra sáng kiến quay phim lắc mông để kiếm tiền thay vì giáo dục trẻ em. Toàn thế giới bỏ ra 500 tỷ USD mỗi năm để thuyết phục mọi người rằng họ cần lắm những sản phẩm như thế, cao hơn 20 lần so với số tiền cần để loại bỏ nạn đói. Khi nhìn vào thực tế rằng có đến 17 triệu trẻ em ở Mỹ không có gì để ăn, những câu chuyện “kiếm sống” như thế này đặt ra nhiều câu hỏi rất rõ ràng. Tại sao chúng ta phải tiếp tục làm nô lệ cho những công việc mà liên tục tạo ra của cải, dịch vụ dư thừa trong khi đồng loại còn không có gì để mà ăn?
Tôi không cố ý vơ đũa cả nắm nhưng những ai sống ở xã hội phương tây này đều phải chịu một áp lực thực sự trong việc “kiếm sống”, dù đó là do họ tự chuốc lấy. Không chỉ có sự sinh tồn của chúng ta phải dựa trên việc “kiếm sống” mà vô hình chung, nó còn ảnh hưởng lên cả danh dự phẩm chất con người. Đối với nhiều người, của cải là giá trị sâu sắc nhất của họ. Nhưng thôi, hãy tạm quên chuyện đó và tự hỏi bản thân bạn điều này.
Công việc “kiếm sống” hàng ngày của tôi có cần thiết cho xã hội hay không? Nói cách khác, xã hội có tồn tại mà không cần những thứ tôi tạo ra không? Tôi có thể nói thật lòng rằng tôi chưa bao giờ làm việc gì có ích cho sự tồn tại của người khác. Không phải ai cũng vậy nhưng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta thực sự chân thật với bản thân, tôi nghĩ ai cũng sẽ đồng ý với suy nghĩ trên. Vậy thì mục đích của nền kinh tế này là gì, nếu nó không phải để giải quyết nhu cầu của tất cả mọi người?
Thực ra nền kinh tế này có một mục đích. Đó là tối đa hoá tổng sản phẩm nội địa (GDP), một thước đo tổng giá trị sản phẩm qui đổi thành tiền. Theo lý thuyết thì con số này càng cao, cuộc sống của người dân càng hạnh phúc và tốt đẹp. Đây là một giả thuyết nền tảng cho thái độ cứng nhắc của chúng ta là phải dành hết thời gian để “kiếm sống” – trong khi cuộc sống trên tinh cầu xinh đẹp này thì rất quí báu và hữu hạn.
Vậy câu hỏi đặt ra là: nền kinh tế phải như thế nào thì mới đủ? Thống kê cho thấy rằng ngành công nghiệp chế biến và phân phối thực phẩm chiếm 5% tổng lượng kinh tế. Việc khai thác và phân phối năng lượng chiếm khoảng hơn 3%, trong đó phần lớn là dùng để tiếp tục tạo ra sản phẩm dư thừa và buộc chúng ta phải không ngừng thiết kế, quảng cáo, làm tài chính, sản xuất và vận chuyển. Cho dù với mức độ phung phí và giá cả cắt cổ như hiện nay, ngành chăm sóc sức khoẻ chỉ có 7% GDP. Chúng ta cần cái gì nữa? Internet? 0.3%. Thú y? 0.1%. Khi bạn cộng tất cả lại, chỉ có 15% tổng lượng kinh tế là hướng đến việc thoả mãn nhu cầu thiết yếu của con người (thậm chí còn thấp hơn con số đó rất nhiều nếu xét cả những thiết kế vô dụng chỉ để tăng doanh thu).
Vậy nếu ta chỉ cần 15% nền kinh tế hiện nay, cái gì là đại diện cho 85% còn lại? Nền tài chính, bảo hiểm, bất động sản, thuê mướn, trả góp, chiếm đến 20% GDP. Không một thứ gì trong những ngành này thực sự cần thiết cho nhu cầu sống căn bản của con người, thay vào đó, chúng chỉ là một cuộc chơi vô bổ do chính chúng ta tạo nên. 12% GDP thuộc về các dịch vụ chuyên môn và kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp thiết kế, tiếp thị, quản lý tài chính, sản xuất và vận chuyển những sản phẩm mà ta cần phải bán để “kiếm sống”.
Vài người cho rằng chúng ta cũng cần nền công nghiệp sản xuất (12%) và xây dựng (4%). Tuy nhiên, sức làm việc tối đa của máy móc mà chúng ta tạo ra thì lại đang bị phung phí một cách vô lý mà không thể được “chia sẻ”. Trên thực tế, chúng ta đang lãng phí rất nhiều. Tỷ lệ thống kê số lượng nhà bỏ hoang lớn gấp 5 lần tổng số người vô gia cư, cho thấy ta chẳng cần phải xây thêm nhà làm gì nữa.
Chỉ nhìn vào sự phẩn bổ của GDP, chúng ta có thể thấy rõ là hầu hết nền kinh tế này là không cần thiết và chỉ tồn tại vì một quan niệm cổ hủ biện minh cho việc ta sống là để sản xuất hàng hoá và buộc người khác phải mua. Không chỉ vậy mà tất cả những khâu sản xuất và tiêu thụ vô tội vạ (trong khi tài nguyên thì đang cần được tiết kiệm tối đa) là lý do của biến đổi khí hậu, bất công xã hội, chiến tranh và tất cả những dạng tệ nạn kinh khủng khác trên thế giới. Tất cả chỉ để giữ một nền kinh tế mà ta chẳng cần? Chúng ta đang làm gì vậy?
Có quá nhiều thứ cần chỉnh đốn. Chỉ là những thứ đó không liên quan đến việc tạo ra sản phẩm để tiêu thụ. Chúng ta cần lắm những con người sẵn sàng tự trồng trọt thức ăn để giảm tác hại lên hệ sinh thái, dành nhiều thời gian hơn để nuôi dưỡng trọn vẹn những đứa trẻ mà sau này lớn lên sẽ đủ lành mạnh để tự giải quyết các vấn đề bản thân. Nhưng bạn sẽ không thể thuyết phục ngân hàng cho bạn mượn tiền để làm những điều đó. Ngân hàng chỉ giúp đỡ khi họ thấy được tiềm năng hái ra tiền từ bạn. Điều này hạn chế tối đa khả năng giải quyết vấn đề xã hội của nền kinh tế này.
Chúng ta cần một cuộc cách mạng kinh tế, chuyển đổi sang một nền kinh tế mới mà có thể giải quyết nhu cầu sống căn bản của toàn bộ thế giới, chứ không phải chỉ một vài người có đủ điều kiện để “kiếm sống”. 200 năm trước, ta cần 9 người làm việc để tạo ra đủ thức ăn cho 10 người. Ngày nay, chỉ cần 1 người làm việc là đã tạo ra đủ thức ăn cho 100 người. Tự động hoá đã khiến ta có đủ khả năng sản xuất tối đa trong khi giảm sức lao động con người đến tối thiểu. Cái quan niệm phải “kiếm sống” đã ăn quá sâu vào tâm trí của chúng ta xuyên suốt lịch sử, đến nỗi ngày nay ta không thể nhận ra rằng ta chỉ việc ngừng lại, và chia sẻ những gánh nặng vật chất cho toàn bộ nhân loại một cách bình đẳng. Thay vào đó, ta cứ tiếp tục tạo ra vô vàn các cách thức và thủ đoạn để “kiếm sống”.
“Kiếm sống”, một cụm từ thật thú vị. Bạn phải làm gì đó để được sống. Bạn không đáng sống nếu bạn không làm điều gì đó mà có thể đo được bằng tiền. Tôi ngồi đây, nhìn những con hươu phải nhảy qua hàng rào do ta dựng nên để bảo vệ “tài sản riêng” trong khi những con sóc thì đi thu lượm những hạt rơi vãi trên mặt đất, tôi tự hỏi sẽ có không một ngày, con người thức tỉnh trước thực trạng của chính mình, rằng chúng ta đã tạo ra một thế giới vô cùng trù phú cho toàn bộ sinh linh. Tất cả những gì ta cần làm bây giờ là cùng nhau nhận thức được điều đó.
Nguồn: sustainablehuman.com
(Theo bối cảnh Hợp chủng quốc Hoa Kỳ)
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo