(Tình hình Syria) – Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả về mặt ngoại giao và quân sự nhằm đạt đạt được thỏa thuận với ông Obama tại cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo ở New York.
Lần cuối hai nhà lãnh đạo cùng đối thoại trực tiếp với nhau đã cách đây 2 năm, trong khuôn khổ hội nghị G-8 tại Bắc Ireland vào tháng 6/2013. Khi đó, ông Putin đã cùng Obama bàn về cách giải quyết cuộc nội chiến ở Syria. Giờ đây tại New York, hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ sẽ tiếp tục bàn về chủ đề này nhưng ông Putin đã có sự chuẩn bị luận điểm một cách kỹ càng hơn.
Kể từ khi xung đột ở Syria nổ ra vào năm 2011, ông Putin đã nhiều lần kêu gọi phương Tây ngừng hỗ trợ lực lượng nổi dậy Syria chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Mỹ đã làm ngơ để rồi quãng thời gian 2 năm qua trở nên hỗn loạn và bạo lực hơn bao giờ hết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Rõ ràng, Mỹ đã thất bại trong việc huấn luyện và vũ trang cho các nhóm nổi dậy ôn hòa cũng như chiến tranh đã tạo nên cơ hội để Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy và chiếm đóng một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq, Syria. Nhiều quốc gia ở châu Âu và Trung Đông đang phải hứng chịu làn sóng người di cư ồ ạt bởi cuộc xung đột ở Syria.
Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, ông Putin đã có bài phát biểu đầu tiên phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sau 10 năm với những quan điểm về Syria và phiến quân Hồi giáo IS. Ông Putin mong muốn Nga, Mỹ, Iran và các đồng minh phương Tây sẽ cùng hợp lực chống lại IS. Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng đề xuất thêm vai trò của chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố này.
Trong nhiều tuần qua và trước khi ấn định cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Obama, ông Putin đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho kế hoạch này. Về mặt quân sự, Nga đã triển khai xe tăng, máy bay và binh sĩ đến bảo vệ thành trì ở phía tây Syria.
Thông điệp của ông Putin đã rõ ràng, dù có sự đồng ý của Mỹ hay Liên Hợp Quốc hay không, Nga vẫn sẽ hỗ trợ Tổng thông Syria Bashar al-Assad, giúp Syria chiến đấu chống lại phe đối lập và các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Ông Obama rõ ràng sẽ phải đứng trước quyết định khó khăn, rằng Mỹ có chấp nhận hợp tác với chính phủ Syria hay không. Ngay trong nội bộ đồng minh Mỹ, nhiều quốc gia phương Tây đã đặt ra khả năng ông đóng vai trò cần thiết cho giải pháp chấm dứt xung đột ở Syria.
Về mặt ngoại giao, Tổng thống Nga Putin ngày 24/9 đã gặp gỡ người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Tại Moscow, ông Erdogan lần đầu tiên thừa nhận rằng ông Assad có thể đóng vai trò “chuyển tiếp” ở Syria.
Ba ngày sau, ông Putin đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và đạt thỏa thuận hợp tác quân sự giữa lực lượng Nga-Israel ở Syria. Rõ ràng, cuộc khủng hoảng người di cư đã hối thúc các nhà lãnh đạo phương Tây tìm kiếm giải pháp mang tính xây dựng nhằm chấm dứt xung đột ở Syria.
Giờ đây, nếu như ông Putin có thể khiến Tổng thống Mỹ Obama chấp nhận lời đề nghị về xung đột Syria, điều này sẽ đánh dấu một trong những thành tựu ngoại giao lớn nhất trong 15 năm cầm quyền. Vai trò của Nga ở Trung Đông đang trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết kể từ khi Liên Xô tan rã.
Nga đang từng bước tháo gỡ sự cô lập về ngoại giao. Nếu như Moscow có thể tham gia vào liên minh quân sự với phương Tây tại Syria, ông Putin sẽ đạt được bước tiến lớn trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt cách đây một năm.
Để chuẩn bị cho cuộc hội đàm với ông Obama, không ngạc nhiên khi Tổng thống Nga Putin chủ động đưa ra những cử chỉ thân thiện với phương Tây. Hồi đầu tháng này, giao tranh ở miền đông Ukraine đã chấm dứt. Ngày 25/9 vừa qua, các quan chức Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu đã đạt thỏa thuận cung cấp khí đốt trong mùa đông năm nay.
Một ngày sau đó, Nga đã trao trả sĩ quan người Estonia, Eston Kohver về nước. Sỹ quan này đã bị bắt giữ ở Nga vào năm ngoái với cáo buộc gián điệp. Ông Putin còn chủ động gọi điện cho ca sĩ Elton John để thảo luận về quyền lợi của người đồng tính.
Rõ ràng, ông Putin đã có những động thía thân thiện đối với Mỹ và các đồng minh phương Tây, dù nhưng nỗ lực này là chưa đủ để khôi phục mối quan hệ Nga-Mỹ vốn trở nên tồi tệ nhất từ thời Chiến tranh Lạnh.
Điều này sẽ khiến Tổng thống Mỹ Obama khó có thể phủ nhận đề nghị của ông Putin về vấn đề Syria. Dù đồng ý hợp tác hay phản đối, chiến lược của ông Obama giờ đây đều có liên quan đến lực lượng Nga vốn đã tăng cường hiện diện ở Syria.
Đăng Nguyễn (theo TIME)