Thời gian gần đây “tín dụng đen” phát triển rất nhanh với quy mô lớn. Tuy nhiên, những người vay tiền từ “tín dụng đen” không thể trả nợ, do lãi suất “cắt cổ”.
Vì vậy, việc các công ty tài chính minh bạch lãi suất cho vay, phần nào giúp dân tin tưởng và tiếp cận được với nguồn vốn. Đồng thời, điều này cũng góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” hoành hành.
Các khách mời tại buổi tọa đàm “Vay trả góp: Thêm minh bạch để bớt phiền hà”
Chỉ hạn chế chứ không thể dẹp bỏ
Tại buổi tọa đàm “Vay trả góp: Thêm minh bạch để bớt phiền hà” vừa diễn ra tại TP. HCM, ông Friedrich Weiss, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam, khẳng định: “Không chỉ ở Việt Nam mà trên các nước, “tín dụng đen” chỉ có thể hạn chế chứ không thể dẹp bỏ hoàn toàn. Ngay cả các nước phát triển cũng vẫn tồn tại thực trạng này. Bởi, nhu cầu về vay vốn là vấn đề cấp thiết của người dân. Vì vậy, để hạn chế “tín dụng đen”, các công ty tài chính cần hỗ trợ để nâng cao kiến thức về tài chính cho khách hàng. Giúp khách hàng hiểu rõ về hợp đồng. Bên cạnh đó, các công ty tài chính cần phải tăng mức độ minh bạch, có dịch vụ tốt và bảo vệ khách hàng hợp lý. Có như vậy, mới kéo được khách hàng đến với các công ty tài chính, thay vì họ tìm đến các “tín dụng đen”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho hay, để kéo được khách hàng đến với mình, thì công ty tài chính cần phải công khai minh bạch hơn. Đồng thời, hồ sơ cho vay đơn giản nhưng phải đảm bảo tính pháp lý cao và chặt chẽ về điều kiện vay vốn. Bên cạnh đó, các công ty tài chính mở rộng hệ thống tài chính tới từng ngõ ngách, để người dân biết và tiếp cận được với nguồn vốn vay tiêu dùng của các công ty tài chính.
Cùng chung quan điểm này, bà Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TP.HCM cho biết: “Sau khi ký hợp đồng với khách hàng, công ty tài chính nên quan tâm khách hàng có khó khăn gì không để hỗ trợ. Đối với người dân, nếu cần vay vốn thì nên nghiên cứu, có thể thế chấp tài sản để được vay từ công ty tài chính với lãi suất ưu đãi hơn”.
Lãi suất các công ty tài chính còn cao
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết: Do trình độ người dân còn nhiều hạn chế, vì vậy đòi hỏi công ty tài chính cần minh bạch trong việc công bố lãi suất cho vay. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất của các công ty tài chính cao hơn lãi suất ngân hàng.
Việc lãi suất các công ty tài chính cao hơn như vậy, do hoạt động của các công ty tài chính khá đặc thù, không được huy động vốn từ dân cư, mà phải huy động từ các tổ chức và vay có kỳ hạn từ các tổ chức, thông qua việc phát hành các loại giấy tờ có giá.
Theo ông Minh, do đặc thù như vậy nên có khác về lãi suất cho vay. Hiện nay, lãi suất trung bình các công ty tài chính cho vay từ 39%-49%/năm, nhưng có những sản phẩm lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, mức lãi suất này, cũng không vi phạm luật các tổ chức tín dụng.
Để các công ty tài chính giảm lãi suất cho vay, ông Minh đưa ra đề xuất: “Nên tạo ra sự cạnh tranh giữa các công ty tài chính, để giảm được lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất có thể. Đồng thời, các công ty tài chính có thể hợp tác với nhà sản xuất ra hàng hóa. Nhờ vậy, khách hàng được vay với lãi suất thấp, nhà sản xuất bán được nhiều hàng hơn và chính phủ thu được thuế nhiều hơn”.
Còn theo ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: “Ở Việt Nam đã đến lúc phải dẹp bỏ “tín dụng đen”. Để làm được điều này cần cấp phép cho các công ty tài chính chính thức hoạt động rộng rãi. Các công ty này sẽ giám sát nội bộ và Ngân hàng Nhà nước giám sát sự minh bạch. Chắc chắn các công ty tài chính phải hoạt động minh bạch, vì họ có lợi ích lâu dài và gìn giữ khách hàng. Bây giờ lãi suất cho vay tiêu dùng còn cao, nhưng nếu nhiều công ty tài chính cùng hoạt động, tạo ra sự cạnh tranh thì lãi suất sẽ tự giảm”.
Thanh Thắng