Sau cú “lao dốc không phanh” khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, hiện tại, các đồng tiền châu Á đã lấy lại sức mạnh.
“Rổ tiền tệ” châu Á ghi nhận sự phục hồi của nhiều đồng tiền
Các đồng tiền ở khu vực châu Á đang tăng giá mạnh trở lại. Cụ thể, đồng ringgit của Malaysia và đồng rupiah của Indonesia lần lượt tăng 2,64% và 3,68% so với đồng bạc xanh trong phiên 9/10. Như vậy, trong tuần này đồng rupiah đã tăng đến 9% so với đồng USD. Tương tự, các đồng nội tệ của Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và Philippines cũng lên giá so với đồng bạc xanh.
Trong khi đó, đồng tiền chung châu Âu (euro) tăng lên mức 1,1286 USD/euro và 135,44 yen/euro từ mức 1,1275 USD/euro và 135,26 yen/euro trong phiên giao dịch trước đó.
Lực phục hồi của các đồng tiền châu Á càng mạnh thêm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố biên bản cuộc họp tháng 9 vào ngày 8/10. Thông tin của FED đã củng cố những đồn đoán về khả năng ngân hàng này sẽ không vội tăng lãi suất trong thời gian tới trước những diễn biến “bấp bênh” của nền kinh tế Trung Quốc. Điều này khiến đồng USD mất đà và giảm giá trị.
Trước đó, trong đợt bán tháo hồi tháng 8-9, tỷ giá các đồng tiền trong “rổ tiền tệ” châu Á đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính hồi cuối thập niên 1990.
Nguyên nhân là ngày 11/8, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) lần đầu giảm mạnh tỷ giá hối đoái tới 1,9%, là đợt giảm sâu nhất trong 20 năm trở lại đây, ở mức 6,2298 NDT/một USD, giảm 1,86% so mức 6,1162 NDT/một USD của ngày 10/8. Tiếp đó, ngày 12/8, NDT tiếp tục mất giá 1,6% khiến giá trị đồng tiền này rơi xuống mức thấp nhất trong bốn năm qua.
18 năm trước, cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á bắt đầu bằng việc đồng baht của Thái Lan sụt giá 15% so với đồng đôla Mỹ. Liền ngay sau đó, đồng rupiah của Indonesia đã mất giá tới 86% so với đồng đôla Mỹ và Jakarta rơi vào tình trạng bạo lực, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 5.000 tòa nhà bị thiêu rụi. Cơn bão suy giảm giá trị đồng tiền lan nhanh sang Hồng Kông, Malaysia, Philippines….
Gần 20 năm sau, đồng tiền các nước trong khu vực một lần nữa lại chịu sức ép giảm giá, buộc chính phủ các nước tìm phương án chống đỡ.
Theo tin tức từ CNN, Indonesia tiếp tục là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng rupiah giảm 15% trong hơn 1 năm qua so với đồng USD. Tuy nhiên, ringgit Malaysia mới là đồng tiền mất giá nhiều nhất, 25%.
Ngay khi thị trường vốn châu Á đang nghẽn thì Bắc Kinh liên tục hạ giá nhân dân tệ. Việc bất ngờ phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc được giới quan sát cho rằng nhằm ủng hộ xuất khẩu, tuy nhiên, đã ngay lập tức tác động đến các nước khác trong khu vực.
Như vậy, sau một thời gian trượt giá khi Trung Quốc – nền kinh tế hàng đầu khu vực, đưa ra quyết định điều chỉnh tiền tệ, các đồng tiền châu Á đã chính thức hồi phục sức mạnh.
Kiều Hương (T.H)