(Bình luận quốc tế) – Thất bại trong nhiều cuộc chiến tranh, Mỹ vẫn tiếp tục sa lầy trong việc huấn luyện các lực lượng nước ngoài ở Afghanistan, Iraq hay Syria.
Chỉ mới cuối tháng trước, 7000 binh sĩ Afghanistan với trang bị hiện đại và được huấn luyện bởi quân đội Mỹ đã không thể bảo vệ thành phố Kunduz trước một lực lượng Taliban với quân số ít hơn.
Đây chỉ là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy những lực lượng nước ngoài do Mỹ huấn luyện không thể tự mình chiến đấu một cách hiệu quả.
Chính Washington đã phải đối diện với điều này vào năm ngoái ở Iraq. Mỹ đã tiêu tốn 25 tỷ USD để huấn luyện và trang bị vũ khí cho quân đội Iraq.
Nhưng họ lại nhanh chóng hạ vũ khí và tháo chạy để hai thành phố Mosul và Ramadi rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo (IS). Khi đó, khoảng 1.000 tay súng IS đã đánh bại 30.000 binh sĩ Iraq.
Quân đội Afghanistan chuẩn bị cho chiến dịch tấn công Taliban.
Trong quá khứ, thất bại như vậy cũng từng xảy ra và hiện tại là Syria. Phe nổi dậy ôn hòa do Mỹ huấn luyện đã không chiến đấu chống IS mà quay sang gia nhập các nhóm Hồi giáo cực đoan như al-Nusra, tổ chức có liên hệ với al-Qaeda.
Những thất bại này đặt ra hai hai vấn đề cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Vì sao điều này lại xảy ra và tại sao Washington liên tiếp lặp lại những sai lầm như vậy?, ông Lawrence Korb, cựu Trợ lý quốc phòng dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung Tâm Nghiên cứu vì sự Tiến bộ của nước Mỹ đặt câu hỏi.
Một số cho rằng quân đội Mỹ không thể sẵn sàng huấn luyện một cách hiệu quả. Nhưng điều này không chính xác bởi người dân Mỹ có thể được đào tạo để chiến đấu hiệu quả chỉ trong vòng 12 tuần. Bên cạnh đó, các lực lượng nước ngoài do Mỹ huấn luyện cũng thường được trang bị vũ khí hiện đại hơn đối phương.
Theo chuyên gia Krob, các lực lượng này thất bại vì họ không có động lực để chiến đấu. Quá khứ ở châu Á, Iraq và Afghanistan ngày nay đã minh chứng rõ rệt cho luận điểm này.
Washington hiểu rõ vấn đề về động lực nhưng vẫn tiếp tục huấn luyện các lực lượng nước ngoài bởi nhờ đó, Mỹ không cần phải trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến.
Quân đội Iraq diễu hành tại Baghdad năm 2014.
Ở Iraq, sau khi giải thể toàn bộ lực lượng nước này, Mỹ đã bắt đầu huấn luyện quân đội Iraq kiểu mới. “Khi người Iraq đứng lên, chúng ta sẽ lùi lại”, Tổng thống Mỹ Geogre W. Bush lý giải trong chính sách.
Sự trỗi dậy của al-Qaeda ở Iraq mà sau đó đã trở thành IS đã khiến kế hoạch rút quân của Mỹ bị đẩy lùi 5 năm. Trước khi rút quân, Mỹ đã huấn luyện cho khoảng 500.000 binh sĩ quân đội Iraq.
Tình hình ở Afghanistan cũng không khả quan hơn. Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh ở quốc gia này sau khi Taliban từ chối giao nộp trùm khủng bố Osama bin Laden. Nhà nước thân Mỹ do Washington dựng nên những năm qua đã không thể bảo vệ lãnh thổ trước lực lượng Taliban.
Theo chuyên gia Korb, Mỹ đã huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan với quân số hơn 300.000 người. Tuy nhiên, tỷ lệ đào ngũ ở mức cao cũng như nhiều sĩ quan trung thành với bộ lạc hơn vì cho rằng chính phủ hoạt động không hiệu quả cũng như nạn tham nhũng.
Cho đến nay, Tổng thống Mỹ Obama vẫn tin rằng Mỹ có thể huấn luyện thành công lực lượng quân đội nước ngoài. Washington hiện đang duy trì khoảng 10.000 binh sĩ ở Iraq và Afghanistan bất chấp lời kêu gọi rút quân của dư luận trong nước.
Về việc đào tạo và trang bị cho phe nổi dậy ở Syria, ông Obama đã thừa nhận điều này là hoàn toàn phi thực tế.
Đăng Nguyễn (theo Reuters)