Theo nhà sản xuất, chiếc SH được bảo vệ tối đa trong vòng 10 ngày sau khi người dùng chủ động bật tính năng cảnh báo chống trộm nhưng trên thực tế thì chức năng trên chỉ hoạt động được 10 phút.
Thời điểm “tung” Honda SH trang bị chìa khóa điều khiển từ xa (hôm 9/9) ra thị trường, Honda Việt Nam từng tuyên bố, công nghệ mới trên chiếc xe tay ga sẽ làm tăng sự tiện dụng cho người dùng và nhấn mạnh khả năng chống trộm.
Với tính năng mới này, Honda Việt Nam đã tăng giá SH thêm 1 triệu đồng so với mẫu xe trước đó, mặc dù toàn bộ bộ phận còn lại của chiếc xe không hề thay đổi.
Theo Honda Việt Nam, sau khi kích hoạt tính năng cảnh báo chống trộm trên bộ điều khiển FOB, thì hệ thống sẽ duy trì cảnh báo trong vòng 10 ngày. Có nghĩa, chiếc SH được bảo vệ tối đa trong vòng 10 ngày sau khi người dùng chủ động bật tính năng cảnh báo chống trộm, bước sang ngày thứ 11, nếu chủ sở hữu không kích hoạt lại thì tính năng này sẽ tự động ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, tính năng cảnh báo chống trộm của Honda SH trên thực tế chỉ hoạt động được không quá 10 phút và sau đó sẽ mất khả năng cảnh báo nếu người dùng không kích hoạt lại.
Với khoảng thời gian bảo vệ an toàn cho chiếc xe ngắn ngủi như vậy, đồng thời lại không được nhà sản xuất cảnh báo trước, chủ sở hữu SH có thể đối mặt với nguy cơ mất trộm xe, do đặt niềm tin vào tính năng chống trộm an toàn theo lời quảng cáo của Honda Việt Nam.
Theo ghi nhân của phóng viên báo Người Đưa Tin, rất nhiều chủ xe SH phiên bản 2015 đã đến các đại lí để tiến hành khắc phục. Điển hình như ở đại lí Honda trên đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội), chỉ trong vòng 15 phút, có đến 5 khách hàng mang xe đến để sửa chữa lỗi ổ khóa.
Một số xe của khách hàng mang tới đại lí Honda, trong số đó có vài xe SH được Honda Việt Nam mời đến thay ổ khóa. |
Anh Duy (21 tuổi, Mỹ Đình) chủ một xe SH cho biết: “Mình nhận được tin nhắn từ phía Honda cho biết, xe của mình có lỗi chống trộm trong ổ khóa. Hãng xe sẽ đặt cho mình một ổ khóa mới, đến ngày hôm nay thì mang xe đến đại lí để thay thế. Mọi chi phí sửa chữa sẽ do hãng trả, mình không tốn bất cứ khoản tiền nào”.
Để tìm hiểu rõ thông tin này chúng tôi đã liên hệ với đại diện truyền thông của hãng xe Honda, phía công ty Honda Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã thông báo công khai trên trang thông tin điện tử www.honda.com.vn với tên gọi “Honda Việt Nam thực hiện chiến dịch dịch vụ cho xe SH125/SH150”.
Honda Việt Nam khẳng định đây là chiến dịch dịch vụ đơn thuần dành cho sản phẩm của Công ty và Honda Việt Nam không giấu thông tin này. Tuy nhiên, văn bản không đề cập hay thừa nhận chìa khóa xe SH có lỗi, vấn đề được cho là đã khiến Honda Việt Nam phải đưa ra chiến dịch dịch vụ thay thế phụ tùng xe.
Cận cảnh hóa đơn thay ổ khóa mới. |
Bản tin thông báo về chiến dịch dịch vụ cho xe SH đăng tải hôm 26/10 trên trang thông tin điện tử (website) của Honda Việt Nam cũng thể hiện mập mờ lý do thay bộ điều khiển chìa khóa SH và khẳng định vấn đề không gây ảnh hưởng tới an toàn của xe và người điều khiển.
Trong khi đó, hệ thống cảnh báo chống trộm của SH chính là tính năng được Honda Việt Nam nhấn mạnh khi quảng cáo bán xe ngay từ thời điểm đưa sản phẩm ra thị trường.
Chưa thể khẳng định Honda Việt Nam có vi phạm các quy định về quảng cáo hay luật bảo vệ người tiêu dùng hay không, nhưng việc liên doanh xe máy lớn nhất Việt Nam nói với khách hàng vấn đề của xe không ảnh hưởng tới an toàn vận hành xe là chưa đủ khi vô tình hay cố ý “quên” khuyến cáo “thượng đế” của mình về nguy cơ mất trộm tài sản, xuất phát từ chính lỗi sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phương – Phó trường phòng quản lý xe cơ giới – Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Lỗi liên quan đến việc phát tín hiệu cảnh báo bằng đèn nháy và còi. Khi kích hoạt hệ thống chống trộm, hệ thống đều khiển chống trộm sẽ hoạt động trong 10 ngày nhưng do lỗi phần mềm nên nó chỉ hoạt động trong 10 phút. Do đó, thông tin mà hãng xe quảng cáo với thực tế là khác nhau hoàn toàn. Tuy nhiên đây chỉ là chức năng cảnh báo, còn các chức năng khóa khác vẫn hoạt động bình thường”.
Ông Phương cho biết thêm, ngày 26/10, Honda Việt Nam có gửi văn bản báo cáo đến Cục Đăng kiểm Việt Nam giải trình về lỗi này và họ nói rằng lỗi này do phần mềm và không ảnh hưởng đến an toàn, không vi phạm quy chuẩn nên hãng xe đề nghị thực hiện chiến dịch làm hài lòng khách hàng, chứ không nghiêm trọng đến mức phải triệu hồi.
Tuy nhiên khi Cục xem xét báo cáo của Honda Việt Nam, còn tồn tại một số điểm chưa rõ ràng.
Ngày 15/11, đại diện Honda Việt Nam tiếp tục đến làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tại buổi làm việc này, trước những câu hỏi của đăng kiểm viên thì Honda Việt Nam không có câu trả lời xác đáng. Chính vì vậy Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu hãng xe Honda Việt Nam phải giải trình lần thứ ba về việc lỗi phần mềm của sản phẩm xe SH.
Thu Trang