Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
|
Bắp GMO được trồng tại Tân Châu, An Giang hồi tháng 8.2015 – Ảnh: Quang Thuần |
Từ tháng 3.2015, bắp biến đổi gien chính thức được phép thương mại hóa và đưa vào sản xuất đại trà tại VN. Điều đáng nói là, có trồng cây biến đổi gien hay không thì nông dân được tự quyết nhưng có ăn thực phẩm này hay không thì người tiêu dùng lại không có quyền lựa chọn.
Sau quyết định công nhận 3 giống bắp biến đổi gien (GMO) của Công ty Syngenta từ Bộ NN-PTNT, nhiều địa phương trên khắp cả nước trồng khảo nghiệm, trồng thương mại bắp GMO, có thể kể đến như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang… Giá hạt giống của bắp GMO cao gấp đôi bắp thường, khoảng 200.000 đồng/kg. Chính vì vậy mà có địa phương còn lên kế hoạch hỗ trợ 100% tiền mua giống cho bà con nông dân để mở rộng diện tích trồng.
Chỉ năng suất vụ đầu
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết: Hiện nay chủ yếu vẫn là trồng thực nghiệm vì còn liên quan đến rất nhiều khâu như làm giống và một số bước khác. Câu chuyện ở đây là để nông dân lựa chọn bắp GMO với các loại thông thường. Đây cũng là quan điểm của một số chuyên gia ủng hộ việc phát triển cây trồng GMO ở VN.
Pháp luật luôn đi sau thực tế phát triển, đó là một thiệt thòi của người tiêu dùng.
Chính vì vậy các cơ quan chức năng cần sớm có quy định cụ thể và bắt buộc dán nhãn đối với nhóm sản phẩm này, thứ nhất là để kiểm tra, kiểm soát; thứ hai là người tiêu dùng thực hiện quyền được lựa chọn của mình
~Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM
“Để cho nông dân tự quyết” chính là câu chuyện khiến không ít nhà khoa học nghi ngại. GS-TS Bùi Thế Cường, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ (SISD), bình luận: “Khi để cho người nông dân toàn quyền lựa chọn có trồng GMO hay không, khả năng rất cao sẽ xảy ra là nông dân thiếu sự định hướng, không được cung cấp đủ thông tin, vì lợi ích trước mắt có thể sẽ không có sự lựa chọn khôn ngoan nhất”. Bổ sung cho quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), cũng cho rằng các công ty bán giống biến đổi gien với tiềm lực kinh tế hùng hậu sẽ bày “mê hồn trận” trong chiến lược tiếp thị, khiến người nông dân khó tỉnh táo để đưa ra quyết định đúng đắn.
PGS-TS Ngô Thị Xuyên, Học viện Nông nghiệp VN, người từng có kinh nghiệm trực tiếp nghiên cứu về chuyển gien tại ĐH California Riverside (Mỹ), cho biết các nhà khoa học đang nghiên cứu và chưa đưa ra được một kết luận cụ thể, nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ liên quan đến an toàn của cây trồng GMO đối với môi trường và sức khỏe con người. Qua nghiên cứu thực nghiệm trên cây cà chua GMO cho thấy nó chỉ phát triển tốt trong năm đầu tiên, những năm tiếp theo càng ít tốt hơn. Thực tế đó đã xảy ra trên cây bắp ở một số nơi trên thế giới. “Là người nghiên cứu về chuyển gien, tôi muốn khẳng định một điều là trong tự nhiên vô cùng phong phú, chúng ta chỉ cần lai tạo mà không cần chuyển gien cũng có thể tạo ra nhiều giống cây trồng cho năng suất rất cao”, TS Xuyên nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng với xu hướng chung của thế giới là hướng đến các sản phẩm chất lượng ngày càng cao, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng thì việc cho trồng GMO sẽ vô tình đẩy nền nông nghiệp nước nhà mãi quanh quẩn “hàng chất lượng thấp, số lượng nhiều, giá rẻ”.
Thiệt thòi cho người tiêu dùng
Theo TS Nguyễn Quốc Vọng, tùy thuộc vào từng quốc gia có những quy định khác nhau về thực phẩm GMO. “Ví dụ ở Úc quy định tỷ lệ phải dưới 1%, có nghĩa là nếu con bò sử dụng thức ăn có tỷ lệ GMO trên 1% thì là GMO. Còn bên Mỹ trên 5% là GMO. Chúng ta phải tìm hiểu cẩn thận về các quy định này để các sản phẩm nông sản xuất khẩu của chúng ta không bị xem là GMO”, ông nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở TP.HCM cũng đánh giá câu chuyện GMO có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi. “Chúng ta chưa có gì chắc chắn nên tạm thời không bàn đến. Nhưng dưới góc độ là một người tiêu dùng, tôi cho rằng vấn đề có chấp nhận GMO hay không hãy để thị trường quyết định. Muốn như vậy thì các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ công khai, minh bạch thông tin cho người dân được biết để họ thực hiện quyền lựa chọn của mình. Cách công khai thông tin tốt nhất là buộc các sản phẩm có GMO phải dán nhãn để người tiêu dùng phân biệt với sản phẩm thường”, vị này nói.
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, nhìn nhận luật An toàn vệ sinh thực phẩm đã có điều khoản bắt buộc ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm biến đổi gien nhưng do chưa có hướng dẫn chi tiết nên trên thị trường hiện nay chưa thấy sản phẩm nào có nhãn GMO, trong khi thực tế qua khảo sát của Quatest 3 trước đây là có. “Pháp luật luôn đi sau thực tế phát triển, đó là một thiệt thòi của người tiêu dùng. Chính vì vậy các cơ quan chức năng cần sớm có quy định cụ thể và bắt buộc dán nhãn đối với nhóm sản phẩm này, thứ nhất là để kiểm tra, kiểm soát; thứ hai là người tiêu dùng thực hiện quyền được lựa chọn của mình”, bà Thu nói.
Theo luật An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2012, thực phẩm đóng gói sẵn có thành phần GMO trên 5% phải được công bố trên nhãn. Tuy nhiên trên thực tế, không có mặt hàng nào ghi dù chúng ta đang trồng và nhập nguyên liệu từ cây trồng biến đổi gien từ nhiều năm nay.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn thủy hải sản Minh Phú, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu VN, cho biết nhu cầu của khách hàng thế giới ngày càng cao, đặc biệt là các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu. Họ chẳng những yêu cầu chất lượng sản phẩm phải ngon mà còn phải an toàn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. “Thời gian gần đây một số khách hàng của Minh Phú đã đề cập thêm yêu cầu phải chứng minh sản phẩm không liên quan tới thực phẩm biến đổi gien. Điều này có nghĩa là con tôm phải được nuôi bằng nguồn thức ăn truyền thống. Chúng tôi cũng đã có bước chuẩn bị để có thể sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng”, ông Quang chia sẻ.
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo