Văn hóa thần truyền
Cổ nhân Trung Quốc nhấn mạnh việc con người hành xử chiểu theo Thiên lý và gia tăng đức bằng cách nâng cao phẩm chất đạo đức. Nhiều kinh sách nhấn mạnh về tích đức hành thiện và hay giúp người mà không sa vào sắc dục.
Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn có viết: “Những người tham lam sắc dục, hành vi bất chính, làm lu mờ đi bản tính lương thiện và danh tiết. Trái với Thiên lý sẽ phải chịu nhận trừng phạt. Thiên thượng sẽ giáng tai họa cho những người này, báo ứng vô cùng nhanh chóng. Nếu có người không sợ báo ứng và tiếp tục những dục vọng bất chính, thiên tai sẽ đến bất cứ lúc nào. Chỉ những ai trọng đức, giữ thân như ngọc thì mới có thể được phúc báo.”
Cổ nhân Trung Quốc tin rằng những người có thể nghiêm khắc với bản thân về vấn đề sắc dục sẽ được phúc báo. Còn nếu tham sắc túng dục, làm ra những chuyện trái với luân thường đạo lý; thậm chí không làm gì cả, nhưng có những suy nghĩ bất chính thì cũng coi như có tội. Người nào mà trái với Thiên đạo thì chính họ và thế hệ sau sẽ phải chịu tai ương. Nhiều ví dụ đã được ghi lại trong suốt thời kỳ lịch sử.
1. Được ban phúc vì cự tuyệt sắc dục
Lâm Mậu Tiên sống tại Giang Tây, Tín Châu vào thời Bắc Tống. Ông là người có học vấn nhưng gia cảnh nghèo túng nên ông đành tự mình đóng cửa đọc sách. Gần đó có một vị phu nhân của một gia đình giàu có, hiềm nỗi chồng bà không có học vấn. Do ái mộ danh tiếng Lâm Mậu Tiên, bà đã một lần nhân lúc nửa đêm tìm đến nhà ông.
Lâm Mậu Tiên nghiêm túc nói rằng: “Nam nữ khác biệt, lễ pháp bất dung, thiên địa quỷ thần đều có thể thấy, bà sao có thể làm ô uế phẩm hạnh của ta?” Vị phu nhân nọ nghe xong xấu hổ mà rời đi.
Năm sau, Lâm Mậu Tiên thi đỗ tiến sỹ, được đề bạt làm Thái Thường Khanh, một chức quan nhị phẩm. Sau này, bốn người con trai của ông đều đỗ đạt tiến sỹ, và gia đình ông trở nên thịnh vượng.
2. Khuyến thiện khiến Thần cảm động
Thời nhà Minh có một người tên là Lý Định. Ông là người đôn hậu, khuyến dương cái thiện, phản đối cái ác. Hễ nghe thấy bạn bè hay người thân đàm luận những chuyện bất chính, ông đều nghiêm túc chỉ ra vấn đề. Để giúp mọi người nhận rõ thị phi, tránh nói càn làm ô uế danh tiết của người khác, ông đã viết một bài với tựa đề “Giới khẩu nghiệt văn” (Nghiêm khắc với lời nói của mình). Ông cũng thường khuyên mọi người đọc sách cho nhiều, tránh vô cớ tạo nghiệp, thành thử rất nhiều người nghe lời ông mà đã hối cải hướng thiện.
Một thời gian sau, Lý Định tham dự khoa cử. Đêm trước ngày biết kết quả, ông nằm mộng thấy người cha quá cố của ông nói với ông rằng: “Kiếp trước, con có tài năng nhưng kiêu căng ngạo mạn, không biết khiêm nhường đối nhân xử thế. Kết quả là Trời đã quyết định để con thất bại và thi rớt trong đời này.“
“Tuy nhiên, một người khác cùng ứng thí lần này, chủ định sẽ được đứng đầu bảng, nhưng lại tham sắc dục, tháng trước đã làm ô uế danh tiết của một thiếu nữ chưa xuất giá, do đó mà công danh bị tước đi. Văn Xương Đế Quân [một vị Thần cai quản việc học hành và văn hóa của Trung Quốc] nghe được bài viết về giới khẩu của con, nhờ nó mà nhiều người đã hối cải không còn bàn luận các chuyện tà dâm, lại biết được con khuyên bảo người khác đọc sách hướng thiện, nhận thấy con đã tích được rất nhiều âm đức, đã quyết định để con đỗ đạt lần này. Về sau con nhất định phải cần mẫn tu đức, báo đáp Thiên ân.”
Lý Định nghe xong cảm thấy rất vui mừng. Và quả nhiên là năm đó ông đã đỗ Trạng nguyên. Sau khi nhậm chức làm quan, ông tận lực làm việc thiện, sau này làm quan đến chức Ngự sử.
Chủng tâm từ bi khuyến thiện, từ bỏ điều ác này khiến trời đất cũng cảm động, làm được như vậy tất phúc vận gia tăng, sớm ngày được thiện báo.
3. Bậc nghĩa sỹ tránh được tai họa
Thời nhà Thanh, có một lần hỏa hoạn phát sinh tại Hàng Châu, hơn 10 ngôi nhà bị cháy, và nhiều quan viên đều đã xuất tiền để tìm cách cứu hỏa. Trong thời điểm hoảng loạn này, nhiều người xem đã chứng kiến một vị Thần mặc áo giáp vẫy một lá cờ đỏ, chỉ huy ngọn lửa tránh khỏi một ngôi nhà. Đây là nhà của một vị quan tên là Cố, tuy nhiên khi ấy ông Cố đang phụng mệnh hành sự tại Giang Nam không có mặt ở nhà. Ngôi nhà còn nguyên vẹn, vợ và đứa con nhỏ của ông bình an vô sự. Người dân cảm thấy vô cùng kinh ngạc, không hiểu vì đâu lại có sự việc này.
Đây là câu chuyện về chuyến đi của ông Cố.
Ông Cố trên đường đi Giang Nam đã đóng thuyền tại bờ sông Tô Châu, ông nhìn thấy một vị thiếu phụ đứng khóc gần đó. Ông bèn lại gần hỏi nguyên nhân, vị thiếu phụ nói: “Chồng tôi thiếu tiền lương thuế 50 lạng bạc nên bị quan giam vào ngục, tôi không đang tâm nhìn chồng mình chết trước, nên muốn trầm mình tự vẫn.” Ông Cố không chần chừ lấy ra 50 lạng bạc cho người thiếu phụ, cô bái tạ rồi rời đi.
Trên đường trở về, ông Cố lại neo thuyền tại địa điểm lần trước. Người thiếu phụ đã nhận ra ông và nói với chồng mình, họ đã mời ông Cố đến nhà, chuẩn bị khoản đãi và giữ ông ở lại qua đêm. Người chồng nói với vợ: “Ân cứu mạng này, gia cảnh chúng ta bần hàn, chẳng biết làm sao đền đáp, vậy thì đêm nay nàng hãy đến hầu hạ cho ông ấy.” Đến nửa đêm, người thiếu phụ đi vào phòng nghỉ của ông Cố, ông đã nhất mực cự tuyệt cô và tự mình quay trở lại thuyền ngủ.
Sau khi ông Cố về đến nhà, hàng xóm hỏi ông đã làm việc phúc đức gì mà được các vị Thần bảo hộ cho ngôi nhà không bị lửa thiêu. Ông cũng không thể nghĩ ra nguyên nhân.
Khi liên tục bị hỏi, ông đã nghĩ việc giúp đỡ hai vợ chồng ở Tô Châu và từ chối lời đề nghị của họ. Thời điểm xảy ra sự việc trùng khớp với lúc xảy ra trận hỏa hoạn.
Ông Cố đã cứu mạng hai vợ chồng, công đức vô cùng to lớn; lại cự tuyệt tà dâm, giữ danh tiết cho người thiếu phụ cũng như bảo trì phẩm hạnh của mình, khiến trời đất cảm động. Do đó Thiên thượng đã cứu gia đình ông tránh khỏi hỏa hoạn, cũng là để người dân kiến chứng được thiện báo.
(Còn nữa)
Theo: vn.minghui.org
2015-11-12 10:26:08
Nguồn: http://tientri.net/van-hoa-than-truyen/he-qua-cua-sac-duc-p1/