Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đã giảm trong quý 3 vừa qua do sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và toàn cầu.
Mức giảm của GDP Nhật quý 3 mạnh hơn nhiều so với mức dự báo giảm 0,2% mà các nhà phân tích dự báo trước đó. Ảnh: Reuters |
Dữ liệu vừa được công bố xác nhận những gì mà nhiều chuyên gia đã dự báo: nền kinh tế đất nước mặt trời mọc rơi vào cuộc suy thoái thứ hai kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền vào tháng 12/2012.
Theo tin từ Bloomberg, kinh tế Nhật giảm 0,8% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 0,7% trong quý 2. Với hai quý suy giảm liên tiếp, kinh tế Nhật đáp ứng định nghĩa của một cuộc suy thoái.
Mức giảm của GDP Nhật quý 3 mạnh hơn nhiều so với mức dự báo giảm 0,2% mà các nhà phân tích dự báo trước đó.
Môi trường đầu tư sa sút và hoạt động giảm hàng tồn kho của các công ty được xem là nguyên nhân trực tiếp đẩy kinh tế Nhật rơi vào suy thoái. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc và triển vọng tăng trưởng yếu của nền kinh tế toàn cầu là lý do khiến các doanh nghiệp Nhật hạn chế chi tiêu và thu hẹp sản xuất.
Theo dự báo, tăng trưởng GDP của Nhật sẽ khởi sắc trong quý 4 năm nay. Tuy nhiên, việc nền kinh tế rơi vào suy thoái có thể gia tăng áp lực buộc Thủ tướng Abe và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) Haruhiko Kuroda tăng cường các biện pháp kích thích tăng trưởng bằng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
“Báo cáo này cho thấy rủi ro gia tăng về việc kinh tế Nhật sẽ tiếp tục tình trạng trì trệ. Đầu tư cơ bản yếu đang trở thành một mối lo lớn hơn. Mặc dù có những kế hoạch chắc chắn, các công ty vẫn không tin tưởng vào sự vững vàng của nền kinh tế trong và ngoài nước”, chuyên gia kinh tế Atsushi Takeda thuộc công ty Itochu Corp. ở Tokyo nhận xét.
Theo số liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố sáng 16/11, việc giảm hàng tồn kho khiến tăng trưởng kinh tế Nhật thụt lùi 0,5 điểm phần trăm trong quý 3. Suy giảm đầu tư dẫn tới mất 0,2 điểm phần trăm tăng trưởng. Trong khi đó, tiêu dùng cá nhân giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật quý 3 tăng thêm 0,3 điểm phần trăm.
Sự suy giảm đầu tư được xem là một thất bại đối với Thủ tướng Abe, người kêu gọi các công ty Nhật sử dụng dự trữ tiền mặt đang ở mức lớn kỷ lục để đầu tư cơ bản nhiều hơn. So với quý 2, đầu tư cơ bản của các doanh nghiệp Nhật giảm 1,3%.
Kể từ khi lên cầm quyền, ông Abe đã đặt chấn hưng tăng trưởng kinh tế trở thành một ưu tiên hàng đầu. Nhà lãnh đạo này cũng áp dụng các chính sách kích thích lạm phát khiến đồng Yên giảm giá, từ đó hỗ trợ cho xuất khẩu và thúc đẩy lợi nhuận mà các công ty Nhật chuyển từ nước ngoài về nước.
Theo một số chuyên gia, kinh tế Nhật có thể đã chạm đáy trong quý 3, nhưng nhiều khả năng Chính phủ Nhật sẽ đưa ra một gói kích thích tăng trưởng mới.
Đồng Yên đã tăng giá sau khi thống kê kinh tế Nhật quý 3 được công bố. Vào lúc gần 10h sáng nay tại thị trường Tokyo, tỷ giá đồng Yên so với USD tăng 0,1%, đạt mức 122,46 USD/Yên.
Bloomberg cho biết, giới đầu tư đang mua vào đồng Yên như một tài sản an toàn sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra ở thủ đô Paris của Pháp hôm thứ Sáu tuần trước.
Mấy tháng gần đây, kinh tế Nhật phát đi hàng loạt dữ liệu xấu: lạm phát giảm, chi tiêu các hộ gia đình giảm, sản lượng xe giảm, doanh thu bán lẻ giảm, nhập khẩu giảm, và xuất khẩu trì trệ. Một điểm sáng hiếm hoi là sản lượng công nghiệp Nhật tăng 1,1% trong tháng 9 so với tháng 8, nhưng mức tăng này không đủ để bù đắp sự suy giảm trong tháng 7 và tháng 8.
“BOJ cần phải hành động ngay nếu họ nhìn vào những yếu tố nền tảng của nền kinh tế: giá cả giảm và nền kinh tế không tăng trưởng”, chuyên gia Takeda đánh giá.
Mới đây, Thủ tướng Abe yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Akira Amari soạn thảo các biện pháp nhằm đạt mục tiêu tăng GDP danh nghĩa của Nhật thêm 20%, đạt 600 nghìn tỷ Yên, trong 5 năm.
Ngày 16/11, sau khi số liệu GDP quý 3 được công bố, ông Amari nói ngân sách bổ sung, nếu có, sẽ tập trung vào giải quyết các vấn đề dân số của Nhật và giảm nhẹ tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với kinh tế nước này.
Theo Vneconomy