(Tin quân sự nước ngoài) – Mỹ vừa thử nghiệm thành công vụ thử thứ ba và cũng là cuối cùng với bom hạt nhân cải tiến B61-12 tại thao trường Tonopah ở Nevada.
Ngày 17/11, trang mạng Lenta của Nga đưa tin, Cục an ninh hạt nhân quốc gia trực thuộc Bộ năng lượng Mỹ cho biết, Mỹ vừa thử nghiệm thành công vụ ném bom nguyên tử thử thứ ba và cũng là cuối cùng đối với bom hạt nhân cải tiến B61-12 tại thao trường Tonopah ở Nevada.
Máy bay Mỹ thả bom B61-12 từ trên không. Ảnh Ria Novosti |
Theo nguồn tin trên, vụ thử nghiệm bom diễn ra trong mô phỏng và không có đầu đạn hạt nhân, tuân thủ đúng hiệp ước quốc tế về cấm các vụ nổ hạt nhân và là bằng chứng cho thấy sự tái cam kết bảo đảm an ninh quốc gia và các đồng minh của Mỹ. Bom nguyên tử được thả từ máy bay tiêm kích ném bom F-15E trong điều kiện bay có điều khiển sát với thực tế.
Trước đo, vụ thử nghiệm ném bom nguyên tử B61-12 có điều khiển đầu tiên được tiến hành ngày 1/7. B61-12 là biến thể bom hạt nhân hiện đại nhất của Mỹ, thế hệ trước nó được sản xuất vào những năm 1960. Phiên bản mới nhất B61-12 được trang bị tổ hợp điều khiển và bánh lái đuôi.
Bên cạnh việc lắp bánh lái đuôi, B61-12 còn được loại bỏ hệ thống dù mà theo đánh giá của Lầu Năm Góc nó đã quá “già nua” và đắt đỏ. B61-12 cải tiến khác với phiên bản cũ ở chỗ nó có công suất đầu đạn nhỏ hơn và hệ thống điều khiển với độ rơi chính xác hơn (phiên bản cũ là bom thông thường rơi tự do).
Hình ảnh mô phỏng B61-12 rơi sát mục tiêu. Ảnh Ria Novosti |
Ngày 22/9 xuất hiện thông tin về việc Mỹ sẽ triển khai B61-12 trong thời gian tới ở châu Âu. Theo đó, Đức có kế hoạch tích hợp 20 quả bom B61-12 cho các máy bay Tornado tại căn cứ không quân Büchel.
Trước động thái của Mỹ, Người phát ngôn chính thức Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng, việc bố trí vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ cùng với thực tế “sử dụng chung” là vi phạm các quy định chung của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov, bom B61-12 cải tiến có thể trở thành một thành phần của vũ khí tấn công chiến lược (nếu bố trí trên máy bay ném bom hạng nặng) hoặc vũ khí phi hạt nhân (nếu bố trí trên máy bay không quân chiến thuật). Bên cạnh đó, ông Anatoly Antonov cho biết, Mỹ không mong muốn từ bỏ kế hoạch lôi kéo các quốc gia thành viên phi hạt nhân NATO vào sứ mệnh hạt nhân chung do Mỹ khởi xướng.
Bom B61-12 đã thử nghiệm thành công. |
Còn cựu Thư ký Nghị viện Đức phụ trách về quốc phòng, ông Willie Wimer cho biết, việc Mỹ có kế hoạch triển khai bom B61-12 cải tiến tại châu Âu là hành động mang tính khiêu khích có chủ ý nhằm chống lại Nga.
Nguyễn Hoàng