Buôn lậu, gian lận thương mại đã trở thành một vấn nạn nhức nhối và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế đất nước.
Hưởng ứng Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam (29/11), ngày 27/11 tại khách sạn Melia, Thời Báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) tổ chức Hội thảo “Tình trạng tôn gian, kém chất lượng nhập khẩu, hậu quả và giải pháp”.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo nhiều cơ quan ban ngành. |
Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Công thương, Cục Quản lý Thị trường, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Quatest), cùng các chuyên gia ngành tôn thép, chuyên gia kinh tế, thị trường, trên 50 phóng viên, nhà báo và gần 100 doanh nghiệp trong ngành tôn thép.
Buôn lậu, gian lận thương mại đã trở thành một vấn nạn nhức nhối và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế đất nước. Ngày 19/3/2014 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) do Đồng chí Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban.
Ngày 26/10 vừa qua, tại Hội nghị tổng kết 9 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã thống kê có gần 150.000 vụ việc vi phạm bị phát hiện, bắt giữ và xử lý hiệu quả, thu và nộp ngân sách từ xử phạt vi phạm hành chính 8.760 tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ 2014). Công tác tuyên truyền cũng đã được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng tôn thép tiếp tục diễn ra hết sức phức tạp với thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn, diễn ra với không gian rộng… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chân chính của các doanh nghiệp, thiệt hại về kinh tế và suy yếu niềm tin của người tiêu dùng, làm vẩn đục môi trường kinh doanh và làm xấu đi hình ảnh quốc gia trong cách nhìn của các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.
Theo ước tính của Hiệp hội Thép Việt Nam, với sức tiêu thụ loại sản phẩm này hiện nay thì hàng năm, người tiêu dùng bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và ngân sách nhà nước mất đi hàng trăm tỷ đồng do những chiêu trò gian lận của một số doanh nghiệp, đơn vị phân phối, đại lý mặt hàng tôn thép mạ và phủ màu.
Với mục tiêu tìm ra những biện pháp để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại mặt hàng tôn thép, bảo vệ người tiêu dùng, nhân kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái – 29/11, Thời Báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (VINASTAS) tổ chức Hội thảo “Tình trạng Tôn gian, kém chất lượng nhập khẩu: hậu quả và giải pháp”.
Một cuộc thí nghiệm trực quan để phân biệt tôn gian, tôn kém chất lượng được diễn ra tại Hội thảo. |
Hội thảo là diễn đàn mở để các cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội, các Doanh nghiệp trực tiếp sản xuất & kinh doanh, phân phối mặt hàng tôn thép, các phóng viên, báo chí, truyền hình… cùng đối thoại, chia sẻ, và thảo luận tìm ra giải pháp phù hợp để quản lý hiệu quả; bảo vệ người tiêu dùng; cùng truyền đi thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng: “Hãy nói không với hoạt động gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái”.
Nhiều bản tham luận được trình bày tại Hội thảo nhằm phản ánh thực trạng, hậu quả của vấn nạn tôn kém chất lượng, bên cạnh đó cũng đưa ra những giải pháp bảo vệ người tiêu dùng từ phía doanh nghiệp.
Trước khi Hội thảo được bắt đầu đã diễn ra một cuộc thí nghiệm trực quan để phân biệt tôn gian, tôn kém chất lượng trước sự chứng kiến của đông đảo giới truyền thông và khách mời. Tuy nhiên cũng qua thí nghiệm mà thẳng thắn nhìn nhận rằng người tiêu dùng không thể dễ dàng nhận biết được chất lượng thực sự của các loại tôn, đến độ dày của tôn còn khó phân biệt được chứ đừng nói đến chất lượng bên trong. Do đó để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng thì rất cần tới sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Hoàng Hà